Công trình vĩ đại của trung quốc, được ví như “nghĩa địa dài nhất trái đất” là…

Thử làm hảo hán!

Hoài Nam

18:36 01/08/2017

Sinh thời, Mao Trạch Đông từng có một câu bất hủ: “Bất đáo trường thành phi hảo hán” - Chưa đến Vạn lý trường thành (thành dài vạn dặm) chưa phải là hảo hán. Có lẽ khi nói câu này, Mao Chủ tịch cũng không nghĩ rằng rồi nó sẽ để đời; và hơn thế, sẽ trở thành một trong những yếu tố có tác động tích cực đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch Trung Quốc về sau: không một ai, dù sự am tường và yêu thích nền văn hóa Trung Quốc có đậm nhạt khác nhau, khi lần đầu tiên đặt chân lên đất nước đất rộng

Để chiêm ngưỡng, và cũng để nếm trải cái cảm giác được trở thành hảo hán nó ra làm sao? Người viết bài này cũng vậy. Đến Bắc Kinh, tôi đã phải tìm mọi cách tới thăm Vạn lý trường thành.

Vạn lý trường thành là bức thành bằng đất và đá, được xây dựng liên tục từ thế kỷ thứ V trCN đến thế kỷ XVI. Trường thành hiện tại có độ dài gần 22.000 km, chiều cao trung bình là bảy mét, bề rộng trung bình của mặt thành từ năm đến sáu mét. Chỉ cần một vài thông số như thế thôi có lẽ đã quá đủ để buộc phải dùng từ “vĩ đại” khi nói về công trình kiến trúc vừa mang chức năng phân chia ranhs giới vừa mang chức năng phòng thủ quân sự này! Phóng tầm mắt nhìn ra xa, thấy bức thành ngoằn ngoèo chạy dài giữa trập trùng núi non hùng vĩ, có đoạn bị khuất trong màu xanh của cây rừng, rồi lại chợt hiện ra, càng xa thì càng nhỏ, nhỏ dần, nhỏ đến như một sợi chỉ chạy hút về phía chân trời. Ngó ra ngoài thành, thấy cả một vùng thảo nguyên mênh mông lồng lộng gió mà trong lòng đầy cảm khái.

Vạn lý trường thành, niềm kiêu hãnh Trung Hoa! Xây thành để tự bảo vệ mình, đó là điều cần thiết, nhưng đôi khi việc xây Vạn lý trường thành cũng phải trả giá bằng quá nhiều hệ lụy. Theo sử cũ, đoạn thành chính yếu đầu tiên của Vạn lý trường thành được xây theo lệnh của Tần Thủy Hoàng đế (259 trCN – 210 trCN), và khoảng một triệu công nhân đã bỏ xác khi thực hiện công việc này – bởi thế mà trường thành còn có một cái tên khủng khiếp: nghĩa địa dài nhất trái đất! Trong số một triệu nhân mạng ấy, ai đếm được có biết bao người xuất thân trí thức Nho giáo, vốn chân yếu tay mềm, đã phải chịu cảnh vùi thân vì cái ác cảm với kẻ “có chữ” của Tần Doanh Chính (Hãy nhớ tới chính sách “phần thư khanh nho” – đốt sách, chôn sống nhà Nho – khét tiếng của vị Hoàng đế này)?

Tôi đang đi trên đoạn thành giữa tháp canh số tám và tháp canh số chín. Chịu, không biết đây có phải đoạn thành mà Tần Thủy Hoàng đế cho xây hay không? Nhưng thấy lạnh, cái lạnh của bàn chân khi bước trên những phiến đá âm vọng tiếng gào thét của lịch sử nghìn năm. Cái lạnh ấy, trở thành cái lạnh âm âm toàn thân khi vào trong tháp canh. Mỗi tháp canh trên Vạn lý trường thành chỉ có một lối lên duy nhất và đường lên cũng rất hẹp, chỉ đủ cho một người. Mục đích của việc xây tháp canh như thế này, đương nhiên không ngoài việc gây khó khăn cho kẻ địch mỗi khi định công thành. Quả đúng với tinh thần của một câu cổ thi: “Nhất phu đương quan, vạn phu mạc khai” – Một người chặn, vạn người không qua được. Bao nhiêu trận chiến đã diễn ra ở đây giữa những chiến binh người Hán và những chiến binh du mục? Bao nhiêu ngọn thương, bao nhiêu mũi kiếm đã xuyên thấu thân người? Bao nhiêu máu đã đổ xuống trên nền đá tôi đang đứng?

Ở ngoài kia (quan ngoại), đâu là chỗ Tô Vũ phải chôn mộng anh hùng vào công việc tầm thường của một gã chăn dê, đâu là nơi người đẹp Vương Chiêu Quân đã gạt lệ nhìn về cố quốc trước khi đem thân về với vua xứ Hồ? Và ở trong này, dưới chân đoạn tường thành tôi đang đứng này, liệu có phải một trong những nơi khiến cho Sầm Tham, Vương Chi Hoán và bao thi sỹ tài năng khác nữa đã viết những bài thơ đầy cảm khái – bi tráng có, mà bi đát cũng có - những bài thơ làm thành dòng thơ “biên tái” nổi tiếng của Đường thi?

Đã xong một phen thử cái cảm giác trở thành hảo hán, tôi muốn trở lại làm người bình thường. Vì thế, sau Vạn lý trường thành, điểm đến thứ hai của tôi khi đặt chân lên đất Trung Quốc chính là thành phố Khúc Phụ tỉnh Sơn Đông, quê hương của Khổng Tử, nơi có Khổng Tử miếu – di tích văn hóa được nhà nước Trung Quốc xếp hạng 5 A. Khổng Tử miếu rộng mênh mông, thâm u, đẹp và sạch với cấu trúc tầng tầng lớp lớp cây xanh xen kẽ những khối nhà kiến trúc theo lối cổ. Thực ra thì đa phần đều là xây mới, vì trong những năm 1960 – 1970, với tinh thần tiêu diệt cái cũ đầy quá khích của làn sóng Cách mạng văn hóa, miếu Khổng Tử gần như đã trở thành phế tích. (Trừ vài trường hợp đặc biệt, ví như tấm bia khắc ngự bút của Hoàng đế Khang Hy – to gấp 4, 5 lần bia tiến sỹ trong Văn Miếu của ta – nếu không có sự can thiệp kịp thời của cố Thủ tướng Chu Ân Lai thì chắc cũng đã biến thành đống đá vụn).

Người nữ hướng dẫn viên du lịch liến thoắng giới thiệu với tôi: Chỗ này là nơi ông Khổng Tử dạy học trò, chỗ này là nơi ông nghỉ ngơi, chỗ này là nơi ông tiếp khách, vườn hoa này là nơi ông ngắm cảnh thư giãn, cái giếng này là nơi ông múc nước rửa mặt, và kia là căn phòng của thân mẫu ông, kia nữa là biệt phòng của thân phụ ông v.v và v.v… Mọi thứ cứ y như thật, chẳng hề thay đổi gì dù đã có hơn hai nghìn năm nước chảy dưới chân cầu!

Nhưng có một điều lạ lùng là người Trung Quốc đã xây dựng Khổng Tử miếu theo đúng mô hình một cung điện của Hoàng đế. Bởi ở đây còn có những khu nhà để các quan đến yết kiến. Thậm chí có cả các phòng kín, nơi giam cầm những cung nữ phạm tội, đồ ăn thức uống cho họ được đưa qua một cái lỗ khoét chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay! Lạ, nhưng ngẫm một hồi lại thấy không lạ. Từ xưa đến nay, nhất là trong khoảng thời gian dài dằng dặc Nho giáo trở thành độc tôn trên đất nước này, Khổng Tử vẫn được coi là “tố vương” – vị vua không ngai. Kính ngưỡng ông vua không ngai bằng một công trình kiến trúc mô phỏng cung điện của ông vua có ngai, kể ra cũng không quá đáng. Nhưng cũng đúng là oái oăm thật! Sinh thời, đức thánh Khổng lao đao lận đận cùng đám học trò của mình đi khắp liệt quốc truyền bá đạo Nho, đến đâu cũng bị ghẻ lạnh, thậm chí bị xua đuổi – hãy nhớ lại một chi tiết trong “Luận ngữ”, khi đến lúc cùng đường, đói ăn khát uống, Khổng Tử đã tự mô tả mình như “con chó nhà có đám tang” – vậy mà bây giờ thì thật là… hoành tráng!

Nhưng quả đúng là ở Khổng Tử miếu – hay nói chính xác hơn, cách khai thác giá trị văn hóa ở Khổng Tử miếu của người Trung Quốc – khiến du khách cảm giác được tính chất “thiêng” của nơi này. Người Trung Quốc rất biết cách tạo ra những mây mù huyền thoại, biết cách khiến cho kẻ khác bị ngợp trong mây mù huyền thoại của họ, ban đầu có thể có sự hoài nghi nào đó, nhưng rồi lại tự động làm theo lúc nào không biết. Ví như khi đưa tôi đến một nơi được gọi là “Đại thành môn”, hướng dẫn viên du lịch nói: Đây là cửa “Đại thành” (thành công lớn), nhưng nếu anh đi qua theo lối chính thì mọi sự sẽ đều bất thành, vì vậy hãy đi lối phụ, bên tả hoặc bên hữu thì tùy. Làm thế nào đây? Mục đích chỉ là đi qua cửa thôi, anh có can đảm đánh đổi sự sợ hãi mơ hồ về một điều bất thành nào đó để thực hiện niềm tin sắt đá của kẻ vô thần hay không? Ít nhất thì lúc ấy tôi chẳng thấy ai, kể cả tôi, dám đi theo lối chính, vậy là huyền thoại đã phát huy tác dụng!

Một ví dụ khác: Khi thắp hương trước chính điện thờ Khổng Tử, không phải cứ cắm bừa ba cây hương vào là xong chuyện. Phải rất từ tốn, theo khẩu lệnh dõng dạc và nghiêm trang của người chủ tế, rồi khấu đầu bái lạy. Nhất bái, nhị bái, tam bái. Lúc đó mới gọi là xong lễ. Cũng đúng thôi, Khổng Tử - nhà tư tưởng vĩ đại, người khai sinh một ý thức hệ có sức phổ biến mạnh mẽ đến thế, có sức tồn sinh dai dẳng đến thế trên bề mặt quả địa cầu này - xứng đáng được hậu sinh ứng xử theo cách đầy tôn kính như thế. Thế nhưng, xin nói nhỏ, giá của ba cây hương không hề rẻ. Có nhiều loại hương, loại cao nhất giá hơn 1.000.000 VNĐ/ 3 cây, loại thấp nhất cũng gần 400.000 VNĐ/ 3 cây!

Một lần nữa lại thấy rằng người Trung Quốc là một trong số ít những dân tộc yêu kinh doanh và giỏi chuyện làm kinh doanh làm sao!

Chủ đề: thử làm hảo hán

Vạn Lý Trường Thành là bức tường thành nổi tiếng của Trung Quốc liên tục được xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ 5 TCN cho tới thế kỷ 16, để bảo vệ Trung Quốc khỏi những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ, người Turk, và những bộ tộc du mục đến từ Mông Cổ và Mãn Châu.

Vạn Lý Trường Thành tiếng Trung

  • Chữ Hán giản thể: 万里长城
  • Phồn thể: 萬里長城
  • Bính âm: Wànlĭ Chángchéng
  • Tiếng Anh: Great Wall of China; có nghĩa là “Thành dài vạn lý”)

Vạn Lý Trường Thành dài bao nhiêu km?

Có 3 thông tin như sau

  • Nghiên cứu sơ bộ công bố hồi năm 2009 ước tính công trình có chiều dài 8.850 km (3.948 dặm Anh).
  • Theo số liệu mới được công bố, Vạn Lý Trường Thành dài 21.196 km,
  • Chấp nối tất cả các đoạn Trường Thành đã biết ngày nay lại với nhau thì chiều dài của chúng lên tới 56,000 km.

Vạn lý trường thành cao bao nhiêu? rộng bao nhiêu?

  • Chiều cao trung bình tường thành là 7m so với mặt đất
  • Chiều rộng mặt trên của trường thành trung bình 5 – 6m.

Vạn Lý Trường Thành ở đâu? ở tỉnh nào của Trung Quốc

Bắt đầu từ Sơn Hải quan trên bờ Biển Bột Hải ở phía đông, tại giới hạn giữa Trung Quốc bản thổ (đất Trung Quốc gốc) và Mãn Châu đến Lop Nur ở phần phía đông nam Khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Thời nhà Minh bắt đầu từ điểm phía đông tại Sơn Hải Quan (山海关), gần Tần Hoàng Đảo, ở tỉnh Hà Bắc gần Vịnh Bột Hải.

Kéo dài qua 9 tỉnh và 100 huyện, 500km cuối cùng vẫn còn nhưng đã thành những đống gạch vụn, và hiện nay nó kết thúc ở điểm cuối phía tây di tích lịch sử Gia Dục Quan (嘉峪关), nằm ở phía tây bắc tỉnh Cam Túc tại biên giới với Sa mạc Gobi và những ốc đảo của Con đường tơ lụa.

Vạn Lý Trường Thành được xây dựng như thế nào?

  • Vạn Lý Trường Thành  được xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ 5 TCN cho tới thế kỷ 16,
  • Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc là Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây từ năm 220 TCN và 200 TCN. Bức tường này không được xây dựng bởi nỗ lực của một nhóm mà là việc ghép nối nhiều đoạn tường thành của các vùng, từng được xây dựng ở thời Chiến Quốc.
  • Bức tường được nối vào nhau ở thời gian đó làm bằng đất nện với những tháp canh được xây ở các khoảng cách đều nhau.
  • Nó nằm xa hơn về phía bắc so với Vạn lý trường thành hiện tại với điểm cực đông nằm ở Bắc Triều Tiên hiện nay chỉ còn ít phần của nó còn sót lại các bức ảnh cho thấy những ụ đất thấp, dài.
  • Một số đoạn tường thành được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 TCN, , nằm ở phía bắc xa hơn phần Vạn Lý Trường Thành hiện nay của Trung Quốc xây dưới thời nhà Minh, và hiện chỉ còn sót lại ít di tích.
  • Bức tường dài tiếp theo được nhà Hán, nhà Tùy, và giai đoạn Thập Quốc xây dựng tiếp với cùng kiểu thiết kế. Nó được làm bằng đất nện với nhiều tháp canh nhiều tầng được xây cách nhau vài dặm.
  • Vạn Lý Trường Thành ngày nay được xây ở thời nhà Minh, bắt đầu khoảng năm 1368 và kết thúc khoảng năm 1640.
  • Ước tính có khoảng 25.000 tháp canh đã được xây dựng dọc theo bức tường.

Có năm đoạn thành chính:

  1. 208 TCN (nhà Tần)
  2. thế kỷ thứ 1 TCN (nhà Hán)
  3. thế kỷ thứ 7 (nhà Tùy)
  4. 1138 – 1198 (Thời Nam Tống)
  5. 1368 – 1640 (từ vua Hồng Vũ đến vua Vạn Lịch của nhà Minh)

Ý nghĩa của Vạn Lý Trường Thành: Mục đích Xây

  • Để bảo vệ  Trung Quốc khỏi những cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ, người Turk, và những bộ tộc du mục khác đến từ những vùng hiện thuộc Mông Cổ và Mãn Châu.
  • Các mục đích khác của Vạn Lý Trường Thành bao gồm kiểm soát biên giới, cho phép áp đặt thuế đối với hàng hóa vận chuyển theo con đường tơ lụa, quy định hoặc khuyến khích thương mại và kiểm soát xuất nhập cảnh.
  • Hơn nữa, đặc điểm phòng thủ của Vạn Lý Trường Thành đã được tăng cường bằng việc xây dựng các tháp canh, doanh trại quân đội, trạm đóng quân, báo hiệu có giặc thông qua các phương tiện khói hoặc lửa, và thực tế là con đường của Vạn Lý Trường Thành cũng phục vụ như là một hành lang giao thông vận tải.
  • Lý do để Tần Thủy Hoàng xây Vạn Lý Trường Thành bắt nguồn từ một câu “sấm”: “Vong Tần giả, Hồ dã” (Tần mất là do Hồ). Tần Thủy Hoàng tưởng chữ “Hồ” là chỉ giặc Hồ phương Bắc. Dù người làm mất nhà Tần hóa ra là Thái tử “Hồ” Hợi, di sản mà hoàng đế thống nhất Trung Quốc để lại cũng đã đặt nền móng cho Vạn Lý Trường Thành sau này.
  • Về mặt quân sự, những bức tường này có ý nghĩa về mặt phân chia ranh giới hơn là công sự bảo vệ có giá trị. Chắc chắn rằng chiến lược quân sự của Trung Quốc không diễn ra quanh việc giữ vững bức tường thành.

Năm 1644, người Mãn Kokes vượt qua bức tường thành bằng cách thuyết phục một vị tướng quan trọng là Ngô Tam Quế mở cửa những cánh cổng Sơn Hải Quan để cho người Mãn Châu vượt qua.

Truyền thuyết kể rằng quân Mãn Châu mất ba ngày mới vượt hết qua đèo. Sau khi người Mãn Châu chinh phục Trung Quốc, bức tường thành không còn giá trị chiến lược nữa, đa phần bởi vì người Mãn Châu đã mở rộng quyền kiểm soát chính trị của họ ra xa phía bắc, còn xa hơn cả triều Trung Quốc trước đó.

Đoạn tường cuối cùng thời nhà Minh thực sự là một công sự quân sự về một số mặt. Tuy nhiên, các nhà sử học quân sự thường gạt bỏ giá trị thực của bức tường thành vĩ đại này. Người ta tốn cực kỳ nhiều tiền của và công sức để xây dựng, duy trì và đóng giữ.

Số tiền nhà Minh chi phí vào bức tường này đáng ra có thể để chi vào cải thiện khả năng quân sự khác như mua pháo kiểu châu Âu hay súng trường. Sự thực là bức tường thành không hề có giá trị trong việc giúp ngăn chặn sự sụp đổ của nhà Minh.

Hình ảnh Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc qua các triều đại

Màu Đỏ: thành

Màu Cam: ranh giới quốc gia của Trung Quốc ngày nay

Công trình vĩ đại của trung quốc, được ví như nghĩa địa dài nhất trái đất” là…
Trường thành dưới thời nhà Tần.
Công trình vĩ đại của trung quốc, được ví như nghĩa địa dài nhất trái đất” là…
Trường thành dưới triều Hán
Công trình vĩ đại của trung quốc, được ví như nghĩa địa dài nhất trái đất” là…
Trường thành dưới thời nhà Minh
Công trình vĩ đại của trung quốc, được ví như nghĩa địa dài nhất trái đất” là…
Tranh vẽ Vạn Lý Trường Thành vào năm 1900

Vạn Lý Trường Thành số người chết

Triều đình bắt người dân phải làm việc để đắp thành, và các công nhân luôn bị nguy hiểm vì có thể bị bọn cướp tấn công. Bởi vì có nhiều người đã chết khi xây dựng thành, nó được đặt cho cái tên khủng khiếp, “Nghĩa địa dài nhất Trái Đất”.

Có lẽ khoảng một triệu công nhân đã chết khi xây dựng bức tường thành.

Ước tính 300 ngàn binh lính với không biết bao nhiêu tội nhân, quan lại phạm lỗi, nho sĩ không tuân lệnh đốt sách… phải làm khổ sai trong miền rừng núi trùng trùng điệp điệp, mùa đông thì lạnh buốt, nước đóng băng, mùa hè thì không khí nóng như nung, mù mịt cát bụi.

Trên thành cất những đồn canh, và có đường rộng chạy ngựa được giữa các đồn với nhau. Không biết bao nhiêu lời than thở, bao nhiêu nước mắt của thân nhân những người đó, không văn nhân thi sĩ nào chép lại hết được.

Trong dân gian còn truyền lại nỗi khổ của nàng Mạnh Khương: “Nàng thương nhớ chồng, đi 10 ngàn dặm đường để thăm chồng bị bắt đi xây thành, đến nơi thì chồng nàng đã chết rồi. Xung quanh chỉ là rừng núi và đá. Không biết kiếm xác chồng ở đâu, nàng tuyệt vọng, khóc mấy ngày mấy đêm, khóc tới nỗi chính cái thành cũng phải mủi lòng, tự động tách ra cho nàng tìm thấy hài cốt chồng.”

Tình trạng hiện nay

Trong khi một số đoạn gần các trung tâm du lịch được giữ gìn và thậm chí xây dựng lại, tại hầu hết các vị trí bức tường đang bị bỏ mặc không được sửa chữa, được dùng làm chỗ chơi cho những người dân làng và là nơi khai thác đá để làm đường hay làm nhà.

Các bề mặt của tường thành còn bị sơn vẽ graffiti. Nhiều phần đã bị phá hủy vì bức thành nằm chắn đường tới các địa điểm xây dựng.

Các phần không bị đụng chạm đến hay được sửa chữa là gần những điểm phát triển du lịch và thường bị những người bán hàng rong và khách du lịch làm giảm giá trị. Sa mạc Gobi cũng đang tiến sát tới bức tường thành ở một số địa điểm.

Một số ước tính rằng chỉ 20% bức tường thành là đang ở tình trạng tốt. Năm 2005, các bức ảnh về một bữa tiệc điên dại trên Vạn lý trường thành xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc.

Chúng đã gây nên sự phẫn nộ bởi vì trong những bức ảnh do người nước ngoài, và người Trung Quốc chụp, những thanh niên uống rượu bia, đi tiểu tiện, đại tiện và có những hành vi tình dục trên bức thành được chiếu ở khắp nước.

Tháng 8 năm 2012, một đoạn dài khoảng 36m của thành bị sụp đổ hoàn toàn.

Một số cửa quan, cửa ải nổi tiếng dọc Vạn Lý Trường Thành

  • Sơn Hải quan: cửa ải đầu tiên của Trường Thành, nằm ở nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Bắc và Liêu Ninh, khởi điểm của Trường Thành, phía nam của dãy núi Yên Sơn, phía bắc của Biển Bột Hải, do tướng Từ Đạt nhà Minh xây dựng.
  • Tên Sơn Hải quan cũng là do đứng ở nơi đây có thể ngắm được, quan sát được toàn cảnh núi non và biển cả hùng vỹ, với non xanh nước biếc, đồi núi và biển cả soi bóng.
  • Cửa ải này có 4 cửa, cửa phía Đông có một bức hoành phi với dòng chữ “Thiên hạ đệ nhất quan” dài 5,9 m, rộng 1,6 m. Chiều cao của chữ là 1,45 m, rộng 1,09 m do Tiêu Hiển, tiến sĩ, nhà thư pháp nổi tiếng của Nhà Minh viết.
  • Gia Dục quan: còn gọi là Hoà Bình Quan, là cửa quan nằm ở khởi điểm phía tây của Trường Thành, trên địa bàn thành phố Gia Dục Quan, tỉnh Cam Túc, xây dựng vào năm thứ 5 Hồng Vũ 1372.
  • Nương Tử quan: còn gọi là Vi Trạch Quan, thuộc địa bàn huyện Bình Định, tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc). Địa thế hiểm trở, núi non trùng điệp, dễ phòng khó công nên được mệnh danh là “Tam tấn môn hộ”. Hồi đầu nhà Đường, công chúa Bình Dương, con gái thứ ba của Lý Uyên từng dẫn vài vạn tướng sĩ canh giữ tại đây.
  • Công chúa Bình Dương võ nghệ cao cường, đạo quân của công chúa được gọi là “nương tử quân”. Bởi vậy mọi người đổi tên cửa ải này thành Nương Tử Quan. Đến nay trên cánh cửa đông môn thành trì Nương Tử Quan còn có 5 chữ “Trực thuộc Nương tử Quan”.
  • Ngọc Môn quan: ở Tiểu Phương Bàn Thành phía tây Huyện Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc. Tên Ngọc Môn Quan là do tất cả đá ngọc sản xuất ở Hoà Điền, Tân Cương thời cổ đều phải đi qua cửa ải này.
  • Biển Đầu quan: cửa ải thuộc huyện Biển Đầu, tỉnh Sơn Tây, một vùng đất không bằng phẳng, phía đông cao, phía tây thấp, nên mọi người mới gọi là Biển Đầu Quan.
  • Nhạn Môn quan: nằm trên một thung lũng ở huyện Đại, tỉnh Sơn Tây, có khí thế hoành tráng, hai bên là vách núi dựng đứng, chỉ những con nhạn, con én mới bay qua được mà chỉ bay dọc theo thung lũng qua phía trước cửa ải, bởi vậy mọi người mới gọi là Nhạn Môn Quan.
  • Cư Dung quan: ở núi Tử Kinh, huyện Dị, tỉnh Hà Bắc.

Vạn lý trường thành được unesco công nhận năm nào?

Vào năm 1987, Vạn Lý Trường Thành trở thành di sản thế giới do UNESCO công nhận. Bức tường thành nằm trong các danh sách “Bảy kỳ quan thời Trung cổ của Thế giới”, tất nhiên nó không nằm trong danh sách truyền thống Bảy kỳ quan thế giới mà người Hy Lạp cổ đại công nhận.

Người Trung Quốc có câu nói 不到长城非好汉, có nghĩa “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” đã được khắc bia tại trường thành.

Vạn lý trường thành nhìn từ vệ tinh

Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc trong một hình radar màu giả chụp từ phi thuyền không gian vào tháng 4 năm 1994

Đã có một sự tranh cãi từ lâu về việc bức tường thành sẽ thế nào nếu nhìn từ vũ trụ. Quan điểm rằng nó có thể được nhìn thấy từ vũ trụ có vẻ xuất hiện trước khi có các chuyến bay của con người vào vũ trụ.

Vạn lý trường thành nhìn từ mặt trăng

Trong cuốn sách Cuốn sách thứ hai về những kỳ quan của Richard Halliburton năm 1938 có nói Vạn Lý Trường Thành là vật nhân tạo duy nhất có thể nhìn thấy được từ Mặt Trăng, và một truyện tranh tên là “Tin hay không tin của Ripley” ở thời gian đó cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

Niềm tin này kéo dài và trở thành một truyền thuyết đô thị, thỉnh thoảng thậm chí xuất hiện cả trong những cuốn sách giáo khoa.

Arthur Waldron, tác giả cuốn lịch sử Vạn Lý Trường Thành đáng tin cậy nhất trong mọi ngôn ngữ đã chỉ ra rằng sự tin tưởng vào việc Vạn Lý Trường Thành có thể nhìn thấy được từ Mặt Trăng cũng giống như sự phấn khích của một số người khi tin rằng có những “kênh đào” trên bề mặt Sao Hỏa vào cuối thế kỷ 19.

Trên thực tế, Vạn Lý Trường Thành đơn giản là không thể nhìn thấy bằng mắt thường nếu không có công cụ hỗ trợ từ Mặt Trăng, chưa nói đến nhìn từ Sao Hỏa.

Khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng khoảng một nghìn lần lớn hơn khoảng cách từ Trái Đất đến con tàu vũ trụ bay trên quỹ đạo gần Trái Đất. Nếu Vạn lý trường thành có thể nhìn thấy được từ Mặt Trăng, thì sẽ dễ dàng nhìn thấy nó từ quỹ đạo gần Trái Đất.

Trên thực tế, từ quỹ đạo gần Trái Đất, nó rõ ràng là hơi thấy được, và chỉ trong những điều kiện tốt. Và nó cũng không rõ rệt hơn nhiều vật thể khác do con người tạo ra.

Một nhà du hành tàu con thoi thông báo rằng “chúng tôi có thể thấy những vật nhỏ như những đường băng sân bay nhưng Vạn Lý Trường Thành hầu như không nhìn thấy được từ khoảng cách 180 dặm Anh (290 km) trở lên.

Nhà du hành vũ trụ William Pogue cho rằng ông đã thấy nó từ Skylab nhưng phát hiện ra rằng trên thực tế ông đang nhìn vào Đại Vận Hà gần Bắc Kinh.

Ông phát hiện ra Vạn Lý Trường Thành với ống nhòm, nhưng nói rằng “nó không thể nhìn thấy được bằng mắt thường không có thiết bị hỗ trợ.

Một nhà du hành trong chương trình Apollo đã nói không một cấu trúc nào của con người có thể nhìn thấy từ khoảng cách vài nghìn dặm.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Jake Garn tuyên bố có thể nhìn thấy Vạn Lý Trường Thành bằng mắt thường từ trên quỹ đạo của tàu vũ trụ đầu thập kỷ 1980, nhưng tuyên bố của ông còn đang bị nhiều nhà du hành vũ trụ chuyên nghiệp khác của Mỹ phản đối.

Nhà du hành vũ trụ Dương Lợi Vĩ người Trung Quốc sau 21,5 giờ bay vòng quanh Trái Đất đến 14 lần, trở lại mặt đất đã xác minh trên truyền hình là không nhìn thấy được Vạn Lý Trường Thành từ không gian. Điều này dẫn đến việc Trung Quốc phải đính chính lại sách giáo khoa đã đăng thông tin này.

Từ quỹ đạo Trái Đất tầm thấp nó có thể được nhìn thấy với điều kiện thời tiết tốt. Điều này giống như việc có thể thấy các đặc điểm của Mặt Trăng ở những thời điểm nhất định và không thấy chúng vào những thời điểm khác, vì sự thay đổi trong hướng ánh sáng.

Vạn Lý Trường Thành chỉ rộng vài mét,  kích thước tương đương với đường xa lộ và đường băng và nó đồng màu với đất đá xung quanh.

Cựu phi hành gia Mỹ Gene Cernan đã nói: “Ở quỹ đạo Trái Đất từ 10km đến 320km, Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc quả thực là có nhìn thấy được bằng mắt thường.

Ed Lu, Sĩ quan khoa học Expedition 7 trên Trạm vũ trụ quốc tế, nói thêm rằng, …nó còn khó nhìn hơn nhiều vật khác. Và bạn phải biết cách tìm nó ở đâu.

Leroy Chiao, một nhà du hành người Mỹ gốc Hoa, đã chụp một bức ảnh từ Trạm vũ trụ quốc tế có hình bức tường thành. Nó không rõ đến mức mà ông không biết có phải đã thực sự chụp nó không.

Dựa trên bức ảnh đó, một tờ báo nhà nước của Trung Quốc đã kết luận rằng Vạn Lý Trường Thành có thể được nhìn thấy từ vũ trụ bằng mắt thường, trong những điều kiện quan sát tốt, nếu người ta biết chính xác phải nhìn ở đâu.

Thực ra, điều đó là chuyện viễn tưởng, ví dụ nếu ở Mặt Trăng, Vạn Lý Trường Thành, nếu có một chiếc kính thiên văn hoặc thị lực đôi mắt gấp 17000 lần bình thường thì Vạn Lý Trường Thành, với chiều rộng khoảng 6 mét, cũng chỉ như một con giun đất.

Đó mới chỉ là ở Mặt Trăng, việc quan sát những bức tường từ không gian là điều mắt người không thể làm được, vượt quá giới hạn vật lý của các tế bào hình nón nằm ở võng mạc.

Nguồn vi.wikipedia.org.

Trên đây là tất các thông tin về Vạn lý Trường thành. Cám ơn các bạn đã truy cập site. Chúc các bạn thành công và có được nhiều thông tin hữu ích.