Đề tài Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Đọc đoạn trích sau rồi thực hiện các yêu cầu ở dưới

Có bao giờ sông chảy thẳng đâu em

Sông lượn khúc lượn dòng mà đến biển

Bờ bãi loi thoi xóm làng ẩn hiện

Đời sông như đời người trên sông

Em yêu anh có yêu được như sông

Sông chẳng theo ai, tự chảy nên dòng

Sông nhớ biển lao ghềnh vượt thác

Mang suối nguồn đi đến suốt mênh mông

                     ………..

Đời sông trôi như đời người trên sông

Anh tin bến, tin bờ, tin sức mình đến bể

Tin ánh sáng trên cột buồm, ngọn lửa

Tin mái chèo cày trên sóng cần lao

Anh tin em khi đứng mũi chịu sào

Anh chẳng sợ mọi đá ngầm sóng cả

Anh yêu sông, yêu tự nguồn đến bể

Gió về rồi, nào ta kéo buồm lên

(“Tình yêu-dòng sông”- Vũ Quần Phương)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản. (0,5 điểm)

Câu 2: Trong bài thơ, tác giả đã bày tỏ niềm băn khoăn: Em yêu anh có yêu được như sông. Vậy nhà thơ đã nêu ra những điểm tương đồng nào giữa dòng sông và tình yêu? (0,5 điểm)

Câu 3: Nêu thông điệp tình yêu tác giả gửi gắm trong hai câu: Anh yêu sông, yêu tự nguồn đến bể/Gió về rồi, nào ta kéo buồm lên. (1 điểm)

Câu 4: Thông điệp tình yêu nào trong văn bản có ý nghĩa nhất với anh/chị? (1 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (2 điểm): Từ những dòng sông trong hai câu mở đầu của bài thơ Đọc-hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ những suy nghĩ của mình về cách ứng xử của con người trước khó khăn trong cuộc sống: Có bao giờ sông chảy thẳng đâu em/Sông lượn khúc lượn dòng mà đến biển.

Câu 2 (5 điểm):

Đế Thích: Ông Trương Ba… (đắn đo rất lâu rồi quyết định) Vì lòng quí mến ông, tôi sẽ làm cu Tị sống lại, dù có bị phạt nặng… Nhưng còn ông… rốt cuộc ông muốn nhập vào thân thể ai?

Hồn Trương Ba: (sau một hồi lâu): Tôi đã nghĩ kĩ… (nói chậm và khẽ) Tôi không nhập vào hình thù ai nữa! Tôi đã chết rồi, hãy để tôi chết hẳn!

Đế Thích: Không thể được! Việc ông phải chết chỉ là một lầm lẫn của quan thiên đình. Cái sai ấy đã được sửa bằng cách làm cho hồn ông được sống.

Hồn Trương Ba: Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác. Việc đúng còn làm kịp bây giờ là làm cu Tị sống lại. Còn tôi, cứ để tôi chết hẳn…

Đế Thích: Không! Ông phải sống, dù với bất cứ giá nào…

Hồn Trương Ba: Không thể sống với bất cứ giá nào được, ông Đế Thích ạ! Có những cái giá đắt quá, không thể trả được… Lạ thật, từ lúc tôi có đủ can đảm đi đến quyết định này, tôi bỗng cảm thấy mình lại là Trương Ba thật, tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa…

Đế Thích: Ông có biết ông quyết định điều gì không? Ông sẽ không còn lại một chút gì nữa, không được tham dự vào bất cứ nỗi vui buồn gì! Rồi đây, ngay cả sự ân hận về quyết định này, ông cũng không có được nữa.

Hồn Trương Ba: Tôi hiểu. Ông tưởng tôi không ham sống hay sao? Nhưng sống thế này, còn khổ hơn là cái chết. Mà không phải chỉ một mình tôi khổ! Những người thân của tôi sẽ còn phải khổ vì tôi. (Lưu Quang Vũ, Hồn Trương Ba,da hàng thịt,Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục – 2008, tr.151-152)

Cảm nhận của anh/chị về nhân vật hồn Trương Ba trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xétchiều sâu triết lí về con người của nhà văn Lưu Quang Vũ.

———Hết——–

Đáp án đề thi tốt nghiệp Hồn Trương Ba da hàng thịt

Phần

Câu/Ý

Nội dung

Điểm

I

Đọc hiểu

3.0

1

Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm

0.5

2

Điểm tương đồng giữa dòng sông và tình yêu:

– Sông nhớ biển lao ghềnh vượt thác: trong tình yêu hai người luôn mang nỗi nhớ cồn cào, da diết.

– Sông lượn khúc, lượn dòng mà tới biển; Đã yêu sông anh chẳng ngại sâu nông: trong tình yêu cả hai người phải trải qua nhiều thử thách khó khăn.

– Sông chẳng theo ai tự chảy nên dòng: bản lĩnh, ý chí vượt qua mọi khó khăn trong tình yêu.

0.5

3

Thông điệp tình yêu tác giả gửi gắm trong hai câu: Anh yêu sông, yêu tự nguồn đến bể/Gió về rồi, nào ta kéo buồm lên.

– Trong tình yêu cần có sự lạc quan, niềm tin.

– Tình yêu cần sự chân thành, chung thủy.

-….

1.0

0.5

0.5

4

Thông điệp tình yêu nào trong văn bản có ý nghĩa nhất: Học sinh trình bày thông điệp theo quan điểm cá nhân và sau đây là gợi ý:

– Niềm tin trong tình yêu sẽ đem đến sức mạnh cho những người yêu nhau đến được với nhau.

– Sức mạnh tình yêu chính là hình ảnh đẹp, tiếp thêm động lực trong cuộc sống cho những người yêu nhau. Vì vậy, con người cần biết trân trọng tình yêu trong cuộc sống.

1.0

0.5

0.5

II

Làm văn

1

Từ những dòng sông trong hai câu mở đầu của bài thơ Đọc-hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bày tỏ những suy nghĩ của mình về cách ứng xử của con người trước khó khăn trong cuộc sống: Có bao giờ sông chảy thẳng đâu em/Sông lượn khúc lượn dòng mà đến biển.

2.0

a. Yêu cầu về kĩ năng

– Biết cách làm đoạn văn nghị luận về một tư tưởng đạo lý

– Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp

– Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ. (Nếu HS viết từ 2 đoạn trở lên thì không cho điểm cấu trúc)

b. Yêu cầu về kiến thức

– Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cách ứng xử của con người trước những khó khăn của cuộc sống.

– Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng lí lẽ và dẫn chứng phải hợp lí; cần làm rõ được các ý chính sau:

* Giải thích

– Hai câu thơ là những suy nghiệm về hình ảnh dòng sông tự nhiên trong hành trình đến biển. Do đặc điểm địa hình khác nhau ở từng nơi mà dòng sông chảy qua; nên để đến biển thì dòng sông nào cũng phải lượn khúc, lượn dòng. Đó là lí do sông không bao giờ chảy thẳng.

– Phép nhân hóa Sông lượn khúc, lượn dòng mà tới bể gợi liên tưởng dòng sông như một con người, dù phải đối mặt với nhiều ngáng trở trên hành trình nhưng vẫn kiên trì mục tiêu, vượt mọi khó khăn để tới đích.

=> Câu thơ đã cho thấy cách con người ứng xử trước những khó khăn trong cuộc sống.

* Bàn luận

– Nếu sông chảy thẳng thì khi va phải núi cao, vực sâu…dòng chảy sẽ bị chặn lại, không bao giờ sông có thể tới biển; việc lượn khúc, lượn dòng giúp cho dòng sông có thể vượt qua trở ngại, tiếp tục hành trình tìm đến biển. Cuộc sống của con người cũng vậy: Khát vọng càng lớn thì khó khăn càng nhiều. Để đến đích, mỗi cá nhân không chỉ cần nỗ lực hết mình mà còn cần sự linh hoạt, tỉnh táo, có cách ứng xử phù hợp trong mọi hoàn cảnh

– Trước những khó khăn, con người cũng cần biết tự lượng sức mình, không đối đầu một cách liều lĩnh.

– Cuộc đời con người nếu quá hanh thông, suôn sẻ không trải qua những lần vấp ngã thì khi gặp khó khăn rất dễ bị đánh gục.

– Khó khăn không phải là thứ ngáng trở ta tiến bước mà đó là động lực giúp ta mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn để vươn đến thành công.

* Mở rộng

– Phê phán những người cứng nhắc, bảo thủ, liều lĩnh hoặc những người dễ nản lòng, thiếu kiên trì trong cuộc sống.

– Cần phân biệt cách ứng xử linh hoạt, mềm dẻo với sự hèn nhát, thiếu quyết đoán, né tránh khó khăn.

– Liên hệ bản thân và tổng kết vấn đề

0.25

0.25

1.0

c. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,25

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. (Sai từ 2 lỗi trở lên sẽ không tính điểm này)

0,25

2

Cảm nhận của anh/chị về nhân vật hồn Trương Ba trong đoạn trích khi đối thoại với Đế Thích. Từ đó, nhận xét chiều sâu triết lí về con người của nhà văn Lưu Quang Vũ.

5,0

1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.              

(0,25)

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Nhân vật hồn Trương Ba trong đoạn trích khi đối thoại với Đế Thích; chiều sâu triết lí về con người của nhà văn Lưu Quang Vũ.

(0,25)

3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:

3.1.Mở bài:

-Trong làng kịch nói Việt Nam, có lẽ ai cũng biết đến Lưu Quang Vũ – một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm tám mươi của thế kỉ XX. Tuy có tài ở nhiều lĩnh vực như viết truyện ngắn, soạn kịch, làm thơ, vẽ tranh… nhưng ông được xem là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Trong các vở kịch của Lưu Quang Vũ, đáng chú ý nhất là vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Bằng nghệ thuật xây dựng nội tâm độc đáo, cảnh VII, đoạn cuối vở kịch đem đến cho người đọc nhiều vấn đề tư tưởng sâu sắc qua nhân vật Trương Ba trong thân xác anh hàng thịt.

 -Đoạn trích khi nhân vật Hồn Trương Ba đối thoại với Đế Thích đã thể hiện chiều sâu triết lí về con người của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ.

3.2.Thân bài:

a. Khái quát về vở kịch, đoạn trích:

-Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch được Lưu Quang Vũ viết năm 1981, công diễn lần đầu tiên năm 1984, sau đó được diễn lại nhiều lần trong và ngoài nước. Từ cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng lại thành một vở kịch nói hiện đại và lồng vào đó nhiều triết lí nhân văn về cuộc đời và con người.

– Vị trí, nội dung đoạn trích: thuộc đoạn cuối của cảnh VII

b. Cảm nhận nhân vật hồn Trương Ba trong đoạn trích:

b.1. Về nội dung:

– Hoàn cảnh xuất hiện cuộc đối thoại: Trong tác phẩm, Trương Ba là một ông lão gần sáu mươi, thích trồng vườn, yêu cái đẹp, tâm hồn thanh nhã, giỏi đánh cờ. Chỉ vì sự tắc trách của Nam Tào gạch nhầm tên mà Trương Ba chết oan. Theo lời khuyên của “tiên cờ” Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu “sửa sai” bằng cách cho hồn Trương Ba được tiếp tục sống trong thân xác của anh hàng thịt mới chết gần nhà. Nhưng điều đó lại đưa Trương Ba và một nghịch cảnh khi linh hồn mình phải trú nhờ vào người khác. Do phải sống tạm bợ, lệ thuộc, Trương Ba dần bị xác hàng thịt làm mất đi bản chất trong sạch, ngay thẳng của mình, bị người thân từ chối. Ý thức được điều đó, Trương Ba dằn vặt, đau khổ và quyết định chống lại bằng cách tách ra khỏi xác thịt, không chấp nhận để Đế Thích cho nhập vào xác cu Tị.

– Nhân vật hồn Trương Ba phê phán sai lầm của Đế Thích:

+ Đế Thích gợi ý để hồn rời xác anh hàng thịt sang xác cu Tị. Nhưng hồn Trương Ba, sau một “quãng đời” vô cùng thấm thía đã qua, hình dung ra những “nghịch cảnh” khác khi phải sống trong thân xác một đứa bé đã quyết định xin cho cu Tị được sống và mình được chết hẳn.

+ Thần thánh cũng sai lầm, qua lời của Đế Thích: “Việc ông phải chết chỉ là một sai lầm của quan thiên đình. Cái sai ấy đả được sửa bằng cách làm cho hồn ông được sống”. Nghe Đế Thích trần tình như thế, Hồn Trương Ba đã đáp lại: “Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá và gượng ép chỉ làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc đúng khác”. Hồn Trương Ba đã lí luận đúng, ngay từ sự việc của Trương Ba. Trương Ba phải chết vì sự sai lầm cùa các thần quan trên thiên đình. Từ sai lầm ấy, và vì tính háo danh, muốn “người trên trời, dưới đất mới biết tới cao cờ như thế nào” nên Đế Thích mới chắp vá và gượng ép” cho hồn Trương Ba nhập vào xác hàng thịt tạo nên nỗi khổ không chỉ cho Trương Ba mà còn với cả những người thân. Cũng vì ích kỉ, háo danh mà Đế Thích quyết phạm một sai lầm khác là cho Hồn Trương Ba nhập vào cu Tị, nếu Hồn Trương Ba không kịch liệt phản đối;

– Nhân vật hồn Trương Ba có quan niệm sống đúng đắn: sống là chính mình, sống vị tha, cao thượng, nhân hậu:

+ Dù rất ham sống (“Ông tưởng tôi không ham sống hay sao?”) nhưng Hồn Trương Ba lại quyết định “không muốn nhập vào hình thù ai nữa” vì hơn ai hết ông thấu hiểu nỗi khổ của bản thân mình khi phải nương nhờ vào thân xác của người khác.Ông cũng không muốn những người thân của mình phải khổ, phải liên lụy vì mình.

+ Với quyết định này, Trương Ba đã tự viết nên cái kết có hậu cho cuộc đời mình và cho những người xung quanh. Mặc dù sự sống của Trương Ba đã sắp đi đến hồi kết thúc nhưng Trương Ba đã tìm thấy lại được con người thật của chính bản thân mình: “Lạ thật, từ lúc tôi có đủ can đảm đi đến quyết định này, tôi bỗng cảm thấy mình lại là Trương Ba thật, tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa...”. Không chỉ phục sinh lại những giá trị tốt đẹp của bản thân, Trương Ba còn trở nên bất tử trong suy nghĩ của tất cả những người thân bằng tình cảm nhớ thương, yêu quý.

+ Hồn Trương Ba lại phải giải thích rằng cũng ham sống lắm, nhưng sống mà mình không còn là mình, bắt người thân phải khổ vì mình thì đó là cái giá không thể trả được. Và Hồn Trương Ba đã đặt ngược lại vấn đề rồi đi đến kết luận: “Cuộc sống giả tạo này có lợi cho ai? Họa chăng chỉ có lão lí tưởng và đám trương tuần hỉ hả thu lợi lộc! Đúng, chỉ bọn khốn kiếp là lợi lộc”.

+ Cách giải quyết của Hồn Trương Ba là duy nhất đúng và toàn vẹn nhất dù cách đó có thể khiến Hồn Trương Ba vĩnh viễn rời xa cuộc đời này, thậm chí “cả sự ân hận về quyết định này, ông cũng không có được nữa”. Vì chỉ khi “chết hẳn”, Hồn Trương Ba mới tìm lại được sự thanh thản, trong sáng; những người thân của Trương Ba cũng sẽ không còn phải khổ vì ông; thằng con của Trương Ba sẽ có cơ hội trở lại con đường ngay thẳng. Cho đến phút cuối cùng, Hồn Trương Ba vẫn rất nhân hậu, vị tha.

– Khái quát: Những lời thoại của Hồn Trương Ba với Đế Thích chứng tỏ nhân vật đã ý thức rõ về tình cảnh trớ trêu, đầy tính chất bi hài của mình, thấm thía nỗi đau khổ về tình trạng ngày càng vênh lệch giữa hồn và xác, đồng thời càng chứng tỏ quyết tâm giải thoát nung nấu của nhân vật. Qua màn đối thoại, có thể thấy tác giả gửi gắm nhiều thông điệp vừa trực tiếp vừa gián tiếp, vừa mạnh mẽ, quyết liệt vừa kín đáo và sâu sắc về thời đại chúng ta đang sống, đồng thời ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của những người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự dung tục, giả tạo để bảo vệ quyền được sống toàn vẹn, hợp với lẽ tự nhiên cùng sự hoàn thiện nhân cách.

– Về nghệ thuật:

+Sáng tạo lại cốt truyện dân gian.

+Nghệ thuật dựng cảnh, dựng đối thoại, độc thoại nội tâm. Hành động của nhân vật phù hợp với hoàn cảnh, tính cách, góp phần phát triển tình huống kịch.

+ Có chiều sâu triết lý khách quan.

c. Nhận xét nhận xét chiều sâu triết lí về con người của nhà văn Lưu Quang Vũ.

      -Màn thoại giữa Trương Ba và Đế Thích một lần nữa khắc sâu vấn đề trung tâm nhất, cốt lõi nhất của toàn bộ tác phẩm, đó là việc người sống vẫn có sự hài hòa giữa linh hồn và thể xác, giữa bên trong và bên ngoài. Việc một người vẫn còn đầy khao khát sống như Trương Ba sau quá trình trăn trở, lựa chọn đã chối từ cả hai cơ hội được sống để nhận về mình cái chết đã cho thấy để sống cho ra một người không hề dễ dàng. Người ta không thể sống bằng bất cứ giá nào, người chỉ thực sự được là mình khi có sự thống nhất, hòa hợp giữa hoạt động bên ngoài với tâm trạng, cảm xúc bên trong.

     – Tác giả không chỉ đặt ra vấn đề để người đọc trăn trở suy nghĩ mà đã đi đến trả lời cho câu hỏi: sống như thế nào là sống có ý nghĩa? Trương Ba chết hẳn để đổi lại sự sống cho anh hàng thịt, cho cu Tị, để đổi lấy tiếng cười và niềm hạnh phúc cho tất cả những người xung quanh thì câu hỏi: sống như thế nào là có ý nghĩa đã được trả lời một cách rõ ràng: một sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi người không chỉ biết sống vì mình mà còn biết sống, biết vun đắp, thậm chí biết hi sinh cho hạnh phúc của những người xung quanh. Rõ ràng ở đây nhà văn đã đề cao lối sống vị tha, cao thượng. Đó cũng chính là lý do cho sự thay đổi đầy dụng ý của tác giả khi biến một người nông dân chung chung trong truyện cổ dân gian thành một người làm vườn trong tác phẩm của mình. Hình tượng người làm vườn chính là đại diện cho những người biết vun xới, chăm lo cho hạnh phúc của người khác. Ở khía cạnh này chúng ta thấy tư tưởng của nhà văn dù tiến bộ và mới mẻ đến đâu vẫn có sự bắt rễ sâu và hoàn toàn thống nhất với truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc.

3.3.Kết bài:

– Kết luận về nội dung, nghệ thuật vẻ đẹp nhân vật hồn Trương Ba qua đoạn trích;

– Nêu cảm nghĩ về quan niệm về lẽ sống đẹp dành cho con người.

(4.00)

4. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

(0,25)

5. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

(0,25)