Agni - Thần lửa và vị thần của lễ hỏa táng

Di tích đền tháp còn lại của dân tộc Chăm (vương quốc Champa ra đời từ năm 137 sau công nguyên và chấm dứt vào thế kỷ XVII) ở khắp các tỉnh miền Trung, đặc biệt tập trung ở khu di tích Mỹ Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam (tên gọi ban đầu là Tượng Lâm, Lâm Ấp) đều thuộc Ấn Độ giáo. Bia Võ Cạnh được các nhà khảo cổ học phát hiện ở gần Thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa được viết bằng chữ Phạn (Sankrit) có liên quan tới Ấn Độ giáo và Phật giáo, được xác định có niên đại khoảng thế kỷ thứ II.

Các văn bia Champa không chỉ nêu tên các vị thần cơ bản trong thần thoại Ấn Độ như: Brahma, Shiva, Vishnu mà còn nhắc đến nhiều thần khác như Indra, Agni, Uma, Krishna, Rama…Và không chỉ nói đến các vị thần này như một đối tượng thờ cúng đơn giản mà còn kể lại nhiều chi tiết về đặc trưng, về tính cách của các vị thần đúng như thường được kể trong các thần thoại Ấn Độ.

Có thể nói các vị thần Ấn Độ giáo đã trở thành đối tượng thờ chính trong tín ngưỡng người Chăm. Người Chăm cổ tôn sùng các vị thần và tin tưởng ở sự phù hộ của các vị thần, đặc biệt là thần Shiva. Họ đã đồng nhất các vị thần với các vị vua Champa nên thờ thần có nghĩa thờ vua sau khi qua đời trong các đền tháp. Tín ngưỡng này giống như tín ngưỡng của dân tộc Khmer tại Campuchia cổ. Sau thời kỳ vương quốc Champa bị tiêu vong, việc thờ cúng ở các đền tháp bị phai mờ dần và trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ các cộng đồng người Chăm sống lẫn lộn với người Việt và các dân tộc khác ở nhiều nơi như Sài Gòn, Châu Đốc… ngoài tại các tỉnh miền Trung. Trong thời kỳ này, hầu như các tháp Chăm đều bị bỏ hoang và không có một nghi thức tôn giáo nào được cử hành công khai.

Chỉ tới sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, Đảng và Nhà nước Việt Nam mới cho khôi phục lại hệ thống đền tháp Chăm ở miền Trung và các dân tộc thiểu số được quan tâm với các nghi thức tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được tự do sinh hoạt, trong đó có đồng bào Chăm. Từ đó tới nay, lễ Hội Katé được tổ chức hàng năm vào tháng 10 ở Ninh Thuận, Bình Thuận… Nghi thức Ấn Độ giáo như lễ “hiến tế bằng lửa” bị mai một đi ngay từ khi vương quốc Champa không còn tồn tại vào thế kỷ thứ XV.

Tới cuối thế kỷ thứ XVIII đầu thế kỷ XIX, người Ấn Độ (đa số người Nagartars sùng đạo thuộc bang Tamil ở miền Nam Ấn Độ) đã lập đền Ấn giáo (Hindu temple) để làm nơi cầu nguyện, thực hành tín ngưỡng phục vụ cho đời sống tâm linh tưởng nhớ tới quê hương đất tổ. Đền Subramanian thờ Thần Muruga tọa lạc ở số 98 Nam Kỳ khởi nghĩa, Đền Sri Thenday Yutthapani thờ Thần Ghanesa ở số 66 Tôn Thất Thiệp, phường Bến Nghé, Quận 1 và Đền Mariamman ở số 45 Trương Định, phường Bến Thành. Lúc đầu, đền thờ được xây dựng để phục vụ riêng cho cộng đồng người Ấn Độ nhưng sau ngày miền Nam được giải phóng 30/4/1975, đền mở cửa cho nhân dân khắp nơi tới lui cúng lễ, cầu nguyện sự bình an, sức khỏe và phúc lộc. Khi hầu hết người Ấn Độ thuộc cộng đồng Ấn Độ giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh về nước, các đền thờ này đều trở thành di tích kiến trúc Ấn Độ và do người Việt Nam quản lý để bảo tồn và mở cửa hàng ngày để bá tánh tới lui cầu nguyện như một cơ sở tín ngưỡng dân gian khác.

Nghi thức cúng tế vẫn được thực hiện, trong đó có lễ “hiến tế bằng lửa” được cử hành hàng ngày tại ngôi Đền Ông Ghanesa ở 66 Tôn Thất Thiệp, phường Bến Nghé và Đền thờ Bà Mariamman ở 45 Trương Định, phường Bến Thành thuộc Quận 1.

Lễ hiến tế bằng lửa

Kinh Veda thường đề cập tới lễ hiến tế này gọi là yajna. Lễ hiến tế có nghi thức hết sức rườm rà với sự tham gia của các thầy tư tế (hay giáo sĩ) nhằm dâng các vật phẩm gồm sữa, ngũ cốc, thịt và soma (nước trái cây) lên các thần linh thuộc ba cõi thế giới.

Các vị thần liên quan tới việc hiến tế bằng lửa có một vị trí quan trọng, trong đó Thần lửa Agni chiếm vị trí trung tâm. Agni là vị thần duy nhất được coi như có mặt ở cả ba cõi vũ trụ: ở cõi đất, thần là lửa; ở cõi không khí thần là ánh chớp; ở cõi trời, thần là mặt trời.

Agni còn là sứ giả và thầy tư tế của chư thần. Các vật phẩm dâng cúng được cho vào miệng của thần Agni (tức ngọn lửa trong lễ hiến tế – bếp lửa nhỏ cầm tay) và được mang đi (thông qua khói) cho chư thần cùng hưởng.

Vak là vị thần của những lời thần chú, tượng trưng cho sức mạnh của những lời cầu nguyện đồng thời là người ban truyền những ân huệ của chư thần cho con người. Trong lễ hiến tế còn một vị thần khác nữa là soma – nước ép từ trái cây được dùng để dâng lên thần linh và được các thầy tư tế uống trong lúc làm lễ và san sẻ cho các tín hữu (nay dùng nước dừa thay thế). Nước này sẽ gây hưng phấn và bổ dưỡng.

Ngày nay, lễ hiến tế được thể hiện bằng nghi thức: thầy làm lễ (tư tế) cầm bếp lửa than nhỏ đang bốc khói vừa đọc kinh (hay thần chú) vừa xông hơ qua hoa quả, vật phẩm, trước mặt các tượng thần và sau đó đưa ra cho các tín hữu đón nhận “ân huệ” – “phúc, lộc” này bằng cách hơ hai bàn tay qua lửa khói rồi vuốt lên mặt mình cho sáng suốt, tinh anh. Hứng nhận thêm nước Soma (nước dừa) để uống hay rưới lên đầu, lên mặt cho phấn chấn và được điểm chấm son đỏ hay trắng lên giữa trán để chứng minh “được ân huệ” của thần linh.

Theo truyền thuyết của kinh Veda, lễ hiến tế đem lại ba kết quả có ý nghĩa như sau:

Về mặt vũ trụ, thiên nhiên: Lễ hiến tế được tiến hành lúc giao thời giữa ngày và đêm, giữa trăng tối và trăng tròn, giữa các mùa trong năm…nhằm giúp cho thời gian diễn tiến liên tục. Trong kinh Veda nói : “Nếu không có lễ hiến tế hàng ngày thì mặt trời sẽ không mọc vào buổi sáng hoặc không lặn vào buổi chiều. Như vậy, lễ hiến tế giúp duy trì trật tự vũ trụ.

Về mặt vật chất và xã hội: Lễ hiến tế sẽ đem lại cho con người những phần thưởng cụ thể như: thắng lợi, được mùa, sức khỏe, hôn nhân, con cái..

Về mặt tâm linh: Lễ hiến tế tạo ra một “phẩm chất thần linh” ở cõi trời và sẽ được ban tặng cho người tham gia hiến tế khi người ấy từ bỏ cõi trần, nghĩa là vào cõi trời và sẽ có được cái phẩm chất mà họ tạo dựng được khi họ sống ở cõi đời. (sau này là Nghiệp – Karma của Phật giáo).

Thần thoại về Thần lửa Agni

Hiện nay, ở Bảo tàng điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng, trong số hàng trăm tượng điêu khắc của các thần nổi tiếng của thần thoại Ấn Độ thuộc Ấn Độ giáo (được phát hiện ở các đền tháp Chăm) có nhiều tượng đá Agni được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau có nguồn gốc từ các đền tháp Mỹ Sơn – kinh đô cổ của vương quốc Champa vào thời kỳ đầu lập quốc và được xây dựng để thờ các vị thần của Ấn Độ giáo vì coi đây là quốc giáo, trước Hồi giáo và Phật giáo có mặt trên vương quốc này.

Theo sách “Điêu khắc Chăm và Thần thoại Ấn Độ” của tác giả Huỳnh Thị Được do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2010, Thần Lửa được sinh ra ở bất cứ nơi nào khi đốt lên ngọn lửa, đặc biệt lửa hiến sinh. Agni cũng là ngọn lửa bất tận đã phá hủy các khu rừng tráng lệ của Ấn Độ cổ xưa để làm nhà ở của con người, vì thần lửa là bạn của con người.

Agni là ngọn lửa của mặt trời, cũng là ngọn lửa của ánh sáng. Sau đó, Agni được đồng nhất với Rudra – thần phá hủy – biến thể hung dữ của thần Shiva. Agni đôi lúc được đồng hóa với con trai của mình là Thần chiến tranh, vì thần có hình dáng giống như ngọn lửa. Tuy nhiên, Agni cũng có những đức tính tốt đẹp bởi vì thần lửa là bạn của muôn nhà. Agni cũng là vị thần của hôn nhân, bởi vì trong ngày đám cưới, cô dâu phải đi quanh ngọn lửa bảy lần để thần thánh hóa đám cưới của mình.

Thần lửa có màu đỏ và cưỡi trên lưng con tê giác. Lưỡi của thần là tia lửa liếm thức ăn hiến tế. Thần có hai mắt: lửa mặt trời và lửa trần thế, có bảy cánh tay có thể với tới bảy lục địa và ba chân tượng trưng cho ba ngọn lửa của đời người: lửa thiêng, lửa cưới và lửa tang.

Có nhiều người theo tín ngưỡng, tôn giáo cho rằng “ngọn lửa có thể làm cho mọi vật trở nên tinh khiết, kể cả rác rưởi nơi trần thế” nên thường thiêu đốt thân xác mình sau khi chết để Agni làm cho họ tinh khiết. Trong nghệ thuật tạo hình, Agni thường được thể hiện như một ngọn lửa lung linh ba đầu.

Ở một số nhóm đền tháp Chăm, ngoài tháp chính thờ thần chủ là Shiva, vua hay Mẹ xứ sở, có một tháp nhỏ bên cạnh thờ riêng thần lửa Agni, như ở tháp Po Sah Ina ở Phan Thiết, tấm ảnh cho thấy bên cạnh tháp chính thờ thần Shiva là tháp Thần lửa nhỏ hơn./.