Người có uy tín là gì năm 2024

Từ khi thành lập Đảng và trong suốt quá trình lịch sử cách mạng của dân tộc, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng ta là: “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”.

Trong từng thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước luôn linh hoạt trong vận động và phát huy vai trò của những người có ảnh hưởng trong đồng bào dân tộc thiểu số và đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, cả nước có gần 30.000 người có uy tín trong cộng đồng. Đây là những người được thôn bản, buôn làng, phum sóc bình chọn, suy tôn, gắn bó mật thiết với nhân dân. Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu là già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng đội ngũ người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhằm kịp thời động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho người có uy tín phát huy triệt để vị trí, vai trò quan trọng của mình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/3/2011, được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg ngày 7/10/2013 và được thay thế bởi Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 để triển khai thực hiện các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này được thể hiện rõ trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu và miền núi giai đoạn 2021-2030 dành một dự án riêng triển khai thực hiện chế độ, chính sách cho người có uy tín.

Với uy tín của bản thân cộng với những am hiểu thực tiễn địa phương, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông qua nhiều cách tuyên truyền chính sách dân tộc thiết thực, cụ thể như tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình trong thôn bản, tuyên truyền bằng việc làm cụ thể, tiên phong hướng dẫn các gia đình thực hiện phương thức làm giàu trên mảnh đất quê hương; tích cực, gương mẫu để gia đình, dòng họ, thôn bản, cộng đồng noi gương và làm theo nên việc tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương đã đem lại hiệu quả rất thiết thực.

Với vai trò tiên phong, gương mẫu, người có uy tín thực sự là cầu nối quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số noi theo, làm theo, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương; tích cực tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường, tôn trọng sinh thái... góp phần quan trọng trong việc tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực tiễn cách mạng nước ta đã khẳng định người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở bất kỳ giai đoạn nào cũng luôn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Do vậy, để phát huy vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt này, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ người có uy tín thực sự là những người tiêu biểu, gương mẫu, là điểm tựa gắn kết giữa các dân tộc, là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Người có uy tín là gì năm 2024

(Ảnh minh họa)

Trong bối cảnh, tình hình mới, để phát huy hơn nữa vai trò, ảnh hưởng của đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng và địa phương, cần tiếp tục chú trọng thực hiện đồng bộ những giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của người có uy tín và công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương cần quán triệt sâu sắc, toàn diện quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò và công tác tuyên truyền vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng, linh hoạt hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm tâm lý, môi trường hoạt động, điều kiện hoàn cảnh khác nhau của người có uy tín để huy động tốt nhất sự tham gia của họ vào các hoạt động của địa phương. Đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhận thức của cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò của người có uy tín trong đồng bào.

Hai là, công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp, có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành chức năng, trong đó cơ quan công an, dân tộc, dân vận, mặt trận làm nòng cốt. Mỗi vùng, mỗi dân tộc và tùy theo yêu cầu cụ thể, các cấp, các ngành cần sử dụng linh hoạt các hình thức vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trên các lĩnh vực của đời sống xã hội gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương. Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, quản lý của chính quyền, huy động sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể các cấp trong thực hiện chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín. Nâng cao hiệu quả phối hợp của các cơ quan chức năng có liên quan trong quản lý và tổ chức thực hiện chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín.

Ba là, cùng với tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách đối với người có uy tín; cần thường xuyên quan tâm và thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho người có uy tín; nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ tốt nhất cho đội ngũ người có uy tín, trong đó tăng cường thông tin, biểu dương, khen thưởng, gặp mặt, thăm nom đối với người có uy tín...

Bốn là, tăng cường cập nhật thông tin, tập huấn, bồi dưỡng trang bị kiến thức cho người có uy tín. Theo đó, các cơ quan, ban, ngành chức năng cần có kế hoạch truyền tải thông tin kịp thời, đầy đủ, có định hướng; tăng cường điều kiện để người có uy tín hoạt động. Đồng thời không ngừng trao đổi, định hướng để người có uy tín luôn nhận thức rõ vai trò của mình, thường xuyên đổi mới, nâng cao nhận thức theo sự vận động của xã hội để kịp thời thích ứng, phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của mình với cộng đồng.

Năm là, tăng cường phối hợp với các sở, ngành địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; quan tâm chăm lo cho người có uy tín; kịp thời phản ánh, giải quyết các nguyện vọng, đề xuất của bà con; chăm lo xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số nói chung, đội ngũ cán bộ làm công tác vận động người có uy tín nói riêng.../.

Người có uy tín gồm những ai?

Người có uy tín là lực lượng nòng cốt đặc biệt và là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân ở địa phương trong việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Uy tín là cái gì?

Uy tín là danh từ chỉ sự tín nhiệm và mến phục được mọi người công nhận. Nó biểu thị cho sự đáng tin cậy và đáng kính trọng của một cá nhân hoặc tổ chức trong cộng đồng.