Công nghệ sinh học Đại học Mở học ở cơ sở nào

19h00 ngày 12/05/2022, Chương trình live stream tại Page Facebook Trường ĐH Mở Tp. HCM - Tư vấn tuyển sinh

Công nghệ sinh học Đại học Mở học ở cơ sở nào

Ảnh minh hoạ

Hãy cùng tham gia và chia sẻ cùng các vị khách mời:

- ThS Dương Nhật Linh - Giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Mở TP HCM

- Chị Lê Thụy Tố Như - Học viên chương trình Cao học ngành Công nghệ sinh học, Trường ĐH Mở TP HCM

- Bạn Lê Hoài Thiên Cát - Sinh viên khóa 2021, Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Mở TP HCM

Mọi thông tin cần chia sẻ, vui lòng liên hệ: Hotline: 1800 58 58 84 Facebook: Trường ĐH Mở Tp. HCM – Tư vấn tuyển sinh Email: Chương trình còn được chúng tôi tường thuật trực tuyến trên kênh giaoduc247.vn, website tuyensinh.ou.edu.vn, youtube OU,....

Phần trao đổi:

- MC Kim Oanh: Mở đầu buổi chia sẻ hôm nay, Kim Oanh xin được mời Cô Linh chia sẻ về cơ duyên đến khoa CNSH và em còn được biết Cô đã có nhiều thời gian công tác, giảng dạy và đồng hành với nhiều thế hệ sinh viên khoa CNSH?

ThS Dương Nhật Linh: Thật ra ước muốn của tôi thời cấp 3 là đậu vào ĐH Y. Tuy nhiên thời điểm đó có thể lựa chọn thi nhiều trường khác nhau thì ngoài Y ra còn đăng ký Khoa Công nghệ sinh học (CNSH) Trường ĐH Mở TP HCM nữa. Thật ra, lúc ấy mình chưa biết đến trường mình đâu, nhưng mình nhớ thời điểm ấy trong một buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, thầy Phó Hiệu trường Trường ĐH Mở bán công ngày ấy đã có một buổi chia sẻ rất hay về Công nghệ sinh học mà còn được biết Trường là nơi đầu tiên ở khu vực phía Nam đào tạo nữa. Thế là mê quá, gặp đứa thích Sinh học như mình nữa nên chấm bút điền hồ sơ với mã MBS. Và đó là lựa chọn phù hợp sau lựa chọn Y dược. Rồi cuộc đời đưa đẩy, rớt Y và đậu vào Công nghệ sinh học. Năm nhất mình vẫn còn có ý định thi lại Y, nhưng sau đó mình đã cân nhắc và lựa chọn ngành Công nghệ sinh học của Trường ĐH Mở TP HCM. Và trên hành trình ấy có rất nhiều kỷ niệm, những dấu ấn, những khoảnh khắc mà đến thời điểm hiện tại mình thấy đó là chính là cái duyên để mở ra cho mình nhiều cơ hội gắn bó với ngành với nghề. Và may mắn mình được quay lại Trường đồng hành cùng các bạn Sinh viên để chia sẻ, dẫn dắt các em để các bạn bớt bỡ ngỡ như mình hồi xưa.

- MC Kim Oanh: Còn chị Như thì sao, cơ duyên nào đã đưa chị đến với Khoa CNSH ?

Lê Thụy Tố Như: Mình thì hồi xưa mê môn Sinh học lắm, hồi đó cứ nhìn vào sách báo thấy các hình ảnh con người động vật mà mọi người vẽ hay là nghe nói về quá trình nó sinh sống phát triển ngoài tự nhiên mình mê lắm. Sau này khi mà tới lúc chọn nguyện vọng thi Đại học thì mình nghĩ ngay tới ngành liên quan đến sinh học luôn, mà kiểu mình thiên về nghiên cứu hơn là sư phạm, nên lúc đó mình đi tìm thông tin các ngành mà sau này có thể làm những việc như nghiên cứu về các sinh vật xung quanh mình, lúc đó so từ tiềm năng tới chương trình học thì mình quyết định chọn khoa CNSH. Thì cũng hay là chị của mình là cựu sinh viên của Trường ĐH Mở TP HCM, thì trong lúc chị học chị cũng hay kể về trường nên mình cũng ít nhiều có ấn tượng về trường mình, cũng hay là CNSH trường mình là một trong các trường đầu tiên mang khoa CNSH về nước mình cho nên sau khi tìm hiểu thông tin về cơ sở vật chất và sự chuyên nghiệp của đội ngũ giảng viên, thì lúc đó Như nhận ra trường chính là chân ái của đời mình.

- MC Kim Oanh: Còn bây giờ chúng ta thử lắng nghe chia sẻ của Một bạn SV rất mới ngày hôm nay, đó chính là bạn Cát. Cát có thể chia sẻ cho mọi người biết cơ duyên nào đưa Cát đến với khoa CNSH? Vì sao Cát chọn ngành CNSH tại Trường ĐH Mở TP HCM?

Bạn Lê Hoài Thiên Cát: Mình bắt đầu thấy thích việc nghiên cứu về sinh vật là từ khi mình học giải phẫu giun năm lớp 7, từ đó trở đi mình cứ ước mơ mãi là sẽ trở thành 1 nhà sinh vật học để nghiên cứu về cơ thể sinh vật như tế bào hay các cơ quan của chúng. Vô tình thay cô của mình cũng là sinh viên Trường ĐH Mở Tp. HCM luôn, sau khi được cô “rì viu” về trường thì mình tự tin rằng trường ĐH chính là nơi mà mình có thể tiếp thu kiến thức và có cơ hội lớn hơn để có thể tham gia các nghiên cứu khoa học như ước mơ của em.

- MC Kim Oanh: Thưa Cô, từ những cái bén duyên như vậy thì bằng cách nào để duyên phát triển tiếp. Vì khối ngành Kỹ thuật thông thường gắn liền với nghiên cứu khoa học và đó chính là bàn đạp để các bạn có thể tiếp tục trên hành trình tìm kiếm đam mê của mình.

Cô Linh có thể chia sẻ về các hoạt động nghiên cứu khoa học của khoa để làm rõ hơn được không?

ThS Dương Nhật Linh: Khoa Công nghệ Sinh học (CNSH) Trường ĐH Mở TP.HCM được thành lập đầu tiên ở khu vực phía Nam từ năm 1991. Là một trong những khoa có tiềm lực nghiên cứu khoa học (NCKH) mạnh, có nhiều thành tích nghiên cứu thể hiện qua số lượng các đề tài cấp quốc gia NAFOSTED, cấp Bộ GDĐT, cấp Sở KHCN TP.HCM, các Tỉnh và nhiều công trình khoa học công bố trên các tạp chí uy tín thuộc hệ thống ISI.

Khoa Công nghệ Sinh học (CNSH) Trường ĐH Mở TP.HCM gồm hai khối ngành Công nghệ Thực phẩm (CNTP) và Công nghệ sinh học (CNSH) đại trà và CLC với 3 chuyên ngành CNSH Y Dược, CNSH Thực phẩm, CNSH Nông nghiệp - Môi trường. Từ những năm đầu thành lập đến nay, sinh viên của Khoa liên tục duy trì nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi NCKH cấp Bộ, Eureka và các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hiện nay, Khoa CNSH đang nỗ lực và tiếp tục phát triển các nghiên cứu ứng dụng, tạo sản phẩm thiết thực và hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ với hệ thống 10 phòng thí nghiệm được đầu tư hiện đại và đồng bộ. SV được học tập trong một môi trường chú trọng giảng dạy kết hợp NCKH. Các bài giảng lý thuyết hầu hết được minh hoạ qua thực hành cũng như làm sâu sắc hơn kiến thức thông qua các chủ đề NCKH gắn với thực tiễn đời sống, gắn với các tình huống xuất phát từ các chủ đề nghiên cứu của các GV; và chính điều này đã tạo nên nét đặc thù trong đào tạo của Khoa.

- MC Kim Oanh: Rõ ràng, NCKH là một trong những thế mạnh của Khoa CNSH, của Trường ĐH Mở TP HCM. Vậy chị Như bén duyên với NCKH khi nào?

Lê Thụy Tố Như: Vào cuối năm nhất, lúc mà mình cảm thấy bối rối về hướng đi của mình á. Thì lúc đó trên website của khoa CNSH trường ĐH Mở có bài đăng tuyển sinh viên vào Phòng thí nghiệm (PTN) học việc, tham gia nghiên cứu. Mình nhanh chóng nắm bắt ngay cơ hội liền, tại mục tiêu của mình hướng đến khi bước vào ngành CNSH là nghiên cứu mà. Mình được nhận vào PTN và phụ giúp các anh chị khóa trước làm đề tài nghiên cứu khoa học, càng làm mình càng nhận ra rằng việc nghiên cứu không phải chỉ gói gọn trong phòng thí nghiệm thôi mà những kết quả mình đạt được từ những lần thí nghiệm đều có thể ứng dụng vào thực tế.

Ví dụ như nông nghiệp, các thí nghiệm về vi sinh vật có lợi sẽ là nền tảng giúp tạo ra phân bón, chế phẩm vi sinh để làm tăng sức đề kháng cây trồng, hay tạo ra các giống mới, ... Ngoài ra còn có các đề tài nghiên cứu về thiên địch để ứng dụng trong phòng trừ sâu hại cho cây trồng.

Gần đây nhất mình có biết đến một hướng nghiên cứu cũng rất là hay, đó là về việc sử dụng vi sinh vật để giúp phân hủy nhựa polyethylene. 

- MC Kim Oanh: Được biết hiện tại trường ĐH Mở Tp. HCM là trường đào tạo theo định hướng ứng dụng, Cô có thể chia sẻ nhiều hơn về chương trình đào tạo của khoa và các đề tài NCKH mang tính ứng dụng của khoa không?

ThS Dương Nhật Linh: GV của Khoa được đào tạo ở nhiều nước phát triển về CNSH, hiện đang chủ trì thực hiện nhiều đề tài NCKH có giá trị khoa học cao. Một số hướng nghiên cứu đang phát triển, điển hình như:

Hướng nghiên cứu về bệnh học phân tử ung thư

Hướng nghiên cứu về bệnh học phân tử thoái hóa khớp

Hướng nghiên cứu về bệnh học phân tử cao cholesterol trong máu có yếu tố gia đình

Hướng nghiên cứu về ứng dụng cấu trúc cấu trúc DNA và RNA Gquadruplex tương tác với protein trong các quá trình sinh học

Hướng nghiên cứu về nấm: kĩ thuật nuôi trồng nấm, đa dạng sinh học nấm 

Hướng nghiên cứu sản xuất một số enzyme tái tổ hợp

Hướng nghiên cứu về các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học từ cây dược liệu, vi sinh vật nội sinh cây dược liệu

Hướng nghiên cứu về các kỹ thuật canh tác hiện đại như giá thể hữu cơ, trồng cây không cần đất như thủy canh, khí canh; kỹ thuật nuôi cấy mô ứng dụng nhân giống cây trồng

Hướng nghiên cứu sản xuất sinh khối vi sinh vật sử dụng làm phân bón, thuốc trừ sâu sinh học.

Hướng nghiên cứu về thiên địch ứng dụng DNA barcode phân loại ong ký sinh, nhân nuôi một số loài thiên địch quan trọng phòng trừ sâu hại, tập tính, đa dạng sinh học côn trùng, mối quan hệ côn trùng – cây trồng

Hướng nghiên cứu về cơ chế bệnh học phân tử cây trồng và ứng dụng vi sinh vật có lợi trong kiểm soát sâu và bệnh hại cây trồng

Hướng nghiên cứu về enzyme xúc tác cho các quá trình tổng hợp nhiên liệu sinh học, vật liệu sinh học, cảm biến sinh học

Hướng nghiên cứu về thành phần dinh dưỡng, quy trình chế biến, bảo quản các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe con người, các loại thực phẩm chức năng

Hướng nghiên cứu về công nghệ nano ứng dụng trong thực phẩm chức năng và bảo quản thực phẩm

Hướng nghiên cứu gắn kết giữa công nghệ sinh học và môi trường, những công nghệ thân thiện với môi trường, hướng đến phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; điển hình như nghiên cứu công nghệ xử lý nước nhiễm BOD và Amoni

Hằng năm, số lượng công bố khoa học từ các GV, SV của Khoa trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế luôn được duy trì, phát triển.

Năm học 2019 - 2020, Khoa công bố trên 50 bài báo trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI, trong đó có 11 SV có tên trong các công bố ISI.

Năm học 2020- 2021, số bài ISI của Giảng viên Khoa trên 43 bài ISI, 07 bài Scopus, trong đó có 16 công bố của sinh viên và học viên cao

Những kết quả nghiên cứu của GV và SV trong Khoa sẽ chuyển giao thẳng cho doanh nghiệp. Khoa có tư vấn chuyển giao công nghệ cho 1 số đơn vị về lĩnh vực chế phẩm sinh học vi sinh ứng dụng trong nông nghiệp cây trồng và thủy sản, quy trình trồng nấm, các quy trình về nuôi cấy mô hay các kít chuẩn đoán SHPT trong bệnh ở người.

Về hoạt động khởi nghiệp, Khoa CNSH là 1 trong những khoa năng động nhất về các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong 3 năm từ 2017-2020. Mảng CNSH Nông nghiệp, SV khoa đã có thành tích:

- Năm 2020: Giải khuyến khích Cuộc thi Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với dự án Nghiên cứu chế tạo chế phẩm từ dòng nấm kí sinh côn trùng Isaria javanica Bb-T4 và ứng dụng trong phòng trừ sinh học côn trùng gây hại.

- Năm 2019: 01 Giải nhất cuộc thi khởi nghiệp ĐMST trong SX NNCNC 2019 do Trung tâm ươm tạo DN Nông nghiệp Công nghệ cao thuộc Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM tổ chức: dự án “Microsol – giải pháp công nghệ vi sinh thay thế kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản hiệu quả, tiết kiệm, bền vững và hướng tới nuôi trồng thủy sản hữu cơ.

- Năm 2018: 01 Giải nhất KV Phía nam, Top 20 Dự án Khởi nghiệp Quốc gia 2018: Dự án “Phát triển sản phẩm vi sinh vật có tác dụng làm giảm phát thải khí nhà kính ứng dụng trong canh tác nông nghiệp & chăn nuôi”; 01 giải Khuyến khích cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 2018, Top 20 Dự án Khởi nghiệp Quốc gia 2018: Dự án “Kết hợp vi sinh – dịch chiết thực vật phòng trừ tuyến trùng gây hại thực vật”; 01 Giải Nhì cuộc thi Hạt giống khởi nghiệp 2018 Trường ĐH Mở TPHCM–dự án “Carmera phát hiện côn trùng C-Finder”. Và dự án này đạt 01 Giải khuyến khích cuộc thi Đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 2018.; 01 giải Nhất cuộc thi YASFA- Ý tưởng sáng tạo thực phẩm an toàn dành cho tài năng trẻ 2018.

- Năm 2017: 01 giải Ba cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 2017: Dự án “Phát triển sản phẩm vi sinh vật có tác dụng làm giảm phát thải khí nhà kính ứng dụng trong canh tác nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản”; 01 giải Khuyến khích cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 2017: dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất và thương mại các chế phẩm vi sinh dạng viên thích ứng với biến đổi khí hậu ứng dụng nông nghiệp.

Bạn Lê Hoài Thiên Cát: Những ngày đầu vào học thì em bất ngờ lắm, như là em bị sốc vậy á cô. Cách học của mọi người khác với năm cấp 3 nhiều nên em hoang mang lắm, cũng may là nhờ có bạn bè luôn luôn sẵn sàng đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau nên em cũng không mất quá nhiều thời gian để thích nghi với lượng kiến thức mới như thế. À mà còn bài khó cũng không phải vấn đề lớn của em khi xung quanh em luôn có thầy cô lúc nào cũng sẵn lòng giúp em về các kiến thức khó ấy.

- MC Kim Oanh: Trong quá trình học có bao giờ chị Như tự hỏi, mình đã chọn đúng ngành và đi đúng hướng hay chưa?

Lê Thụy Tố Như: Hai học kì đầu tiên thì mình cảm thấy hơi có xíu bối rối, có lẽ là do học quá nhiều lý thuyết căn bản á, với lại chưa được vô thực hành nữa. Trước đó trong trí tưởng tượng của Như thì học là được thực hành nè rồi chạy thí nghiệm này kia nên rất là phấn khởi bước vào năm đầu học luôn. Đâu có ngờ là mình phải học các môn lý thuyết cơ sở trước rồi mới được làm thí nghiệm đâu. Lúc đó kiểu hụt hẫng á, xong cứ đi học lý thuyết rồi về học rồi về, lúc đó hay nói chuyện với các bạn, giảng viên rồi mọi người cũng động viên khuyên này kia các thứ. Nên rất may mắn là mình vẫn giữ ý định học tiếp chuyên ngành này và đúng y luôn quyết định đầu tiên của mình không hề làm mình hối hận.

- MC Kim Oanh: Muốn học tốt ngành CNSH ngoài đam mê thì người học cần phải làm gì và cần có tố chất nào để học tốt?

ThS Dương Nhật Linh: Theo cô nghĩ muốn theo học ngành CNSH thì ngoài niềm yêu thích và đam mê thì tính tỉ mỉ, cẩn thận, trung thực cũng rất quan trọng vì là ngành học thường xuyên tham gia thực hành và nghiên cứu, hoàn thiện xây dựng những quy trình để có thể ứng dụng vào cuộc sống. Bên cạnh đó, các kỹ năng mềm và ngoại ngữ cũng là yếu tổ không thể thiếu trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

- MC Kim Oanh: Có rất nhiều bạn chọn ngành theo "mác", theo "nhãn", theo cảm hứng, bộc phát hay theo phong trào mà không biết thật sự ngành nghề đó có phù hợp với mình không, chọn nghề theo sự áp đặt hoặc rủ rê của người khác (cha mẹ, bạn bè, người yêu, trend,...), chọn nghề theo may rủi bằng những phương pháp ngẫu nhiên, “bí quá đăng ký đại”, … Vậy theo Cô Linh, chọn ngành như thế nào mới đúng và phù hợp?

ThS Dương Nhật Linh: Việc chọn ngành chọn trường đúng sở thích như bạn Như và Cát thì quá đơn giản. nhưng trên thực tế, có rất nhiều bạn chọn ngành không như ý mình vì nhiều lý do khách quan.

Tuy nhiên chúng ta cũng nên cho phép mình cơ hội được trải nghiệm, tìm hiểu về ngành học bằng nhiều cách khác nhau khi đã quyết định, vì không phải lúc nào mọi thứ cũng thuận lợi và như ý.

Do vậy, khi đã quyết định và lựa chọn thì chúng ta nên dành tâm sức học tập và rèn luyện, trải nghiệm thực tế,… để làm tốt nhất và Cô tin chúng ta cũng sẽ nhận được những quả ngọt nếu thực sự nghiêm túc học tập và nghiên cứu.

Tất nhiên, việc chọn ngành không phù hợp với năng lực, tính cách, sở thích của mình, cũng như điều kiện tài chính của gia đình và nhu cầu xã hội thì việc học sẽ trở nên khó khăn hơn, cần nỗ lực nhiều hơn. Chọn ngành sai mà không tìm ra được những điều hay của ngành học để tìm hiểu sẽ làm cho việc học từ hào hứng thành mệt mỏi, nặng nề, áp lực.

Nói như vậy để thấy việc quyết định chọn đúng ngành cho bản thân để có nghề nghiệp vững chắc trong tương lai thật sự cần thiết. Chọn đúng ngành, học đúng trường sẽ tăng thêm cơ hội thành công và tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức, tài chính…. Quá trình chọn ngành luôn có 3 yếu tố đồng hành là đam mê, năng lực và nhu cầu xã hội để việc chọn ngành được phù hợp và thực tiễn nhất.

Việc làm thế nào để học đúng ngành và chọn đúng trường sẽ giúp nhiều thí sinh thỏa sức sáng tạo, đam mê học tập. Chọn nghề từ sự đam mê và khi học đúng ngành hơn hết sẽ phát huy tối đa năng lực bản thân khi được làm đúng nghề.

- MC Kim Oanh: Nếu các bạn quan tâm, muốn tìm hiểu kỹ hơn về ngành CNSH của trường và muốn đăng ký nguyện vọng xét tuyển thì liên hệ như thế nào cô Linh?

ThS Dương Nhật Linh: Trường ĐH Mở TP HCM (OU – Trường ĐH Công lập) bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển học bạ và các phương thức theo đề án xét tuyển riêng (4 phương thức) của trường từ ngày 4.4 đến 30.5.2022. Các phương thức xét tuyển chung (2 phương thức): Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển của Bộ GD&ĐT, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ theo thời gian quy định của Bộ GD&ĐT. Thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến tại địa chỉ: tuyensinh.ou.edu.vn, Hotline: 1800585884.

Theo đó, 4 phương thức xét tuyển Trường ĐH Mở Tp. HCM đang nhận hồ sơ xét tuyển trực tuyến bao gồm:

Theo kết quả học tập THPT cả năm lớp 10, 11 và HK1 lớp 12 (Học bạ). Ngưỡng điểm xét tuyển các ngành Công nghệ sinh học (Đại trà + CLC), Xã hội học, Đông Nam Á, Công tác xã hội: từ 18 điểm; Các ngành còn lại từ 20 điểm.

Ưu tiên xét tuyển Học sinh giỏi THPT (cả năm lớp 10, 11 và HK1 lớp 12).

Ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh có: Bài thi tú tài quốc tế (IB) hoặc Chứng chỉ quốc tế A-level hoặc kết quả kỳ thi SAT.

Ưu tiên xét tuyển thẳng học bạ có CC ngoại ngữ, đủ điều kiện xét tuyển theo kết quả học tập THPT (Học bạ) và đạt điểm IELTS (hoặc các chứng chỉ khác quy đổi tương đương)

Ngoài ra trường còn xét tuyển theo phương thức điểm điểm thi TN THPT, theo đúng thời gian quy định và hướng dẫn của Bộ GD và ĐT.

Như vậy các bạn có quan tâm đến ngành CNSH Trường ĐH Mở Tp. HCM có thể xét tuyển vào trường theo thời gian và các phương thức như Cô vừa chia sẻ.

Và khi là SV của khoa CNSH, các em sẽ học Lý thuyết ở các cơ sở của trường tại TP.HCM và thực hành sẽ học tại Cơ sở 3, Tỉnh Bình Dương, sinh viên sẽ được xe đưa và đón miễn phí giúp các em thuận tiện trong học tập.

Mến chúc các bạn thành công và chọn đúng ngành, đúng trường, thật sự phù hợp với năng lực bản thân và tài chính gia đình. Hẹn gặp các bạn.

- MC Kim Oanh: Đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành chọn trường và quá nhiều thông tin hiện nay, xin mời Cô và khách mời có thể chia sẻ nhắn nhủ đến các bạn thí sinh?

Bạn Lê Hoài Thiên Cát: Mình rất vui với lựa chọn của mình, khi được hỏi về ngành học và trường mình theo học là gì, mình không ngần ngại mà trả lời to rõ cho học tên ngành CNSH và trường ĐH Mở TPHCM cơ, lúc ấy mình tự hào lắm, tự hào vì được là sinh viên của 1 trong các trường có thâm niên và tên tuổi to lớn trong công tác giảng dạy các ngành nói chung và CNSH nói riêng ấy

Lê Thuỵ Tố Như: Hiện tại mình rất mãn nguyện và tự hào về hướng đi của mình, sự lựa chọn 5 năm trước của mình là hoàn toàn đúng đắn, hi vọng qua những chia sẻ của mình, các bạn có thể rút ra được những kinh nghiệm, bài học và chọn đúng ngành học đúng trường. Biết đâu có duyên chúng ta sẽ gặp lại nhau tại Khoa CNSH trường ĐH Mở TP.HCM thì sao. Mình tin là các bạn sau khi xem xong chương trình “Chọn ngành và hành trình đến với khoa CNSH” hôm nay sẽ có thêm thông tin bổ ích và tin là sẽ gặp các bạn tại khoa CNSH Trường Đại học Mở TP.HCM.

ThS Dương Nhật Linh: Cô hy vọng với buổi chia sẻ rất ngắn ngày hôm nay, với những người thật việc thật  các em sẽ thấy dù bắt đầu như thế nào đi chăng nữa, vì lý do nào đó đi chăng nữa nhưng hãy cứ mạnh dạn cho phép mình thử tìm hiểu, trải nghiệm. Đam mê đôi khi không tự nhiên mà có, mà nó xuất phát từ sự gắn bó, trải nghiệm. Những năm tháng đại học là một hành trình đích thực, học được nhiều kiến thức, kỹ năng quý giá để làm hành trang đi tiếp vào đời. Cô mong các em dành thời gian tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định chọn ngành, chọn trường cho mình. Chúc các em có thật nhiều sức khỏe và hy vọng có duyên sẽ gặp các em tại Khoa CNSH Trường ĐH Mở TPHCM.