Mức phân hóa thu nhập và tỷ lệ tiết kiệm năm 2024

(KTSG) – Mặc dù các con số là mang tính chất đại diện, được tính trung bình, nhưng đã phác họa phần nào bức tranh về cuộc sống của các hộ gia đình Việt Nam trong thu nhập và chi tiêu hiện nay. Đối với các doanh nghiệp, đây cũng là những thông tin không thể không để ý đến.

Mức phân hóa thu nhập và tỷ lệ tiết kiệm năm 2024
Tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình ở Việt Nam khá cao. Ảnh: HOÀNG TÂN

Mới đây Tổng cục Thống kê công bố kết quả sơ lược khảo sát mức sống năm 2020, nhằm đánh giá mức sống, tình trạng nghèo đói và phân hóa giàu nghèo của dân cư theo hướng tiếp cận đa chiều. Những kết quả này sẽ là cơ sở quan trọng trong việc thực hiện các chính sách của Chính phủ trong thời gian tới.

Mặc dù các con số là mang tính chất đại diện, được tính trung bình, nhưng đã phác họa phần nào bức tranh về cuộc sống của các hộ gia đình Việt Nam trong thu nhập và chi tiêu hiện nay. Đối với các doanh nghiệp, đây cũng là những thông tin không thể không để ý đến.

Tỷ lệ tiết kiệm cao

Theo kết quả khảo sát, thu nhập bình quân chung cả nước theo giá hiện hành vào khoảng 4,23 triệu đồng/người/tháng, còn chi tiêu là 2,89 triệu đồng/người/tháng. Như vậy tính ra tỷ lệ tiết kiệm là 31,68%. Khi nhìn cụ thể hơn vào từng khu vực thì dù với thu nhập cao gấp 1,6 lần so với nông thôn, thì tỷ lệ tiết kiệm của khu vực thành thị cũng ở mức tương đương, xoay quanh 31%.

Chi cho đời sống cơ bản quá nhiều, sau khi trừ thêm các chi phí nhà ở, đi lại, giáo dục cơ bản, y tế thì không còn khoảng trống để chi thêm cho giải trí, văn hóa thể thao, hay đầu tư phát triển.

Mặc dù có tỷ lệ tiết kiệm cao, nhưng các khoản tiết kiệm này lại mang tính dự phòng là chủ yếu.

Điều này cho thấy tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình ở Việt Nam khá cao, khi so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Theo một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thì trong năm 2020, tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình khu vực đồng euro (16 nước) là 14,3%, Mỹ là 16,1%, Anh là 19,4%, Pháp là 20,6%, Đức là 16,6%, Canada là 15%, và Úc là 14,4%.

Tuy nhiên, cần lưu ý một điều, ở các nước phát triển, tỷ lệ tiết kiệm tăng bất thường trong năm 2020 so với trước đây. Nguyên nhân vì đại dịch Covid-19, giãn cách xã hội nên chi tiêu bị hạn chế, trong khi các gói hỗ trợ của chính phủ thì dồi dào.

Một số bộ phận lao động trong lĩnh vực dịch vụ, tiếp xúc nhiều người bị gián đoạn việc làm, nhưng bảo hiểm thất nghiệp, các khoản hỗ trợ vẫn đảm bảo được phần lớn thu nhập. Còn nhóm trung bình khá, có thể làm việc từ xa, thì hầu như không bị ảnh hưởng gì về thu nhập, mà chi tiêu lại giảm nhiều.

Tỷ lệ tiết kiệm của hộ gia đình Việt Nam ở mức 31-32% thì mang lại thông điệp gì?

Có lẽ điều đầu tiên là ý thức dự phòng cho những bất trắc trong tương lai, như chi phí y tế và giáo dục. Đây chính là hai khoản chi tiêu lớn mà lẽ ra hệ thống an sinh xã hội phải gánh vác. Nếu nhìn vào các nước phát triển, những nước có hệ thống an sinh xã hội tốt thì dễ dàng thấy được điều này. Ví dụ, một năm trước đại dịch Covid-19, tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình ở Úc là 3,7%, Canada là 2,9%, Đan Mạch là 3,7%, Đức là 10,9%, Na Uy là 8,1%.

Ngay trong kết quả khảo sát mức sống năm 2020 cũng cho thấy, trong 10 chỉ số phản ánh mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản thì ba chỉ số có mức độ thiếu hụt cao nhất năm 2020 là bảo hiểm y tế, giáo dục người lớn và tiếp cận hố xí hợp vệ sinh. Chính vì vậy mà thực tế ở Việt Nam, dù bảo hiểm y tế đã phần nào phát huy vai trò của mình thì người dân cũng phải bỏ thêm tiền túi để tiếp cận nhiều dịch vụ y tế. Các dịch vụ y tế, giáo dục nếu theo bảng giá dịch vụ công thì không đủ khả năng đáp ứng, trong khi dịch vụ tư thì mức chênh lệch rất lớn.

Tỷ lệ tiết kiệm cao trong khi thị trường tài chính vẫn chưa được phát triển đúng mức, các khoản tiết kiệm nhỏ lẻ vẫn chưa có cách hiệu quả để gia nhập vào thị trường vốn nên vẫn truyền thống luẩn quẩn trong tiết kiệm ngân hàng, hay vàng và ngoại tệ mạnh.

Đây cũng là bài toán từ lâu, các nhà hoạch định chính sách muốn khai thông nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư, nhưng vẫn cứ loay hoay chưa quyết tâm phát triển thị trường vốn. Khi ý thức, kiến thức về tài chính, đầu tư của người dân ngày càng được nâng cao thì họ luôn tìm cách để tối ưu dòng tiền từ tài sản hiện có mang lại, các hình thức tài sản vì thế cần phải đa dạng, dễ tiếp cận.

Qua một năm dịch Covid-19, tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình ở mức cao cũng là lý do cho thấy sức “chống chịu” của người dân là có cơ sở. Trong khi hỗ trợ của Chính phủ được cho là chưa hiệu quả, doanh nghiệp và người dân phải “tự bơi” nhiều thì ảnh hưởng thực sự quan sát được cũng chỉ ở một số bộ phận trong ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng, hàng không, chỉ tập trung vào những đợt giãn cách xã hội. Nhưng nếu vì lý do này mà các hỗ trợ của Chính phủ bị hạn chế thì một số lĩnh vực sẽ bị thiệt thòi, khó có sức bật trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.

Chi cho đời sống cơ bản quá nhiều

Theo kết quả khảo sát, chi cho đời sống bình quân là 2,7 triệu đồng/người/tháng, chiếm đến 93% tổng chi tiêu hộ gia đình. Đặc biệt hơn, chi cho ăn uống chiếm đến 58,5% (1,69/2,89 triệu đồng) trong tổng chi tiêu. Điều này cho thấy sau khi trừ thêm các chi phí nhà ở, đi lại, giáo dục cơ bản, y tế thì không còn khoảng trống để chi thêm cho giải trí, văn hóa thể thao, hay đầu tư phát triển. Mặc dù có tỷ lệ tiết kiệm cao, nhưng các khoản tiết kiệm này lại mang tính dự phòng là chủ yếu.

Điều quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là yếu tố năng suất tổng hợp (TFP), trong đó có năng suất của người lao động thông qua trình độ và kỹ năng. Nhưng nếu phần chi tiêu cho giáo dục người lớn bị thiếu hụt, không có đủ ngân sách chi tiêu cho nghỉ ngơi, giải trí, sáng tạo thì khó duy trì được năng suất lao động huống gì tái tạo và nâng cao.

Không những thế, tốc độ gia tăng trong chi tiêu còn cao hơn lạm phát mục tiêu. Năm 2020 so với năm 2018 là 13% thì tính ra trung bình cũng đã là 6,3%/năm, vượt xa lạm phát mục tiêu 4% hàng năm của Việt Nam. Nếu cả hai con số đều phản ánh sát thực tế thì có cả tín hiệu vui lẫn buồn: vui là vì nhu cầu tiêu dùng còn tăng, nhưng buồn là vẫn tập trung vào các hàng hóa dịch vụ cơ bản.

Khảo sát mức sống là một nguồn thông tin rất cần thiết, không chỉ giúp cho việc xây dựng, thực hiện các chính sách hiệu quả hơn mà còn giúp các doanh nghiệp định hình được nhu cầu của thị trường. Việc giảm bớt tỷ lệ tiết kiệm, và từ tiết kiệm đầu tư nhiều hơn vào nền kinh tế qua các kênh của thị trường vốn là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chi tiêu hộ gia đình cần phân bổ nhiều hơn để hướng đến việc tăng năng suất lao động, tăng thu nhập từ tiền lương, tiền công chính thức, bởi vì hiện nay tỷ lệ này trong thu nhập chỉ là 55,3%.

Thực ra thì chi tiêu, đầu tư, thu nhập là một vòng tương tác qua lại lẫn nhau, ở góc độ hộ gia đình và cả vĩ mô. Hộ gia đình có thể sắp xếp lại chi tiêu để tăng đầu tư, từ đó tăng thu nhập trong tương lai, rồi từ đó lại có nguồn lực để tăng đầu tư và chi tiêu. Và các chính sách của Chính phủ cũng vậy thôi, những lúc khó khăn thì phải tăng đầu tư công, chi tiêu công hiệu quả, để thu nhập của doanh nghiệp và người dân được tăng, từ đó chi tiêu khu vực tư được kéo lên. Và nếu như vậy, kinh tế lại phục hồi và phát triển.