Em ở đâu marc levy review

Em sẽ kể anh nghe..

về một mối tình vạn dặm

một chuyện kỳ diệu, như vô vàn câu chuyện kỳ diệu về tình yêu, như những câu chuyện Marc Levy kể. E thấy mình thật vô duyên khi kể lại những câu chuyện của ông…nhưng em thật háo hức chia sẻ những cảm xúc của em khi đọc chúng, em những mong đc kể những câu chuyện đẹp nhất với e cho a đc biết.

Ôi, muốn than thở là em đi kiếm câu truyện này khó khăn đến nhường nào, vài hiệu sách ko có, vài hiệu khác thì hết…đến hiệu cuối cùng, lúc này e đã ở khá xa nhà e rồi…nhân viên ở đó nói ko có…e đi ra rồi mà vẫn còn ngoái lại cố vớt vát chút ít

…và ngạc nhiên chưa,

…. đập vào mắt em là bìa cuốn sách màu xanh lá, nằm hơi khuất khuất một chút…hehe, cũng cảm ơn thói quen search trên mạng trước khi đi mua sách đã cho e được thấy trc bìa sách và giờ có thể nhận ra…thế là em chạy thẳng vào quầy sách, lấy ra trước con mắt ngạc nhiên của a nhân viên kia, hào hứng tính tiền và chạy ngay đi kiếm chỗ nào để ngồi đọc. Thậm chí vừa xuống thang cuốn, e ko kìm đc bèn lôi quyển sách ra đọc qua lời đề tựa ở trang cuối…mải đọc suýt ngã : ))

đoạn đầu ko hấp dẫn em mấy…ngoài việc cái cô gái đó cứ nhất quyết ra đi, để đi tình nguyện tận đâu đâu. Hehe, e thấy e đang ở đây cũng ương bướng giống như thế thì phải : )) Nhưng về cơ bản thì em khác, rất khác – vì cô ấy ương bướng đi xa ng` bạn 19 năm của cô ấy, và cũng là ng` yêu của cô ấy; còn e chỉ đi xa những cám giác mơ hồ, chỉ chạy trốn vài điều ko muốn đối mặt…Thế thôi.!

Phải nói em thấy đau xót thế nào, khi đọc đến đoạn đám cưới của Philip với Mary; anh đã không chờ được cô, và lấy một cô gái khác…đoạn ấy tả những hoạt động song song của 2 người: Anh – trước lễ cưới; và cô – trên quãng đường bay từ Tegucigalpa (nơi cô tình nguyện) về Montclair dự lễ cưới của người mình yêu nhất. Từng cặp hành động của 2 người được tả xen kẽ. Dù không ở trước mặt nhau, nhưng hành động của họ giống nhau đến lạ lùng. Đọc đoạn này như là một chuỗi các cảnh trong một bộ phim, kiểu như Rẽ Trái Rẽ phải; hay Bad day clip mà em vẫn thích…Thích thú vì tưởng tượng của mình, vì sự giống nhau trong hành động của 2 nhân vật chính, và thích thú để cho sự đau xót gặm nhấm trong lòng…

Cô đã đến dự buổi lễ, nhưng không ở lại, và bỏ đi trong nước mắt…nói dối anh là cô không đến dự, và tự đẩy mình đi xa anh hơn…xa hơn

Đấy chỉ là phần I của câu truyện,còn phần II lại khác rất xa. Đây quả là một câu truyện dài, dài ko chỉ bởi số trang sách, mà còn bởi nó diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài …chừng 20 năm. Rất nhiều biến cố, cô có con, anh cũng có gia đình và một cậu con trai, mọi chuyện tưởng chừng yên ổn cho đến khi đứa con gái của cô được gửi tới gia đình anh, và mọi người hay tin cô đã chết…Và lại là một câu chuyện khác, lúc này là câu chuyện về gia đình, về những tình cảm rạn nứt và hàn gắn, về sự yêu thương và chia sẻ, là gắn bó, là những góc khuất trong tâm hồn 1 đứa trẻ…khâm phục Mary vì những gì cô đã làm được, mặc dù phần trước em nghĩ Mary chỉ là vai phụ trong câu truyện, nhưng có lẽ những gì cô làm đã tạo ra điều đẹp nhất ở câu truyện này…đó là tình yêu thương “cô sẽ không bao giờ trở thành mẹ cháu, nhưng cháu sẽ mãi mãi là con gái của cô” – Mary đã nói với Lisa (con gái của Susan như vậy ) : ) điều cô làm không phải ai cũng làm được !

Lúc đầu cầm cuốn sách lên với hi vọng sẽ đọc được một câu chuyện tình yêu được nối dài qua khoảng cách giữa 2 người. Sau đó là hơi thất vọng vì không giống như mình tưởng tượng, họ đều có cuộc sống riêng, có lẽ chỉ có chút gì đó ở trong lòng nhau, nhưng chỉ vậy thôi. Với Susan, “yêu một người lại có thể khiến cho người ta sợ hãi đến mức chạy trốn” – còn Philip đã cố sức khuyên giải cô “yêu không phải là từ bỏ tự do của mình, mà là mang đến cho nó một ý nghĩa”.

Còn khi gập sách lại thì em mỉm cười, dù đó là một nụ cười hơi buồn, mọi thứ không như em kỳ vọng, nhưng nó lại đẹp theo một cách rất khác. Marc Levy luôn viết về tuổi thơ rất hay: “Bởi vì tuổi thơ có những giá trị của nó. Nó giúp xây dựng nền tảng cho những ước mơ và cuộc sống của chúng ta. Chính trong ký ức về tuổi thơ, cháu sẽ tìm được nguồn sức mạnh cho mình, hiểu được những nguyên cớ của những cơn giận dữ, nuôi dưỡng những đam mê, và nó cũng sẽ thường xuyên giúp cháu đẩy xa thêm ranh giới của những nỗi sợ hãi và những hạn chế của chính mình”… đọc đoạn này em đã phải gập sách lại và suy nghĩ rất lâu.

Vậy là em đã không kể được câu chuyện về mối tình vạn dặm như đã nói lúc đầu…vì em bắt đầu viết cái này khi mới đọc vài trang, và viết theo tiến trình em đọc, em đã TƯỞNG là sẽ như vậy; hoá ra không – nhưng em ko muốn xoá những dòng đầu tiên đi, chỉ bởi em đã tưởng tượng nó rất đẹp – và có một điều em không muốn thay đổi ở đó, vì đây là một câu chuyện kỳ diệu !

“ – Tại sao nó lại làm cho ta đau lòng như vậy ?

– Bởi vì YÊU trước hết là chấp nhận một sự rủi ro. Gắn bó lòng mình với một người khác, mở ra cánh cửa nhỏ xíu đi vào trái tim mình là một điều nguy hiểm….”

Thể loại: Lãng mạn
Người dịch: Trần Ngọc Thư

Cũng như các tác phẩm khác của Marc Levy, Em ở đâu? đi chung trên một con đường văn học của ông, riêng dành để ngợi ca tình yêu, tình bạn.

Em ở đâu? chia làm hai phần rõ rệt với nhân vật chính là Phillip, một chàng thanh niên toàn diện. Đẹp trai, thông minh, tài giỏi và chứa chan tình cảm, Phillip lẽ ra đã xứng đáng hưởng hạnh phúc tròn vẹn nếu không có những trớ trêu của số phận.Câu chuyện bắt đầu trên phi trường Neward, trong cuộc chia tay không hẹn trước của Phillip và Susan - một mối tình thanh mai trúc mã, đắm say nhất, thực sự nhất, mãi mãi ám ảnh cuộc đời Phillip. Không biết tự bao giờ, hai người bạn nhỏ hàng xóm lớn lên bên nhau, họ yêu nhau như lẽ tự nhiên của trời đất. Cùng chia sẻ tuổi thơ, cùng chia sẻ nụ hôn thứ nhất, rồi đam mê tình yêu đầu đời, tưởng chừng họ sinh ra để dành cho nhau.

Nhưng năm 14 tuổi, bi kịch xảy ra với Susan khi cha mẹ cô bị tai nạn xe hơi và qua đời. Phillip chia sẻ cùng cô mọi mất mát. Dù vậy, trái tim Susan đã bị tổn thương sâu nặng, và cô dành hết mơ ước đời người cho việc làm từ thiện, để xoa dịu những ai đã phải đau khổ như cô. Vừa học hết trung cấp, rất trẻ, Susan quyết định đến Hondurat - đất nước Trung Mỹ đang ngập trong thảm họa thiên nhiên. Họ xa nhau, và chỉ còn có thể yêu nhau, chia sẻ cuộc đời trên những lá thư. Susan đối mặt với cuộc sống gian khổ ở Hondurat, trở thành một nhân viên trợ cứu nhân đạo có uy tín, được yêu mến. Phillip bước vào đại học. Mỗi người một lý tưởng, họ vẫn yêu nhau, nhưng nỗi cô đơn dần xâm chiếm họ. Oái ăm hơn cho Phillip, khi Susan trở về, cô chỉ có vài giờ để gặp anh, cũng trên sân bay Neward, và rồi lại ra đi, vội vàng, không hứa hẹn. Lần sau nữa, cũng là như vậy. Họ biết rằng, sẽ là công bằng hơn, nếu họ chia sẻ nỗi cô đơn của mình với những cuộc đời khác. Nhưng điều đó thật không dễ dàng. Susan tìm hơi ấm ở nhiều người không quen biết. Phillip kết hôn với một người con gái khác, đó là Mary. Một vài lá thư nữa, rồi họ mất dấu trong đời, dù mãi ám ảnh nhau.

Phần hai xoay quanh cuộc đời của Phillip và Mary. Quen nhau, cùng đi chơi hơn một năm, như Phillip không tiến gần hơn vì vẫn gắng đợi người yêu. Nhưng rồi khi mất Mary, Phillip mới hiểu, đó là cuộc sống thực tại của mình. Không nồng nàn, cuống quýt, điên cuồng, nhưng đó là hơi thở ấm áp để mỗi sáng thức dậy không cô độc. Hôn nhân phẳng lặng, giấu phía sau là nỗi buồn của Phillip. Và nó bùng lên khi Phillip hay tin Susan đã chết, cô trao gửi con gái với một người tình xa lạ cho anh nuôi dạy. Một người đau khổ, một người tức giận, những đứa trẻ bị tổn thương, gia đình Phillip đứng trước mối đe doạ tan vỡ. Chỉ có tình thương yêu của họ, mối động tâm xa xót trước những tâm hồn bé dại, những số phận tội nghiệp mới khiến họ vượt lên được mất mát, giúp nhau vững bước. Hơn thế, niềm hạnh phúc trọn vẹn sau gần 20 năm chung sống mới thực sự hạ cánh trên mái nhà của Mary và Phillip.

Câu chuyện ngợi ca tình yêu, tình bạn, tình cha con, mẹ con, và bao trùm tất cả là tình người. Một điều tuyệt đẹp nữa, chính là tất cả tình cảm đó đều được chan hòa vào một lý tưởng sống, một bản lĩnh sống hết sức nồng nhiệt của tuổi trẻ.

Tôi đã lưỡng lự nhiều khi quyết định đọc cuốn sách, và sau khi kết thúc hơn 300 trang của Em ở đâu, tôi thấy tiếc vì mình không đọc nó sớm hơn.

Một câu chuyện tưởng chừng sẽ chỉ chứa đựng những nuối tiếc, những hoài niệm và day dứt, nhưng không, càng về sau tác phẩm càng cho tôi cảm giác thoải mái và thỏa nguyện hơn rất nhiều. Hai con người đã gắn bó với nhau cả tuổi thơ và cả thời niên thiếu, nhưng sự lựa chọn đột ngột và quyết liệt của cô gái đã khiến cho mối tình chẳng thể bình lặng an yên như vốn dĩ nó có thể như vậy. Những bức thư, những dòng cảm xúc trao cho nhau giữa hai người trái tim luôn hướng về nhau nhưng ở cách xa nhau nửa vòng trái đất. Tôi đã không thể hiểu quyết định của Susan và sự ra đi "vì người khác" của cô, chính xác thì chẳng ai có thể hiểu quyết định của một người khi không phải chính mình là người ra quyết định ấy hay ở trong một hoàn cảnh tương tự như vậy. Cho đến khi kết thúc cuốn sách, tôi vẫn luôn tự hỏi điều gì khiến Susan từ bỏ một cuộc sống yên bình, đi đến nơi đầy những hiểm nguy và chết chóc, để trải qua cuộc đời mình ở đó, gắn với nó và bỏ mặc người đàn ông cô yêu. Với Susan, yêu không chỉ là yêu, yêu phải là có thể sống cùng nhau, sống cùng một cuộc sống mà cả hai đều cảm thấy hạnh phúc và yên bình theo đúng nghĩa thể xác lẫn tâm hồn. Có lẽ những nỗi đau về sự mất mát người thân chứa đầy trong sâu thẳm trái tim Susan để cô quyết định đi đến một nơi mà theo cô, đó chính là cuộc sống thật sự và đáng để cô mong mỏi từng ngày. Cô vẫn yêu Philip, yêu rất nhiều, nhưng phần nào đó trong con người Susan không thể từ bỏ cái được gọi là cuộc sống riêng, cái độc lập, mạnh mẽ (dẫu lắm lúc yếu đuối) của chính bản thân mình.

Một điều mà tôi cảm thấy tỏa lan cả những trang viết Em ở đâu chính là tình yêu, sự vị tha và lòng nhẫn nại, một trái tim nhân hậu đáng trân quý biết chừng nào của Marry, người chấp nhận là một phần trong cuộc đời Philip khi trong tim anh đã phủ đầy bóng hình Susan và có lẽ hình ảnh ấy sẽ chẳng bao giờ mất đi hay nhạt phai được. Cô chấp nhận hình bóng Susan trong tim Philip như cái cách cô tôn trọng một điều đã từng là tuổi thơ, là thời niên thiếu, là mong ước, là vun đắp, là khát khao của anh. Thoạt nhìn, Marry gợi cho người ta cảm giác một người phụ nữ "thế thân" chẳng mấy khi được thông cảm, nhưng chính con người Marry, người sẵn sàng yêu thương con gái Susan (Lisa) bằng cả tấm lòng của một người mẹ, để Lisa bước vào cuộc đời cô và để cô "nuôi dạy" chứ không phải "thuần hóa" em như cái cách người ta vẫn hay cười cợt, đã làm cho người khác không thể không dành cho cô ánh mắt trìu mến và nể trọng. Tôi yêu cái cách cô đã chấp nhận và giúp Lisa vượt qua những cơn ác mộng đã chiếm lấy giấc ngủ của em mỗi đêm, giúp em "trả thù" kẻ đã gây ra những tổn thương khó thể nào hàn gắn trong trái tim non dại, theo cái cách thông minh và tràn đầy tình yêu thương như thế.

Qủa thật, tôi đã không thấy lãng phí thời gian khi dành những giờ đọc dù gián đoạn cho cuốn sách. Với tôi, dù mạch truyện rất thực tế và ít mang hơi hướng lãng mạn như một ngòi bút dòng văn lãng mạn Pháp lẽ ra phải dành ra trong tác phẩm của mình, nhưng cuốn sách là một câu chuyện đẹp về tình yêu, về ánh bình minh rồi sẽ ló dạng sau những khốc liệt của chính cuộc sống mà chúng ta lựa chọn.

Review khác về sách này 3

Video liên quan

Chủ đề