Dung dịch cố định tế bào

Bộ môn – Khoa Giải phẫu bệnh lý với bề dầy lịch sử gần 60 năm, gồm các Bác sĩ được đào tạo chuyên sâu và Kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm đã và đang thực hiện thành thạo các kỹ thuật xét nghiệm. Bộ môn – Khoa gồm các Bác sĩ và Kỹ thuật viên có kinh nghiệm thực hiện các nhiệm vụ được Bệnh viện Quân y 103, HVQY giao, ứng dụng các phương pháp kỹ thuật chẩn đoán hiện đại như:

Bộ môn – Khoa Giải phẫu bệnh lý với bề dầy lịch sử gần 60 năm, gồm các Bác sĩ được đào tạo chuyên sâu và các Kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm đã và đang thực hiện thành thạo các kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán hiện đại được Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y giao, cụ thể:

I. XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN TẾ BÀO HỌC:

1.1. Xét nghiệm chẩn đoán tế bào học qua chọc hút bằng kim nhỏ (FNA).

Đây là phương pháp chẩn đoán các khối u nhanh, hiệu quả, đơn giản, rẻ tiền và hầu như không có tai biến. Phương pháp này được tiến hành tại phòng khám hoặc tại giường cho bệnh nhân bất động giúp chẩn đoán chính xác trước phẫu thuật các khối u và tổn thương ngoại vi như: bướu cổ, u vú, hạch to… Ngoài ra có thể chẩn đoán các khối u nằm ở các tạng thông qua siêu âm hoặc CT-Scanner

1.2. Xét nghiệm nhuộm Giemsa các loại dịch rửa, dịch màng bụng, dịch màng phổi…

    Đây là kỹ thuật nhuộm được áp dụng phổ biến, bệnh phẩm có thể được lấy ở các vị trí khác nhau: dịch rửa phế quản, dịch màng phổi, dịch màng bụng, màng tim, dịch khớp, sinh thiết hút… Tiêu bản nhuộm Giemsa giúp đánh giá đặc điểm hình thái của nhân tế bào, qua đó phân biết tế bào lành tính hay ác tính.

Ngày nay, phương pháp nhuộm Giemsa còn đươc sử dụng để tìm vi khuẩn Helicobacter – pylori (HP) trên mảnh cắt mô học. Các vi khuẩn HP bắt màu xanh hoặc tím được tìm thấy ở các khe tuyến, vùng chất nhày trên bề mặt biểu mô phủ dạ dày.

1.3. Xét nghiệm nhuộm Papanicolaou tế bào học cổ tử cung.

Đây là phương pháp nhuộm cho phép quan sát rõ hình thái tế bào (màng, bào tương, nhân) nên có thể đánh giá chính xác tính chất tế bào (lành tính, ác tính, loạn sản, dị sản…). Phương pháp này được ứng dụng để chẩn đoán các loại tế bào, đặc biệt là ứng dụng có hiệu quả trong chẩn đoán sớm và sàng lọc ung thư cổ tử cung (PAP smear).

1.4. Xét nghiệm khối tế bào dịch các khoang cơ thể (Cell – blocks).

    Xét nghiệm giải phẫu bệnh bằng kỹ thuật “Khối tế bào” (Cell – block) dựa trên các tiêu bản làm từ khối cặn tế bào thu được qua ly tâm các dịch hút từ các khoang cơ thể hoặc qua chọc hút các tổn thương bằng kim nhỏ (Fine needle aspiration – FNA) đã được áp dụng từ khá lâu trên thế giới, với giá trị chẩn đoán cao hơn so với kỹ thuật “Tế bào phết lam” (Cell – smear) kinh điển dựa trên các phiến đồ tế bào dàn từ cặn lắng hoặc ly tâm dịch. Là xét nghiệm nhằm tập trung các tế bào đơn lẻ, rời rạc. Bệnh phẩm sau khi được chuyển đến khoa có thể được ly tâm và làm khối tế bào (cell – blocks) để chuyển đúc, cắt nhuộm như làm xét nghiệm mô bệnh học thông thường.    

II. XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN MÔ BỆNH HỌC BẰNG PHƯƠNG PHÁP NHUỘM HEMATOXYLIN – EOSIN (H.E):

Là xét nghiệm thông thường và phổ biến nhất ở tất cả các La bô Giải phẫu bệnh. Các mẫu xét nghiệm được chuyển đúc, cắt tiêu bản và nhuộm Hematoxylin – Eosin.

Phương pháp này được áp dụng trên tất cả bệnh phẩm được lấy sau phẫu thuật và các bệnh phẩm sinh thiết: nội soi tiêu hóa, nội soi vòm mũi họng, nội soi phế quản, màng phổi, nội soi ổ bụng, sinh thiết kim Trocut, kim Bard…

Yêu cầu: Các mẫu bệnh phẩm sau khi được lấy ra khỏi cơ thể phải được cố định ngay vào dung dịch formol trung tính 10% (thể tích dung dịch cố định phải gấp ít nhất 20 lần so với thể tích bệnh phẩm) và gửi xuống khoa Giải phẫu bệnh.

Sau 48 – 72 giờ chúng tôi sẽ trả kết quả.

Các mẫu bệnh phẩm đã được đúc trong paraffin sẽ được bảo quản trong một thời gian dài và có thể được tiếp tục sử dụng lại cho các kỹ thuật khác như nhuộm Hóa mô miễn dịch, xét nghiệm sinh học phân tử (FISH, đột biến gen…) hoặc có thể gửi đi hội chẩn với các chuyên gia trong nước và quốc tế.

III. XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN MÔ BỆNH HỌC TỨC THÌ BẰNG PHƯƠNG PHÁP CẮT LẠNH:

Là phương pháp chẩn đoán nhanh và có độ chính xác cao có thể đánh giá được hình thái tế bào và cấu trúc mô. Xác định bản chất khối u lành tính hay ác tính, hoặc giúp định hướng phẫu thuật đã lấy hết tổn thương hay chưa thông qua đánh giá vùng rìa diện cắt. Nó giúp cho các phẫu thuật viên xác định bản chất của bệnh ngay trong quá trình phẫu thuật (trong vòng 10 -15 phút), từ đó có thể định hướng phương pháp phẫu thuật phù hợp.

IV. XÉT NGHIỆM CHẨN ĐOÁN HÓA MÔ MIỄN DỊCH:

Đây là một kỹ thuật hiện đại nhằm phát hiện sự có mặt của các kháng nguyên (KN) bình thường hoặc bất thường có trong tế bào của các mẫu mô được lấy ra khỏi cơ thể. Từ đó, giúp cho các Bác sĩ có thể xác định:

– Các tế bào có hình thái kém biệt hóa hoặc không biệt hóa, quá sản hoặc tân sản. Xác định nguồn gốc và bản chất khối u, phân biệt u nguyên phát hay di căn, tổn thương giả u hay tiền ung thư, đánh giá sự xâm lấn và di căn của ung thư.

– Số lượng các thành phần tế bào trong quá trình phát triển của bệnh. Mối tương quan giữa tỷ lệ các tế bào mang một loại KN nào đó có thể có quan hệ với sự tiến triển của bệnh. Tỷ lệ các tế bào u mang các KN nhất định có thể dự báo các bệnh khác nhau, đồng thời cho phép chẩn đoán chính xác bệnh và các tác nhân nhiễm khuẩn.

– Nồng độ thực tế của các KN trong tế bào u có thể dự đoán độ ác tính, tiên lượng bệnh của u đó cũng như dự đoán sự đáp ứng của tế bào u với điều trị. Từ đó giúp các Bác sĩ lâm sàng định hướng phương pháp điều trị, đặc biệt là phương pháp điều trị “nhắm trúng đích” trong ung thư, là phương pháp tiên tiến có hiệu quả nhất trong điều trị ung thư hiện nay (Her2/neu trong ung thư vú và ung thư dạ dày, EGFR trong ung thư phổi và ung thư vùng đầu mặt cổ, CD3, CD45, CD20, CD30 trong u lympho ác tính, CD117 trong u mô đệm dạ dày – ruột v.v..)

– Xác định vị trí của các KN và sự phân bố của nó trong tế bào và tổ chức, từ đó cung cấp các tiêu chuẩn mới cho chẩn đoán và đánh giá bệnh một cách chính xác hơn.

Thời gian trả kết quả: 01 tuần.

V. CÁC XÉT NGHIỆM NHUỘM ĐẶC BIỆT:

5.1. Xét nghiệm chẩn đoán mô bệnh học bằng phương pháp nhuộm PAS (Periodic Acide Siff).

Là một phương pháp nhuộm được sử dụng để phát hiện các chất polysaccharide như glycogen, các chất nhầy bề mặt (glycoprotein, glycolipid) và chất nhầy trong các mô… Từ đó đánh giá sự chế tiết của các tế bào cũng như bản chất của chúng. Phương pháp này còn được áp dụng để chẩn đoán các bệnh cầu thận, một số bệnh ung thư và một số bệnh do nấm…

5.2. Xét nghiệm nhuộm ba màu Masson, ba màu Gomori, và đỏ Congo.

          Là những xét nghiệm giúp đánh giá chi tiếp các thành phần mô bệnh học khác nhau trên tiêu bản một cách chọn lọc như mô cơ, sợi tạo keo, các thành phần sợi lưới, sợi nấm hoặc lắng đọng chất vô định hình Amyloid…Các kỹ thuật xét nghiệm này hỗ trợ bác sĩ giải phẫu bệnh trong chấn đoán xác định một số bệnh lý gan, thận, bệnh lý hệ thống.

5.3. Xét nghiệm lai tại chỗ

    Là xét nghiệm hiệu quả để xác định các đoạn mARN nhất định trong từng tế bào của các mẫu mô, như phát hiện EBV trong mảnh sinh thiết vòm họng (kỹ thuật CISH), hoặc giúp đánh giá sự khuếch đại của gene HER2 trong ung thư biểu mô tuyến vú và dạ dày (kỹ thuật Dual -ISH). Xét nghiệm lai tại chỗ có độ chính xác cao, đem lại nhiều giá trị trong chẩn đoán, tiên lượng, và điều trị bệnh nhân.

VI. CÁC XÉT NGHIỆM KỸ THUẬT CAO KHÁC:

6.1. Xét nghiệm xác định đột biến gen bằng phương pháp PCR, real time PCR (gen EGFR, KRAS, NRAS, BRAF…)

Xét nghiệm xác định tình trạng đột biến gen trong ung thư ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc tiên lượng cũng như lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân ung thư, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi mà điều trị ung thư đạt được nhiều tiến bộ mới, áp dụng các phương pháp điều trị đích đã cải thiện rõ rệt hiệu quả điều trị, đem lại hy vọng mới cho bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến triển, ví dụ:

+ Xét nghiệm đột biến gen EGFR: bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ.

+ Xét nghiệm đột biến gen KRAS, xét nghiệm đột biến gen NRAS:  bệnh nhân ung thư biểu mô đại tràng, ung thư biểu mô trực tràng.

+ Xét nghiệm đột biến gen BRAF: bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú.

  1. A. Tách DNA từ mẫu mô vùi paraffin.
  2. B. Khuếch đại đoạn gen quan tâm bằng phản ứng PCR.
  3. C. Lai sản phẩm khuếch đại với đầu dò đặc hiệu được phân bố trên Test strip.
  4. D. Thang chuẩn so kết quả của test stripVạch 1-30: 30 đột biến trên 4 exon (18-21) của gen EGFR được phát hiện.

6.2. Xét nghiệm nhuộm miễn dịch huỳnh quang.

Xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang cũng tương tự kỹ thuật hoá mô miễn dịch, tuy nhiên chất đánh dấu là các kháng thể được gắn với một chất nhuộm huỳnh quang (fluorochrome) có đặc tính phát quang dưới kích thích của nguồn sáng là tia cực tím.  Kết quả của xét nghiệm có tính chính xác rất cao, do sự bắt cặp đặc hiệu của phức hợp kháng nguyên – kháng thể và chất nhuộm huỳnh quang. Xét nghiệm này được áp dụng trong các mẫu bệnh phẩm sinh thiết thận, sinh thiết da…Đây là phương pháp nhuộm mang lại hiệu quả lớn, nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị thành công cho bệnh nhân.

Ngoài ra, hiện nay Bộ môn – Khoa chúng tôi còn có thể triển khai các kỹ thuật nhuộm đặc biệt như: Nhuộm Mucicarmin (Meyer), Sudan III, Van Gieson, Xanh Alcian (theo Mowry,1960), v.v..

TS. BSCKII. Trần Ngọc Dũng

Chủ đề