Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2023

Luật BHXH được Quốc hội thông qua năm 2006, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả thực thi chế độ, chính sách BHXH. Sau 7 năm thực hiện, Luật đã đi vào cuộc sống, phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của nhà nước.

Theo đó, nhận thức của NLĐ, NSDLĐ và xã hội đã có những chuyển biến tích cực; mọi NLĐ đều có thể tham gia BHXH với các hình thức bắt buộc hoặc tự nguyện. Đối tượng tham gia BHXH tăng: Năm 2006 mới có 6,7 triệu người tham gia bắt buộc thì đến hết năm 2012 đã có 10,4 triệu người (tăng hơn 1,5 lần). Năm 2008 là năm đầu tiên triển khai BHXH tự nguyện có 6.110 người tham gia, đến cuối năm 2012 đã có 139.643 người tham gia BHXH tự nguyện. Các chế độ BHXH được thiết kế phù hợp hơn, đảm bảo tốt hơn nguyên tắc đóng-hưởng, góp phần ổn định đời sống của NLĐ trong quá trình làm việc và khi hết tuổi lao động. Việc chi trả các chế độ BHXH đã đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật; hình thức chi trả được cải tiến và đa dạng hơn.

Bên cạnh những thành công trên, trong quá trình thực hiện một số quy định trong Luật BHXH cũng đã bộc lộ không ít các bất cập, kể cả quy định trong chính sách chế độ và trong tổ chức thực hiện, đó là:

- Chưa quản lý được đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, việc mở rộng đối tượng còn chậm, đặc biệt là BHXH tự nguyện. Số người tham gia BHXH còn thấp (hiện tại mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động); số người tham gia tự nguyện mới chỉ chiếm khoảng 0,22% số đối tượng thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện.

- Tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH còn khá phổ biến, đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp FDI (chiếm trên 70% tổng số nợ). Nguyên nhân của tình trạng này ngoài việc một số DN thực sự gặp khó khăn, còn do các quy định chế tài của pháp luật nên nhiều doanh nghiệp cố tình nợ đóng, chậm đóng BHXH và chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng tiền đóng BHXH.

- Một số quy định trong chế độ BHXH bộc lộ những hạn chế, bất cập, như đối với loại hình BHXH bắt buộc quy định về điều kiện hưởng lương hưu, tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ chưa tạo sự bình đẳng; việc cho phép NLĐ có dưới 20 năm đóng BHXH nhận trợ cấp một lần là chưa phù hợp với mục tiêu đảm bảo cuộc sống cho NLĐ khi hết tuổi lao động; quy định về tính mức bình quân tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ tính hưởng BHXH còn có sự khác biệt giữa khu vực Nhà nước và khu vực dân doanh; quy định về trợ cấp tuất hàng tháng và một lần hiện nay còn có sự chênh lệch lớn.

- Hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH hiệu quả chưa cao, lãi thu được từ hoạt động đầu tư chưa bảo tồn được giá trị của quỹ (lãi suất đầu tư bình quân giai đoạn 2008- 2012 chỉ khoảng dưới 10%/năm, trong khi CPI bình quân là 13,4%/năm). Một trong những nguyên nhân là do hình thức đầu tư chưa đa dạng, đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư của cơ quan BHXH chưa chuyên nghiệp.

- Quy định về chi phí quản lý của tổ chức BHXH còn chưa phù hợp và thủ tục còn không ít không khó khăn cho người lao động. Luật BHXH hiện hành quy định tổ chức BHXH là tổ chức sự nghiệp nhưng lại quy định chi phí quản lý của tổ chức BHXH bằng mức chi phí quản lý của cơ quan hành chính Nhà nước. Bên cạnh đó các quy định về thủ tục, hồ sơ tham gia và thụ hưởng BHXH chưa dễ dàng, thuận tiện; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động BHXH còn nhiều hạn chế, từ đó dẫn tới những khó khăn trong giảm thiểu thủ tục hành chính đối với người tham gia và thụ hưởng.

- Quản lý Nhà nước về BHXH mặc dù đã được quy định trong Luật BHXH nhưng chưa quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ trong quản lý Nhà nước về BHXH.

- Quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần. (Theo dự báo của ILO, với nền chính sách hiện hành, quỹ hưu trí đến năm 2023 thu trong năm đủ chi trong năm, để đảm bảo khả năng chi trả của quỹ phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ. Đến năm 2029, quỹ hưu trí hoàn toàn cạn kiệt, mất khả năng chi trả).

Trước thực tế trên, các quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật BHXH sửa đổi được quán triệt một cách sâu sắc trong toàn bộ nội dung, kết cấu của dự thảo theo hướng kế thừa và hoàn thiện những quy định trong pháp luật BHXH hiện hành; tham khảo kinh nghiệm của các nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Thực hiện nguyên tắc đóng- hưởng và có chia sẻ giữa những người tham gia; bảo đảm tương quan hợp lý giữa các đối tượng tham gia ở các thời kỳ; hài hòa giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội; mở rộng đối tượng tham gia BHXH; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tiến trình CNH-HĐH. Quỹ BHXH được quản lý thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch; quản lý và sử dụng theo nguyên tắc cân đối thu-chi, bảo toàn và phát triển; được Nhà nước bảo hộ. Tiếp tục thể chế hoá các quan điểm của Đảng và Nhà nước.

Trên tinh thần đó, một số sửa đổi, bổ sung quy định trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi không ngoài mục đích đảm bảo quyền lợi người lao động ngày một tốt hơn.

Theo đó, những quy định chung được cụ thể hơn nhằm mở rộng phạm vi bao phủ người tham gia BHXH nhằm thực hiền quyền được tham gia và thụ hưởng của người lao động. Đối tượng áp dụng được luật hóa và mở rộng so với quy định hiện hành: Luật hóa các đối tượng đã được thực hiện như người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; Học viên có hưởng SHF trong các trường thuộc quân đội, công an và cơ yếu. Bổ sung đối tượng tham gia bắt buộc là người lao động có HĐLĐ từ đủ một tháng đến dưới 3 tháng; quy định đối tượng là người lao động nước ngoài làm việc hợp pháp tại Việt Nam cũng sẽ là đối tượng điều chỉnh của Luật BHXH sửa đổi. Bên cạnh đó, không khống chế tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện .

Quyền được thông tin về quá trình đóng – hưởng của người lao động một cách định kỳ do cơ quan BHXH và chủ sử dụng lao động có trách nhiệm công bố nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, bảo vệ cho người lao động tránh việc lạm dụng tiền đóng của chủ sử dụng lao động. Cũng như quy định quyền khởi kiện của tổ chưc công đoàn, tổ chức BHXH đối với doanh nghiệp vi phạm việc chậm, trốn đóng gây phương hại quyền lợi người lao động. Dự thảo Luật BHXH sửa đổi bổ sung thêm 3 điều quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về BHXH đồng thời quy định rõ về chế độ báo cáo tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH, theo đó báo cáo Quốc hội định kỳ 3 năm về tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH thay vì báo cáo hàng năm như hiện nay.

Một số quy định về chế độ BHXH trong BHXH bắt buộc đã khắc phục cơ bản các bất cập hiện hành đảm bảo tốt hơn quyền thụ hưởng người lao động, đó là: Về chế độ ốm đau, sửa đổi quy định mức hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp mắc bệnh cần chữa trị dài ngày cho một lần điều trị. Về chế độ thai sản, bổ sung quy định về điều kiện hưởng đối với lao động nữ vì lý do sức khỏe mà không đảm bảo điều kiện chung; lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc 5 ngày đến 7 ngày làm việc kể từ ngày vợ sinh con tùy thuộc vào việc sinh con bình thường hay phải phẫu thuật; sửa đổi quy định về thời gian hưởng thai sản phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động năm 2012.Về chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bổ sung quy định về thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong trường hợp không điều trị nội trú.;Bổ sung quy định điều chỉnh trợ cấp TNLĐ-BNN hàng tháng trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế; sửa đổi quy định về cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo hướng cấp cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (Điều 46). Về chế độ hưu trí, sửa đổi điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu: Dự thảo Luật BHXH sửa đổi quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng cho đến khi tuổi nghỉ hưu của nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi theo một lộ trình phù hợp với phương thức mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi; đồng thời nâng thêm 5 tuổi đối với người nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động. Tỷ lệ hưởng lương hưu, sửa đổi cách tính tỷ lệ hưởng theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH tượng ứng với 45% từ 15 năm lên 20 năm đóng BHXH; sửa đổi quy định tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. BHXH một lần, sửa đổi theo hướng chỉ giải quyết BHXH một lần đối với NLĐ đã hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu; người ra nước ngoài để định cư hợp pháp; tăng mức trợ cấp lên bằng 2 tháng cho mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi; cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu đối với NLĐ thuộc khu vực Nhà nước, tham gia BHXH từ 01/01/2015 trở đi thì tính bình quân toàn bộ thời gian (tiết đ Khoản 1 Điều 58). Về chế độ tử tuất, cho phép thân nhân NLĐ được lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần; tăng mức trợ cấp tuất một lần đối với người bị chết khi chưa hưởng lương hưu lên 2 tháng cho mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi, tương đồng với mức BHXH một lần.

 Điều chỉnh và bổ sung một số quy định nhằm tạo sự thuận lợi hơn đối với người tham gia BHXH tự nguyện là một trong những ưu tiên quan trọng trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi: Bỏ quy định khống chế tuổi tham gia BHXH tự nguyện; Sửa đổi quy định cho phép NLĐ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH được đóng cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu, không khống chế tuổi; Bổ sung phương thức đóng mỗi năm một lần, đóng một lần cho thời gian còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu và quy định Chính phủ hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện đối với một số trường hợp đặc biệt; Sửa đổi quy định chi phí quản lý BHXH được tính theo tỷ lệ % trên tổng số thực thu BHXH (Điều 87); Bổ sung hình thức ủy thác đầu tư thông qua các hợp đồng quản lý đầu tư (khoản 5 Điều 89).

Quy định cụ thể các hình thức và phương thức đầu tư nhằm đảm bảo hoạt động đầu tư từ quỹ hiệu quả hơn cũng như tăng cường trách nhiệm của tổ chức BHXH trong hoạt động này, theo đó sửa đổi quy định chi phí quản lý BHXH được tính theo tỷ lệ % trên tổng số thực thu BHXH; bổ sung hình thức ủy thác đầu tư thông qua các hợp đồng quản lý đầu tư; sửa đổi theo hướng hợp nhất quỹ BHXH tự nguyện với quỹ hưu trí và tử tuất của quỹ BHXH bắt buộc; bổ sung nội dung chi phí giám định y khoa đối với trường hợp do tổ chức BHXH giới thiệu đi giám định mức suy giảm khả năng lao động .