Cảnh báo nguy hiểm trong phòng thí nghiệm hóa học năm 2024

Căn cứ khoản 4 Điều 4 Luật Hóa chất 2007 quy định về hóa chất nguy hiểm là hóa chất có một hoặc một số đặc tính nguy hiểm sau đây theo nguyên tắc phân loại của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất:

+ Dễ nổ;

+ Ôxy hóa mạnh;

+ Ăn mòn mạnh;

+ Dễ cháy;

+ Độc cấp tính;

+ Độc mãn tính;

+ Gây kích ứng với con người;

+ Gây ung thư hoặc có nguy cơ gây ung thư;

+ Gây biến đổi gen;

+ Độc đối với sinh sản;

+ Tích luỹ sinh học;

+ Ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ;

+ Độc hại đến môi trường.

Sử dụng hóa chất nguy hiểm trong thí nghiệm, nghiên cứu khoa học phải đáp ứng điều kiện nào?

Trang thiết bị an toàn và trang thiết bị bảo hộ lao động trong phòng thí nghiệm có sử dụng hóa chất nguy hiểm được quy định tại Điều 5 Thông tư 04/2019/TT-BKHCN như sau:

- Quy định chung về trang thiết bị an toàn và trang thiết bị bảo hộ lao động trong phòng thí nghiệm, gồm:

+ Phương tiện, thiết bị, dụng cụ ứng phó sự cố hóa chất;

+ Hộp thuốc sơ cứu;

+ Trang thiết bị bảo vệ cá nhân (Quần áo, giầy, mũ, kính bảo hộ, mặt nạ phòng độc, găng tay, khẩu trang...) cần thiết cho người làm thí nghiệm phù hợp với tính chất công việc nghiên cứu, thí nghiệm;

+ Các loại thùng đựng chất thải được phân loại và có dấu hiệu bên ngoài để dễ nhận biết;

+ Nội quy an toàn lao động trong phòng thí nghiệm, hướng dẫn sử dụng các thiết bị thí nghiệm, hướng dẫn sử dụng an toàn hóa chất theo các nhóm hóa chất nguy hiểm;

+ Phiếu an toàn hóa chất cung cấp những thông tin chi tiết về các hóa chất độc hại, nguy hiểm từ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và phân phối.

- Phòng thí nghiệm sử dụng hóa chất nguy hiểm phải được trang bị trang thiết bị an toàn phù hợp theo đặc tính nguy hiểm của hóa chất, cụ thể:

+ Khu vực sử dụng hóa chất dễ cháy, nổ có thiết bị giám sát, cảnh báo và bố trí thiết bị thông gió phù hợp;

+ Khu vực sử dụng hóa chất độc hại dễ bay hơi phải có tủ hút độc phù hợp, quạt thông gió hoặc hệ thống thiết bị thu gom, xử lý khí bảo đảm đáp ứng yêu cầu khí thải ra môi trường;

+ Khu vực sử dụng hóa chất ăn mòn, ôxy hóa mạnh được bố trí thiết kế riêng, có hệ thống thu gom, xử lý chất thải phù hợp, bảo đảm an toàn;

+ Các phòng thí nghiệm có sử dụng loại hóa chất có đặc tính nguy hiểm khác được trang bị trang thiết bị an toàn hoặc có giải pháp phù hợp để bảo đảm an toàn cho người và bảo vệ môi trường.

- Trong phòng thí nghiệm phải bố trí khu vực để lưu giữ hóa chất đang sử dụng cho việc nghiên cứu, thí nghiệm bảo đảm an toàn.

- Hóa chất nguy hiểm, hóa chất cấm dùng để thí nghiệm, nghiên cứu khoa học, phải được lưu giữ trong kho chứa riêng biệt, đáp ứng yêu cầu của kho chứa hóa chất theo quy định tại Điều 4 Nghị định 113/2017/NĐ-CP.

- Bố trí trang thiết bị an toàn trong phòng thí nghiệm bảo đảm yêu cầu sau:

+ Tránh lối, cửa thoát hiểm. Lối thoát hiểm phải được chỉ dẫn rõ ràng bằng bảng, đèn báo và được thiết kế thuận lợi cho việc thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp;

+ Bố trí hệ thống thông gió, hệ thống cảnh báo sự cố, hệ thống chiếu sáng, hệ thống điện, hệ thống cấp, thu gom, xử lý chất thải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy định về phòng chống cháy, nổ, ăn mòn, bảo vệ môi trường, an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật;

+ Bố trí bảng nội quy về an toàn hóa chất, bảng hướng dẫn cụ thể về quy trình thao tác, biển báo nguy hiểm phù hợp với mức độ nguy hiểm của hóa chất ở nơi dễ thấy, dễ quan sát.

- Mỗi phòng thí nghiệm tùy theo tính chất chuyên môn ban hành quy định riêng bảo đảm an toàn cho người, tài sản và môi trường trong quá trình sử dụng, bảo quản hóa chất nguy hiểm.

Ta thấy, phòng thí nghiệm có sử dụng hóa chất nguy hiểm phải đảm bảo tuân theo các điều kiện được pháp luật quy định, trong đó phòng thí nghiệm phải đảm bảo hóa chất nguy hiểm, hóa chất cấm phải được lưu giữ trong kho chứa riêng biệt, đáp ứng yêu cầu của kho chứa hóa chất theo quy định.

Cảnh báo nguy hiểm trong phòng thí nghiệm hóa học năm 2024

Lưu giữ hóa chất nguy hiểm trong kho chứa riêng biệt

Sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học phải lập hồ sơ theo dõi như thế nào?

Hồ sơ theo dõi tình hình sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học được quy định tại Điều 7 Thông tư 04/2019/TT-BKHCN như sau:

- Phòng thí nghiệm lập hồ sơ theo dõi sử dụng hóa chất nguy hiểm và hóa chất cấm, bao gồm:

+ Sổ theo dõi sử dụng hóa chất nguy hiểm và hóa chất cấm;

+ Hồ sơ, tài liệu của từng loại hóa chất cấm dùng để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học (nếu có);

+ Phiếu an toàn hóa chất đối với các loại hóa chất độc hại, dễ gây nguy hiểm theo quy định tại Điều 24 Nghị định 113/2017/NĐ-CP.

- Nội dung ghi chép trong sổ theo dõi sử dụng hóa chất nguy hiểm và hóa chất cấm cập nhật đầy đủ các thông tin gồm: tên khoa học, tên thương mại, công thức hóa học của hóa chất; số lượng, khối lượng hóa chất sử dụng, hóa chất thải; phân nhóm hóa chất nguy hiểm; thông tin liên quan đến sự cố hóa chất, an toàn hóa chất; những đặc tính, tác động phát sinh mới gây nguy hiểm của hóa chất.

- Sổ theo dõi sử dụng hóa chất nguy hiểm và hóa chất cấm, phiếu an toàn hóa chất được lưu giữ thống nhất tại nơi quy định trong phòng thí nghiệm.

- Thời gian lưu giữ hồ sơ ghi chép theo dõi tình hình sử dụng đối với hóa chất nguy hiểm ít nhất là ba năm, hóa chất cấm ít nhất là mười năm, kể từ ngày kết thúc sử dụng hóa chất đó.

- Định kỳ hằng năm kiểm kê hóa chất, cập nhật theo dõi các hóa chất cũ, đã hết hạn sử dụng để có biện pháp xử lý bảo đảm an toàn.

Như vậy, căn cứ quy định trên, phòng thí nghiệm có sử dụng hóa chất nguy hiểm có trách nhiệm lập hồ sơ theo dõi tình hình sử dụng hóa chất để thực hiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học theo quy định.