Đánh giá dự án vốn vay ưu đãi năm 2024

Đánh giá chung tình hình thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025?

Căn cứ Mục II Phần 1 Đề án "Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025" (Ban hành kèm theo Quyết định 2109/QĐ-TTg năm 2021' onclick="vbclick('797DA', '357163');" target='_blank'>Quyết định 2109/QĐ-TTg năm 2021) quy định đánh giá chung tình hình thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021-2025 như sau:

ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Đánh giá chung về những thành tựu đạt được trong giai đoạn vừa qua:

- Các chủ trương, chính sách về thu hút, quản lý, sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thay đổi của tình hình mới.

- Công tác quản lý và sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã được tăng cường với cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng tốt hơn.

- Vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vẫn giữ vai trò đáng kể trong đầu tư từ ngân sách nhà nước, đóng vai trò chất xúc tác cho phát triển, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các quốc gia, tổ chức trên thế giới và khu vực.

2. Đánh giá chung về những tồn tại, hạn chế:

- Cơ chế, chính sách và thể chế liên quan đến công tác thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thay đổi nhanh, thiếu ổn định và chưa đồng bộ.

- Trong quá trình thực hiện vẫn tồn tại và phát sinh nhiều vấn đề từ trước đây như thiết kế dự án chưa sát, phải điều chỉnh nhiều lần; chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư chưa cao.

- Tỷ lệ giải ngân thấp hơn giai đoạn trước; một số dự án chậm tiến độ, phải hoàn trả vốn kế hoạch giao do không giải ngân được.

- Hiệu quả một số dự án chưa cao do thời gian thực hiện kéo dài, chậm đưa các công trình vào khai thác, sử dụng, phục vụ đời sống của nhân dân.

3. Các nguyên nhân chính của các tồn tại, hạn chế:

- Các quy định pháp luật về vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thiếu đồng bộ, vẫn còn một số thủ tục còn phức tạp.

- Tính sẵn sàng trong chuẩn bị dự án chưa tốt, đặc biệt chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp, dẫn đến phải điều chỉnh dự án, thay đổi thiết kế trong quá trình thực hiện.

- Thủ tục thẩm định, phê duyệt, đàm phán ký kết Hiệp định và điều chỉnh các dự án ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài còn phức tạp, kéo dài dẫn đến nhiều dự án khi được triển khai không còn phù hợp, phải điều chỉnh, gia hạn.

- Một số vướng mắc khi thực hiện Luật Đầu tư công và Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (Thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư còn phức tạp; chưa có quy định đối với doanh nghiệp nhà nước vay lại 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi; xác định các khoản chi được phép sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi; ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn đối với các điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ và thỏa thuận cụ thể về vốn vay ODA, vay ưu đãi thực hiện phức tạp).

- Công tác lập kế hoạch vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chưa sát với nhu cầu thực tế.

- Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài còn gặp khó khăn, vướng mắc do phải thực hiện hài hòa giữa thủ tục trong nước và chính sách của nhà tài trợ.

- Vốn đối ứng chưa được bố trí đầy đủ và kịp thời.

- Sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các nhà tài trợ còn thiếu chặt chẽ.

- Năng lực tổ chức, quản lý dự án chưa thực sự chuyên nghiệp, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu của nhà tài trợ, đặc biệt trong công tác đấu thầu, quản lý tài chính, các chính sách về môi trường và xã hội,...

Tại Việt Nam, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đã góp phần quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống người dân, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, tiếp thu khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước phát triển...

Nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, năng lượng, môi trường... đã hoàn thành, được đưa vào khai thác, góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Một phần quan trọng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, nhất là vốn viện trợ không hoàn lại được sử dụng để hỗ trợ giảm nghèo bền vững, dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn quy mô nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc và một số tỉnh Tây Nguyên; một số dự án tạo lập sinh kế cho người nghèo nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa phương, như: Dự án phát triển nông nghiệp miền tây Nghệ An; các dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ...

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế - xã hội của quốc gia trong suốt năm 2020-2022, gánh nặng về chi ngân sách nhà nước (NSNN) ngày càng lớn trong khi nguồn thu NSNN bị thu hẹp dẫn đến hệ quả của việc gia tăng bội chi NSNN. Vốn ODA là một trong những nguồn sẽ bù đắp bội chi NSNN, giúp Việt Nam giải ngân các dự án đầu tư phát triển để kích cầu nền kinh tế.

Thực trạng đầu tư phát triển vốn ODA ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Năm 1993, Việt Nam nhận khoản viện trợ ODA đầu tiên trị giá 1,8 tỷ USD từ các nhà tài trợ quốc tế. Con số này đã tăng lên theo từng năm và từ năm 1993 đến tháng 6/2019, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đã lên đến 89,5 tỷ USD, tổng vốn ODA và các khoản vay ưu đãi đã ký kết đạt hơn 86,66 tỷ USD.

Bình quân vốn ODA cam kết cho Việt Nam khoảng 3,5 tỷ USD/năm từ cộng đồng 51 nhà tài trợ toàn cầu (28 nhà tài trợ song phương và 23 nhà tài trợ đa phương); trong đó, khoảng 80% vốn ODA của Việt Nam được huy động từ 6 ngân hàng, gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).

Nguồn vốn ODA của Việt Nam được thực hiện dưới ba hình thức chính, bao gồm: Viện trợ không hoàn lại, chiếm khoảng 10-12%; cho vay ưu đãi chiếm khoảng 80% với lãi suất thấp, thời gian rút vốn từ 10-40 năm và ân hạn từ 5-10 năm (viện trợ không hoàn lại phải chiếm tối thiểu 25% số vốn cho vay); ODA hỗn hợp chiếm khoảng 8-10%, trong đó một phần là viện trợ không hoàn lại và một phần là vốn vay ưu đãi. Nhờ tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị, cam kết ODA của cộng đồng tài trợ quốc tế cho Việt Nam mặc dù khá cao nhưng đang có xu hướng giảm dần qua các năm.

Cụ thể, tính riêng trong giai đoạn 2011 – 2015, tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết đạt khoảng 26,4 tỷ USD, đóng góp phần lớn vào đầu tư cơ sở hạ tầng; trong giai đoạn 2016-2020, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết là 12,99 tỷ USD, giảm tới 51% so với giai đoạn 2011 – 2015, do nhiều quốc gia dừng hoặc giảm vốn ODA cho Việt Nam khi Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình thấp từ năm 2010 và dòng vốn ODA vào Việt Nam trở nên ít ưu đãi hơn khi đất nước “tốt nghiệp” khóa học viện trợ chính thức của Hiệp hội Phát triển Quốc tế – IDA (2017) và Quỹ Phát triển Châu Á – ADF (2019), đồng thời, phù hợp với chính sách huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đặt trọng tâm vào chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi để đảm bảo nợ công bền vững.

Trước thực tế đó, Việt Nam đã xây dựng kế hoạch quốc gia nhằm ưu tiên các lĩnh vực cần ODA. Nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vẫn là một trong những nguồn lực quan trọng để đầu tư cho những công trình cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội trọng điểm, có tính lan tỏa cao và quan trọng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy mô vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài có thể cung cấp cho Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 25,82 tỷ USD (tức khoảng 5,13 tỷ USD/năm); riêng năm 2022, dự kiến huy động nguồn vốn vay ưu đãi là 2,5 tỷ USD.

Trong đó, vốn vay ODA chiếm khoảng 30,9%, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chiếm khoảng 64,8%, ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 4,3%. Nếu tính thêm lượng vốn chuyển tiếp từ giai đoạn trước, khả năng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài dành cho Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ cao hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân đã giảm xuống còn hơn 0,44 tỷ USD năm 2021, so với khoảng 3,5 tỷ USD năm 2010, và 1,64 tỷ USD trong năm 2020.

Năm 2022, các bộ, ngành, địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài là 34.586 tỷ đồng cho 13 Bộ và 59 địa phương. Trong 11 tháng đầu năm 2022, qua công tác tổng hợp tình hình giải ngân cho thấy tỷ lệ giải ngân mới đạt hơn 9.015 tỷ đồng, đạt khoảng 26% dự toán được giao. Tính đến 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các bộ, ngành đạt 27,2%, tương đương 3.225 tỷ đồng.

Có thể thấy, những mặt đạt được của việc đầu tư phát triển vốn ODA ở Việt Nam trong bối cảnh mới: Nguồn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài đã hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hỗ trợ kỹ thuật phát triển năng lực thể chế, nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ. Nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi đã hoàn thành, được đưa vào khai thác, góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống CSHT KTXH, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.