Vì sao tác chiến công nghệ cao không thể kéo dài

CNQP&KT - Hiện nay, các cường quốc trên thế giới đang tích cực nghiên cứu phát triển các loại vũ khí, trang bị công nghệ cao; qua đó, tác động và làm thay đổi hình thái, phương thức chiến tranh trong tương lai.

Trước xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển của khoa học - công nghệ quân sự, nhiều nước đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, tăng cường năng lực quân sự; tích cực ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển các loại vũ khí tinh khôn, chính xác. Tiêu biểu là hệ thống tự động hóa chỉ huy, điều hành tác chiến (C4ISR) cho phép nhận dạng, giám sát, theo dõi, xác định vị trí, phá hủy hệ thống chỉ huy, điều hành của đối phương; máy bay không người lái (UAV); rô bốt quân sự; tên lửa siêu thanh… Các loại vũ khí có đặc trưng nổi bật là “gia tốc” phát triển - tốc độ nhanh, khối lượng lớn, phạm vi ảnh hưởng ngày càng rộng và độ chính xác cao; làm cho không gian chiến trường mở rộng (tác chiến trong lòng đất, dưới biển, trên vũ trụ), nhưng phạm vi tác chiến thu hẹp; dẫn đến thay đổi lớn về tổ chức lực lượng - biên chế ít hơn nhưng sức mạnh chiến đấu lại được tăng lên. Bởi vậy, vấn đề thu hút sự quan tâm của thế giới hiện nay là cuộc chạy đua tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh bằng sức mạnh tổng hợp, trong đó yếu tố then chốt là phát triển vũ khí công nghệ cao.

Vì sao tác chiến công nghệ cao không thể kéo dài

Hệ thống tự động hóa chỉ huy, điều hành tác chiến (C4ISR) của Mỹ.  Ảnh: Internet

Từ những tác động trên, tất yếu làm thay đổi phương thức tác chiến của mọi quốc gia, nhất là trong các cuộc chiến tranh gần đây. Trước kia, phân loại chiến tranh dựa trên những tiêu chí khác nhau, như: Theo tính chất và mục đích có “chiến tranh chính nghĩa” và “chiến tranh phi nghĩa”; theo quy mô mục tiêu và mức độ, có “chiến tranh tổng lực” và “chiến tranh hạn chế” (cục bộ); dựa trên chủ thể tham gia, có hai loại là “chiến tranh quốc tế” và “nội chiến”. Ngày nay, ít xảy ra “chiến tranh thông thường” mà thay vào đó là “chiến tranh hủy diệt hàng loạt”, sử dụng các loại vũ khí công nghệ cao. Do vậy, nhận thức đúng, dự báo sát các hình thái chiến tranh và loại hình tác chiến tương lai sẽ là cơ sở quan trọng giúp các quốc gia có sự phòng bị đầy đủ, chủ động, khoa học.

Vì sao tác chiến công nghệ cao không thể kéo dài

Tên lửa siêu vượt âm Zircon do Nga nghiên cứu chế tạo.  Ảnh: Internet

Chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao khác với các cuộc chiến trước đây về quy mô, nội dung, hình thức, phương pháp và nguyên lý. Chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, kỹ thuật, chỉ huy, vũ khí, chiến trường, hậu phương, xây dựng lực lượng… chịu rất nhiều tác động do sự xuất hiện của các loại vũ khí công nghệ cao. Nhiều người cho rằng, chiến tranh tương lai sẽ là cuộc chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh thông tin, chiến tranh điện tử, cuộc chiến số hóa… Đó là cách nhìn dựa vào trình độ hiện đại của vũ khí, trang bị được sử dụng trong cuộc chiến. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng, bản chất của chiến tranh không hề thay đổi, chiến tranh tương lai về cơ bản là cuộc “chiến tranh tri thức”, tích hợp các loại hình, thủ đoạn, phương tiện, lực lượng, vũ khí, trang bị… của chiến tranh đã có cho đến nay (kể cả chiến tranh vũ trang và chiến tranh phi vũ trang). Nét nổi bật của chiến tranh tương lai là sự đan xen, chuyển hóa hết sức mau lẹ, linh hoạt, uyển chuyển của cả âm mưu, thủ đoạn, phương thức tác chiến và loại hình chiến tranh.

Nét nổi bật của chiến tranh tương lai là sự đan xen, chuyển hóa hết sức mau lẹ, linh hoạt, uyển chuyển của cả âm mưu, thủ đoạn, phương thức tác chiến và loại hình chiến tranh.

Như vậy, trong tương lai, cuộc chiến tranh có thể khởi nguồn, diễn biến và kết thúc rất đa dạng, bởi nhiều yếu tố: vũ trang, phi vũ trang, bạo loạn, ly khai, lật đổ, xâm lược, v.v. Trong hình thái xâm lăng mới “chiến thắng không cần chiến tranh”, chiến lược “diễn biến hòa bình” càng tạo ra sự phức tạp mới về vũ khí, phương tiện, phương thức tác chiến và lực lượng tham gia. Các thế lực thù địch triệt để khai thác môi trường thông tin và không gian mạng để tiến hành chiến tranh tâm lý, tuyên truyền, kích động, gây hoang mang, dao động trong các tầng lớp nhân dân, hòng làm giảm sút ý chí, sức chiến đấu, làm mất lòng tin vào mục tiêu chiến đấu của quân đội; tiến hành tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng, can thiệp vào hệ thống tự động hóa chỉ huy và điều khiển vũ khí, đánh cắp thông tin, làm sai lệch tham số kỹ thuật của vũ khí, phương tiện công nghệ cao; ngụy trang, tàng hình kết hợp với phương thức tấn công quân sự làm giảm hiệu quả đối phó của ta… Trong tình huống xảy ra chiến tranh tương lai, các thế lực thù địch có thể tác chiến theo kiểu “đa phi” (phi phòng tuyến, phi tiếp xúc, phi đối xứng và phi vũ trang…). Do đó, bên cạnh vấn đề cơ bản là xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước, thì vấn đề về nghệ thuật quân sự (chiến lược, chiến dịch, chiến thuật), rất cần “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển, làm chủ công nghệ hiện đại”1, nhất là vũ khí, trang bị công nghệ cao. Đặc biệt, cần đẩy mạnh “Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; nghiên cứu sản xuất vũ khí công nghệ cao; tăng cường tiềm lực, tận dụng và đẩy mạnh phát triển liên kết công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp dân sinh”2.

Vì sao tác chiến công nghệ cao không thể kéo dài

Máy bay không người lái thế hệ mới CH-6 của Trung Quốc.  Ảnh: Internet

Trên thực tế, thắng lợi của một cuộc chiến tranh không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với mức độ hiện đại và số lượng vũ khí, trang bị được sử dụng; mà là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố cấu thành “quốc lực”, nhất là ở tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả dân tộc. Mọi sự phát triển vũ khí, trang bị công nghệ cao nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, bao giờ cũng đặt trong mối quan hệ biện chứng với con người. Điều đó cũng hoàn toàn đúng với quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định con người là nhân tố quyết định trong chiến tranh, quyết định sức mạnh của mọi loại vũ khí, trang bị: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tuỳ thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”3. Điều cốt lõi là phải giữ vững tinh thần cảnh giác, thực hiện nguyên tắc đánh giặc bằng mưu, thắng địch bằng thế, phải hết sức chú trọng đến tạo lực, lập thế, tranh thời, dùng mưu trong tình hình mới. Đấu tranh quân sự vẫn giữ vị trí hết sức quan trọng, các vấn đề về vũ khí, trang bị, phương thức, thủ đoạn… là hết sức đa dạng, linh hoạt, đặc biệt có thể chuyển hóa sang các loại hình chiến tranh phi quân sự. Từ hiện thực mới này, cần đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân: chủ lực, địa phương, dân quân tự vệ; đặt trong mối quan hệ mật thiết, biện chứng với nội dung và phương thức mới của tư tưởng vũ trang toàn dân. Mặt khác, phải thấy rằng, việc xây dựng khu vực phòng thủ; kiện toàn và chuyên nghiệp hóa các lực lượng; chủ động phòng tránh các loại vũ khí công nghệ cao; phòng, chống thảm họa thiên tai, sự cố môi trường là hết sức cần thiết, có quan hệ tương tác chặt chẽ với nhau.

Phải giữ vững tinh thần cảnh giác, thực hiện nguyên tắc đánh giặc bằng mưu, thắng địch bằng thế, phải hết sức chú trọng đến tạo lực, lập thế, tranh thời, dùng mưu trong tình hình mới.

Như vậy, hiểu rõ về sự tác động của vũ khí công nghệ cao để tiếp tục nghiên cứu, nhận diện và dự báo ngày càng chính xác hơn về các cuộc chiến tranh trong tương lai. Từ đó, tìm ra những vấn đề có tính lý luận và thực tiễn, bổ sung vào nền nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhằm: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”4.

Đại tá, TS. TRỊNH VĂN NAM

Đại tá, ThS. PHẠM VĂN NGHIỆP

Khoa Chiến lược, Học viện Quốc phòng

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1, 2, 4. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, Hà Nội 2021, tr. 123, 245, 117.

3. V.I. Lênin, toàn tập, tập 4. TB, M, 1980, tr. 147.

QPTD -Thứ Năm, 01/09/2011, 23:38 (GMT+7)

Tác động của vũ khí công nghệ cao đến lý luận và thực tiễn quân sự

Vũ khí công nghệ cao (VKCNC) là hệ quả của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực quân sự. Nó được đánh giá bằng hàm lượng giá trị công nghệ chứa trong vũ khí đó. Theo UNIDO (Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc) thì VKCNC hiện nay gồm 8 loại chủ yếu, đó là: vũ khí điều khiển chính xác thế hệ mới, vũ khí tàng hình, vũ khí tác chiến điện tử, vũ khí năng lượng định hướng (vũ khí la-de, vũ khí chùm hạt…), vũ khí vi-ba, pháo điện từ, vũ khí thông minh và vũ khí vũ trụ. Về lý thuyết sản xuất cũng như thực tiễn sử dụng đều cho thấy, nhiều loại VKCNC có ưu điểm nổi bật là: khả năng tự điều khiển, tự nhận biết mục tiêu, khả năng tự loại bỏ nhiều yếu tố khí tượng, đặc biệt là khả năng tiến công từ xa, độ chính xác và khả năng sát thương “mềm”, sát thương “cứng”. Nói cách khác, VKCNC là vũ khí thế hệ mới, có sự vượt trội về tính năng kỹ thuật, chiến thuật so với hệ vũ khí thông thường.

Các nhà lý luận quân sự mác-xít từng chỉ ra rằng, vũ khí, kỹ thuật chiến đấu mới ra đời và việc chúng được trang bị với số lượng lớn cho quân đội bao giờ cũng dẫn đến những biến đổi lớn về tổ chức bộ đội và nghệ thuật quân sự. Ph. Ăng-ghen viết: “Sự tiến bộ về kỹ thuật, một khi đã có thể áp dụng được và được áp dụng vào trong lĩnh vực quân sự, thì lập tức và hầu như cưỡng bức, thường thường là ngược lại với ý muốn của cấp chỉ huy-phải có những sự thay đổi, thậm chí những sự đảo lộn cả về phương pháp tác chiến”1.

Thật vậy, sự ra đời của VKCNC và việc chúng được sử dụng ngày càng phổ biến trong một số cuộc chiến tranh gần đây cho thấy, VKCNC đã có sự tác động sâu sắc đến những vấn đề lý luận và thực tiễn quân sự. Bài viết này chỉ đề cập đến một số mặt tác động chủ yếu.

VKCNC tác động đến phương thức tiến hành chiến tranh xâm lược.

Phương thức tiến hành chiến tranh của các nước đế quốc trong các cuộc chiến tranh trước đây là đưa quân đội đến xâm lược một nước khác. Ngày nay, về cơ bản vẫn vậy, song cùng với đó, cũng xuất hiện một khả năng mới về phương thức tiến hành chiến tranh do sự tác động của VKCNC. Với việc trang bị VKCNC, kẻ xâm lược hoàn toàn có thể tiến công quân sự một nước khác mà không cần đưa quân vào nước đó, thậm chí không cần đưa bộ binh ra khỏi lãnh thổ của mình mà vẫn đạt được mục đích của cuộc chiến tranh. Một khái niệm chiến tranh mới ra đời, đó là “chiến tranh trừng phạt”, “chiến tranh xâm lược mềm”. Cuộc chiến tranh do Mỹ và các nước NATO thực hiện đối với Nam Tư năm 1999 là một ví dụ phản ánh một phần kiểu chiến tranh như thế. Quân đội các nước này không cần đưa quân vào lãnh thổ Nam Tư, không vận dụng các hình thức tác chiến trên bộ nhưng vẫn cơ bản đạt được mục tiêu đề ra (phá hủy cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, quốc phòng của Nam Tư, buộc chính phủ mới giao nộp Tổng thống Mi-lô-xê-vích cho tòa án La-hay, thực hiện sự có mặt của lực lượng quân sự của Mỹ và NATO ở Cô-xô-vô, tạo cơ sở để chi phối tình hình Ban-căng có lợi cho Mỹ).

VKCNC làm thay đổi không gian và thời gian tác chiến.

Trong phần lớn các cuộc chiến tranh trước đây thì quá trình tác chiến thường có chiến tuyến rõ ràng giữa hai lực lượng quân sự đối địch. Mỗi bên tham chiến đều có sự phân biệt giữa tiền tuyến với hậu phương. Ngày nay, VKCNC với tính ưu việt của nó đã cho phép đối tượng sử dụng có thể mở rộng không hạn chế không gian tác chiến, cả trên bộ, trên biển, trên không và trong vũ trụ, trong điện từ trường. Do vậy, sự phân biệt tiền tuyến và hậu phương chỉ còn là tương đối, ranh giới giữa chúng ngày càng mờ nhạt.

Nếu như không gian tác chiến được mở rộng, thì ngược lại, VKCNC lại khiến cho thời gian tác chiến giảm hẳn, tiến dần tới tác chiến theo thời gian thực; và do đó, độ dài về thời gian của một chiến dịch hay một cuộc chiến tranh có xu hướng rút ngắn xuống nhiều lần so với trước đây. Ví dụ: chiến dịch “Con cáo sa mạc” do Mỹ-Anh tiến hành ở I-rắc năm 1998 chỉ kéo dài 73 giờ; cuộc chiến tranh do Mỹ và NATO tiến hành ở Nam Tư năm 1999 chỉ dừng lại ở một chiến dịch duy nhất, mang tên “Sức mạnh đồng minh”, diễn ra trong 78 ngày; cuộc chiến tranh do Mỹ và một số đồng minh của Mỹ tiến hành ở I-rắc năm 2003 chỉ kéo dài 21 ngày. Trong khi đó, các cuộc chiến tranh chủ yếu sử dụng vũ khí thông thường trước kia thường kéo dài hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ; chẳng hạn, cuộc chiến tranh Triều Tiên kéo dài 3 năm, cuộc chiến tranh do Mỹ xâm lược Việt Nam kéo dài tới 21 năm. Tương tự, thời gian của các chiến dịch quân sự cũng vậy, ví dụ: chiến dịch I-a-đrăng của Mỹ (ta cũng mở chiến dịch-chiến dịch Plây-me) là chiến dịch có quy mô không lớn nhưng cũng kéo dài 38 ngày; cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty (thực chất là một chiến dịch của Mỹ-ngụy; về phía ta là chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty của Mỹ) kéo dài 52 ngày, v.v. Tuy nhiên, đó chỉ là cách so sánh tương đối vì thời gian của các trận chiến đấu, các chiến dịch hay cả một cuộc chiến tranh, ngoài yếu tố tác động của vũ khí, trang bị kỹ thuật còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.

VKCNC làm thay đổi ranh giới giữa tiến công và phòng ngự.

Tiến công và phòng ngự là hai loại hình tác chiến cơ bản của bất cứ một cuộc chiến tranh nào. Trong tác chiến trước đây, thường bên này tiến công thì bên kia phòng ngự và ngược lại. Ngày nay, nếu các bên tham chiến đều trang bị và sử dụng VKCNC thì rất có thể không còn trận chiến đấu, chiến dịch tiến công hay phòng ngự nguyên nghĩa nữa; thay vào đó là các trận chiến đấu, chiến dịch có sự chuyển hóa hết sức nhanh chóng và khó lường. Bên phòng ngự có thể chủ động tiến công đáp trả ngay lập tức vào trung tâm chỉ huy hay căn cứ hoả lực của bên tiến công, tức cùng một lúc vừa tổ chức lực lượng phòng ngự chốt giữ, ngăn chặn, vừa đồng thời tổ chức lực lượng phản đột kích và lực lượng tiến công đối phương. Ngược lại, nhờ có các phương tiện phóng rải được tự động hoá cao nên bên tiến công có khả năng hoàn thành một khối lượng lớn về công sự, vật cản cần thiết để chuyển vào phòng ngự chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. Vì vậy, có thể nói, trong chiến tranh hiện đại sử dụng VKCNC thì ranh giới giữa tiến công và phòng ngự ngày càng có xu hướng đan xen, rất khó phân biệt.

VKCNC thúc đẩy sự phát triển các hình thức, phương pháp tác chiến mới.

Để hiện thực hoá Học thuyết an ninh quốc gia, Mỹ đã và đang tích cực tìm kiếm những hình thức, phương pháp tác chiến mới sao cho phát huy hết tính năng của VKCNC, đặc biệt là các phương tiện vũ trụ trong các cuộc chiến tranh cũng như các chiến dịch chống khủng bố. Trong một số cuộc chiến tranh do Mỹ phát động vừa qua, ngoài mục tiêu chính trị, mục tiêu quân sự, mục tiêu địa - chính trị, Mỹ còn đặt ra mục tiêu kỹ thuật, đó là tiến hành thử nghiệm hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật mới; đồng thời hoàn thiện các phương pháp tác chiến thông qua việc sử dụng hệ thống vũ khí trang bị kỹ thuật đó trong chiến đấu.

Các nhà quân sự cho rằng, VKCNC cùng với các phương tiện kỹ thuật mới đang chi phối mạnh mẽ đến phương pháp tác chiến, từ tác chiến tuần tự là chủ yếu sang tác chiến không tuần tự; từ tác chiến theo kiểu hình thành giai đoạn sang tác chiến đồng thời; từ hiệp đồng tác chiến theo nhiệm vụ sang hiệp đồng tác chiến theo mục tiêu, v.v.

VKCNC tác động đến quan hệ của các thành tố cấu thành nghệ thuật quân sự.

Nghệ thuật quân sự gồm ba thành tố cấu thành, đó là: chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Thông thường, nghệ thuật chiến dịch chủ yếu là vận dụng các biện pháp chiến dịch, hình thức chiến thuật để thực hiện mục đích bộ phận của chiến tranh; còn chiến thuật là nghệ thuật tổ chức chuẩn bị và thực hành trận chiến đấu. Nhưng trong chiến tranh sử dụng VKCNC, các đơn vị chiến thuật cũng có thể có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến lược; một chiến dịch độc lập khi giành thắng lợi có thể quyết định việc kết thúc chiến tranh. Mặt khác, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, chỉ huy cấp chiến lược có thể kiểm soát được ở tất cả các cấp và có khả năng chỉ huy đến phân đội, thậm chí đến từng người lính khi cần thiết.

VKCNC chi phối đến việc tổ chức quân đội.

Trước kia, quân đội các nước thường tổ chức một đội quân đông người, chấp nhận một cuộc chiến tranh tiêu hao. Nhưng giờ đây, đứng trước thách thức của chiến tranh sử dụng VKCNC, nhiều nước đã tiến hành tổ chức lại quân đội theo hướng gọn, mạnh (giảm quân số, tăng cường trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại) để sẵn sàng đối phó với cuộc chiến tranh cục bộ công nghệ cao, cường độ lớn, thời gian ngắn. Theo đó, bộ binh được giảm mạnh về biên chế, nhưng được chú trọng nâng cao tính hợp thành, tính cơ động và khả năng tác chiến đa năng; các quân chủng, binh chủng, tuỳ yêu cầu mà rút gọn hay phát triển, nhưng đều thực hiện việc chuyển từ tổ chức phân công trách nhiệm theo địa lý sang tổ chức phân công theo năng lực tác chiến, tạo ra khả năng độc lập và tính liên hợp cao trong tác chiến, giảm bớt sự trùng lắp giữa các quân, binh chủng.

Trên đây là một số mặt tác động chủ yếu của VKCNC đến lý luận và thực tiễn quân sự. Rõ ràng, để đối phó thắng lợi với cuộc chiến tranh xâm lược mà kẻ địch sử dụng VKCNC (nếu xảy ra) chúng ta phải quan tâm đến rất nhiều vấn đề. Trước hết, về mặt nhận thức, cần thấy VKCNC không thể tự nó tác động vào các sự vật, hiện tượng, nhưng nó là tiền đề vật chất dẫn đến sự thay đổi các hoạt động tác chiến, các phương pháp tác chiến và tổ chức bộ đội. VKCNC không thay thế được con người, nhưng nó làm cho hiệu suất chiến đấu của người sử dụng nó tăng lên. VKCNC không làm thay đổi nguồn gốc, bản chất của chiến tranh xâm lược, cho dù gọi là “đòn trừng phạt” hay là gì đi nữa thì bản chất của nó vẫn là chiến tranh phi nghĩa. Thế nhưng, do thời gian của cuộc chiến tranh sử dụng VKCNC rất ngắn (thời gian của cuộc chiến tranh tương lai có khi chỉ tính bằng giờ), nên có thể dân tộc bị xâm lược chưa kịp chuẩn bị về mặt tinh thần, dư luận chưa kịp phản ứng, thì chiến tranh đã kết thúc. Vì vậy, cùng với việc nhận thức, chúng ta phải tích cực đổi mới tư duy quân sự, tiếp tục bổ sung, phát triển lý luận và thực tiễn của nghệ thuật quân sự Việt Nam; từ đó vận dụng vào sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng quân đội và huấn luyện bộ đội, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.

Đại tá, ThS. LƯƠNG XUÂN LÃM

Học viện quốc phòng