Sự khác nhau giữa nhà nước và pháp luật

Nhà nước là tổ chức quyền lực, chính trị của xã hội có giai cấp, có lãnh thổ, dân cư và chính quyền độc lập, có khả năng đặt ra và thực thi pháp luật nhằm thiết lập trật tự xã hội nhất định trong phạm vi lãnh thổ của mình.

Còn Pháp luật là Hệ thống các quy tắc xử sự chung mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, phục vụ và bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp dân cư trong xã hội.

>> Xem thêm:

Giữa nhà nước và pháp luật có mối liên hệ mật thiết với nhau, cụ thể như sau:

– Nhà nước và pháp luật luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Thể hiện ở sự tác động qua lại giữa nhà nước và pháp luật.

– Chúng vừa có sự phụ thuộc lẫn nhau vừa có sự độc lập tương đối với nhau, những đặc điểm này được thể hiện trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và trong xây dựng và thực thi pháp luật: bộ máy nhà nước sử dụng Pháp luật là công cụ đắc lực để quản lý xã hội, pháp luật lại cần đến bộ máy nhà nước để bảo vệ và đảm bảo thực thi pháp luật.

– Và sự tác động qua lại lẫn nhau của cả nhà nước và pháp luật, có thể là tích cực hoặc tiêu cực, ở mức độ này hay mức độ khác. Ví như nếu nhà nước không đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu của người dân sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống pháp luật như mất niềm tin vào pháp luật, người dân sẽ không còn nghe theo pháp luật nữa.

– Cả nhà nước và pháp luật đều có cho mình những tiền đề xã hội giống nhau để xuất hiện cũng như phát triển. nhà nước và pháp luật không thể tồn tại thiếu nhau, nhà nước không thể quản lý xã hội nếu thiếu pháp luật, và cũng như vậy pháp luật không thể thực hiện được chức năng của mình nếu thiếu sự đảm bảo của nhà nước.

Mục lục bài viết

  • 1. Nhà nước và pháp luật là gì?
  • 2. Lý luận chung về nhà nước và pháp luật là gì?
  • 3. Cơ sở lý luận nhà nước và pháp luật ở Việt Nam
  • 4. Quan điểm về nhà nước
  • 5. Quan điểm về bản chất và tính khách quan của pháp luật

1. Nhà nước và pháp luật là gì?

Nhà nước và pháp luật là những hiện tượng xã hội, lịch sử của xã hội có giai cấp, tương thích với từng giai đoạn phát triển của xã hội loài người, tồn tại, hoạt động, phát huy hiệu quả một kiểu nhà nước nhất định với một bản chất giai cấp, vai trò, sứ mệnh lịch sử nhất định. Lịch sử nhà nước và pháp luật có thể nghiên cứu trong những quy mô, phạm vi khác nhau. Lịch sử nhà nước và pháp luật của toàn thế giới qua bốn kiểu nhà nước và pháp luật của lịch sử các nước: nhà nước và pháp luật chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư sản và xã hội chủ nghĩa; lịch sử nhà nước và pháp luật qua từng kiểu nhất định; lịch sử nhà nước và pháp luật của từng quốc gia, dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử: cổ, trung, cận và hiện đại qua từng kiểu phát triển nhất định...

Các tri thức về lịch sử nhà nước và pháp luật được xác định dựa trên việc nghiên cứu các sự kiện, các tư liệu lịch sử liên quan đến nhà nước và pháp luật, các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của nhà nước, về hệ thống pháp luật của nhà nước đó.

2. Lý luận chung về nhà nước và pháp luật là gì?

Lý luận chung về nhà nước và pháp luật là môn học quan trọng trong hệ thống khoa học pháp lý. Dựa trên cơ sở học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và nhà nước ta cũng như tri thức chung của nhân loại về nhà nước và pháp luật, môn học này trình bày trúng giải một cách khoa học các vấn đề cơ bản về nhà nước và pháp luật.

3. Cơ sở lý luận nhà nước và pháp luật ở Việt Nam

Hệ tư tưởng lý luận cho Lý luận nhà nước và pháp luật ở nước ta là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam. Có thể nói xu hướng phát triển lý luận nhà nước và pháp luật ở Việt Nam luôn bám sát chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam.

Những năm gần đây lý luận về nhà nước và pháp luật đã có những bước phát triển mạnh mẽ về chất, nhất là từ khi Đảng Cộng Sản nhà nước Việt Nam có chủ trương đổi mới tư duy, trong đó có tư duy pháp lý. Trong quá trình đổi mới đó sự nhận thức và thay đổi căn bản về quan niệm chủ nghĩa xã hội, về pháp luật nói riêng và về nhà nước và pháp luật nói chung. Chẳng hạn như Việt Nam đã xóa bỏ từng bước nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, chuyển dần sang nền kinh tế thị trường, cổ phần hóa tư liệu sản xuất,… Xây dựng nhà nước pháp quyền, khẳng định Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước của dân, do dân và vì dân thay vì là nhà nước của nhân dân lao động như trước kia; phân biệt quyền lực nhà nước thành ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và xác định Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, Tòa án thực hiên quyền tư pháp; thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; thừa nhận và thực hiện quyền con người; xã hội hóa nhiều hoạt động kinh tế - xã hội quan trọng... Những sự thay đổi đó đã và đang làm cho đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao... Tuy vậy, một số vấn đề lý luận về nhà nước và pháp luật vẫn chưa được làm rõ, nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa đặt ra chưa giải quyết được, lý luận về nhà nước và pháp luật vẫn còn chưa theo kịp, chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của công cuộc đổi mới, của xã hội hiện tại. Do vậy, đòi hỏi lý luận về nhà nước và pháp luật cần phải đi sâu nghiên cứu, tìm tòi để làm sáng tỏ những vướng mắc đó, góp phần thiết thực phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta. Hiện nay, lý luận về nhà nước và pháp luật phát triển theo một số quan điểm cụ thể sau:

4. Quan điểm về nhà nước

Thứ nhất: Về nguồn gốc của nhà nước

Hiện nay trong lý luận nhà nước và pháp luật có quan niệm được cho là phù hợp hơn về nguồn gốc của nhà nước. Quan điểm này cho rằng, nhà nước ra đời vừa do nguyên nhân giai cấp (do trong xã hội xuất hiện giai cấp, các giai cấp có lợi ích đối lập, đối kháng nhau đã đấu tranh với nhau và giai cấp thống trị về kinh tế có nhu cầu thiết lập ra nhà nước để duy trì sự thống trị về kinh tế của mình), vừa do nguyên nhân xã hội (do xã hội phát triển ngày càng phức tạp, quy mô ngày càng lớn, đến một giai đoạn nhất định các hình thức tổ chức xã hội cũ như thị tộc, bộ lạc không còn phù hợp, không đủ khả năng tổ chức, duy trì xã hội có hiệu quả nữa và xã hội cũng đòi hỏi phải thiết lập một tổ chức mới (nhà nước) thay thế thị tộc, bộ lạc để tổ chức và duy trì trật tự xã hội một cách khoa học, hiệu quả hơn tạo điều kiện cho xã hội tồn tại, phát triển vì lợi ích của cả xã hội. Với cách tiếp cận về nguồn gốc nhà nước như trên đã làm cho việc đánh giá bản chất nhà nước có cơ sở khoa học và sự thuyết phục cao hơn, khắc phục được sự thiên lệch khi đánh giá bản chất nhà nước trước đây.

Thứ hai: Về bản chất của nhà nước

Các nhà kinh điển luôn nhấn mạnh phương diện giai cấp của nhà nước, nhà nước với tư cách là tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị (Quyền lực chính trị là bạo lực có tổ chức của giai cấp này để chống lại giai cấp khác), vì vậy, “Nhà nước là bộ máy dùng để duy trì sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác... Nhà nước theo đúng 2 nghĩa của nó, là bộ máy trấn áp đặc biệt của giai cấp này đối với giai cấp khác". Điều này dẫn đến trong khoa học pháp lý của Nhà nước Xô viết trước đây khi xem xét bản chất nhà nước chỉ tập trung xem xét “bản chất giai cấp” của nhà nước.

Với quan niệm như vậy, vô tình đã cho rằng, giai cấp công nhân là giai cấp thống trị đối với các giai cấp khác còn lại ở Việt Nam như giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức và những người khác. Những người đưa ra quan điểm trên có lẽ đã suy luận từ quan điểm “Nhà nước chuyên chính vô sản” ở các nước xã hội chủ nghĩa và quy định của Điều 2 Hiến pháp Việt Nam năm 1980: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước chuyên chính vô sản”. Ở đây chỉ nói tới vai trò lãnh đạo, dẫn dắt của giai cấp công nhân chứ không nói tới sự thống trị của giai cấp công nhân đối với các giai cấp khác. Do vậy, nói bản chất giai cấp công nhân của nhà nước xã hội chủ nghĩa nói chung, của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói riêng là không phù hợp.

Hiện nay trong Hiến pháp Việt Nam có quy định: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Do vậy, một số người cho rằng, Nhà nước Việt Nam mang bản chất nhân dân. Chẳng hạn, “Bản chất bao trùm nhất, chi phối mọi lĩnh vực của đời sống nhà nước Việt Nam hiện nay từ tổ 3 chức đến hoạt động thực tiễn là tính nhân dân của nhà nước”. Vấn đề đặt ra là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có còn mang tính giai cấp hay không (ở Việt Nam hiện nay không tồn tại các giai cấp đối kháng). Nhà nước Việt Nam nói riêng chỉ có thể nhấn mạnh hơn về tính xã hội của nhà nước, giảm bớt tính giai cấp chứ không thể bỏ tính giai cấp của nhà nước. Nếu tính giai cấp không còn thì được xem như nhà nước đã “tiêu vong”, trong khi ở Việt Nam hiện nay vẫn còn giai cấp, vẫn còn những người “bóc lột”, thậm chí đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn được “làm kinh tế”.

Thứ ba: Tiếp cận vai trò của nhà nước

Tiếp cận vai trò, chức năng của nhà nước cần thấy rằng, nhà nước nào thì cũng phải đảm nhiệm hai vai trò quan trọng là: tổ chức quyền lực công (phải thay mặt xã hội tổ chức và quản lý những hoạt động chung của xã hội, vì sự tồn tại, phát triển của cả xã hội) và tổ chức quyền lực chính trị (thực hiện sự cưỡng bức có tổ chức để bảo vệ quyền, lợi ích của giai cấp/lực lượng cầm quyền, chống lại các giai cấp/lực lượng đối kháng), từ đó xác định các chức năng của nhà nước cho phù hợp.

Từ việc xác định bản chất, vai trò của nhà nước như trên cho thấy cần định rõ chức năng nhà nước theo định nghĩa chức năng nhà nước là những phương diện hoạt động cơ bản của nhà nước như chính trị, kinh tế, văn hóa- giáo dục, xã hội, môi trường... Xu hướng chung trong tiếp cận vai trò, chức năng của nhà nước là những gì xã hội làm tốt hơn, hiệu quả hơn thì nhà nước nên trả lại cho xã hội, nhà nước chỉ tập trung thực hiện vai trò chức năng quản lý, định hướng, dẫn dắt xã hội phát triển.

5. Quan điểm về bản chất và tính khách quan của pháp luật

Tiếp cận bản chất của pháp luật theo cách tiếp cận mới hiện nay về bản chất của nhà nước xuất phát từ nhu cầu xã hội và nhu cầu giai cấp về sự xuất hiện của pháp luật cho thấy rằng: Pháp luật vừa có tính xã hội vừa có tính giai cấp. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin thì pháp luật ra đời và tồn tại gắn liền với xã hội có giai cấp, nó là sản phẩm của sự phát triển xã hội vừa mang tính khách quan (sinh ra do nhu cầu đòi hỏi của xã hội, phản ánh đúng nhu cầu khách quan của xã hội, xuất phát từ thực tế cuộc sống, phù hợp với thực tế cuộc sống) vừa mang tính chủ quan (phụ thuộc ý chí của nhà nước, xuất phát từ lợi ích nhà nước, dân tộc, giai cấp (đặc biệt là lợi ích và mục đích của giai cấp thống trị) mà ban hành ra các quy định pháp luật).

Pháp luật vừa mang tính xã hội, vừa mang tính giai cấp: Cũng như nhà nước, pháp luật vừa mang tính xã hội, vừa mang tính giai cấp, hai thuộc tính đó của pháp luật luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau. Tuy nhiên, tính giai cấp và tính xã hội của các kiểu pháp luật khác nhau thì khác nhau và sự biểu hiện của chúng cũng khác nhau, chúng biến đổi tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, đạo đức, quan điểm, đường lối và các trào lƣu chính trị xã hội trong mỗi nước, ở một thời kỳ lịch sử nhất định. Xu hướng chung thì tính giai cấp của pháp luật ngày càng được thể hiện kín đáo hơn, còn tính xã hội thì được củng cố, mở rộng và phát triển mạnh mẽ hơn.

Pháp luật vừa có tính khách quan vừa có tính chủ quan. Tính khách quan của pháp luật thể hiện ở chỗ pháp luật sinh ra do nhu cầu đòi hỏi của xã hội, phải phản ánh đúng nhu cầu khách quan của xã hội, xuất phát từ thực tế cuộc sống, phù hợp với thực tế cuộc sống. Tính chủ quan của pháp luật thể hiện ở chỗ pháp luật phụ thuộc vào ý chí của nhà nước, xuất phát từ lợi ích của nhà nước, giai cấp, dân tộc... nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền ban hành ra các quy định pháp luật để ghi nhận, bảo vệ và phát triển chúng.

Pháp luật vừa có tính cụ thể vừa có tính trừu tượng. Tính cụ thể của pháp luật thể hiện thông qua các quy phạm pháp luật (thông thường các quy phạm pháp luật được trình bày rất ngắn gọn, rõ ràng, chính xác, một nghĩa). Tính trừu tượng của pháp luật thể hiện ở chỗ pháp luật không phải bao giờ cũng cụ thể bởi pháp luật được áp dụng trên phạm vi toàn quốc gia, với các nhóm xã hội, giai tầng, cá nhân ở những khu vực khác nhau, trong rất nhiều những tình huống cụ thể khác nhau của đời sống xã hội, do vậy, trong một số trường hợp nội dung của pháp luật chỉ có thể là những nguyên tắc chung (trừu tượng), còn tuỳ vào từng trường hợp cụ thể sẽ có những phương án cá biệt, cụ thể hoá những nguyên tắc đó cho phù hợp. Pháp luật vừa có tính dân tộc vừa tính có phổ biến. Pháp luật luôn mang trong mình những cái riêng của mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi quốc gia, dân tộc nhìn nhận các vấn đề có sự khác nhau nên cùng một hiện tượng nhưng mỗi quốc gia, dân tộc có cách giải quyết, ứng xử đối với các vấn đề đó sự khác nhau ít nhiều. Bên cạnh đó pháp luật cũng chứa trong nó những cái chung của con người, cộng đồng người và của cả nhân loại. Nhiều quy định trong pháp luật quốc gia không chỉ vì lợi ích của quốc gia mình mà còn vì lợi ích chung của con người, của loài người. Chính vì vậy, pháp luật của mỗi nước cũng luôn có sự tiếp thu, tiếp biến những giá trị nhân văn từ pháp luật của 1 các nước khác, các dân tộc khác.