Con người mới xã hội chủ nghĩa là gì

TĐKT - Ngày 19 tháng 5 năm 2021, dân tộc Việt Nam và nhân dân tiến bộ thế giới kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người đã đấu tranh cho độc lập, tự do, dân chủ, tiến bộ xã hội và phẩm giá con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng trước đây lấy tên là Nguyễn Ái Quốc), sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890, ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An; mất ngày 2 tháng 9 năm 1969 tại Hà Nội.

Ngày 5 tháng 6 năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với ý chí mãnh liệt, lòng yêu thương con người sâu sắc đã quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước để giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Sau 30 năm bôn ba, ngày 28 tháng 1 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng, làm nên cuộc cách mạng tháng Tám vĩ đại, giải phóng dân tộc Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, cho lương tri và phẩm giá con người. Nghị quyết 24C/18.65, khóa họp 24, Đại hội đồng UNESCO cũng ghi rõ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội” (1).

Con người mới xã hội chủ nghĩa là gì

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam

Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự tích hợp tinh hoa văn hoá Đông – Tây để góp phần xây dựng nên phẩm chất, nhân cách của con người mới xã hội chủ nghĩa. Khóa họp 24, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua các nghị quyết về tổ chức lễ kỷ niệm các nhân vật kiệt xuất và các sự kiện lịch sử, trong đó có Nghị quyết 24C/18.65 về việc Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghị quyết có đoạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh “là sự kết tinh truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc” (2).

Cả cuộc đời của Hồ Chí Minh là tấm gương về xây dựng, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất nhân cách và trở thành biểu tượng, chuẩn mực của những giá trị tốt đẹp nhất của con người trong thời đại ngày nay. Năm 1923, trong bài Thăm một chiến sĩ cộng sản – Nguyễn Ái Quốc, nhà báo Liên Xô Ôxíp Manđenxtam nhận xét: “Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc, cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị… Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai” (3).

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa” (4). Tư tưởng đó của Người không chỉ thể hiện mong muốn, khát vọng xây dựng một xã hội tốt đẹp hướng tới sự giải phóng triệt và phát triển toàn diện cho con người Việt Nam, mà còn nêu ra yêu cầu về phẩm chất, nhân cách của con người mới xã hội chủ nghĩa. Theo Người, con người mới xã hội chủ nghĩa phải có phẩm chất sau:

Thứ nhất, con người mới xã hội chủ nghĩa phải có tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, trên lập trường của giai cấp công nhân.

Tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng đó chính là tinh thần đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động các nước trong cuộc đấu tranh giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột. Hồ Chí Minh kết luận: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản” (5).

Thứ hai, con người mới xã hội chủ nghĩa phải có tư tưởng mới, có đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, chân thành, lối sống trong sáng, có khát vọng mới, hướng tới hạnh phúc, tự do.

Thứ ba, con người mới xã hội chủ nghĩa phải có lòng vị tha, bao dung, thương yêu con người, tôn trọng nhân cách con người và coi trọng đạo lý làm người.

Hồ Chí Minh từng nói: "Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc" (6). Người nói: “Trong thế giới, cái gì cũng biến hoá. Tư tưởng của người cũng biến hoá” (7), nên khi nhìn nhận và đánh giá một con người cũng phải trên cơ sở tư duy biện chứng, tránh cứng nhắc, siêu hình và thành kiến; phải thức tỉnh lương tâm, đánh thức những gì tốt đẹp trong con người. Theo Người, “mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”.

Theo Hồ Chí Minh, phẩm chất, nhân cách của con người xã hội không phải tự nhiên mà có, nó được hình thành và hoàn thiện thông qua cuộc sống, lao động, sự rèn luyện của con người. “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người” (8).

Để xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh đặc biệt lưu tâm đến giáo dục, đào tạo để trau dồi tri thức, nâng cao hiểu biết, rèn luyện đạo đức, nhân cách cho mỗi con người. Bên cạnh xây dựng những giá trị, chuẩn mực phẩm chất nhân cách mới thì cần biết kế thừa, phát huy những giá trị tốt đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nhưng dù học gì thì cũng phải sống với nhau có tình có nghĩa, phải thật sự tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau. Suốt cuộc đời cách mạng của Người đều hướng theo tinh thần ấy.

Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm mục đích xây dựng, bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách con con người Việt Nam thời đại mới. Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách để phát huy lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, lòng nhân ái, khoan dung, tính trung thực, ham học hỏi, tính dũng cảm, siêng năng, tận tụy, liêm khiết, cần cù, tính cộng đồng, lối sống cao đẹp… của mỗi con người và cả dân tộc Việt Nam vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là cơ sở để tạo nên sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc, để củng cố cơ đồ, tăng cường vị thế đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

PGS. TS. Đặng Quang Định

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tài liệu tham khảo:

  1. Bảo tàng Hồ Chí Minh: Thông tin tư liệu, Nội san, số 25, tháng 9-2009, Tập biên bản của Đại hội đồng UNESCO, khóa họp lần thứ 24 tại Pari, từ ngày 20/10 đến ngày 20/11 năm 1987, Quyển 1.
  2. Bảo tàng Hồ Chí Minh: Thông tin tư liệu, Nội san, số 25, tháng 9-2009, Tập biên bản của Đại hội đồng UNESCO, khóa họp lần thứ 24 tại Pari, từ ngày 20/10 đến ngày 20/11 năm 1987, Quyển 1.
  3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội 2011, tập 1, tr.462.
  4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.66.
  5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.287.
  6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.280.
  7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.317.
  8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội 2011, tập 11, tr.612.

       Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân tố con người luôn được đặt vào vị trí trung tâm của chiến lược phát tiển kinh tế - xã hội, coi con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển. Bởi vì, suy cho cùng mục tiêu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước là phải hướng tới phục vụ con người, giải phóng con người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho con người, tạo cơ hội và điều kiện để con người tham gia làm chủ vào quá trình sáng tạo xã hội. Có thể khẳng định, đổi mới không thể thành công, nếu chúng ta không tạo ra được môi trường xã hội thuận lợi để khơi dậy hoạt động sáng tạo của con người. Tính chất và hiệu quả của sự nghiệp đổi mới phụ thuộc vào tính chất và hiệu quả của việc giải quyết vấn đề con người.

Con người mới xã hội chủ nghĩa là gì

Bác Hồ chia quà Tết cho các cháu nhỏ ở Hợp tác xã Khe Cát, huyện Yên Hưng,
 tỉnh Quảng Ninh ngày 2/2/1965 (Ảnh: Internet)

Chính vì lẽ đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn đặt công cuộc đổi mới trong mối quan hệ với việc giải quyết vấn đề con người nói chung, trong xây dựng con người nói riêng. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH thông qua tại Đại hội lần thứ VII (tháng 6-1991) đã xác định vấn đề con người là một trong sáu đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng. Đó là “con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”.

Trong văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân.... chăm lo xây dựng con người Việt Nam  giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khoẻ, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính”.

Với những tư tưởng, quan điểm, biện pháp xây dựng con người trong công cuộc đổi mới, tư tưởng, đạo đức và lối sống của con người Việt Nam hiện nay đã có những chuyển biến tích cực, quan trọng. Các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc được đề cao, kế thừa, phát triển; đồng thời nhiều giá trị văn hoá và chuẩn mực đạo đức mới từng bước được hình thành. Tính năng động và tích cực của mỗi người được phát huy, sở trường và năng lực sáng tạo cá nhân được khuyến khích. Không khí dân chủ trong xã hội ngày càng được mở rộng và phát triển.

Bên cạnh những mặt đã đạt được thì sự tha hóa, lối sống xa hoa, phù phiếm, giả dối, cá nhân, vị kỷ, vô cảm ... có xu hướng ngày càng phát triển, bệnh thành tích và hình thức ngày càng lan rộng; đạo đức, lối sống, nhân cách của người Việt Nam nhiều nơi, nhiều lúc đang ở mức báo động.

Từ thực trạng đó, trong thời gian tới, Đảng ta xác định cần phải xây dựng, phát triển con người Việt Nam để đáp ứng sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế. Trong xây dựng, phát triển con người C.Mác đã đưa ra luận điểm: “Bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội.” Quan điểm của C.Mác chỉ ra rằng: Không có con người trừu tượng, thoát ly mọi điều kiện, hoàn cảnh lịch sử xã hội. Bản chất con người hình thành và thể hiện ở những con người hiện thực. Đó là những con người cụ thể, sống trong những điều kiện lịch sử cụ thể, một thời đại cụ thể. Trong điều kiện cụ thể đó, con người tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần để tồn tại và phát triển. Mặt khác, tất cả các quan hệ xã hội đều góp phần hình thành nên bản chất của con người. Các quan hệ này tổng hoà với nhau có nghĩa là chúng có vai trò, vị trí khác nhau nhưng không tách rời nhau mà tác động qua lại lẫn nhau, thâm nhập vào nhau. Qua đó, Chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã khẳng định: Con người vừa là chủ thể vừa là sản phẩm của lịch sử.

Từ quan điểm trên của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, chúng ta hoàn toàn có thể suy luận: Muốn thay đổi bản chất con người phải thay đổi các quan hệ hiện thực của nó mà cơ bản là các quan hệ xã hội con người đang sống. Muốn xây dựng một xã hội tiến bộ vì con người thì phải xoá bỏ tất cả các quan hệ làm tha hoá con người, phải giải phóng con người khỏi mọi sự tha hoá, trả lại vị trí làm chủ và sáng tạo cho con người.

Vì vậy, khi nghiên cứu, tìm hiểu và xây dựng con người phải đi sâu phân tích những quan hệ kinh tế, xã hội đã làm nên con người. Mỗi con người luôn luôn bị chi phối, quyết định bởi các quan hệ kinh tế - xã hội, đó là quan hệ kinh tế hiện thực, là quan hệ chính trị, quan hệ đạo đức, quan hệ pháp quyền .... Và việc xây dựng con người, điều có ý nghĩa quyết định là biến đổi những quan hệ kinh tế - xã hội.

Tiếp thu những tư tưởng, quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số rất ít người Việt Nam đã tiếp cận sớm nhất và sâu rộng nhất vấn đề quyền con người, và chính bản thân Người đã phấn đấu hy sinh suốt đời cho việc thực hiện quyền con người. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là sự kế thừa và kết tinh những giá trị tư tưởng nhân văn truyền thống của dân tộc ta và tư tưởng nhân quyền tiến bộ của nhân loại. Người cho rằng, chúng ta đã hy sinh làm cách mạng thì nên làm cho đến nơi, để khỏi hy sinh nhiều lần, để giao quyền cho dân chúng số nhiều, để bảo đảm cho dân chúng được hạnh phúc. Cách mạng "làm cho đến nơi" chính là cách mạng vô sản, cách mạng XHCN - con đường duy nhất để cứu nước, giải phóng dân tộc, giải phóng con người, bảo đảm thực hiện quyền con người.

Từ quan điểm trên, trong những năm tới, để xây dựng, phát triển con người Việt Nam, cần phải giải quyết tốt các vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, của  dân, do dân, vì dân. Hiện nay, chúng ta đang từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đó là nhà nước được tổ chức, hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp và các luật trong  đời sống xã hội; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Trong đó, pháp luật là ý chí của nhân dân, nó định hướng mọi công dân và tổ chức xã hội vươn tới cái chân, thiện, mỹ, vươn tới tự do đích thực của con người. Chỉ khi có một Nhà nước như vậy mới có thể phát huy được quyền dân chủ của nhân dân, đảm bảo quyền sống, quyền được làm việc, được lao động, được học hành, được đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nó ảnh hưởng tới sự lành mạnh của nền dân chủ, tới cuộc sống và số phận của từng người dân, tới chiều hướng phát triển của xã hội.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là yêu cầu tất yếu. Chính tính hợp quy luật đó đã tạo ra địa bàn thuận lợi cho việc phát huy tính chủ động sáng tạo của con người, phát huy nhân tố con người trong giai đoạn đổi mới vừa qua. Quá trình phát triển nền kinh tế thị trường, với cơ chế thị trường Nhà nước phải sử dụng chính sách, pháp luật; phải có thể chế phù hợp để điều tiết có định hướng và hạn chế những hiện tượng tiêu cực, tự phát. Đây là yêu cầu cần thiết phải làm.

Thứ ba, từng bước hoàn thiện và mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi  lĩnh vực. Đảng Cộng sản Việt Nam một mặt khẳng định vai trò chủ thể của con người, mặt khác, chỉ rõ để con người có điều kiện phát triển toàn diện và thực sự là chủ thể, cần phải có cơ chế thích hợp. Cơ chế đó là mở rộng dân chủ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát huy tối đa quyền làm chủ trên mọi lĩnh vực. Phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", không phải chỉ là hoạt động của những công dân, mà chính là hoạt động của người chủ xã hội. "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" phải được thể chế hóa một cách cụ thể trong từng việc, từng hoạt động, cho từng đơn vị, từng cộng đồng dân cư.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.Giáo dục, đào tạo nói chung, nhà trường nói riêng là nơi cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về cuộc sống cho mỗi người, góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển con người. Vì vậy, Đảng ta đã coi giáo dục - đào tạo là “quốc sách hàng đầu" và đã đưa ra các phương hướng chủ yếu để phát triển trí tuệ con người Việt Nam trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo cần đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trường lớp cho giáo dục; xây dựng chiến lược đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực và lòng yêu nghề; có chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo ...

Thứ năm, xây dựng môi trường văn hóa.Muốn xây dựng con người có văn hóa thì phải xây dựng được môi trường văn hóa. Xây dựng con người có văn hóa phải bắt đầu từ mỗi gia đình, đơn vị sản xuất, công tác, học tập và cộng đồng dân cư. Con người Việt Nam chỉ có thể có được những phẩm chất tốt đẹp nếu được sống trong một môi trường xã hội tốt. Môi trường đó trước hết là từ mỗi gia đình. Gia đình chính là mạch nguồn, là chiếc nôi ban đầu nuôi dưỡng và hình thành nhân cách con người Việt Nam, theo những chuẩn mực truyền thống của giống nòi. Mỗi gia đình có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục con cái, cung cấp cho xã hội những công dân hữu ích. Gia đình không chỉ dừng lại ở việc duy trì nòi giống, mà quan trọng hơn, gia đình phải trở thành môi trường tốt, môi trường đầu tiên để giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách cho con người. Như vậy, việc xây dựng gia đình ấm no, thuận hoà, hạnh phúc là điều kiện, môi trường quan trọng, trực tiếp tạo nên các thế hệ sau có chất lượng cả về thể chất lẫn tinh thần nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc, đồng thời góp phần vào việc xây dựng, phát triển con người mới.

Xây dựng cộng đồng dân cư (thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố) văn hóa góp phần tăng cường "tình làng, nghĩa xóm", tương trợ giúp nhau cùng tiến bộ; tạo điều kiện cho nhân dân được hưởng thụ và sáng tạo văn hóa, thực hiện tốt nếp sống văn minh, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển. Đây là yếu tố quan trọng, là môi trường hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người.

Tóm lại, việc thực hiện tốt các vấn đề trên sẽ góp phần vào việc xây dựng, phát triển con người Việt Nam, trong đó, mỗi người kế thừa tinh hoa trong nhân cách văn hóa Việt Nam từ ngàn đời để xây dựng nhân cách con người Việt Nam với các giá trị văn minh mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.

Đại úy Nguyễn Khắc Tùng

Hệ sau đại học – Trường Sỹ quan chính trị