Nghị quyết đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa năm 2024

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là từ khi đẩy mạnh thực hiện công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước đến nay. Khái quát chung, quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng từ khi đổi mới đến nay cho thấy sự liên tục bổ sung, cập nhật, chủ trương hóa cách thức, biện pháp thực hiện CNH, HĐH đất nước. Đây cũng chính là quá trình từng bước hiện thực hóa mô hình CNH, HĐH phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của Việt Nam. Trải qua mỗi kỳ Đại hội, dù cho cách diễn đạt có thể khác nhau, nhấn mạnh các nhiệm vụ cấp bách khác nhau cần giải quyết trong mỗi thời kỳ phát triển của đất nước, song về cơ bản, Đảng ta đã đề ra và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhiều chủ trương, đường lối quan trọng về CNH, HĐH với tinh thần xuyên suốt, nhất quán là hướng tới đẩy mạnh CNH, HĐH nhằm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp phát triển có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao.

Quang cảnh Hội nghị Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đối với đại đa số các nước trên thế giới, để trở thành nước công nghiệp, nước phát triển, đạt mức thu nhập cao đều phải tiến hành quá trình CNH, HĐH. Chỉ có một số ít nước không trải qua công nghiệp hóa vẫn trở thành nước phát triển hay nước công nghiệp như Singapore, Thụy Sĩ, Canada, New Zealand, Australia, Israel vì các nước này có những đặc điểm rất đặc thù. Tuy nhiên, với đặc điểm và điều kiện của Việt Nam, để trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025; là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 tất yếu phải tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH.

Quang cảnh Hội nghị Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách CNH, HĐH đến năm 2030,

tầm nhìn đến năm 2045” ngày 23/8/2022

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (sửa đổi, bổ sung năm 2011) yêu cầu: "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường".

.jpg)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án về CNH, HĐH

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu: "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

Qua các nhiệm kỳ Đại hội, nhất là từ Đại hội XII trở lại đây đã có khoảng 20 nghị quyết ban hành một số chủ trương, đường lối quan trọng có liên quan đến những khía cạnh riêng của CNH, HĐH. Tuy nhiên, cho đến trước khi ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, Đảng ta vẫn chưa có nghị quyết riêng về vấn đề CNH, HĐH.

Vì vậy, để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện thực hiện các chủ trương, đường lối về CNH, HĐH đất nước đã nêu tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Văn kiện các Đại hội toàn quốc của Đảng, đặc biệt là Đại hội lần thứ XIII, đồng thời làm cơ sở xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy CNH, HĐH đất nước, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất đưa nội dung này vào Chương trình làm việc toàn khóa và giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

.jpg)

Đồng chí Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia “Chủ trương và chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tổ chức ngày 28/7/2022 tại TP. Hồ Chí Minh

Quá trình nghiên cứu, xây dựng Đề án này được thực hiện trong bối cảnh có nhiều khó khăn bởi tác động của Đại dịch Covid-19, Đề án có phạm vi rộng, bao hàm những vấn đề lớn, có tính chất phức tạp, song với sự tham gia đóng góp hết sức tích cực với tinh thần trách nhiệm cao của tất cả các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các địa phương; của Hội đồng lý luận Trung ương, các Cơ quan nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân...; nghiên cứu sâu kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, Đề án đã được xây dựng rất khẩn trương, bài bản, công phu, khoa học, là kết tinh trí tuệ, chắt lọc những đóng góp quý báu của tất cả các Cơ quan, đơn vị có liên quan để hoàn thiện trình Bộ Chính trị, được Bộ Chính trị thông qua, trình Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận kỹ lưỡng, tâm huyết và thống nhất cao ban hành Nghị quyết về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022).

Trong bối cảnh phát triển mới hiện nay, Nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị hết sức quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tạo động lực thúc đẩy CNH, HĐH đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Về kết quả đạt được: Nghị quyết đã khái quát thành 9 kết quả đạt được rất quan trọng, cụ thể như sau:

Một là, CNH, HĐH đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm trong 10 năm qua, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Minh chứng rõ nhất cho kết quả này là quy mô của nền kinh tế Việt Nam năm 2020 đã tăng 3,1 lần so với năm 2010, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á; thu nhập bình quân đầu người tăng trên 25%, đạt khoảng 3.517,4 USD, vượt mục tiêu của Chiến lược, đồng thời vượt mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 (đặt ra ở mức khoảng 3.200 - 3.500 USD). Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Hai là, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực với tỉ trọng đóng góp vào GDP của công nghiệp và dịch vụ đạt 72,7% vào năm 2020; tỉ lệ lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng lao động toàn xã hội giảm từ 48,4% năm 2011 xuống còn 33,1% năm 2020, đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Cơ cấu kinh tế vùng chuyển đổi theo hướng tích cực, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng và theo hướng tăng cường liên kết, kết nối vùng, các tiểu vùng, bước đầu gắn kết với công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ba là, Công nghiệp được cơ cấu lại theo hướng giảm tỉ trọng của ngành khai khoáng, tăng nhanh tỉ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Đã hình thành được một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế như: Dệt may (đứng thứ 07 thế giới về xuất khẩu); giầy dép các loại (thứ 03 thế giới về sản xuất và thứ 02 về xuất khẩu); điện tử (đứng thứ 12 thế giới về xuất khẩu, trong đó mặt hàng điện thoại di động đứng thứ 02 thế giới); sản phẩm đồ gỗ (đứng thứ 05 thế giới về xuất khẩu)... Một số ngành công nghiệp nền tảng (thép, hóa chất, cơ khí chế tạo) đã từng bước đáp ứng nhu cầu về tư liệu và năng lực sản xuất của nền kinh tế; công nghiệp quốc phòng từng bước tham gia thúc đẩy phát triển nền công nghiệp quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực như: cơ khí, sản xuất vật liệu nổ công nghiệp; điện, điện tử; quang học; đóng mới, sửa chữa tàu và công trình thủy; sửa chữa máy bay, ra đa... Công nghiệp hỗ trợ được quan tâm phát triển, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giá trị tăng thêm trong các ngành công nghiệp, thúc đẩy một số mặt hàng tham gia sâu, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị, phân phối toàn cầu.

Bốn là, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn thúc đẩy tăng trưởng ngành nông nghiệp ổn định và bền vững, từng bước được cơ cấu lại theo hướng hiện đại. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến và nhu cầu thị trường. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị phát triển đa dạng về hình thức và cấp độ, đã hình thành và nhân rộng ở nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực; Cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp được áp dụng rộng rãi đã tạo ra nhiều thay đổi trong phương thức canh tác nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh; Tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn với quá trình CNH, HĐH đất nước; kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực.

Năm là, ngành dịch vụ phát triển mạnh, theo hướng hiện đại, đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng; hình thành được một số ngành dịch vụ có hàm lượng khoa học, công nghệ cao như dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông, du lịch, hàng không... Các phương thức, mô hình kinh doanh trên thị trường xuất hiện, được đổi mới theo hướng văn minh hiện đại, phù hợp với quá trình CNH, HĐH đất nước.

Việt Nam trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu. Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Các mô hình sản xuất kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ... xuất hiện và phát triển, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao, theo hướng hiện đại; Kinh tế số được chú trọng phát triển, trở thành một động lực tăng trưởng của nền kinh tế, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, xã hội số. (Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2021, ước tính kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 163 tỷ USD, tăng trưởng 31% so với năm trước, chiếm khoảng 8,2% GDP cả nước).

Sáu là, đô thị hóa tăng nhanh, không gian đô thị được mở rộng, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống đô thị phát triển nhanh về số lượng, mở rộng về quy mô, nâng dần chất lượng theo hướng đồng bộ, xanh, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước; diện mạo đô thị đã có nhiều thay đổi, chất lượng đô thị ngày càng được nâng cao. Nguồn cung về nhà ở xã hội liên tục được gia tăng tại nhiều đô thị góp phần từng bước giải quyết nhu cầu nhà ở cho đối tượng có thu nhập thấp và đối tượng chính sách, đảm bảo quyền có chỗ ở của công nhân.

Bảy là, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ, hiệu quả hơn, chất lượng được nâng cao, tạo không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó:

Hạ tầng giao thông đã có bước phát triển đáng kể, nhất là trong các lĩnh vực đường bộ, hàng không, hàng hải, xây dựng được nhiều công trình giao thông mới, đặc biệt là các tuyến đường bộ cao tốc, các cảng biển, cảng hàng không quốc tế quan trọng… được đầu tư và đưa vào khai thác tạo nên tính kết nối, lan tỏa lớn; Hạ tầng năng lượng được tập trung đầu tư, tăng thêm năng lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; Hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, khu kinh tế ven biển phát triển khá, tăng về số lượng, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp, khu kinh tế cơ bản đạt trên 50%; tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn; Hạ tầng thuỷ lợi được xây dựng và nâng cấp theo hướng đa mục tiêu, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn; Hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển mạnh, hiện đại, rộng khắp, bảo đảm kết nối với quốc tế và bước đầu hình thành siêu xa lộ thông tin. Hạ tầng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp được đầu tư phát triển mạnh mẽ ở nhiều vùng, miền trong cả nước, nhất là hệ thống đại học quốc gia, trường đại học vùng. Cơ sở vật chất giáo dục từ mầm non đến đại học đã được cải thiện; Hạ tầng khoa học công nghệ có bước phát triển nhanh. Mạng lưới các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ hình thành và phát triển tại nhiều địa phương, vùng miền; đã triển khai xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia…

Tám là, phát triển văn hoá, xã hội, con người trong quá trình CNH, HĐH được quan tâm; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện.

Cụ thể: Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng Chỉ số phát triển con người HDI cao nhất trên thế giới. Giai đoạn 2011-2020, chỉ số HDI của Việt Nam đã tăng từ 0,663 vào năm 2011 lên 0,706 vào năm 2020, bắt đầu thuộc nhóm các quốc gia có HDI ở mức cao (là nhóm quốc gia có chỉ số HDI từ 0,7 đến dưới 0,8). Giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là ở các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu giảm nghèo của Chiến lược 2011-2020, qua đó Việt Nam đã đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo trước thời hạn 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu trong cuộc chiến chống đói nghèo. Hệ thống an sinh xã hội phát triển ngày càng toàn diện, hướng đến mục tiêu an sinh xã hội toàn dân. Điều kiện nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp ở đô thị, nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên… từng bước cải thiện.

Chín là, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu được chú trọng, bước đầu đạt kết quả tích cực. Việt Nam đã và đang trở thành thành viên có trách nhiệm, nỗ lực tham gia góp phần tích cực với cộng đồng quốc tế trong đàm về ứng phó với biến đổi khí hậu. Xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường được kiềm chế so với các năm trước đây; nhiều khu vực ô nhiễm tồn lưu được xử lý, cải tạo; các nguồn ô nhiễm, các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm; sự cố môi trường được kiểm soát, hoạt động an toàn, vận hành ổn định; xuất hiện nhiều mô hình đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất sinh thái, thân thiện với môi trường.

Có thể nói những kết quả đạt được trên đây có ý nghĩa rất quan trọng, khá toàn diện, thể hiện sự đoàn kết, thống nhất, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, có hiệu quả, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối CNH, HĐH đất nước.

Bài 2: Những hạn chế và nguyên nhân khách quan, chủ quan trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Chủ đề