Covid xâm nhập vào cơ thể như thế nào

Dịch Covid-19 bùng lên ở Trung Quốc từ tháng 12/2019. Trong gần nửa năm qua, dịch đã lan tới 212 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 3,5 triệu ca mắc, gần 250.000 người tử vong.

Đại dịch Covid-19 chính là thảm họa lớn nhất của nhân loại kể từ chiến tranh thế giới thứ 2.

Dù dải trình tự gene giống SARS tới 80% nhưng những thông tin cập nhật gần đây cho thấy, mức độ nguy hiểm của SARS-CoV-2 lớn hơn nhiều so với các chủng đã biết.

Viêm phổi và suy hô hấp cấp tính

Ở giai đoạn 1 của dịch Covid-19, khi Trung Quốc là điểm nóng của cả thế giới, các dữ liệu nghiên cứu cho thấy, biến chứng nguy hiểm và phổ biến nhất ở các bệnh nhân nhiễm bệnh là viêm phổi.

Phổi là môi trường yêu thích nhất của virus SARS-CoV-2. GS Matthew B.Frieman, một chuyên gia về virus của ĐH Maryland (Mỹ) cho biết, nCoV cũng tấn công vào phổi qua 3 giai đoạn như SARS.

Những ngày đầu mới nhiễm, virus tấn công dồn dập tế bào phổi, chủ yếu là lớp tế bào bảo vệ lông mao, sau đó làm bong tróc lớp bảo vệ này.

Covid xâm nhập vào cơ thể như thế nào

Hình ảnh tổn thương phổi đặc trưng của các bệnh nhân nhiễm Covid-19

Khi mất đi lớp bảo vệ, đường hô hấp sẽ bị chất bẩn, dịch lỏng và virus tràn ngập. Cách thức tấn công này khiến nhiều bệnh nhân Covid-19 bị viêm cả 2 lá phổi.

Sau giai đoạn 1, nếu hệ miễn dịch bệnh nhân đủ khoẻ, sẽ hồi phục. Trường hợp cơ thể bệnh nhân miễn dịch quá mức, tấn công cả tế bào lành sẽ khiến tình trạng thêm xấu đi. Bệnh nhân 91, phi công Vietnam Airlines tại nước ta gặp tình trạng này.

Khi sang giai đoạn 3, tổn thương phổi nặng sẽ tiếp tục lan rộng dẫn tới suy hô hấp cấp tính (thở nhanh, khó thở, tím tái…). Trong trường hợp bệnh nhân có hồi phục, phổi sẽ bị tổn thương không thể phục hồi.

Thống kê 113 trường hợp Covid-19 tử vong tại BV Đồng Tế, Trung Quốc cho thấy, 100% bệnh nhân tử vong bị biến chứng suy hô hấp cấp tính và nhiễm trùng.

Tổn thương tim

Nghiên cứu của các bác sĩ BV Đồng Tế, Trung Quốc trên 113 bệnh nhân tử vong đăng trên tạp chí BMJ cho thấy, 77% bị tổn thương tim cấp tính và 49% bị suy tim.

Điểm đặc biệt, không chỉ bệnh nhân có tiền sử tim mạch mới bị các biến chứng suy tim, tổn thương tim cấp, các bệnh nhân tử vong khác cũng gặp biến chứng này.

Tại Vũ Hán, Trung Quốc, thống kê cũng cho thấy cứ 5 bệnh nhân mắc Covid-19 có hơn 1 người bị tổn thương tim dù trước đó không có tiền sử bệnh tim. Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí JAMA Cardiology vào cuối tháng 3 vừa qua.

Các bác sĩ tim mạch đã giải thích 2 khả năng. Thứ nhất, tim bệnh nhân có lẽ đã phải cố gắng để bơm máu khi thiếu lượng oxy cần thiết và virus có thể đã trực tiếp xâm nhập vào tế bào tim mạch. Trường hợp thứ hai, trong quá trình cơ thể nỗ lực loại bỏ virus SARS-CoV-2 đã tạo ra cơn bão cytokine, tấn công vào tim.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, ngoài để ý đến viêm phổi, các cơ sở y tế cần theo dõi và chăm sóc hỗ trợ tim sớm cho các bệnh nhân Covid-19.

Suy gan, thận

Nghiên cứu cho thấy những người mắc Covid-19 thể nặng có nguy cơ bị tổn thương gan, thận rất cao. Khoảng 25% bệnh nhân Covid-19 tử vong tại BV Đồng Tế, Trung Quốc bị tổn thương thận cấp tính.

Tổn thương gan cấp tính và suy gan là có nguy cơ đe dọa tính mạng. Với tổn thương thận, sẽ phải cấp cứu ngay lập tức, lọc máu (chạy thận) cho đến khi thận có thể hoạt động trở lại bình thường.

Tấn công mạch máu

Giữa tháng 4 vừa qua, các nhà khoa học Thụy Sỹ công bố nghiên cứu trên tạp chí The Lancet cho biết, virus SARS-CoV-2 có khả năng tấn công các niêm mạc mạch máu trên khắp cơ thể, từ đó dẫn đến tình trạng suy đa tạng.

Sau khi vào cơ thể, virus sẽ xâm nhập vào lớp nội mô (tế bào) - được coi là tuyến phòng thủ của các mạch máu, làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể và gây ra các vấn đề trong hệ thống vi tuần hoàn (gồm những mạch máu nhỏ nối tiểu động mạch và tiểu tĩnh mạch).

Hệ thống vi tuần hoàn khi gặp trục trặc sẽ làm giảm lưu lượng máu đến các bộ phận khác nhau của cơ thể và cuối cùng là ngừng lưu thông máu.

Gây đột quỵ

Theo báo cáo tại Anh, Mỹ, ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 tạo ra hàng trăm cục máu đông trong các động mạch lớn, gây đau tim và đột quỵ.

Mạng lưới chăm sóc y tế Northwell Health (New York, Mỹ) ghi nhận khoảng 40% bệnh nhân Covid-19 tử vong đều gặp phải tình trạng đông máu hoặc lên cơn đau tim đột ngột.

Covid xâm nhập vào cơ thể như thế nào

Trong đó hầu hết bệnh nhân không có tiền sử bệnh lý, nhiễm bệnh triệu chứng nhỏ, độ tuổi phổ biến từ 30-40, nhóm tuổi ít xảy ra đột quỵ do tắc mạch máu não.

Nhóm các nhà nghiên cứu tại Ireland đã nghiên cứu 83 trường hợp bệnh nhân covid-19 nặng điều trị tại BV St James cho thấy, 67% có hiện tượng hình thành cục máu đông.

Tấn công hệ thần kinh

Tại Trung Quốc, các bác sĩ từng phát hiện virus SARS-CoV-2 hiện diện trong dịch não tủy của bệnh nhân, gây viêm não.

Giám đốc khoa ICU của Bệnh viện Địa Đàn Liu Jingyuan, Trung Quốc khuyến cáo, khi một bệnh nhân có dấu hiệu mất khả năng nhận thức, nhân viên y tế cần cân nhắc khả năng virus tấn công hệ thần kinh, và xét nghiệm dịch não tủy kịp thời để tránh chẩn đoán chậm trễ.

Ngoài ra, TS Erin Michos, Phó giám đốc phòng ngừa bệnh tim mạch ở ĐH Johns Hopkins, Mỹ cũng cho rằng, rất nhiều bệnh nhân Covid-19 mất khứu giác và vị giác, đó cũng có thể là dấu hiệu virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào hệ thần kinh và khu vực não bộ phụ trách khứu giác.

Viêm mạch máu cấp tính ở trẻ em

Thời điểm đầu mùa dịch Covid-19, Trung Quốc báo cáo rất ít trường hợp trẻ em nhiễm bệnh. Ngay các trường hợp trẻ em mắc Covid-19 cũng nhẹ hơn người lớn, tỉ lệ tử vong rất thấp.

Tuy nhiên từ cuối tháng 4 vừa qua, hàng loạt quốc gia châu Âu đã báo cáo những biểu hiện bất thường ở trẻ nhiễm Covid-19.

Sau Anh, Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ hay Mỹ, hôm 30/4 đến lượt cơ quan y tế Tây Ban Nha báo cáo về sự gia tăng các trường hợp trẻ em nhập viện với hội chứng viêm nghiêm trọng, giống như bệnh Kawasaki hay còn gọi là bệnh viêm mạch máu hệ thống cấp tính, trong đó có nhiều trẻ dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện các bác sĩ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra mối liên hệ giữa Covid-19 và căn bệnh lạ nói trên.

Theo vietnamnet.vn

Virus gây bệnh COVID-19 lây nhiễm từ người sang người phổ biến nhất bằng đường nào?

Bằng chứng hiện nay cho thấy bệnh COVID-19 lây nhiễm ở người qua đường tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp (qua các vật dụng hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh), hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh qua dịch tiết từ miệng và mũi. Dịch tiết này bao gồm nước bọt, dịch tiết hô hấp hoặc các giọt bắn. Dịch tiết được phát  xuất từ miệng hoặc mũi của người nhiễm bệnh  khi họ ho, hắt hơi, nói hoặc hát. Người tiếp xúc gần (trong vòng khoảng cách 1 mét) với người đã nhiễm bệnh có thể mắc bệnh COVID-19 khi các giọt bắn nhiễm bệnh này thâm nhập vào miệng, mũi hoặc mắt của người tiếp xúc.

Để tránh tiếp xúc với giọt bắn, quan trọng là cần giữ khoảng cách  và cách xa những người xung quanh ít nhất 1 mét, thường xuyên rửa tay và che miệng bằng khăn giấy  hoặc khuỷu tay khi hắt hơi hoặc ho khạc. Khi không thể giữ khoảng cách tiếp xúc (đứng cách xa nhau ít nhất 1 mét), cần đeo khẩu trang vải để bảo vệ những người xung quanh. Cần rửa tay thường xuyên để phòng tránh mắc bệnh.

Virus COVID-19 còn có thể lây nhiễm qua những đường nào khác?

Những người có virus trong mũi và họng có thể vô tình làm lây những giọt bắn mang mầm bệnh lên các vật dụng và bề mặt (còn gọi là vật mang mầm bệnh) khi họ hắt hơi, ho khạc hoặc chạm lên bề mặt đồ vật như bàn, tay nắm cửa và tay vịn cầu thang. Những người khác có thể bị nhiễm bệnh khi họ chạm tay vào các đồ vật hoặc bề mặt mang mầm bệnh này, sau đó lại chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng mình trước khi rửa tay. 

Do đó, cần rửa tay thường xuyên thật kĩ bằng nước và xà phòng hoặc bằng dung dịch rửa tay có cồn, đồng thời thường xuyên lau rửa các bề mặt.

Chúng ta biết gì về sự lây nhiễm qua khí dung?

Một số thủ thuật y tế có thể sinh ra các giọt bắn rất nhỏ (gọi là giọt bắn li ti hoặc khí dung) lơ lửng trong không khí trong thời gian lâu hơn. Khi thực hiện các thủ thuật y tế  này trên người nhiễm bệnh COVID-19 tại các cơ sở y tế, khí dung có thể chứa virus COVID-19. Những người khác có thể hít phải khí dung mang mầm bệnh nếu họ không sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân phù hợp. Do đó, tất cả nhân viên y tế cần thực hiện các biện pháp bảo vệ nhằm phòng tránh lây nhiễm bệnh qua đường không khí khi thực hiện các thủ thuật y khoa, trong đó có việc sử dụng dụng cụ  bảo hộ cá nhân phù hợp. Khách thăm không được phép vào các khu vực đang thực hiện các thủ thuật y khoa đó.

Theo báo cáo, dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát ở một số khu vực có môi trường kín như nhà hàng, CLB đêm, khu vực thờ cúng, cầu nguyện hoặc tại các khu vực nơi người dân có thể đang la hét, nói chuyện hoặc hát hò. Tại các khu vực bùng phát dịch này, cũng không loại trừ khả năng bệnh lây nhiễm qua hạt khí dung, đặc biệt tại các địa điểm trong nhà, không gian tập trung đông người và không khí không đủ thông thoáng nơi người nhiễm bệnh có thời gian dài tiếp xúc với những người khác. Cần khẩn trương  nghiên cứu thêm để điều tra những trường hợp như vậy đồng thời đánh giá sự lây nhiễm COVID-19 trong môi trường này.

Khi nào người nhiễm bệnh có thể lây truyền virus?

Dựa trên những gì mà chúng ta biết tới thời điểm hiện tại, COVID-19 chủ yếu lây truyền từ những người đã có triệu chứng, và cũng có thể xảy ra ngay trước khi họ xuất hiện triệu chứng, khi họ tiếp xúc gần với những người khác trong thời gian dài. Những trường hợp không có triệu chứng có thể lây virus sang cho người khác, tuy vậy vẫn chưa rõ mức độ lây nhiễm, và cần có thêm nghiên cứu về lĩnh vực này.

Hạn chế tiếp xúc với người nhiễm COVID-19, rửa tay kĩ, thường xuyên đồng thời đeo khẩu trang khi không thể đảm bảo khoảng cách tiếp xúc ít nhất 1 mét giúp ngăn chặn đường lây nhiễm.

Người không có triệu chứng có thể lây truyền virus không?

Có. Người nhiễm bệnh có thể lây truyền virus cả khi họ có triệu chứng và khi họ không có triệu chứng. Do đó, cần xác định những người nhiễm bệnh bằng xét nghiệm, cách ly, và chăm sóc y tế, tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Thậm chí người đã được xác định mắc COVID-19 nhưng không có triệu chứng cũng cần được cách ly để hạn chế tiếp xúc với những người khác. Các biện pháp này nhằm mục đích ngăn chặn sự lây lan của bệnh.

Luôn giữ khoảng cách tiếp xúc ít nhất 1 mét với những người xung quanh, cần che miệng bằng mặt trong của khuỷu tay hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, rửa tay thường xuyên và hãy ở nhà nếu bạn thấy người không khỏe hoặc khi được yêu cầu ở nhà. Tại các khu vực dịch bệnh lây lan rộng, người dân cần đeo khẩu trang vải khi không thể áp dụng các biện pháp giãn cách vật lý và các biện pháp kiểm soát khác.

Bạn có thể tham khảo thêm thông tin về việc sử dụng khẩu trang ở đây. 

Sự khác biệt giữa những người không có triệu chứng hoặc tiền triệu chứng là gì? Điều này không có nghĩa là họ đều không có triệu chứng hay sao?

Đúng vậy, cả hai thuật ngữ đều có nghĩa là những người không có triệu chứng. Sự khác biệt là ở chỗ không triệu chứng là nói đến những người đã nhiễm mầm bệnh nhưng không có triệu chứng trong giai đoạn bị nhiễm bệnh, trong khi đó tiền triệu chứng là nói đến những người bị nhiễm bệnh nhưng chưa xuất hiện triệu chứng và các triệu chứng sẽ xuất hiện sau đó. 

Việc phân biệt này rất quan trọng trong chiến lược y tế công cộng nhằm kiểm soát lây nhiễm. Ví dụ, số liệu xét nghiệm cho thấy những người có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhất tại thời điểm   xuất hiện triệu chứng hoặc xung quanh khoảng thời gian đó. Do đó, trong hướng dẫn điều tra ca bệnh và truy tìm nguồn tiếp xúc của WHO, theo khuyến cáo này thì những người được coi là ‘người tiếp xúc’ nếu họ đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh từ 2 ngày trước thời điểm người nhiễm bệnh này xuất hiện triệu chứng.

Có cần thêm thông tin để hiểu rõ hơn về cơ chế lây truyền của COVID-19 không?

Có. COVID-19 là một bệnh mới. Trong lúc thông tin ngày càng sẵn có và cập nhật hàng ngày, vẫn còn nhiều câu hỏi về cơ chế lây truyền của bệnh. Nhiều nhóm và mạng lưới nghiên cứu trên toàn thế giới đang triển khai để tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi này.

WHO và các đối tác của  WHO đang phối hợp để hiểu rõ hơn về:

  • các đường lây truyền, trong đó có đường lây qua giọt bắn với kích thước khác nhau, lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, qua vật mang mầm bệnh, và vai trò của sự lây nhiễm qua đường không khí khi không thực hiện các thủ thuật tạo ra khí dung;
  • liều virus cần có để làm lây bệnh;
  • đặc điểm của người bệnh và bối cảnh khiến cho việc siêu lây truyền lan rộng như đã từng thấy ở một số sự kiện lây lan trong môi trường kín;
  • tỷ lệ người bị nhiễm bệnh mà  không có triệu chứng trong suốt quá trình nhiễm bệnh;
  • tỷ lệ những người thực sự không có triệu chứng nhưng lây nhiễm virus  cho những người khác;
  • các yếu tố đặc hiệu lây nhiễm bệnh không triệu chứng và tiền triệu chứng;
  • và tỷ lệ tất cả các ca lây nhiễm bị lây từ những người không có triệu chứng và tiền triệu chứng.

WHO khuyến cáo gì để ngăn chặn hoặc phòng tránh COVID-19?

WHO khuyến cáo thực hiện nhóm các biện pháp nhằm ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19 từ người sang người như sau:

  • Hạn chế tiếp xúc gần giữa những người nhiễm bệnh và những người khác. Đảm bảo khoảng cách tiếp xúc nhất 1 mét với những người khác. Tại các vùng dịch bệnh COVID-19 đang lưu hành và không thể đảm bảo áp dụng biện pháp này, thì cần đeo khẩu trang.
  • Nhanh chóng xác định những người nhiễm bệnh để cách ly và chăm sóc, đồng thời mọi đối tượng tiếp xúc với người này có thể bị cách ly tại các cơ sở phù hợp.
  • Rửa sạch tay và luôn che miệng bằng khăn giấy hoặc mặt trong khuỷu tay khi ho khạc hoặc hắt hơi.
  • Tránh nơi đông người, những địa điểm tiếp xúc gần và không gian kín và không thông thoáng khí.
  • Đảm bảo thông thoáng không khí ở môi trường trong nhà, gồm nhà ở và văn phòng làm việc.   
  • Hãy ở nhà nếu bạn cảm thấy không khỏe, cần liên lạc với nhân viên y tế, cơ sở y tế càng sớm càng tốt để xác định xem bạn có cần chăm sóc y tế không.
  • Ở các quốc gia và vùng lãnh thổ dịch COVID-19 đang lưu hành, nhân viên y tế cần phải luôn đeo khẩu trang y tế trong mọi hoạt động thường quy tại các khu vực lâm sàng trong cơ sở y tế.
  • Nhân viên y tế cũng cần sử dụng thêm các trang dụng cụ bảo hộ cá nhân và các biện pháp bảo vệ khi chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19. Các chi tiết về nhân viên y tế có tại đây và đây.
  • Cần có các biện pháp bảo vệ tại nơi làm việc, chi tiết xem thêm tại đây. 

Tôi có thể tự bảo vệ mình trước COVID-19 như thế nào?

Xem thêm thông tin về các biện pháp bảo vệ cho chính bạn tại đây. 

Mục đích của báo cáo khoa học tóm tắt về lây nhiễm bệnh là gì?

WHO thường xuyên công bố các báo cáo khoa học tóm tắt nhằm giải thích sâu về các đề tài chuyên môn cho đối tượng là những người làm khoa học. Báo cáo khoa học ngắn gọn về cơ chế lây nhiễm của COVID-19 tóm tắt những kiến thức chúng ta biết về cơ chế lây nhiễm của virus từ người sang người như thế nào, ai là người lây truyền virus và khi nào người này có thể lây nhiễm sang người khác, và ý nghĩa của các biện pháp phòng ngừa. Báo cáo cũng chỉ ra một số lĩnh vực chính cần nghiên cứu thêm và các kết quả nghiên cứu này sẽ giúp cung cấp thông tin  cho các khuyến cáo và hướng dẫn.

Thông tin này rất quan trọng nhằm hiểu rõ biện pháp phòng tránh lây nhiễm và hạn chế sự lây lan của virus ở người.

Các báo cáo khoa học tóm tắt của WHO là những tài liệu sống, nghĩa là các báo cáo này được cập nhật mỗi khi có các nghiên cứu mới. COVID-19 là bệnh mới và chúng ta vẫn đang học hỏi hàng ngày về bệnh này.  

WHO tổng hợp thông tin như thế nào?

WHO tiếp tục đánh giá lại thông tin từ các nghiên cứu đã được công bố, trong đó có các nghiên cứu ở giai đoạn “tiền in ấn” (bản thảo chưa được bình duyệt nhưng đã được đăng tải lên hệ thống máy chủ trước khi in). WHO cũng xác định những câu hỏi quan trọng cần được trả lời để hiểu rõ thêm và nâng cao khả năng đáp ứng trước dịch bệnh COVID-19 và hướng dẫn định hướng nghiên cứu về các vấn đề này. WHO tổ chức họp trực tuyến thường xuyên với mạng lưới các chuyên gia toàn cầu ở các chuyên ngành khoa học khác nhau nhằm đánh giá tất cả nghiên cứu hiện có, đồng thời xác định các bằng chứng hiện tại, các thực hành tốt nhất và kinh nghiệm của nhân viên tuyến đầu để có thể xây dựng thành các hướng dẫn và khuyến cáo.