Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là gì năm 2024

Quy chế này quy định về tổ chức, hoạt động của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về vụ việc hạn chế cạnh tranh, bao gồm: xử lý vụ việc, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc, tham gia tố tụng hành chính và các hoạt động khác có liên quan.

Quy chế này áp dụng đối với cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh, người tiến hành tố tụng cạnh tranh, người tham gia tố tụng cạnh tranh, tổ chức, cá nhân liên quan trong vụ việc hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Thành lập Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh

Theo Thông tư quy định, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận báo cáo điều tra, kết luận điều tra và hồ sơ vụ việc hạn chế cạnh tranh, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế này.

Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh thay mặt Hội đồng ký các quyết định, văn bản tố tụng cạnh tranh. Các quyết định, văn bản tố tụng cạnh tranh được đóng dấu của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có nghĩa vụ từ chối tham gia Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh theo quy định tại Điều 65 Luật Cạnh tranh. Khi tham gia Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, các thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh cam kết theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế này.

Sau khi có quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, Ban Thư ký các Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có trách nhiệm chuyển báo cáo điều tra, kết luận điều tra và hồ sơ vụ việc hạn chế cạnh tranh cho các thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh. Việc giao nhận được lập thành biên bản giao nhận tài liệu theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế này.

Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh

Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

Tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh theo các hình thức quy định.

Nghiên cứu tài liệu, báo cáo điều tra, kết luận điều tra và hồ sơ vụ việc hạn chế cạnh tranh để tham gia thảo luận, biểu quyết tại các phiên họp của Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh. Ý kiến thảo luận tại phiên họp có thể được gửi bằng văn bản trước phiên họp, trừ phiên họp phải có ý kiến biểu quyết.

Đề nghị Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia hỗ trợ về thông tin, tài liệu phục vụ việc xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh theo quy định bằng văn bản theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế này.

Trình tự giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thành lập Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và giải quyết khiếu nại theo quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều 100 Luật Cạnh tranh.

Sau khi có quyết định thành lập Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm chuyển các tài liệu liên quan đến quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh cho các thành viên Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Thành viên Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có trách nhiệm nghiên cứu tài liệu liên quan đến quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, tham gia đầy đủ các phiên họp của Hội đồng, tham gia tố tụng hành chính theo phân công của Chủ tịch Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thành lập, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh ban hành quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo Điều 101 Luật Cạnh tranh.

Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính là quyết định của Hội đồng cạnh tranh, của Bộ trưởng Bộ Công thương khi giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định tại mục 7 Chương V của Luật cạnh tranh, bao gồm:

- Quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng cạnh tranh đối với quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh khi xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh;

- Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Công thương đối với quyết định của Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh khi xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Ví dụ: Ngày 05/7/2013, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh số 02/QĐ-XLVVCT phạt Công ty B 1.000.000.000 đồng về hành vi lợi dụng vị trí độc quyền. Không đồng ý với quyết định số 02/QĐ-XLVVCT, công ty B đã khiếu nại. Ngày 20/11/2013, Hội đồng cạnh tranh có quyết định số 08/QĐ-GQKN giữ nguyên quyết định số 02/QĐ-XLVVCT. Công ty B khởi kiện yêu cầu hủy bỏ quyết định số 02/QĐ-XLVVCT và quyết định số 08/QĐ-GQKN.

Tại khoản 1 Điều 115 của Luật Cạnh tranh quy định: “Trường hợp không nhất trí với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, các bên liên quan có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với một phần hoặc toàn bộ nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại ra Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền”. Trong ví dụ nêu trên, đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là quyết định số 08/QĐ-GQKN ngày 20/11/2013 của Hội đồng cạnh tranh.