Biểu hiện của hiện đại hóa văn học năm 2024

Trong hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa mới cuối XIX đầu XX, nền văn học Việt Nam đã từng bước chuyển mình, bước vào quỹ đạo hiện đại hóa. Một trong những biểu hiện của tính hiện đại là sự xuất hiện các dấu hiệu của một thị trường văn học. Bài viết phân tích những tiền đề cho sự xuất hiện và các dấu hiệu của tính thị trường trong đời sống văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Abstract: In the new context of history, society and culture at the end of the 19th century early 20th century, Vietnamese literature has gradually transformed itself, enter the modernization orbit. One of the expressions of modernity is the appearance of the signs of a literary market. The article analyzes the premise for the emergence and the expression / sign of the marketability of literary life in the early 20th century.

Key words: signal, literary market, Vietnam, early 20th century

Trong Từ điển thuật ngữ văn học không có khái niệm Văn học thị trường. Tuy nhiên, nếu hình dung về nội hàm, có thể thấy, Văn học thị trường có nhiều nét tương đồng với Văn học đại chúng. Một số nhà nghiên cứu về văn học thị trường ở Nigeria còn gọi nó là Văn học phổ biến. Trong nghiên cứu của các tác giả này [11] [12], văn học thị trường ở Nigeria có mấy đặc tính như: ra đời trên cơ sở sự xuất hiện của ngành in và báo chí; chủ yếu nhằm thỏa mãn nhu cầu người đọc bình dân/ số đông; nhà văn thường ít hoài niệm mà hướng tới cuộc sống thường nhật với các đề tài có tính phổ thông như tình yêu, hôn nhân, ma thuật và nghi lễ, điều tra, tội phạm, thành công trong kinh doanh...; ngôn ngữ thường đơn giản, sáng rõ, phù hợp với trình độ của người đọc thông thường; hầu hết nhà văn đều chưa được đào tạo với bằng cấp cao nên không có khả năng xử lý những câu chuyện phức tạp, các tiểu thuyết thị trường thời kỳ đầu thường được viết trong vài trang; bìa của ấn phẩm thường được thiết kế bằng các bức tranh phong cảnh đẹp, người phụ nữ đẹp, ngôi nhà sang trọng hoặc xe hơi... nhằm thu hút sự chú ý.

Trong lịch sử văn học Việt Nam đến thời điểm này, văn học thị trường hầu như chưa khi nào trở thành một bộ phận của nền văn học. Tuy vậy, đầu thế kỷ XX, ở địa hạt văn xuôi, nhất là tiểu thuyết, đã có những dấu hiệu khá rõ của một thị trường văn học và ít nhiều xuất hiện những hiện tượng văn học thị trường. Bộ phận văn học này xuất hiện trong bối cảnh xã hội Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ, thoát ly hệ hình phong kiến, chuyển sang chế độ thuộc địa với nhiều ảnh hưởng từ kinh tế, văn hóa, xã hội phương Tây – thời kỳ mà theo GS Trần Đình Hượu, là “một cuộc đổi thay mà bất cứ một cuộc bể dâu nào trước đây cũng không thể so sánh”. Bên cạnh những điểm gần gũi với văn học thị trường/đại chúng/phổ biến ở các nền văn học khác, văn học mang tính thị trường ở Việt Nam đầu thế kỷ XX cũng có nhiều điểm riêng, khác biệt.

1. Những điều kiện xuất hiện thị trường văn học ở Việt Nam đầu thế kỷ XX

1.1. Nền kinh tế hàng hóa và tâm lý tiêu dùng

Nền kinh tế hàng hóa là sản phẩm của quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Không chỉ vơ vét tài nguyên và sức lao động, thực dân Pháp còn biến Đông Dương thành một thị trường lớn để tiêu thụ hàng hóa thứ cấp từ chính quốc. Đây vừa là hệ quả, vừa là tiền đề tạo nên cuộc biến thiên dữ dội diễn ra ở các nước thuộc địa. Trong Thi nhân Việt Nam, cách diễn đạt của Hoài Thanh khiến người ta rất dễ nhớ: “Chúng ta ở nhà tây, đội mũ tây, đi giầy tây, mặc áo tây. Chúng ta dùng đèn điện, đồng hồ, ô-tô, xe lửa, xe đạp... còn gì nữa! Nói làm sao cho xiết những điều thay đổi về vật chất, phương Tây đã đưa tới giữa chúng ta!” [8, tr.17-18]. Bối cảnh kinh tế, xã hội đó đã hình thành và nuôi dưỡng tâm lý tiêu dùng, từ tiêu dùng vật chất đến tiêu dùng những sản phẩm văn hóa tinh thần. Văn chương là một loại sản phẩm tinh thần được nhiều người lựa chọn. Do vậy, viết văn dần trở thành một nghề đáp ứng nhu cầu đó của xã hội. Đầu thế kỷ XX, Tản Đà là một trong những người đầu tiên kiếm sống bằng nghề cầm bút. Ngoài những biến cố cuộc đời và gánh nặng gia đình phải lo toan, việc “phá nghiệp kiếm ăn xoàng” của Tản Đà hẳn là có cơ sở từ hoàn cảnh khách quan. Bởi nếu xã hội không có nhu cầu “tiêu thụ”, chắc Tản Đà đã không nghĩ tới việc “đem văn chương đi bán phố phường”. Thêm nữa, Tản Đà do đã nắm bắt được tâm lý khách hàng văn chương của mình nên trong cuộc “bán văn buôn chữ” ông chọn văn xuôi và báo chí chứ không phải thơ, dù thơ mới là thứ làm nên “thương hiệu” Tản Đà. Và để cho văn xuôi được công chúng chú ý, Tản Đà đã đổi mới cách viết, mạnh mẽ nhất và đi xa nhất cái xuất phát điểm văn chương nhà Nho là truyện phiêu lưu – viễn tưởng và tự truyện. Cuốn Giấc mộng lớn của Tản Đà, theo Lê Thanh thì: “Từ khi nó ra đời, người ta đã bắt đầu mạt sát nó, ngày nay người ta đem nó lên xe lửa bán rao” [9, tr.25]... Nghĩa là Tản Đà đã đi trước, đã đón đầu được tâm lý hiếu kỳ và nhu cầu giải trí của độc giả khi tìm đến với loại văn xuôi tự sự. Bởi thế, Giấc mộng lớn trở thành cuốn tự truyện đầu tiên trong nền văn học quốc ngữ ở nước ta. Ngày nay, trong bối cảnh kinh tế thị trường đang chi phối ngày càng mạnh mẽ đời sống văn học, tự truyện lại tái hồi mạnh mẽ. Tất nhiên, thể loại tự sự này phát triển còn bởi nhiều lí do khác, nhưng trong đó không thể không kể đến vai trò của công chúng.

1.2. Công chúng văn học và nhu cầu giải trí

Công chúng tức là người đọc số đông, là sản phẩm của quá trình đô thị hóa. Khi thực dân Pháp bắt tay khai thác thuộc địa, cấu trúc đô thị Việt Nam đã thay đổi về căn bản. Đô thị dưới thời Pháp thuộc không chỉ là thủ phủ về chính trị, quân sự, mà còn là trung tâm kinh tế, văn hóa. Cạnh các tòa thị chính, trụ sở của các công ty tư bản, các nhà máy, xí nghiệp, bến tàu, bến xe, trường học, bệnh viện, nhà hát, casino... thi nhau mọc lên. Môi trường đó có nhiều cơ hội cho người ta kiếm sống. Do vậy, đoàn người bị tước đoạt tư liệu sản xuất ở các vùng nông thôn lũ lượt kéo nhau đến các đô thị. Cùng với giai cấp thống trị và các thương nhân, họ tạo nên một tầng lớp thị dân đông đúc gồm nhiều loại người khác nhau. Kiểu sinh hoạt và nhu cầu của thị dân cũng khác hẳn so với cuộc sống chốn cung đình hay làng xã trước đây. Đời sống vật chất của người thành thị nhìn chung khá giả hơn. Công chức, công nhân, thầy giáo, học trò… đều làm việc theo giờ chứ không theo mùa như người nông dân. Ngoài giờ làm việc, họ có thời gian nghỉ ngơi. Tầng lớp tiểu thương, tiểu chủ và những người làm các nghề tự do khác cũng có nhiều thì giờ rảnh rỗi. Giải trí trở thành một nhu cầu khá phổ biến trong khi các hình thức và phương tiện giải trí cho thị dân lại quá ít ỏi. Một vài rạp hát, rạp chiếu bóng được xây dựng ở trung tâm thành phố vào đầu thế kỷ chủ yếu dành cho người Pháp hay những người An Nam có tiền. Với đa số người lao động, việc mua vé đến các rạp hát nghe hoà nhạc Tây, xem kịch nói hay "chớp bóng" là điều hiếm khi thực hiện được. Do vậy, phần lớn thị dân giải trí bằng việc đọc sách báo.

Một đặc điểm quan trọng của văn học thời kỳ này, nhất là các thể loại văn xuôi, là hướng tới nhu cầu giải trí. Trong nhiều "Lời tựa", "Lời đầu sách", người viết thường ghi: "Quyển tiểu thuyết này cốt để giúp chư tôn giải muộn, phần hay dở tác giả chẳng dám tự khoe, xin nhượng phần phân đoán" [6, tr.1]; "Trong khi rỗi việc, tôi soạn ra cuốn tiểu-thuyết này để hiến chư độc-giả nhàn lãm" [7, tr.2]; "Vậy gọi là có ít chương để hiến chư độc giả mua vui trong khi uống nước, ngồi chơi" [3, tr.1]; "Nên tôi chẳng nệ tài hèn trí thấp mà soạn ra cuốn tiểu thuyết này hiến lên lục châu Quân-tử, thừa khi giờ rảnh xem qua, tưởng khi cũng đặng chút lòng suy nghĩ" [2, tr.1]... Quan niệm về chức năng giải trí của văn học hẳn là hết sức mới mẻ. Nó cho thấy người đọc đã trở thành đối tượng được quan tâm trong đời sống sáng tác. Nó cũng cho thấy một quan niệm cởi mở, hiện đại hơn về văn chương so với thời trung đại.

1.3. Xuất hiện báo chí, ngành in, nhà xuất bản và các hoạt động thương mại sách báo

Công nghệ in được đưa vào nước ta có lẽ bắt đầu từ nhu cầu in ấn báo chí để phục vụ cho công cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Báo chí không đồng nghĩa với văn chương nhưng là nơi đăng tải sáng tác. Hình thức đăng tải sáng tác thu hút rất đông người quan tâm thời kỳ này là tiểu thuyết đăng nhiều kỳ (feuilleton). Ngoài việc được đăng nhiều kỳ trên các báo, rất nhiều tiểu thuyết ra đời dưới dạng in luôn thành sách. Do vậy, vai trò của các nhà in (Imprimerie), nhà xuất bản (Éditeur) cũng hết sức quan trọng. Lúc đầu, các nhà in ở miền Bắc và miền Nam đều trong tay người Pháp. Về sau, nhiều thương nhân Việt Nam đã độc lập thực hiện công việc này. Sớm nhất là Nguyễn Hữu Sinh, Đỗ Văn Hoa, Hoàng Tri Phú, Đinh Thái Sơn (còn gọi là Phát Toán). Khoảng những năm 1920-1930, công nghệ in ấn ở Việt Nam phát triển rất mạnh. Bên cạnh những nhà in do người Pháp quản lý, hàng loạt nhà in kiêm Thư quán, Thư xã, Thư cục... do người Việt làm chủ đã ra đời ở khắp nơi trên cả nước: Mỹ-Thắng (Nam Định); Nguyễn-Kính, Cát-Thành, Hương-Hát Thư-điếm (Hải Phòng); Ngọc-Trâm Thư-quán (Thanh Hóa); Impr. Quy Nhơn (Quy Nhơn); F.Van-VoVan, Bùi-Văn-Nhân (Bến Tre); Nữ-Lưu Thơ-quán (Gò Công); Thường Dung (Long Xuyên); Lý-Công-Quân (Sóc Trăng); nhiều nhất là ở Sài Gòn (Xưa-Nay, Huỳnh-Kim-Danh, Thạch-Thị-Mậu, Đức-Lưu-Phương, Tín-Đức Thư-xã, Bảo-Tồn, Man-Sanh, Tam-Thanh, Nguyễn-Văn-Viết...) và Hà Nội (Đông-Kinh ấn-quán, Tân-Dân Thư-quán, Nhật-Nam Thư-quán, Kim-Đức-Giang, Phú-Văn-Dương, Mạc-Đình-Tư, Long-Quang, Nghiêm-Hàm ấn-quán, Chân-Phương ấn quán, Thủy-Ký...). Số lượng nhà xuất bản thì ít hơn, nhất là những nhà xuất bản có tính chuyên nghiệp (mua và giữ bản quyền tác phẩm). Hoạt động sôi nổi và chiếm được số đông độc giả trong thời gian này phải kể đến các nhà xuất bản như: Nguyễn Văn Của, Phạm Văn Thình, Tân Dân... Sự xuất hiện đồng loạt các nhà in, nhà xuất bản trên cả nước như vậy cho thấy tính chất cạnh tranh, mục đích kinh doanh của hoạt động này.

2. Dấu hiệu của thị trường văn học đầu thế kỷ XX

Những điều kiện chúng tôi vừa phân tích trên đây đã tạo nên một bối cảnh hết sức thuận lợi cho sự phát triển của nền văn học theo hướng hiện đại. Trong bối cảnh đó, một bộ phận văn học, nhất là văn xuôi quốc ngữ, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu của văn học thị trường. Đó cũng chính là những tiền đề hình thành một thị trường văn học ở nước ta đầu thế kỷ XX.

2.1. Các tác phẩm văn xuôi đều được in với số lượng khá lớn

Số lượng bản in thường được thể hiện ngay trên bìa một của cuốn sách. Ví dụ: Lưới trời khó lọt (Ngô Khuyến Sanh) “In lần thứ nhứt 1000 cuốn”, Hiếu nghĩa vẹn hai (Phạm Minh Kiên) “In lần thứ nhứt 2.000 cuốn”, Mộng trung du (Cảnh Chi) “In lần thứ nhứt 2.000 cuốn”, Máu chảy ruột mềm (Hồng Tiêu) “In lần thứ hai 2000 quyển”, Nặng nghĩa châu trần (Nguyễn Thái Hòa) “In lần thứ nhứt 3000 cuốn”, Lòng người nham hiểm (Nguyễn Chánh Sắt) “In lần thứ nhứt 5000 cuốn”, Giọt máu chung tình (Tân Dân Tử) “Trọn bộ 4 cuốn, mỗi cuốn in ra 3.000”... Đó quả là những con số đáng mơ ước ngay cả trong thời này, khi mà cuộc sống đã văn minh hơn rất nhiều và nhu cầu đọc cũng lớn hơn. Đối với đương thời, những con số cho thấy một sức tiêu thụ khá mạnh. Nó cho ta hình dung về một không khí sôi động, nhộn nhịp của thị trường văn học dù in ấn, xuất bản bấy giờ vẫn còn là một ngành non trẻ.

2.2. Các hình thức quảng cáo, “tiếp thị” sản phẩm hết sức đa dạng, ấn tượng

Hình thức dễ nhận thấy nhất là tên tác phẩm thường đi kèm những dòng phụ chú: "Hãy xem quyển tiểu thuyết này, thì thấy nhiều đoạn thiệt hay" (Đất bằng sóng dậy – Cẩm Vân nữ-sĩ), "Chuyện một thầy Huỳnh-Liên ở Cholon và một cô Hồng-Châu ở Saigon thiệt hay" (Xuân-Hoa truyện – Trương Quang Tiền), "Vụ tìm kím cái gia-tài một trăm ngàn đồng bạc con cò, rất bí mật" (Hoàng-Đào tương cố - Pélix Mộng Trần), “Có vẽ thánh tượng và có tiếp thêm các bài văn tán” (Hưng-Đạo Vương – Phan Kế Bính)... Vẽ minh họa cũng có thể là một cách gây hứng thú cho người đọc. Rất nhiều tiểu thuyết xuất bản thời gian này được vẽ bìa minh họa. Cuốn Khóc thầm (Hồ Biểu Chánh) bản của nhà in Nguyễn Văn Của năm 1929 tuy không có tranh bìa nhưng lại có 5 bức vẽ in rải rác. Đặc biệt, tiểu thuyết Hai chị em lưu lạc (Pièrre L.) do xác định đối tượng tiếp nhận là trẻ nhỏ nên sách có tới 50 bức tranh minh họa in xen giữa các trang truyện. Cuốn Gia-đình ngộ-biến (Nguyễn Hữu Sinh) ngoài việc in ảnh chân dung tác giả, còn có thêm một tấm ảnh chụp với dòng phụ chú “Chơn (chân) dung của chàng Nguyễn-thế-An” là nhân vật chính trong truyện. Giá của nhiều cuốn sách được đề rõ ràng ngay trên trang nhất cũng có thể xem là một hình thức quảng cáo cho tác phẩm. Ngay cả việc đưa thông tin về số lượng bản in lên trang bìa một cũng không ngoài mục đích thu hút sự chú ý của người đọc. Kết thúc cuốn Nữ anh tài (Hoàng Thị Tuyết Hoa), tác giả/nhà xuất bản đã có mục tái bút: “T.B. – Kỳ tới sẽ hiến cho các bạn độc giả bộ “Kiếp-Hoa-Thảm-Sử”, tiểu thuyết về xã-hội hiện thời. So với bộ Nữ-anh-Tài, thì bộ nầy chuyên về một mặt khác, hành văn cũng theo một lối khác, mời chư độc giả đượi (đợi) xem” [5, tr.26]. Ngoài ra, trong Nữ anh tài cuốn thứ năm, tác giả/ nhà in thỉnh thoảng còn dành một phần trang sách để trình bày bằng font chữ to in đậm những câu danh ngôn về việc đọc sách hay vai trò của tiểu thuyết đối với đời sống xã hội như một sự khích lệ hoạt động đọc. Cách gọi tên thể loại cũng có thể tạo được ấn tượng đối với độc giả ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên. Chẳng hạn: “Tiểu-thuyết về ẩn-tình xã-hội Bắc-kỳ” (Kim Anh lệ sử – Trọng Khiêm), “Bi tình tiểu thuyết” (Nước hồ Gươm – Lan Khai), “Ẩn tình xã hội – Luân lý tiểu thuyết” (Bể oan – Trương Thị Bích Liên)... Sách mới ra còn được rao bán trên bìa của những cuốn khác trong mục "Sách mới có trong nước", “Sách mới xuất bản”, "Xin giới thiệu"... Cuốn Anh hùng náo do Vũ Đình Long dịch từ “tiểu thuyết Tàu cổ” khi tái bản còn được giới thiệu: “Bộ tiểu thuyết này hết đã lâu, nhiều người hỏi lắm, mà vì Tân-Dân Thư-Quán bận in sách mới mãi tới ngày nay mới tái bản được”(1). Ngoài việc quảng bá cho các nhà in/thư quán/nhà xuất bản, nhiều cuốn tiểu thuyết còn dành cả trang in nội dung quảng cáo sản phẩm cho các hãng lụa, hãng “hột-xoàn”, hãng giày, máy xay lúa gạo, cho thuê nhà đất, khách-sạng (sạn), tiệm may, “Đồ kỹ-nghệ Bắc-kỳ”... Có trường hợp đặc biệt, tiểu thuyết còn được in song song với những bài thuốc y học cổ truyền. Đó là các tiểu thuyết của Nguyễn Chánh Sắt – Tình đời ấm lạnh in trong Thiên sanh đường đại dược phòng và Nghĩa hiệp kỳ duyên in trong Vệ sinh chỉ nam – cứ một trang về thuốc lại một trang tiểu thuyết(2)...

2.3. Sử dụng phổ biến hình thức in tiểu thuyết nhiều kỳ

Việc in một tiểu thuyết thành nhiều cuốn/ tập cũng không ngoài mục đích kinh doanh kiếm lời. Bởi vì in thành nhiều cuốn mỏng (thường khoảng 30-40 trang) thì giá thấp hơn và người ta dễ mua hơn là in cả cuốn dày hơn trăm trang. Hơn nữa cảm giác đọc dở, cần phải mua đọc tiếp tạo nên hứng thú để đọc các cuốn sau cũng có thể được đem lại nhờ cách làm này. Truyện thường dừng lại ở chỗ ly kỳ nhất để bắt người đọc phải chờ đợi và đến lần sau không thể không bỏ tiền ra mua đọc tiếp. Hầu hết tiểu thuyết xuất bản thời gian này có độ dài trên trăm trang đều được in thành nhiều tập/quyển/cuốn. Chẳng hạn: Khối tình màu nhiệm (Dương Minh Đạt) dày 492 trang chia thành 15 cuốn, Giọt máu chung tình (Tân Dân Tử) dày 185 trang chia thành 4 cuốn, Một gánh giang san (Dương Quang Nhiều) dày 124 trang chia thành 4 cuốn, Oan kia theo mãi (Lê Hoằng Mưu) dày gần 200 trang chia thành sáu cuốn, hết mỗi cuốn đều có câu: “Muốn biết việc thể nào, xin xem cuốn thứ... thì rõ”...

Bên cạnh hình thức in sách thành nhiều tập, hình thức đăng tiểu thuyết thành nhiều kỳ (feuilleton) trên các báo với mục đích như trên cũng được nhiều người viết lựa chọn và nhiều người đọc yêu thích, nhất là ở khu vực Nam Bộ. Trong số những nhà văn Nam Bộ chịu sự chi phối mạnh mẽ của quy luật thị trường đầu thế kỷ XX, Phú Đức là gương mặt tiêu biểu nhất. Ông tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy ước của hình thức feuilleton: “Viết vừa đủ số trang cho một kỳ báo, mỗi đoạn có một điểm nhấn nhất định, và cuối đoạn là một nút thắt, hay là một nghi vấn, tạo nên một hồi hộp, một tò mò, náo nức cho độc giả” [10]. Bởi vậy mà báo nào có đăng tiểu thuyết của ông cũng đều bán rất chạy. Phú Đức đã được tòa soạn Trung Lập báo trả lương tháng, có khi lên tới 80 đồng và trở thành một trong những nhà văn có cuộc sống phong lưu nhất vào thời điểm đó. Cùng thời với Phú Đức, các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Bửu Đình, Lê Hoằng Mưu, Phạm Minh Kiên, Nguyễn Chánh Sắt... cũng nổi tiếng với hình thức công bố tiểu thuyết nhiều kỳ.

2.4. Người viết ý thức rất cao về quyền tác giả

Hoạt động mua bán bản quyền, ý thức giữ bản quyền, cảnh báo vi phạm bản quyền của nhà văn và nhà xuất bản cũng thể hiện tính chất cạnh tranh của thị trường văn học. Nhà văn sống bằng tiền bản quyền, nhà in/nhà xuất bản làm giàu bằng hoạt động in ấn, xuất bản, nên cả người viết và nhà in/nhà xuất bản đều chú ý đến quyền sở hữu tác phẩm và uy tín của mình. Đây là điều chưa thực sự được coi trọng trong thời trung đại. Trên bìa những cuốn tiểu thuyết ra đời trong giai đoạn này thường có các lưu ý như: "Cấm in trùng", "Soạn giả giữ bản quyền", "Coi chừng - Cuốn nào không có dấu ký tên (...) là đồ gian", "Cấm trích sao và in nguyên bổn"... Do vậy, trên các trang bìa sách thường có những dòng viết tay ghi ngày tháng bằng tiếng Pháp và ký tên tác giả hoặc đóng dấu nhà xuất bản. Những lời cảnh báo có vẻ gay gắt, thể hiện ý thức sâu sắc về bản quyền ấy còn nói lên rằng có thể đã có hiện tượng đạo văn hoặc in sách lậu kiếm lời xuất phát từ nhu cầu đọc truyện rất lớn của công chúng.

Những dấu hiệu của thị trường văn học ở Việt Nam đầu thế kỷ XX mà chúng tôi vừa kể ra trên đây vừa có nhiều điểm gần gũi với văn học thị trường/ văn học đại chúng/ văn học phổ biến ở một số quốc gia khác, vừa có những điểm riêng, khác biệt. Điều này phù hợp với bối cảnh xã hội và quy luật tiếp biến văn học cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Việt Nam. Dù hiện đại hóa không đồng nghĩa với thị trường hóa, thì vẫn phải nhận rằng, trong quá trình hiện đại hóa văn học, đã có một bộ phận sáng tác bị/ được thị trường hóa. Cũng không thể phủ nhận rằng không khí của thị trường văn học đó đã có tác động đáng kể đến đời sống văn học, góp phần thúc đẩy nền văn học nước ta nhanh chóng phát triển theo hướng hiện đại.

CHÚ THÍCH

(1) In quảng cáo trong Cái hầm bí mật (Anh hùng tương ngộ thứ hai) của Thụy Am, Tân-Dân thư-quán xuất bản, Hà Nội, 1929.

(2) Hoài Anh trong “Lời giới thiệu” tiểu thuyết Một đôi hiệp khách (Nguyễn Chánh Sắt) bản do Nxb Long An tái bản năm 1989, thì cho rằng “tác phẩm trước đây chỉ được ra mắt dưới bộ lốt sách quảng cáo thuốc của nhà thuốc Nhị Thiên Đường”. Chúng tôi cho rằng, hiện nay chưa có đủ căn cứ để khẳng định người xưa đã dùng tiểu thuyết quảng cáo cho thuốc hay là ngược lại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Tú Anh, Tiểu thuyết Việt Nam 1900-1930, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012.
  2. Trương Minh Chánh, Một người đạo hữu lâm đại nạn, Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, 1927.
  3. Đào Nam Du, Biển trầm luân, Thạch Thị Mậu, Sài Gòn, 1928.
  4. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb ĐHQG Hà Nội tái bản, 2000.
  5. Hoàng Thị Tuyết Hoa, Nữ anh tài, cuốn thứ sáu, Nữ Lưu Thơ Quán xuất bản, Gò Công, 1928.
  6. Nguyễn Thái Hòa, Nặng nghĩa Châu Trần, Nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, 1928.
  7. Trương Thị Bích Liên, Bể oan, TONKIN, Hà Nội, 1930.
  8. Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học tái bản, Hà Nội, 1988.
  9. Lê Thanh, Nghiên cứu và phê bình văn học, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2002.
  10. Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phú Đức – một mẫu hình nhà văn Nam Bộ đặc biệt đầu thế kỷ XX, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 7, 2006, tr.16-25. Bello Shamsuddeen, “Narrative devices and the themes of Nigerian market literature: a study of Onitsha and Kano popular literature”, sou