Chỉ là chuyện thường tình review

Được sự đồng ý của bạn La Ngọc Sơn, Hội đăng lại bài viết cảm nhận của bạn ấy về tác phẩm “Chỉ là chuyện thường tình” – Tâm Văn, Lê Thanh Quỳnh dịch, NXB Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh phát hành.

Hoa chi tử, tình yêu và hẹn ước vĩnh cửu

“Chỉ là chuyện thường tình”… Ừ, chỉ là chuyện thường tình đấy. Nhẹ nhàng, trong trẻo như hương thơm phảng phất trên mỗi trang giấy để rồi khi cuốn sách khép lại, hình ảnh còn vương trong tâm trí người đọc là đóa chi tử thơm đến ngọt ngào.

Chỉ là chuyện thường tình review

Càng đặt mình vào giữa mọi người, lại càng cảm thấy cô đơn

Cô sinh ra trong một gia đình bình thường với một người cha luôn nhẫn nhịn khiêm nhường, một người mẹ mạnh mẽ thích hư vinh, một người chị tài giỏi thích nổi bật. Cô, trong gia đình ấy, chỉ là một con bé lầm lũi, quê mùa, không đáng được nhắc đến. Cô lu mờ sau cái bóng của người chị song sinh.

Anh đến với cuộc đời với cái danh “con hoang” bị người ta khinh thường, phỉ nhổ. Anh lớn lên trong tình yêu thương của mẹ và bà ngoại cùng những gai góc của một tâm hồn non nớt phải xù lên để tự bảo vệ mình khỏi sự xa lánh, ghẻ lạnh của những người xung quanh.

Ngõ Tử Trúc của những người dân lao động nghèo là nơi họ gặp nhau, khi cô đút cho bà ngoại anh miếng quýt, khi anh là người tìm thấy cô khi chơi trò trốn tìm, để cô không còn bị lãng quên.

“Chỉ là chuyện thường tình” kể một câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng của Đỗ Tịch Nhan và Trác Thanh Liên (Kiều Dật). Tình yêu ấy bắt đầu từ tình bạn thời thơ bé, gián đoạn suốt mười tám năm cùng nhưng biến chuyển của cuộc đời để rồi như đóa hoa chi tử, nở bừng khi họ gặp lại nhau.

Mười tám năm ấy thật dài. Trong mười tám năm có biết bao thay đổi. Tịch Nhan vẫn sống cô đơn trong chính gia đình mình, rồi cô gặp một điểm sáng mang tên Tô Hàng, mỗi tình đầu đơn phương câm lặng của người thiếu nữ chỉ có thể chôn chặt tâm tư vào lòng.

“Hoa chi tử, thơm là thơm đến tận cùng, dẫu cho thân thể úa tàn thì hồn hoa vẫn cứ ngát hương, đọng mãi trong tâm trí người ta. Cũng giống như chàng trai của mối tình đầu. Năm tháng qua đi, như dòng nước trôi chảy không ngừng, khi bạn tưởng như đã từ bỏ. Nhưng không, dù ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần nghĩ tới anh ấy, một góc sâu kín trong trái tim lại nhói lên, vết thương như mới chỉ hôm qua.”

Tô Hàng là một điểm sáng, là một ngôi sao trong thời niên thiếu của Tịch Nhan. Nhưng, ngôi sao mãi là một ngôi sao và Tịch Nhan chỉ là một con bé trầm lặng không ai buồn nhớ tới mỗi khi chơi trò trốn tìm. Tô Hàng đến với chị gái Tịch Nhan và để lại phía sau một trái tim vỡ vụn khi thốt lên lời chúc tốt lành.

Mối tình đầu là mối tình đẹp khắc cốt ghi tâm. Tuổi trẻ, sự trong sáng, non nớt, ngây thơ khiến mối tình đầu không vướng bận tính toán hơn thua hay hoài vọng một tương lai tốt đẹp. Người trẻ yêu chỉ là yêu, chỉ là nhận định một người và ở bên người đó. Thời niên thiếu của mình, Tịch Nhan nhận định Tô Hàng nên chính cô cũng đã quên, phía sau cô còn có một đôi mắt dõi theo.

Trác Thanh Liên rời khỏi ngõ Tử Trúc, rời khỏi cái tên Kiều Dật, rời khỏi sự khinh miệt, xa lánh của người đời, rời khỏi người mà anh đã nhận định bằng cuộc đời. Đến khi gặp lại, cô không còn nhớ anh nữa, cô trao cho anh bức thư tình của một người bạn… và dù cô trao nhầm người nhưng điều đó thắp lên cho anh hy vọng và lại dập tắt hy vọng.

Khi Tịch Nhan nhớ lại, thì đã là mười tám năm rồi.

Tuổi ấu thơ của tôi gắn liền với ngõ Tử Trúc, tôi lớn lên cũng chính từ con ngõ nhỏ cũ kỹ, đơn sơ ấy. Lúc rời xa nơi ấy, tôi đã từng hứa với một cô gái rằng, tôi nhất định sẽ quay về tìm cô ấy.

Người ta nói Trác Thanh Liên là người đàn ông vô tình bởi anh đa tình, vì tình yêu một đời anh chỉ dành cho một người thôi. Người ấy là cô gái nhỏ ở bên anh thuở thơ ấu. Người ấy là đóa chi tử trong lòng anh.

Chi tử trắng trong thuần khiết, không sặc sỡ bắt mắt, không phô trương ồn ào, lặng lẽ ngát hương, thấm vào lòng người, lan tỏa bốn phương…

Cho đi và nhận lại

Cả Trác Thanh Liên lẫn Đỗ Tịch Nhan đều là người cố chấp trong chuyện tình cảm. Họ, đã nhận định thì sẽ dùng cả linh hồn để nhớ, để yêu; đã dứt bỏ thì sẽ quay lưng không nuối tiếc cho dù trái tim có vỡ vụn.

Tô Hàng là một điểm sáng, nhưng cũng là vết thương trong lòng Tịch Nhan. Anh đến trong tuổi thanh xuân đẹp nhất, vô tư, trong sáng, thuần khiết. Và anh đi khi tuổi hoa mộng chấm dứt. Anh có cơ hội nhưng chính anh lại vứt bỏ. Khi anh trở về, Tịch Nhan đã không còn là Tịch Nhan năm xưa nữa.

Con người vẫn luôn thế, yêu người không nên yêu, người nên yêu lại không yêu, cứ cố giữ lấy thứ không nên giữ, mà để tuột mất điều không đáng bỏ lỡ. Trên sân khấu cuộc đời, không có ai đứng mãi một chỗ chờ đợi ta cả.

Cuộc sống hiện đại gấp gáp, ồn ào khiến con người thay đổi. Trong cuộc sống ấy, Tịch Nhan cô độc và lặng lẽ chờ đợi người sẽ nhìn thấy cô, sẽ ngửi thấy hương hoa chi tử ngọt ngào thanh khiết, sẽ tìm thấy cô trong trò chơi trốn tìm. Tô Hàng tìm thấy cô, nhưng lại quên lời hứa khi ấy.

Tình yêu là cho đi và nhận lại, là sự hạnh phúc khi được người mình yêu cưng chiều, quan tâm. Tình yêu vì thế nên mới đẹp, tình yêu vì thế nên mới thiêng liêng. Không còn nỗi đau tan vỡ, tuyệt vọng của tình đơn phương, cũng không còn những tháng ngày âm thầm chờ đợi lặng lẽ. Trác Thanh Liên là người đem đến những điều ấy cho Tịch Nhan. Rồi hồi ức vẫn là hồi ức thôi.

Chỉ là chuyện thường tình

“Chỉ là chuyện thường tình” nhẹ nhàng, giản dị như chính hình ảnh hoa chi tử xuyên suốt câu chuyện. Xung đột trong truyện không gay gắt nhưng đủ để khắc họa nhân vật một cách sắc nét. Một Tịch Nhan nhu mì, dịu dàng. Một Thanh Liên hòa ái nhưng xa cách. Một Triều Nhan xinh đẹp mà lại đầy ngạo mạn, ích kỷ. Một Tô Hàng tài năng, thân thiện với tất cả những điểm nổi bật của một chàng trai hiện đại. Thế giới của “Chỉ là chuyện thường tình” xoay quanh bốn con người họ bằng cách nhìn bình thản của tác giả. Cả câu chuyện dài dường như chẳng có ai là nhân vật phản diện. Mỗi chi tiết, mỗi hành động, mỗi nút thắt đều đơn giản như trong cuộc sống thường ngày ta vẫn gặp phải. Những va vấp đầu đời, những cảm xúc tuổi mới lớn, những ghen tị cùng cảm giác nhục nhã có thể gặp phải bất cứ đâu trên thế giới này. Con người không hoàn mĩ, cũng không vĩnh viễn thánh thiện và vị tha. Những chi tiết nhỏ khiến “Chỉ là chuyện thường tình” trở nên thường tình hơn.

Cuốn sách khép lại bằng một cái kết hạnh phúc và trọn vẹn. Người nào nên ở đâu thì họ có mặt tại nơi đó cho dù cuộc sống này, chẳng có cái gì thực sự là kết thúc. Kết thúc để mở ra bắt đầu, cuộc sống lại tiếp diễn thôi, và như thế hồi ức là quá khứ và chờ đợi không còn nữa.