Mua hổ giống ở đâu

Như vậy đàn hổ của ông Ngô Duy Tân, đầu tiên là từ 5 con mua ban đầu, sang năm 2003 mua thêm 2 con nữa, tất cả đều mua lúc còn bé, và con nào cũng trong tình trạng dở sống dở chết, đến nay đã sinh sôi, nảy nở thêm 12 con, tổng cộng ông có 19 con, trong đó 12 con lớn cỡ từ 150 đến 300kg; 3 con hổ tháu mới đẻ hồi đầu năm nhưng cũng đã gần 50kg và 4 chú hổ con. Nếu hổ mẹ Ami đừng chết và có vài lần hổ con sinh ra cũng yểu thọ, chứ không, đàn hổ của ông phải là gần 30 con.

Phần III - "Thâm cung bí sử" về hổ

Khu nuôi thú của ông Tân còn có 5 báo gấm cỡ 70kg mỗi con (số báo này ông mua trên đường Nguyễn Thị Minh Khai - TP HCM khi nó mới được mấy ngày tuổi), cộng với 15 con gấu ngựa, 1 con gấu chó và khoảng gần... 1.000 con cá sấu! Mỗi tháng, để nuôi lũ động vật hoang dã này, ông phải chi ra gần... 100 triệu đồng. Vậy mà hổ không được bán, cá sấu chưa có đầu ra, mật gấu thì bấy lâu, ông chủ yếu dành... phục vụ bạn bè. Nuôi chúng quả là tốn khủng khiếp. Hổ bố mẹ, xơi mỗi ngày từ 7 đến 8kg thịt bò hoặc thịt gà.

Nhưng đâu chỉ có thế, để tạo cho chúng có thói quen săn mồi, hàng tuần, ông phải thả thỏ hoặc gà cho chúng vồ. Hổ ăn rất khỏe. Chú hổ con mà cứ chạy theo chúng tôi cắn gấu quần mỗi ngày cũng xơi 2 kg thịt bò loại 1 và thêm nửa lít sữa tươi... Hổ còn bé nuôi phải vô cùng cẩn thận. Chúng có thể chết rất nhanh nếu như bị đói hoặc bị... no quá. Năm trước, có một chú hổ con nuôi đã được hơn một tháng. Mỗi ngày nó được ăn 8 con chim cút và nửa lít sữa. Nhưng một hôm, anh em mua chim cút to hơn bình thường về, cho nó ăn hết. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, chú hổ trướng bụng lên và cấp cứu không kịp, chết luôn.

Giống hổ ăn cũng rất lạ. Khi vồ được gà, chúng cũng thong thả vặt khá sạch hết lông rồi mới xé ăn, nhưng không bao giờ ăn mề gà, mề vịt, hoặc mề chim cút. Đây là điều mà chưa có lời giải thỏa đáng. Hổ rất nhạy cảm với các loại hóa chất dùng để tẩm ướp, bảo quản thịt. Thịt bò cho chúng ăn là phải lấy ngay từ lò mổ, còn tươi nguyên. Nếu mua thịt ở chợ về, chúng chỉ ngửi rồi bỏ đi, còn nếu có đói quá, chúng phải ăn thì sau đó cũng “ly-vơ-phun” hết sạch. Hổ khi đã lớn khoảng 40kg trở lên thì hầu như không mấy khi ốm đau.

Cho hổ con bú bình.

Tuy nhiên, qua thực tế ở một số người từng nuôi hổ thì lại thấy chúng có thể ăn bất cứ thứ gì, nếu như được nuôi từ nhỏ. Hổ của ông Ngô Duy Tân thì ăn thịt sống, hổ của anh Huỳnh Phi Ngọc lại ăn thịt luộc, còn chú hổ ở Trại rắn Đồng Tâm mà mới bị bắt trộm thì lại ăn cơm cháo... Tóm lại là nếu nuôi chúng từ khi còn nhỏ thì chúng hoàn toàn như con chó, con mèo trong nhà, thậm chí còn quyến chủ hơn giống mèo nhiều. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, nếu muốn cho hổ sinh đẻ được thì phải tạo điều kiện cho chúng sống trong môi trường tự nhiên và cho chúng ăn thịt sống.

Có hai người không thể không nhắc đến bởi họ có công lao rất lớn trong việc chăm sóc lũ hổ của ông Ngô Duy Tân, đó là anh Lương Thiện Dân, Giám đốc Nhà máy bia Pacific và anh Lại Văn Xã. Họ là những người gắn bó hàng ngày với đàn hổ và cũng buồn vui theo sự thăng trầm của chúng. Các anh hiểu tính tình từng con và am hiểu rất sâu sắc về những tập tính của loài hổ. Hai anh cũng là người đã chăm sóc thành công những chú hổ sinh ra bị mẹ bỏ rơi, hoặc những con bị bệnh. Có thể nói bây giờ, hiếm có chuyên gia nào có nhiều kinh nghiệm nuôi hổ như anh Dân và anh Xã.

Một hôm, tôi đến vào giờ hổ ăn. Nhưng chả hiểu sao lũ hổ lại hờ hững với đống đầu gà, cổ gà. Anh Xã phải kiên nhẫn gọi tên từng “đứa”, từ con Nhất, con Nhị, con Tam đến con Tứ và con Ngũ... Đám “ngũ tử” này, chúng là con của Simba và Cọp Beo... Hồi sinh chúng ra, anh em cứ theo thứ tự mà đặt tên. Gọi mãi, rồi dỗ dành ngọt nhạt, và dường như “nể lời mời”, nên lũ hổ mới lững thững chui ra khỏi chuồng nhưng giương mắt... chờ đợi. Anh Xã lại phải lấy từng cái đầu gà, đưa đến tận miệng, chúng mới miễn cưỡng “chiều” chủ, ăn lấy lệ.

Trong một khu chuồng khác, hổ đực Simba, to như một con bò, nằm giơ bốn chân lên trời, bên cạnh hai nàng hổ cái. Con Simba lớn nhất trong tất cả, trọng lượng ước tính của nó phải trên 300kg. Giống hổ cái thì lại rất thích những chàng hổ to khỏe, vì vậy, ả hổ nào đến khi động dục (hay còn gọi là đi nước) thì chỉ đến gạ gẫm Simba.

Hổ, báo, sư tử... là các loài có đời sống tình dục khá phức tạp. Một con hổ cái, trong điều kiện tự nhiên thì chỉ sau hơn ba tuổi là bắt đầu “đi nước”. Mỗi lần “đi nước” của chúng kéo dài khoảng hơn một tuần. Vào những ngày ấy, hổ cái, hổ đực luôn quấn quýt bên nhau và “chiến đấu” khoảng từ 60 đến 80 lần mỗi ngày. Cứ mỗi khi “nổ súng” xong, hổ đực phải nhảy tung lên để tránh cú “tát yêu” của “nàng” mà nếu tránh không kịp thì toạc mặt như chơi. Nhưng sau cú tát ấy, hổ cái lại mon men đến hổ đực và chỉ 5 -10 phút sau, chúng lại “chiến đấu”. Giống báo cái thì còn “dữ dội” hơn. Mỗi ngày chúng “chiến đấu” khoảng trăm lần và không có khái niệm “một vợ một chồng”. Một ả báo có thể phục vụ 4 chàng báo suốt cả tuần.

Nhân đây, cũng phải nói thêm tý chút về cái “pín” hổ.--PageBreak--

Hiện nay, có không ít người mua được “pín” hổ. Những chiếc “pín” này khá to, đường kính có khi tới 2cm (đã phơi khô); dài khoảng 30 thậm chí 40cm và đầu tua tủa những gai. Khi nghe nói về những chiếc “pín” này, anh Xã, anh Dân đều khẳng định đó là “pín” dỏm. Theo hai anh, “pín” hổ khá nhỏ, chỉ bằng ngón tay trỏ, dài khoảng 20cm và chẳng có “gai” có “ngạnh” cả. Các anh là người trực tiếp theo dõi và cho hổ phối giống, vì thế, tôi tin sự mô tả của các anh là chính xác.

Sau khi hổ cái “đi nước” khoảng 15 ngày thì phải tách riêng ra để cho chúng được yên thai. Hổ cái chửa khoảng 105 ngày thì đẻ và số lượng con có khi là 1, nhưng cũng có khi tới 4 hoặc 5. Hổ sinh con xong, nếu con nào bị mẹ gạt ra thì cầm chắc là sẽ chết, mặc dù lúc đó hổ con vẫn còn khỏe và đòi bú mẹ. Đây là một cách sàng lọc tự nhiên của nhiều loài thú hoang dã. Hổ, báo, sư tử và cả mèo nhà nữa, chúng chỉ nuôi những con nào mà chúng biết là khỏe mạnh, không bệnh tật. Hổ mẹ nếu đẻ ra mà không nuôi con thì chỉ chừng một tháng sau là chúng bắt đầu đòi “đi nước”. Còn nếu nuôi con cho đến lúc chúng thôi bú thì phải một năm rưỡi sau mới lại bắt đầu.

Hổ khi sinh con thường chọn một nơi kín đáo, và vào lúc này, những tác động ngoại cảnh - đặc biệt là sự có mặt của con người sẽ làm chúng hoảng sợ, gây gián đoạn quá trình sinh đẻ của chúng, thậm chí bỏ con ngay. Có một lần con Laser đẻ, anh em đến xem và chụp ảnh. Ánh đèn flash làm hổ mẹ sợ, thế là nó bỏ con. Ngay chú hổ con mang tên là Now đang được sống tự do ngoài nhà khách, cũng là do hổ mẹ đẻ xong, không cho bú. Anh em mang về nuôi và bây giờ thì nó nghịch như giặc, lúc nào trời nắng to thì chui vào phòng có điều hòa nhiệt độ ngủ, khi nào mát mẻ, lại chui ra và thấy ai đi cũng lũn cũn chạy theo, rình đớp gấu quần...

Gà là món khoái khẩu của những chú hổ.

Để có được đàn hổ như ngày hôm nay và có những bài học kinh nghiệm trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc hổ con, ông Ngô Duy Tân và những cộng sự đã phải mất rất nhiều công sức và tiền của... Anh em sẵn sàng thức trắng cả đêm để theo dõi một hổ mẹ sinh con và có thể cứu kịp thời những chú hổ bị mẹ bỏ rơi.

Giống hổ cũng rất lạ. Nếu mẹ chúng thiếu sữa thì chỉ gần một tháng tuổi là chúng đã biết ăn, còn nếu mẹ đủ sữa thì phải gần ba tháng sau, chúng mới tập ăn.

Hổ là giống khá “lãng mạn”. Mỗi khi trời mưa, chúng chạy ra sân và cứ nhảy cẫng lên, đùa với nước. Chúng có thể lăn vào vũng nước, ngâm mình trong đó hàng giờ như trâu đằm. Vào những đêm trăng sáng, chúng ít khi nằm trong chuồng mà kéo ra sân nằm ngắm trăng. Khi ngắm trăng, có con ngồi, ngửa mặt lên trời, có con lại nằm giơ bốn chân... nhưng chúng rất trật tự, kể cả khi hổ cái đang “đi nước”.

Lời kết:

Trong chúng ta, bất cứ ai đã đến vườn thú thì không thể không đến xem hổ. Nhìn những con hổ oai vệ, từ ánh mắt, bước đi, tiếng gầm đều toát lên vẻ quyền uy của chúa sơn lâm ai mà không thích.

Cho đến nay, mới duy nhất một lần, vườn thú Hà Nội nuôi được hổ đẻ, nhưng nghe nói sau đó, hổ con cũng chết. Thảo Cầm Viên của TP HCM là nơi nuôi và bảo tồn nhiều loại động vật quý hiếm cũng chưa phối giống thành công cho hổ. Vì vậy, việc ông Ngô Duy Tân và các cộng sự cứu sống được những chú hổ con bệnh tật, yếu ớt, lại nuôi chúng đẻ được hổ con, thậm chí còn chủ động được trong việc phối giống là một thành công lớn. Có được đàn hổ như của ông Tân, ông Ngọc hiện nay, chúng ta không những phải cảm ơn hai ông mà còn phải cảm ơn lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Bình Dương đã dũng cảm, vượt qua những quy định khắt khe của luật pháp (nhưng có nhiều điều không còn phù hợp với thực tế), để giúp cho ông Tân, ông Ngọc nuôi hổ.

Từ thực tế nuôi hổ của hai ông, chúng ta có thể thấy được điều gì?

Trước hết là phải thừa nhận rằng giống hổ ở Việt Nam và trên thế giới đang đứng trên bờ vực của sự tuyệt chủng. Môi trường sống của hổ bị thu hẹp, nạn săn bắt hổ vẫn phát triển ngày càng tinh vi, thủ đoạn hơn. Cho nên muốn bảo vệ giống hổ và một số loài khác thì cần phải khoanh vùng nuôi và chăm sóc chúng. Việt Nam đã có một số khu rừng cấm quốc gia, tuy nhiên, việc bảo vệ tại các khu rừng này chưa đáp ứng được yêu cầu, cho nên nạn săn bắn trái phép vẫn diễn ra. Còn nếu khoanh lại một khu rừng cỡ vài trăm hécta , có hàng rào bảo vệ... thì chúng ta chưa có khả năng làm vì không thể có tiền. Trong khi đó, những doanh nhân như ông Ngọc, ông Tân và nhiều người khác nữa họ có tiềm lực kinh tế nên việc làm những vườn thú quy mô nhỏ có vài chục hécta là hoàn toàn có thể.

Thứ nữa là ngay các vườn thú ở Hà Nội và TP HCM, kinh phí dành cho nuôi dưỡng động vật hoang dã cũng rất hạn hẹp và chắc chắn rằng lũ hổ, báo sống ở đây không thể nào được chăm sóc tốt hơn lũ hổ của ông Tân, ông Ngọc.

Chính vì vậy, phải chăng đã đến lúc Nhà nước cần có chính sách để xã hội hóa việc nuôi dưỡng bảo tồn động vật hoang dã, tạo điều kiện và khuyến khích những người có đủ khả năng. Sẽ là vô cùng có ý nghĩa nếu như những người như ông Tân, ông Ngọc được chính quyền quan tâm xem xét, cho phép họ thuê đất, thành lập vườn thú tư nhân... Cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm theo dõi, kiểm soát số lượng thú.

Nếu được như vậy, chắc chắn là tốt hơn rất nhiều nếu như những loài động vật hoang dã cứ bị ném trở lại rừng, mà ai cũng biết chúng sẽ chẳng tồn tại được bao lâu. Hơn nữa, khả năng săn mồi đã bị giảm do bị nuôi nhốt lâu nên ai dám đảm bảo là những con hổ này không đi vồ những loài "chậm chân" như con người?

Đã đến lúc chúng ta không nên “thả hổ về rừng” mà hãy “thả hổ vào vườn”

Video liên quan

Chủ đề