Người đại diện pháp luật của công ty là gì năm 2024

Người đại diện theo pháp luật là chúc danh rất quan trọng trong mỗi doanh nghiệp. Họ là những người đại diện cho doanh nghiệp để thực hiện các thủ tục, giao dịch theo đúng quy định của pháp luật.

Chắc hẳn trong mỗi chúng ta không còn quá xa lạ đối với khái niệm đại diện theo pháp luật, đại diện theo pháp luật có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Tuy nhiên về quyền, lợi ích và phạm vi quyền hạn của đại diện theo pháp luật vẫn luôn luôn là một câu hỏi lớn trong thực tiễn, nhiều trường hợp thực tế xảy ra trên quan hệ đại diện theo pháp luật dẫn đến sai phạm trong quá trình áp dụng quy định của pháp luật thậm chí để lại hậu quả nặng nề. Bài viết dưới đây của NPLaw sẽ cung cấp cho quý khách hàng quy định của pháp luật về người đại diện theo pháp luật của công ty.

I. Người đại diện theo pháp luật được hiểu như thế nào?

Người đại diện theo pháp luật là người đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định mà không phải do các bên thỏa thuận.

Người đại diện theo pháp luật là những người trong các trường hợp sau: cha, mẹ đối với con chưa thành niên; người giám hộ đối với người được giám hộ; người được Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người đứng đầu của pháp nhân theo quy định của điều lệ pháp nhân hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với pháp nhân; chủ hộ đối với hộ gia đình trong các giao dịch vì lợi ích chung của hộ, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình; tổ trưởng tổ hợp tác đối với tổ hợp tác; những người khác theo quy định của pháp luật. .png)

II. Tại sao cần phải có người đại diện theo pháp luật?

Người đại diện doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan.

  • Người đại diện pháp luật sẽ có quyền quyết định việc sinh sát của doanh nghiệp. Đặc biệt là ở lĩnh vực pháp lý về hành chính và dân sự.
  • Người đại diện cho doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm về luật trước mọi hoạt động của công ty. Thậm chí nếu Chủ tịch hay Giám đốc không phải là người đại diện pháp lý thì cũng không thể ký kết giao dịch với đối tác. Nếu doanh nghiệp phải kiện tụng thì người này sẽ đại diện cho doanh nghiệp trước Tòa, Trọng tài.

III. Quy định của pháp luật về người đại diện theo pháp luật

1. Người đại diện theo pháp luật của công ty đáp ứng yêu cầu gì?

Điều kiện để trở thành người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

- Từ đủ 18 tuổi trở lên

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ

- Không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp

- Cung cấp duy nhất 01 bản sao chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu

- Không bị treo mã số thuế trên dữ liệu quản lý thuế và quản lý doanh nghiệp

- Người đại diện không nhất thiết phải là người góp vốn tại Công ty

2. Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật

Quyền của người đại diện theo pháp luật

  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, bao gồm việc ký kết các hợp đồng, báo cáo tuân thủ theo quy định, các chứng từ giao dịch hằng ngày…
  • Đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
  • Tham gia quản lý và điều hành các hoạt động kinh doanh hằng ngày của doanh nghiệp.
  • Được hưởng lương và các quyền khác theo vị trí chức danh quản lý, nếu là người nước ngoài thì được cấp giấy phép lao động và được coi là có kinh nghiệm quản lý.

Nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật

  • Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
  • Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
  • Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về việc người đại diện đó và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác.
  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ quy định.
  • Tuân thủ các quy định theo điều lệ doanh nghiệp và các điều khoản trong hợp đồng lao động.

3. Số lượng người đại diện theo pháp luật

Người đại diện theo pháp luật có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi doanh nghiệp, vậy mỗi doanh nghiệp được phép có bao nhiêu người đại diện theo pháp luật.

Trước đây, theo quy định của Luật doanh nghiệp 2005 thì một công ty chỉ được phép có một người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên Luật doanh nghiệp 2014 và đặc biệt là Luật doanh nghiệp 2020 đã cho phép một công ty có nhiều người đại diện theo pháp luật.

Cụ thể, khoản 2 Điều 12 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:

“2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Mặc dù Luật doanh nghiệp 2020 quy định, một doanh nghiệp có thể có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên quy định này chỉ được áp dụng đối với loại hình doanh nghiệp là công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Công ty cổ phần mà không áp dụng đối với Công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân. Trong trường hợp, công ty có nhiều người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty phải quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất 01 người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam.

.png)

4. Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật

Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quy định tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:

“1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:

  1. Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
  1. Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
  1. Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật này.

2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này.”

5. Các trường hợp chấm dứt người đại diện theo pháp luật

Căn cứ theo khoản 3 Điều 140 Bộ luật Dân sự 2015

Khi chấm dứt đại diện, quyền và nghĩa vụ pháp lý, hậu quả pháp lý phát sinh từ giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện sau khi chấm dứt đại diện đều không có giá trị pháp lý đối với người được đại diện. Căn cứ theo khoản 3 Điều 140 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các trường hợp chấm dứt đại diện như sau:

Đối với đại diện của cá nhân

- Đại diện theo pháp luật của cá nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

  • Người được đại diện đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục;
  • Người được đại diện chết;
  • Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

- Đại diện theo uỷ quyền của cá nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

  • Thời hạn uỷ quyền đã hết hoặc công việc được uỷ quyền đã hoàn thành;
  • Người uỷ quyền huỷ bỏ việc uỷ quyền hoặc người được uỷ quyền từ chối việc uỷ quyền;
  • Người uỷ quyền hoặc người được uỷ quyền chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

Lưu ý : Khi chấm dứt đại diện theo uỷ quyền, người đại diện phải thanh toán xong các nghĩa vụ tài sản với người được đại diện hoặc với người thừa kế của người được đại diện.

Đối với đại diện của pháp nhân

- Đại diện theo pháp luật của pháp nhân chấm dứt trong trường hợp người được đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại.

- Đại diện theo uỷ quyền của pháp nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

  • Thời hạn uỷ quyền đã hết hoặc công việc được uỷ quyền đã hoàn thành;
  • Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân huỷ bỏ việc uỷ quyền hoặc người được uỷ quyền từ chối việc uỷ quyền;
  • Pháp nhân chấm dứt hoặc người được uỷ quyền chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

IV. Giải đáp một số câu hỏi về người đại diện theo pháp luật của công ty

1. Công ty thuê người đại diện theo pháp luật được không?

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, không cấm doanh nghiệp thuê người đại diện theo pháp luật. Do vậy, doanh nghiệp có thể thuê người đại diện pháp luật mà không nhất thiết phải là chủ sở hữu công ty, thành viên hay cổ đông trong công ty. Nhiệm kỳ của người đại diện pháp luật luật Doanh nghiệp không quá 5 năm.

2. Một người đại diện theo pháp luật cho nhiều công ty được không?

Căn cứ vào khoản 1 và khoản 2 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp quy định:

“1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Như vậy, theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành không cấm việc một người có thể làm người đại diện theo pháp luật cho 2 công ty mà chỉ quy định doanh nghiệp, cụ thể là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Do đó, một người vẫn có thể đại diện theo pháp luật cho 2 công ty.

3. Thay đổi người đại diện theo pháp luật được không?

Có thể thay đổi người đại diện theo pháp luật. Khi doanh nghiệp muốn thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cần làm các thủ tục sau:

3.1. Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần

- Hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần:

Theo khoản 1 Điều 50 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần bao gồm:

- Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật;

- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật mới;

- Tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà cần các loại giấy tờ sau:

+ Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

+ Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật;

+ Nghị quyết và bản sao biên bản họp Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật trong trường hợp việc thay đổi người đại diện theo pháp luật làm thay đổi nội dung Điều lệ công ty;

Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần trong trường hợp việc thay đổi người đại diện theo pháp luật không làm thay đổi nội dung của Điều lệ công ty ngoài nội dung họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty quy định tại Điều 24 Luật Doanh nghiệp 2020.

- Nơi nộp hồ sơ

Trường hợp thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty, công ty gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính.

- Trình tự thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

- Căn cứ pháp lý: Điều 50 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

3.2. Thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh

Theo quy định tại khoản 1 Điều 184 Luật Doanh nghiệp 2020, các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh. Vì vậy, việc thay đổi người đại diện theo pháp luật tức là thay đổi thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

- Hồ sơ thay đổi thành viên hợp danh

- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;

- Danh sách thành viên công ty hợp danh quy định tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2020, trong đó không bao gồm nội dung kê khai về thành viên góp vốn;

- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên hợp danh mới.

- Nơi nộp hồ sơ thay đổi thành viên hợp danh

Trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh, tiếp nhận thành viên hợp danh mới theo quy định tại Điều 185 và Điều 186 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty hợp danh gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính.

- Trình tự thay đổi thành viên hợp danh

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

- Căn cứ pháp lý: Điều 49 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

3.3. Thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân

Theo quy định tại khoản 3 Điều 190 Luật Doanh nghiệp 2020, chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân. Vì vậy, việc thay đổi người đại diện theo pháp luật tức là thay đổi chủ của doanh nghiệp tư nhân.

- Hồ sơ thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân

+ Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp có chữ ký của người bán, người tặng cho và người mua, người được tặng cho doanh nghiệp tư nhân đối với trường hợp bán, tặng cho doanh nghiệp tư nhân; chữ ký của người thừa kế đối với trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết;

+ Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người mua, người được tặng cho doanh nghiệp tư nhân, người thừa kế;

+ Hợp đồng mua bán hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc mua bán trong trường hợp bán doanh nghiệp tư nhân; hợp đồng tặng cho trong trường hợp tặng cho doanh nghiệp tư nhân; bản sao văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế trong trường hợp thừa kế.

- Nơi nộp hồ sơ thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân

Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bán, tặng cho doanh nghiệp hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì người mua, người được tặng cho, người thừa kế phải nộp hồ sơ đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

- Trình tự thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

.png)

V. Dịch vụ tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến người đại diện theo pháp luật của công ty

Trên đây là toàn bộ thông tin của chúng tôi về thủ tục liên quan đến người đại diện theo pháp luật của công ty, hy vọng có thể giải đáp được thắc mắc của quý khách. Để đảm bảo quyền lợi của mình, dù là nhỏ nhất, quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi để được thông tin mới nhất qua các thông tin liên lạc dưới đây. Đội ngũ chuyên viên tư vấn có kinh nghiệm của chúng tôi sẽ nhận thông tin, tìm kiếm câu trả lời và giải đáp cho quý khách hàng.