Tiêu chí đánh giá chiến lược thương hiệu

Tạo ra một chiến lược thương hiệu thành công là nhiệm vụ then chốt của các chuyên gia tiếp thị, những người đang tìm cách gây dựng sự hiện diện có tác động mạnh và lâu dài trên thị trường. Năm bước chính để xây dựng chiến lược thương hiệu bao gồm: 1) xác định thương hiệu của bạn, 2) tìm hiểu đối tượng khách hàng, 3) phát triển phong cách hình ảnh của thương hiệu, 4) kể câu chuyện thương hiệu, 5) linh động và sẵn sàng thay đổi. Bằng cách làm theo các bước sau, các chuyên gia tiếp thị có thể giúp thương hiệu đạt được độ nhận diện cao hơn, khách hàng thân thiết, niềm tin thương hiệu và thành công lâu dài.

1. Xác định thương hiệu

Tầm nhìn thương hiệu của bạn cần nêu bật những ý tưởng và nguồn cảm hứng cho sự ra đời của thương hiệu. Một tầm nhìn mạnh mẽ sẽ nhấn mạnh các điểm chính tạo nên sự khác biệt của thương hiệu của bạn so với các thương hiệu khác và giúp xây dựng mối gắn kết về mặt cảm xúc và mối gắn kết cá nhân với khách hàng. Tầm nhìn này sẽ phản ánh chiến lược kinh doanh cũng như đóng vai trò là động lực cho bạn và nhân viên của bạn trong quá trình đưa thương hiệu của mình tiến về phía trước.

Tuyên bố sứ mệnh khác với tầm nhìn thương hiệu ở chỗ tuyên bố sứ mệnh phải xác định mục tiêu và mục đích kinh doanh của bạn, cũng như cách tiếp cận và hành động bạn sẽ thực hiện để theo đuổi các mục tiêu đó. Tuyên bố sứ mệnh phải tập trung vào khách hàng để các đối tượng hiểu rõ tuyên bố này phù hợp với nhu cầu và mong muốn của họ ra sao, cũng như cách thương hiệu của bạn có thể phục vụ họ tốt nhất.

2. Hiểu rõ đối tượng

Khi xây dựng chiến lược thương hiệu, bạn nên nghiên cứu cặn kẽ để khám phá nhu cầu của cơ sở khách hàng và các cơ hội để tiếp cận các khách hàng mới đối với thương hiệu và sản phẩm của bạn. Điều quan trọng là phải nghiên cứu các dịch vụ hiện có trước khi đâm đầu vào việc tạo ra một sản phẩm hoặc nội dung mới, để đảm bảo thương hiệu của bạn sẽ không lãng phí thời gian hoặc các tài nguyên quý báu vào thứ mà khách hàng không thích.

Tiếp theo, bạn sẽ cần hiểu các đối tượng khách hàng của mình là ai và họ mong muốn điều gì. Điều này sẽ giúp bạn điều chỉnh trải nghiệm thương hiệu nhằm đáp ứng các nhu cầu cụ thể của họ.

3. Phát triển kiểu trình bày trực quan của thương hiệu

Hướng dẫn kiểu trình bày trực quan là tài liệu tham khảo phác thảo tất cả các yếu tố trực quan liên quan đến thương hiệu của bạn và đảm bảo tính nhất quán xuyên suốt các công cụ hỗ trợ tiếp thị dạng in ấn hoặc quảng cáo mà bạn tạo ra. Sự nhất quán này sẽ giúp tạo ra một hình ảnh dễ nhận biết cho doanh nghiệp của bạn và trải nghiệm thương hiệu mà khách hàng sẽ có thể phân biệt với các thương hiệu khác.

Việc lựa chọn phông chữ có thể ảnh hưởng đến nhận thức của khách hàng về thương hiệu của bạn. Hãy xem xét các giá trị và sứ mệnh công ty của bạn khi xác định các phông chữ truyền tải hiệu quả nhất thông điệp đó cho thương hiệu, liệu bạn muốn thúc đẩy cảm giác tin tưởng và an toàn hay sự vui vẻ và hứng thú.

Các nội dung trực quan này có thể được sử dụng để phản ánh thương hiệu của bạn ở tất cả các điểm tiếp xúc với người mua hàng trực tuyến và có thể giúp thúc đẩy sự tương tác với thương hiệu cũng như doanh số bán sản phẩm của bạn. Một lần nữa, hãy xem xét các yếu tố cảm xúc và cảm nhận bạn muốn thôi thúc ở khách hàng khi tạo các nội dung này.

Màu sắc bạn chọn để đại diện thương hiệu của mình có thể truyền đạt ý nghĩa và tác động đến quyết định mua hàng của khách hàng. Khi chọn màu sắc cho thương hiệu, bạn hãy bắt đầu với chỉ ba hoặc bốn màu dựa trên những gì bạn muốn khách hàng cảm nhận khi họ nhìn thấy thương hiệu của bạn hoặc ấn tượng bạn muốn tạo ra.

4. Kể câu chuyện thương hiệu của bạn

Dù là thông qua trang web, quảng cáo hay sự hiện diện của bạn trên mạng xã hội, mọi chiến lược thương hiệu cần kể một câu chuyện có tác động mạnh nhằm kết nối với khách hàng.

Người tiêu dùng rất am hiểu và lưu tâm đến những vấn đề xã hội. Họ chú ý đến lời hứa của thương hiệu và hành động của thương hiệu đằng sau lời hứa đó. Nếu muốn thúc đẩy sự gắn bó của khách hàng, thương hiệu của bạn phải thực hiện những điều đã hứa hẹn. Công nghệ đã phá vỡ các rào cản và kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới, mang đến cho người tiêu dùng một thế giới quan toàn diện hơn. Họ đang chứng kiến những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, và suy nghĩ lại về các thói quen và cách mua hàng. Nhiều người tiêu dùng đang ủng hộ các phong trào công bằng xã hội với hy vọng tạo ra một xã hội công bằng hơn.

Người tiêu dùng cũng nhận thức được ảnh hưởng đặc biệt – và thường là ảnh hưởng lớn – của các thương hiệu. Vì vậy, họ đang mong đợi các thương hiệu làm được nhiều điều hơn nữa. Nhiều người tiêu dùng trên toàn thế giới muốn thấy các thương hiệu thể hiện sự đồng cảm và quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề nhân đạo, và đòi hỏi sự cân bằng giữa lợi nhuận và những đóng góp có ý nghĩa cho xã hội.

Khả năng có thể truyền đạt thông điệp dựa trên giá trị, cũng như truyền đạt thông điệp về sản phẩm đến khách hàng một cách kịp thời sẽ giúp thiết lập mối quan hệ với họ. Đổi lại, sự tương tác thương hiệu đó có thể giúp tạo thêm niềm tin thương hiệu và mối quan hệ trực tiếp mà từ đó có thể phát triển thành sở thích và sự gắn bó với thương hiệu.

5. Linh hoạt và sẵn sàng thay đổi

Thương hiệu phải luôn phát triển cùng khách hàng, chú ý đến phản hồi của khách hàng trong quá trình hoạt động. Việc thể hiện cam kết với khách hàng có thể giúp thương hiệu tiến xa. Liên tục đo lường hiệu quả của chiến lược thương hiệu và điều chỉnh khi cần thiết. Việc sử dụng phản hồi của khách hàng và chỉ số thương hiệu có thể giúp bạn xác định các lĩnh vực cần cải thiện. Hãy theo dõi các xu hướng thị trường và những cách kể câu chuyện thương hiệu mang tính đổi mới, từ đó đảm bảo thương hiệu của bạn luôn phù hợp và thu hút.

Chủ đề