Chân tay cứng nhắc là hiện tượng gì năm 2024

Co cứng cơ là sự tăng độ cứng của cơ không theo ý muốn. Triệu chứng co cứng cơ có thể từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng và thay đổi theo thời gian. Triệu chứng co cứng cơ có thể gây khó chịu, nhưng trong một số trường hợp co cứng cợ lại có lợi như khi người bệnh bị yếu chân nhiều, sự co cứng cơ giúp di chuyển chân từ giường sang ghế và thậm chí giúp di chuyển lúc đi.

Tại sao co cứng cơ xảy ra? Não, tủy sống và cơ được kết nối với nhau bởi các đường dẫn truyền thần kinh. Các đường dẫn truyền thần kinh làm việc cùng nhau để phối hợp các vận động của cơ thể. Một số bệnh như đột quị, xơ cứng rải rác, bại não, chấn thương đầu hoặc chấn thương tủy sống làm cho các đường dẫn truyền thần kinh bị xáo trộn, dẫn đến mất đi sự phối hợp giữa các con đường dẫn truyền này và hậu quả là hoạt động cơ quá mức dẫn đến co cứng cơ.

Các triệu chứng co cứng cơ là gì? Đặc điểm chính của co cứng cơ là sự co cứng hay tăng đề kháng khi cố gắng cử động chi hoặc khớp. Các triệu chứng khác liên quan đến co cứng cơ bao gồm đau, co thắt cơ, yếu cơ và giật cơ. Người bệnh bị co cứng cơ thường cảm thấy cơ của họ cứng, nặng và khó cử động. Sự co cứng cơ có thể xảy ra ở tay, chân hoặc vùng trục thân. Một số người bệnh có thể có nhiều triệu chứng phối hợp. Ví dụ, người bị đột quị sau một thời gian thường co cứng cơ nửa người (tay, chân, trục thân một bên) gây khó di chuyển, gây đau.

Co cứng cơ gây ảnh hưởng gì? Co cứng cơ và các triệu chứng liên quan có thể ảnh hưởng cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Ví dụ, co cứng cơ có thể ảnh hưởng lên việc đi lại, việc ngồi ghế, việc xoay trở trên giường, việc thực hiện các nhu cầu chăm sóc cá nhân, việc thực hiện các hoạt động tình dục và cả sự thoải mái và tinh thần của người bệnh. Hơn nữa, co cứng cơ hằng định có thể dẫn đến tư thế xấu khi nằm và ngồi.

Người bệnh co cứng cơ nên làm gì? Người bệnh cần có hiểu biết về co cứng cơ, các triệu chứng liên quan, và những yếu tố tác động lên các triệu chứng này. Những kiến thức này có thể giúp người bệnh ngăn ngừa và xử lý các triệu chứng co cứng cơ hiệu quả hơn. Một số yếu tố làm cho co cứng cơ nặng lên cần tránh và điều trị sớm bao gồm nhiễm trùng tiểu, bí tiểu, nhiễm trùng tiêu hóa, táo bón, đỏ da, trầy da, nhiễm trùng da, đau, nhiễm trùng khác và tư thế xấu khi nằm, ngồi, đứng. Bất kể người bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc nặng, việc điều trị thuốc, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, chăm sóc điều dưỡng và giáo dục có thể giúp cải thiện co cứng cơ. Điều này cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế.

Các điều trị co cứng cơ?

Vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu

Điều quan trọng là giữ cho các cơ, dây chằng và các khớp linh hoạt nhất có thể. Co cứng cơ, co thắt cơ và yếu cơ có thể dẫn đến co rút cơ và cứng khớp, và điều này lại làm cho co cứng và co thắt cơ nặng lên. Vì vậy, vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu là ưu tiên hàng đầu. Kỹ thuật viên vật lý trị liệu có thể giúp cho người bệnh cách duy trì sự linh hoạt, cách di chuyển, cũng như cách tập các bài tập căng dãn. Bên cạnh các phương pháp này, thỉnh thoảng cần đến các thuốc để giúp giảm co cứng cơ.

Thuốc uống

Baclofen: Đây là thuốc được sử dụng phổ biến nhất để điều trị co cứng cơ. Đa số người bệnh không bị tác dụng phụ của thuốc nếu bắt đầu uống thuốc ở liều thấp và tăng liều từ từ. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm yếu cơ, buồn ngủ và choáng váng. Không nên giảm liều quá nhanh hoặc ngưng đột ngột baclofen bởi vì điều này cũng có thể gây ra các tác dụng phụ.

Tizanidine: Thuốc này cũng cần tăng liều từ từ để tránh tác dụng phụ. Khi người bệnh uống thuốc này, bác sĩ sẽ xét nghiệm máu thường xuyên để đảm bảo không có tác dụng phụ của thuốc đối với chức năng gan. Các tác dụng phụ khác là buồn ngủ, huyết áp thấp tư thế đứng và khô miệng.

Diazepam và Clonazepam: Các thuốc này được sử dụng riêng rẽ hoặc kết hợp với các thuốc khác. Clonazepam đặc biệt hữu ích khi được uống vào ban đêm nếu có triệu chứng co thắt gây khó chịu vào buổi tối. Tác dụng phụ chính của những thuốc này là buồn ngủ, vì vậy nó không phải là vấn đề khi được uống ban đêm. Các thuốc này không được ngưng đột ngột nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Dantrolene: Thuốc này có thể được sử dụng phối hợp với các thuốc khác. Các tác dụng phụ khá phổ biến bao gồm buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy và yếu cơ. Dantrolene có thể gây ảnh hưởng đến chức năng gan mặc dù hiếm vì vậy khi người bệnh đang uống thuốc này, bác sĩ sẽ cho người bệnh xét nghiệm máu kiểm tra chức năng gan thường xuyên.

Gabapentin and Pregabalin: Những thuốc này cũng có một số tác dụng đối với co cứng cơ và có thể được sử dụng phối hợp với các thuốc khác. Các thuốc này đặc biệt có ích nếu co cứng cơ kèm theo đau. Thuốc này không được ngưng đột ngột nếu không có chỉ định của bác sĩ. Các tác dụng phụ bao gồm buồn ngủ, choáng váng và nhìn mờ.

Có các phương pháp điều trị khác không?

Nếu người bệnh bị co cứng cơ nặng và các phương pháp trên không mang lại hiệu quả đầy đủ, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh các phương pháp điều trị khác.

Tiêm Botulinum Toxin vào cơ: Botulinum toxin được tiêm vào cơ để làm cho cơ bớt co cứng, thường sau tiêm 7 – 14 ngày mới có hiệu quả đầy đủ. Thuốc có tác dụng đối với các cơ nhỏ nhưng phải kết hợp tiêm thuốc với vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu. Tiêm thuốc giúp cho việc tập vật lý trị liệu đạt kết quả tốt hơn và làm giảm các ảnh hưởng của co cứng cơ. Tiêm lặp lại nhiều lần có thể là cần thiết.

Phẫu thuật: Thỉnh thoảng bác sĩ thần kinh có thể tư vấn cho người bệnh thực hiện phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật cắt dây thần kinh hoặc cắt cơ khi cần thiết.

Người bệnh cần chuẩn bị gì trước khi đến phòng khám? Người bệnh cần biết những ảnh hưởng của co cứng cơ và co thắt cơ đối với cuộc sống hàng ngày của mình và cần biết những thuốc mà người bệnh đã uống trước đây. Người bệnh cần mang theo toa thuốc đang uống.

Đánh giá tại phòng khám? Việc đánh giá sẽ được thực hiện bởi một nhóm nhiều nhân viên y tế: bác sĩ thần kinh, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu, điều dưỡng chuyên sâu về co cứng cơ và một số bác sĩ chuyên khoa khác. Các chuyên gia này sẽ giải thích cho người bệnh về lợi ích và nguy cơ của các phương pháp điều trị co cứng cơ.

Chủ đề