So sánh đề đây thôn vĩ dạ với đề nào năm 2024

  1. Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” ra đời từ sự kết hợp của hai nguồn cảm hứng. Trước tiên là tình yêu thiên nhiên của Hàn Mặc Tử đối với cảnh làng quê sông nước xứ Huế. Tiếp đến là tình yêu con người, tình yêu của Hàn Mặc Tử dành cho Hoàng Cúc (mối tình đầu của ông) nói riêng, người thân thiết của ông nói chung. Quách Tấn – bạn của tác giả cho biết Hoàng Cúc sau khi nghe tin Hàn Mặc Tử mắc bệnh nan y đã gửi vào Quy Nhơn cho nhà thơ một tấm bưu thiếp có phong cảnh đất Huế bên dòng sông Hương, bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Văn Tâm còn nói Hoàng Cúc cũng gửi thêm cả tấm ảnh cô mặc áo dài trắng kèm lời hỏi thăm sức khỏe và trách người bạn sao không thăm Vĩ Dạ. Chính điều này đã tác động mạnh mẽ đến trái tim đơn côi của Hàn Mặc Tử, là nguồn thơ, là linh hồn của “Đây thôn Vĩ Dạ”.

II. Nhan đề: Đặt tên tác phẩm là “Đây thôn Vĩ Dạ” chứ không phải “Thôn Vĩ Dạ” vì Hàn Mặc Tử muốn người đọc tinh ý nhận ra dụng ý của từ “Đây“. Nó như một lời giới thiệu đến người đọc về đất Vĩ Dạ đẹp nên thơ. Từ “đây” cũng cho thấy nhà thơ như đang đặt tay lên lồng ngực mình, gọi những tiếng thân thương: “Vĩ Dạ”, Vĩ Dạ ở Huế, Vĩ Dạ cũng ở “đây”, trong tim Hàn Mặc Tử. Tình yêu với miền đất quê mộc mạc của tác giả làm người ta nhớ đến câu thơ của Viễn Phương: “Có nửa quả tim mình; có người yêu ở đó.” (1)

  1. Phân tích
  1. Khổ 1: Bức tranh làng quê và con người thôn Vĩ.
  1. Câu hỏi tu từ:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”

* Câu mở đầu bài thơ đã làm dấy lên nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng đây là lời Hoàng Cúc hỏi Hàn Mặc Tử, cũng có giả thiết được đặt ra rằng đây câu tự hỏi lòng của tác giả. Dù theo ý kiến nào, câu thơ cũng đều chứa đựng nhiều tầng cảm xúc và ý nghĩa sâu xa. * Nếu cho đây là lời của Hoàng Cúc: + Câu hỏi là một lời mời Hàn Mặc Tử về chơi làng quê Vĩ Dạ xứ Huế. Tại sao người hỏi lại dùng từ “về” thay vì từ “đến”? Có lẽ, thôn Vĩ đã là một nơi gắn bó, thân quen với nhà thơ. Thôn Vĩ là nhà, là quê hương, là nơi có một người con gái đang chờ đợi Hàn Mặc Tử. + Nếu thôn Vĩ thân thuộc với tác giả như vậy, thì câu hỏi còn là một lời hờn trách nhẹ nhàng nhưng cũng đầy nghẹn ngào “sao anh…”. Cụm từ “không về” chứa cả những giận hờn, trách cứ, cả những lo lắng, nhớ nhung. * Nếu cho đây là lời của Hàn Mặc Tử: câu thơ chính là tiếng lòng của tác giả. + Cụm từ “sao anh” lại gợi lên những trắc trở, ưu tư trong lòng chủ thể trữ tình. Trong đó vẫn chứa đựng sự hờn trách, nhưng là trách bản thân, ở trạng thái mạnh mẽ hơn và cũng bất lực hơn, bởi vì nhà thơ không thể về thôn Vĩ nữa rồi. + Từ “về” cũng cho thấy vị trí đặc biệt của làng quê thôn Vĩ – quê hương thứ hai trong trái tim Hàn Mặc Tử. Chính vì vậy, chủ thể trữ tình càng nhung nhớ và dằn vặt, đau thương hơn khi hình ảnh đầy thân yêu, gần gũi của làng quê sông nước Vĩ Dạ hiện lên trong tâm trí. * Tiểu kết: Dù hiểu nghĩa nào, người đọc đều tìm thấy nỗi nhớ, niềm mong mỏi và cả tình yêu thương da diết, nỗi bất lực và trăn trở của người hỏi. Điều này đã chứng tỏ tác dụng nghệ thuật lớn lao của câu hỏi tu từ được sử dụng một cách tài tình. Mở bài thơ bằng một câu hỏi chứa đựng nhiều lớp sắc thái, tác giả đã gợi ra trong lòng người đọc nhiều suy nghĩ về một thôn Vĩ vừa gần vừa xa trong lòng nhà thơ.

  1. Thiên nhiên thôn Vĩ:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên Vườn ai mướt quá xanh như ngọc.

* Bao phủ lên cây lá Vĩ Dạ là màu nắng vàng ươm lấp lánh, như trong hai câu thơ “Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.”(2). Điệp từ “nắng” gợi lên niềm vui, niềm hân hoan trong khi cụm từ “nắng mới lên” giúp ta hình dung ra một buổi sớm chan hòa ánh ban mai, không phải ban trưa chói chang nắng. *Dưới ánh nắng vàng óng là hàng cau đứng thẳng tắp quá đỗi thân thuộc với cảnh làng quê Việt Nam. Cầu – loại cây mang cái hồn quê giản dị, đơn sơ đã đi vào trong thơ ca Nguyễn Bình: “Nhà anh có một hàng cau/ Nhà em có một giàn trầu”(3) và cũng xuất hiện trong sáng tác của Trần Đăng Khoa: “Đường cỏ lơ mơ nắng/ Mái tranh chìm chơi với/ Vai tán cau mộc mạc/ Thả hồn quê lên trời”. (4) * Cụm từ “vườn ai” để chỉ một khu vườn tươi tốt như mọi khu vườn ở thôn Vĩ. Tiếng “ai” gợi ra hình ảnh Hàn Mặc Tử đang mơ hồ mường tượng lại quá khứ tươi đẹp khi đến chơi xứ Huế. Đi kèm với đó là tính từ giàu sức gợi “mướt” và biện pháp so sánh “xanh như ngọc”. + Chỉ qua một tính từ “mướt” ta thấy khu vườn thật đỗi xanh tươi. Không chỉ xanh, mảnh vườn nhỏ xinh còn tràn đầy sức sống khi được phủ lên một lớp sương đêm ướt mọng, óng ánh dưới nắng mai. Từ “mướt” còn làm nổi bật lên vẻ mịn màng, mềm mại, non tơ của thảm cỏ. + Thêm vào đó, phép so sánh “như ngọc” còn khiến mảnh vườn thật trù phú, mỡ màng. Với người nông dân sống nhờ vào hoa màu thu hoạch được từ miếng đất con con ấy, khu vườn chính là viên ngọc ước quý giá. Bên cạnh đó, phép so sánh cũng khiến màu xanh của vườn thôn Vĩ mang một sắc màu trong trẻo, lung linh, tỏa sáng ra không gian. Đọc câu thơ này, người ta liên tưởng tới lời thơ “Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá” của Xuân Diệu (5). Màu xanh ngọc của “Ông hoàng thơ tình Việt Nam” để phân biệt với những xanh dương, xanh lam, xanh lục,.. thì sắc “xanh như ngọc” của cây bút “thơ điên” để chỉ màu sắc của mảnh đất quê nhà thứ hai, màu của nỗi nhớ mong khao khát được quay về, màu của yêu thương đang cháy âm ỉ trong con tim nhà thơ. * Nghệ thuật sử dụng ngôn từ của tác giả trong hai câu thơ này thực vô cùng tinh tế, khiến Hoài Thanh từng ngợi ca rằng: “Hàn Mặc Tử có những câu thơ đẹp một cách lạ lùng, đọc lên như rưới vào hồn một nguồn sáng láng.”

  1. Con người thôn Vĩ:

“Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

* Lại một câu nữa làm dấy lên những tranh luận trong giới phê bình văn học. Chủ nhân gương mặt lấp ló sau lá trúc ấy là Hàn Mặc Tử hay Hoàng Cúc? + Nếu cho gương mặt “chữ điền” kia là của tác giả, giả thiết này hoàn toàn có căn cứ. Bởi trong sáng tác của mình, không ít lần nhà thơ tự họa bản thân, lúc thì ẩn sau cành lê, khi lại lấp ló dưới khóm lau, bờ liễu. Thêm vào đó là khuôn “chữ điền” vuông vắn nên không ít người đoán đây là một lần Hàn Mặc Tử miêu tả chính mình, một chàng trai trẻ đang núp sau khóm trúc ngắm người con gái mình thầm thương, trộm nhớ. + Nhưng cũng có thể đây là khuôn mặt của Hoàng Cúc, hay bất cứ một cô gái người Huế nào bởi con người xứ ấy có câu ca dao: “Mặt em vuông tựa chữ điền/ Da em thì trắng, áo đen mặc ngoài./ Lòng em có đất có trời/ Có câu nhân nghĩa, có lời thủy chung.” Từ đó, người đọc hiểu Hàn Mặc Tử không chỉ chú ý đến khuôn mặt, mà còn đề cao nhân cách của cô gái. “Mặt chữ điền” vẽ nên những đường nét vuông vắn đầy phúc hậu của cô gái quê chân chất. Lá trúc – một trong bốn loài cây thường được dùng để chỉ những phẩm chất cao đẹp trong thơ Đường càng giúp tô đậm vẻ đẹp tâm hồn của cô gái ấy. Hình ảnh lá trúc mảnh mai, thon dài đặt bên cạnh khuôn mặt vuông đầy lại tạo nên một bức chân dung hài hòa, sống động, có con người, có thiên nhiên, có sự hòa quyện gần gũi. * Tiểu kết: Dù nhìn nhận ý thơ theo nghĩa nào, độc giả đều thấy được tình yêu, sự gắn bó giữa người và cảnh, đều có ấn tượng sâu sắc với khuôn mặt bí ẩn, lấp ló của người dân quê đôn hậu, chân thật dưới khóm trúc.

  1. Kết luận: Khổ đầu bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là bức tranh đẹp, hòa quyện giữa thiên nhiên và con người xứ Huế. Qua những hình ảnh đầy thơ mộng, thanh bình của vùng quê xứ Huế, người đọc thấy được tình yêu thiên nhiên, yêu con người và cái nhìn trân trọng, nâng niu của tác giả với hồi ức đẹp.

II. Khổ 2: Nỗi buồn thực tại của chủ thể trữ tình

1. Thiên nhiên đượm buồn:

“Gió theo lối gió mây đường mây Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay.”

* Bức tranh thôn Vĩ tươi sáng, trong trẻo trong khổ thơ đầu đã hóa thành khung cảnh hoang vắng, buồn thương. Không còn khu vườn xanh tốt đầy sức sống mà thay vào đó là bầu trời u ám, dòng sông lặng lẽ trôi. Qua sự biến chuyển cảm xúc, cảnh thật – hình ảnh đẹp có thực trong hồi ức của Hàn Mặc Tử đã chuyển thành cảnh ảo – khung cảnh được vẽ nên bởi tư tình của chính nhà thơ. * Bằng cách chia nhịp 4/3, câu thơ đầu được ngắt thành hai vế, miêu tả hai chuyển động riêng biệt của gió và mây. Thông thường người ta thấy gió thổi mây bay, nhưng qua đôi mắt đượm buồn của nhà thơ, mây gió chia đôi ngả. Ý thơ muốn nói đến tình cảnh thực tại của Hàn Mặc Tử, sống chia lìa xa cách những người ông thương yêu. * Khổ thơ là sự kết hợp giữa cả bầu trời quạnh hiu và mặt đất trống trải im vắng. Qua nghệ thuật nhân hóa, “dòng nước buồn thiu” hiện lên như một con người, có linh hồn và nặng trĩu tâm tư. Đã không ít nhà thơ miêu tả sông Hương – con sông nổi tiếng của xứ Huế. + Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi nhịp chảy chậm rãi của con sông ấy là “điệu slow tình cảm mà sông Hương dành riêng cho Huế” + Nhà thơ Thu Bồn lại miêu tả về sông Hương thế này: “Con sông dùng dằng, con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.” * Qua hai ví dụ trên, sông Hương hiện lên đầy tình tứ, trong khi đó, tính từ “buồn thiu” lại khiến dòng sông của Hàn Mặc Tử trông thật u sầu, buồn bã, chán chường làm sao. * Trong hai câu đầu, hình ảnh thơ có sự chuyển động, nhưng chúng không đem lại vẻ tươi vui mà trái lại, còn khiến thiên nhiên thêm thê lương, ảm đạm. Những ngọn gió chỉ khẽ chuyển mình đủ đế hoa ngô nhẹ đung đưa. Nỗi buồn của Hàn Mặc Tử cũng vậy, nó không phải một chấn động tâm lí mạnh, nhưng lại là nỗi bi thương âm ỉ ngày ngày dày vò trái tim của thi nhân. Từ “lay” mà nhà thơ đã sử dụng trong câu thơ cũng được bắt gặp trong dân ca: “Ai về trồng dứa qua truông/ Gió lay bông sậy bỏ buồn cho em.”, và cũng xuất hiện trong bài “Bờ sông vẫn gió” của Trúc Thông: “Lá ngô lay ở bờ sông/ Bờ sông vẫn gió người không thấy về.” * Tiểu kết: Nỗi buồn thấm đượm cảnh sắc thiên nhiên bắt nguồn từ sự thức tỉnh tâm trí Hàn Mặc Tử. Những câu thơ đầu đẹp như mơ cho đến khi nhà thơ chợt giật mình nhận ra tất cả chỉ còn là quá khứ không thể xảy ra lần nữa, khoảnh khắc đẹp chỉ đến một lần. Tác giả không thể về thôn Vĩ nữa rồi, chưa nói đến có được cảm nhận lại niềm hạnh phúc ngọt ngào ngày ấy hay không. Trở về khoảng không gian, thời gian mình đang sống, Hàn Mặc Tử chỉ thấy trống trải, cách xa.

2. Hồn thơ khát khao hạnh phúc:

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó Có chở trăng về kịp tối nay?”

* Đại từ phiếm chỉ “ai” trong “vườn ai” lại xuất hiện, từ đó, hình ảnh con thuyền hiện lên vừa gần vừa xa, vừa thân thuộc, gần gũi, vừa lạ lẫm, cách trở. * Mặt sông được phủ một lớp bạc lấp lánh với hình ảnh ẩn dụ “sông trăng”. Vầng trăng lung linh huyền ảo chẳng treo ở trên trời, mà lại nằm trên dòng nước. * “Trăng” trong câu thơ trên là trăng của đất trời, sông nước; “trăng” ở câu dưới lại là hình tượng thơ trở đi trở lại trong những tác phẩm của Hàn Mặc Tử. + Có những khi trăng hiện lên với sự ma quái, bí ẩn: “Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy/ Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra.” + Đôi lúc trăng lại mang vẻ đẹp trân quý: “Là sợi đường tơ dịu quá trăng/ Là bao nhiêu ngọc cũng chưa bằng” * “Trăng” trong “Đây thôn Vĩ Dạ” đầy thơ mộng và trừu tượng. Bóng nguyệt ấy có thể là hạnh phúc viên mãn, đủ đầy mà Hàn Mặc Tử khát khao, cũng có thể là chính con người thi nhân, mong ước được quay lại xứ Huế, gặp lại người thân yêu. Dù hiểu thế nào, độc giả đều cảm nhận được nỗi mong mỏi da diết của tác giả. Không phải ông không hiểu hoàn cảnh bất đắc dĩ của mình, nhưng vì tình yêu quá sâu nặng với con người, với cuộc đời, Hàn Mặc Tử mới lưu luyến, hi vọng nhiều đến vậy. * Câu hỏi tu từ “Có chở trăng về kịp tối nay?” cho thấy sự băn khoăn, trăn trở của Hàn Mặc Tử. Bệnh tật và khoảng cách ngăn trở ông đến với miền hạnh phúc. Nhưng trong thâm tâm nhà thơ lại thầm mong một phép màu có thể giúp ông quay về Vĩ Dạ gặp cố nhân một lần, dù chỉ là một lần cuối. Không chỉ biểu hiện sự băn khoăn, câu hỏi này còn bộc lộ nỗi thất vọng sâu kín của nhà thơ. Ông hỏi, nhưng lại không muốn được nghe câu trả lời, bởi nó sẽ nhắc lại cái sự thực phũ phàng mà Hàn Mặc Tử đã quá thấm thía. Từ đó, người đọc nhìn ra mâu thuẫn trong lời thơ: vừa khao khát, vừa lo âu. Sự đối lập này cũng khắc họa bi kịch đau thương của Hàn Mặc Tử. * Hàn Mặc Tử cũng sắp đặt nhiều từ đắt giá trong câu thơ cuối khổ. + Từ “về” đã được thấy trong khổ một. Tác dụng của nó không hề thay đổi, là để tô đậm vị trí quan trọng của Vĩ Dạ trong lòng nhà thơ, là nhà, là quê hương thứ hai của ông. So sánh thôn Vĩ với nhà, tác giả càng thành công trong việc khắc họa nỗi mong mỏi trở về xứ Huế, khiến nó da diết hơn, mãnh liệt hơn. + Bên cạnh đó là từ “kịp” mang âm hưởng đầy khắc khoải, lo âu. Nó chứa đựng lời mong cầu khẩn thiết. Nó cũng thầm cho thấy, quỹ thời gian của Hàn Mặc Tử không còn nhiều, một giây một khắc cũng vô cùng quý giá. Vậy nên ông mới mong mỏi, nóng lòng được quay về Vĩ Dạ, chứ không phải dành chút tháng ngày ít ỏi còn lại của cuộc đời ở đất Quy Nhơn cách biệt với thế giới bên ngoài. * Những niềm mong mỏi của tác giả “Mùa xuân chín” gợi liên tưởng đến Xuân Diệu – nhà thơ của mùa xuân cuộc đời. Trong khi “nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới” ao ước được sống trọn từng khoảnh khắc để tận hưởng cuộc đời tươi đẹp thì “chủ soái dòng thơ điên” lại chỉ muốn được sống – được sống đã là một niềm hạnh phúc lớn lao.

3. Tiểu kết: Bức tranh sông nước đêm trăng ở khổ hai lột tả cảm xúc đau thương, nỗi lo âu, khắc khoải và khát khao hạnh phúc tha thiết của Hàn Mặc Tử khi nhìn nhận thực tại đầy bi kịch. Người đọc có thể thấy tình yêu da diết với cuộc đời của thi nhân. Càng yêu đời, ông càng đau đớn, tuyệt vọng.

Chủ đề