Huyện na hang có bao nhiêu xã

Vượt lên khó khăn, Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Na Hang đã có những cách làm phù hợp, từng bước xây dựng hạ tầng nông thôn, hoàn thiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.

.jpg)

Ban Chỉ đạo huyện Na Hang họp đánh giá tiến độ Chương trình xây dựng NTM năm 2023

Na Hang là huyện miền núi của tỉnh Tuyên Quang, cách thành phố Tuyên Quang về phía Bắc 110 km, tiếp giáp với 6 huyện của 3 tỉnh: Tỉnh Bắc Kạn, tỉnh Cao Bằng, tỉnh Hà Giang. Có tổng diện tích tự nhiên 86.353,73 ha. Huyện Na Hang có 11 xã, 01 thị trấn, 114 thôn, bản, tổ dân phố. Dân số có trên 10.644 hộ với 47.619 khẩu, có 12 dân tộc sinh sống, trong đó: Dân tộc Tày chiếm 52,56%, Kinh 9,44%, Dao 27,64%, còn lại là các dân tộc khác.

Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/HU ngày 22/7/2021 về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Kế hoạch số 163/KH-UBND ngày 13/9/2021 về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/HU ngày 22/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Na Hang (khóa XXII) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và nhiều văn bản khác để tổ chức thực hiện.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã thành lập 04 tổ giúp việc chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại xã Khâu Tinh, xã Đà Vị; nông thôn mới nâng cao xã Hồng Thái, xã Thanh Tương và phân công nhiệm vụ phụ trách thôn, bản, cho thành viên các tổ công tác. 100% các xã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cấp xã và Ban phát triển thôn bản. Mỗi xã bố trí 01 công chức xây dựng nông thôn mới, phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cho từng thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xã tổ chức họp giao ban hàng tuần để đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện.

Đến nay công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã đạt kết quả đáng khích lệ. Phát triển nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, huyện Na Hang đã chú trọng triển khai các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực gắn với chế biến, tiêu thụ. Qua đó, từng bước nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản ở địa phương. Tính đến tháng 11/2023 Na Hang có 45 Hợp tác xã, 05 doanh nghiệp, trong đó có 19 HTX có tổ chức liên kết sản xuất; có 28 sản phẩm OCOP. Trong đó có 2 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, 08 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm.

Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được coi trọng đã góp phần nâng cao năng suất, giá trị cây trồng vật nuôi góp phần vào công tác giảm nghèo của huyện. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống nhiều xã, thôn bản được quan tâm đầu tư xây dựng, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng lên, đáp ứng cơ bản về nhu cầu giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin - truyền thông; quyền làm chủ, vai trò chủ thể của người dân ngày càng được phát huy theo phương châm ”Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Điển hình như dự án ứng dụng khoa học - công nghệ trong việc trồng, chăm sóc và phát triển cây lê, nhằm phát triển cây ăn quả đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa, mô hình trồng cây dâu tây trên diện tích 1.000 m2 trên địa bàn xã Hồng Thái; Không chỉ có cây ăn quả, dựa trên tiềm năng từ lòng hồ sinh thái Na Hang, huyện Na Hang cũng đang phát triển mạnh mô hình nuôi cá lồng, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha mặt nước. Các sản phẩm của huyện đã được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gồm rau an toàn Hồng Thái, rau trái vụ Khâu Tinh, cá đặc sản Na Hang; sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ (Organic). Ngoài ra, sản phẩm Cao chanh Khau Tinh, lê Hồng Thái đã có tem truy xuất nguồn gốc; Huyện Na Hang cũng đã xây dựng thành công các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, cho hiệu quả cao như vùng sản xuất chè Shan tuyết rộng hơn 1.300 ha tại các xã Sinh Long, Hồng Thái, Sơn Phú; vùng sản xuất rau an toàn rộng 25 ha và 30 ha lê tại xã Hồng Thái; vùng nuôi trồng thủy sản ở hồ sinh thái Na Hang có 104 hộ và 3 HTX, doanh nghiệp tham gia với tổng số gần 1.000 lồng cá các loại.

Giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình đạt 673.034,63 triệu đồng. Trong đó, vốn trực tiếp cho Chương trình: 41.602,52 triệu đồng (ngân sách Trung ương 29.689,1 triệu đồng; ngân sách địa phương 11.913,42 triệu đồng). Vốn lồng ghép: 196.786,01 triệu đồng. Vốn doanh nghiệp: 42.211 triệu đồng. Vốn tín dụng: 248.824 triệu đồng. Nhân dân đóng góp: 143.611,1 triệu đồng.

Đến tháng 11/2023, có 06/11 xã đạt tiêu chí về Trường học (Năng Khả, Côn Lôn, Thanh Tương, Đà Vị, Hồng Thái, Thượng Giáp). Năm 2023 triển khai xây dựng 39 công trình trường học, phòng học các cấp (08 công trình trường mầm non, mẫu giáo; 31 công trình trường tiểu học, trường trung học cơ sở); có 05/11 xã đạt tiêu chí về Cơ sở vật chất văn hoá. Năm 2023 triển khai xây dựng 01 nhà văn hóa xã; 01 sân thể thao xã; 03 nhà văn hóa thôn; Hỗ trợ trang thiết bị cho 26 nhà văn hóa thôn; có 05/11 xã đạt tiêu chí về Nhà ở dân cư (Năng Khả, Côn Lôn, Hồng Thái, Thanh Tương, Khâu Tinh). Năm 2023 thực hiện hỗ trợ làm xây mới, sửa chữa cho 66 hộ thuộc hộ nghèo, cận nghèo; Khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn sản xuất, kinh doanh; triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, phát triển kinh tế trang trại; xây dựng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Đến tháng 11/2023, có 10/11 xã đạt tiêu chí Tổ chức sản xuất và Phát triển kinh tế nông thôn, toàn huyện có 37 hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản; 11/11 xã đạt tiêu chí giáo dục, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được đi học đạt 100%; tỷ lệ người dân khu vực nông thôn tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 92,0%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) còn 20,6%.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới, huyện Na Hang xác định tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp: Kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã rà soát, duy trì và củng cố chất lượng các tiêu chí đối với các xã, đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao; phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Chương trình. Trong đó yêu cấu đối với các xã đã về đích NTM, NTM nâng cao trước năm 2020 phải khẩn trương rà soát, chỉ đạo thực hiện để đáp ứng đầy đủ mức độ đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, xã NTM nâng cao (Quy định tại Quyết định số 318/QĐ-TTg, Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ) đồng thời khẩn trương triển khai các nội dung phù hợp với điều kiện thực tế, đặc thù của địa phương để thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025./.