Câu thơ đầu lòng thúy vân giải thích thế nào năm 2024

Trong hoạt động bổ trợ khi dạy đoạn trích “Trao duyên” (Ngữ văn 10), giáo viên giao bài tập: “Viết một đoạn văn nói lên cảm xúc của mình về thân phận của người phụ nữ trong xã hội cũ qua đoạn trích Trao duyên”. Hầu hết học sinh đều chỉ nói lên nỗi bất hạnh của Thúy Kiều khi buộc phải chia tay với tình đầu trong sáng đẹp đẽ.

Các em phân tích rất kĩ tâm trạng khổ đau như chết đi sống lại của Thúy Kiều khi trao duyên cho em là Thúy Vân: nàng đã đắn đo thật nhiều trước khi quyết định trao duyên “Hở môi thì cũng thẹn thùng/ Để lòng thì lại phụ lòng với ai”; nàng đã được sống lại với những kỉ niệm ngọt ngào của tình yêu đầu đời trong sáng khi kể lại mối tình với Kim Trọng từ khi gặp gỡ “Tình trong như đã mặt ngoài còn e” đến buổi đầu trao lời yêu thương, trao nhau kỉ vật “Sẵn tay khăn gấm quạt quỳ/ Với cành thoa ấy tức thì đổi trao”, và cảm xúc thiêng liêng trong đêm thề ước dưới vầng trăng sáng “Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh đôi miệng một lời song song”… Mỗi kỉ niệm được gợi lại, mỗi kỉ vật được trao đi là Kiều lại như đứt từng khúc ruột… Học sinh cũng dành nhiều lời ngợi ca phẩm chất của Thúy Kiều: là người hiếu nghĩa vẹn toàn đã hy sinh tuổi xuân và hạnh phúc của mình để làm tròn đạo hiếu; là người tình thủy chung dù đã bán mình chuộc cha nhưng vẫn luôn day dứt vì đã phụ lời hẹn ước…

Tuy nhiên, không học sinh nào viết về nỗi bất hạnh của Thúy Vân trong đoạn trích này. Mặc dù trước buổi học, giáo viên đã cung cấp cho học sinh khá nhiều ngữ liệu liên quan đến Truyện Kiều, trong đó có nhân vật Thúy Vân qua 2 tư liệu là bài viết “Người em gái vườn Thúy” của nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Sâm và bài thơ “Tâm sự nàng Thúy Vân” của nhà thơ Trương Nam Hương.

Trong cảm nhận văn chương, bạn đọc rất cần có cái nhìn từ nhiều phía. Lâu nay, chúng ta thường hướng dẫn học sinh nhìn theo một phía nên không thấy hết bi kịch của Thúy Vân trong đoạn trích này. Trên một phương diện nào đó, nỗi bất hạnh của Thúy Vân cũng không kém Thúy Kiều. Có thể dùng bài thơ “Tâm sự nàng Thúy Vân” của nhà thơ Trương Nam Hương trong ngày Kim - Kiều đoàn tụ để gợi mở cho học sinh khi học đoạn trích Trao duyên.

Tâm sự nàng Thúy Vân

Nghĩ thương lời chị dặn dò

Mười lăm năm đắm con đò xuân xanh

Chị yêu lệ chảy đã đành

Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim

Ơ kìa! Sao chị ngồi im

Máu còn biết chảy về tim để hồng

Lấy người yêu chị làm chồng

Đời em thể thắt một vòng oan khiên

Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên

Chị thương kẻ khuất, đừng quên người còn

Mấp mô số phận vuông tròn

Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu

Là em nói vậy thôi Kiều

Sánh sao đời chị ba chiều bão giông

Con đò đời chị về không

Chở theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đường

Chị nhiều hờn giận yêu thương

Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò

Em chưa được thế bao giờ

Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim

Em thành vợ của chàng Kim

Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao

Giấu đầy đêm nỗi khát khao

Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu.

Trong cảnh gia đình đang gặp cơn gia biến, bố và em bị bắt trói, đánh đập, Kiều đã không tiếc thân mình để chuộc cha, Vân nghĩ mình cũng là phận gái, cũng hòn máu cha mẹ dứt ruột đẻ ra nhưng chưa làm được gì để đền đáp, còn nợ chị nhiều lắm. Vì mặc cảm như vậy, nên khi Kiều mời nàng ngồi lên để lạy, thưa và trao gửi mối tình thì nàng đành ngồi im không dám chối từ. Suốt cả đoạn trích, chỉ có Kiều lên tiếng còn Vân thì chỉ biết ngồi im, đành nuốt lại vào lòng những lời muốn nói.

Nàng thương cha, thương mẹ, thương em trai và càng thương chị nên không dám thốt lên nỗi thương mình. Chị chảy lệ vì chàng Kim là điều tất nhiên, nhưng nước mắt của em lẽ ra dành cho người khác, người mà em sẽ thương yêu. Vì chị trao gửi mối duyên nên cả cơ hội khóc cho người mình yêu, em cũng không có được, đau xót lắm.

Ơ kìa! Sao chị ngồi im

Máu còn biết chảy về tim để hồng

Lấy người yêu chị làm chồng

Đời em thể thắt một vòng oan khiên

Trong sâu thẳm trái tim, nàng cũng có những khát khao được yêu người mình yêu mà đành giấu đi. Đâu phải cuộc đời Kiều mới có bi kịch mà bi kịch trong trái tim Vân cũng đau đớn chẳng kém gì Kiều. Trong suốt 15 năm lưu lạc thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần, Kiều đã chịu trăm ngàn cay đắng ê chề đến nỗi hơn một lần muốn chết để giải thoát. Thế nhưng nàng cũng đã được hưởng niềm hạnh phúc ngọt ngào của tình yêu đầu trong sáng với Kim Trọng, rồi sau này cũng có những tháng ngày mặn nồng bên người anh hùng Từ Hải “Nửa năm hương lửa đương nồng”. Còn Vân thì sao? Chấp nhận lời trao duyên của chị để từ đó đời em cũng thắt một vòng oan khiên:

Sụt sùi ướt cỏ Đạm Tiên

Chị thương kẻ khuất, đừng quên người còn

Mấp mô số phận vuông tròn

Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu

Thúy Vân trách chị, không phải vì chị buộc mình vào một mối tình oan nghiệt với người không yêu nàng, mà trách vì chị đã quên mất em cũng là một người phụ nữ có trái tim biết yêu và khao khát được yêu. Vì hoàn cảnh gia đình gặp tai vạ, vì để chị được yên lòng trước khi phiêu bạt xứ người mà em chấp nhận thay chị thực hiện lời hẹn ước và đành chôn chặt cõi lòng xuống dưới 3 thước đất đen. Nhưng đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu, trái tim em vẫn tràn đầy khao khát. Có lúc em thầm ước, giá như em được như chị, yêu say đắm để rồi có phải trả giá bằng mười lăm năm đoạn trường em cũng cam lòng.

Chị nhiều hờn giận yêu thương

Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò

Khao khát được yêu là niềm khao khát hoàn toàn chính đáng vì nó thuộc về quyền sống cơ bản của con người. Không phải Thúy Kiều, mà là xã hội phong kiến xấu xa đã tước đoạt đi quyền hạnh phúc đó của Thúy Vân. Dù trong Truyện Kiều, Nguyễn Du không viết nhiều về Thúy Vân, nhưng là “một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” chắc hẳn ông đã nhiều đêm thao thức vì bi kịch đó của nàng.

Nhiều người đã có lí khi cho rằng “Đàn bà nước Nam khổ nhất Thúy Vân”. Tôi cũng cho rằng, Vân khổ hơn Kiều nhiều lắm.