Vuông tôm là gì

Nuôi cua biển trong vuông tôm là cách làm truyền thống đã có từ nhiều năm qua ở ấp An Bình, xã An Hiệp (Ba Tri). Vài năm trở lại đây, mô hình “2 trong 1” này mang lại hiệu quả cao, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân từ 10 – 15 triệu đồng/công/năm.

Ấp An Bình là vùng đất được phù sa bồi đắp, nằm giữa sông Hàm Luông có diện tích tự nhiên trên 100 ha, trong đó có hơn 70 ha nuôi tôm biển công nghiệp, 8 ha nuôi tôm quảng canh và tôm xen lúa.

Việc phát triển nuôi cua trong thời gian qua ở An Bình luôn gắn liền với nuôi truyền thống và quảng canh và cả tôm lúa. Trong cách nuôi truyền thống, người dân chỉ nuôi tôm sú, còn cua biển, ít ai quan tâm đến việc nuôi cua trong vuông tôm. Sau đó, do thấy được lợi thế cua rất thích nghi với môi trường này, cho giá trị kinh tế cao, giá ổn định, cho nên người dân mạnh dạn đầu tư nuôi loại đặc sản này với mong muốn tăng thêm thu nhập và đã mang lại hiệu quả cao.

Cua nuôi ít xảy ra dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là ruốc, cá vụn sẵn có tại địa phương, tận dụng chính môi trường nước của con tôm nên chi phí thấp.

Vuông tôm là gì

Nông dân ở ấp An Bình, xã An Hiệp vui mừng vì có thêm thu nhập nhờ nuôi cua xen trong vuông tôm.

Anh Lê Văn Chín, một trong những nông dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi cua trong vuông tôm của mình. Với 2.000 m2 đất nuôi tôm quảng canh, anh thả nuôi 1.000 con cua giống, mỗi con mua với giá từ 1.000 - 2.000 đồng. Sau 3 tháng nuôi, anh thu hoạch được hơn 200 kg, bình quân 4 con/kg, bán với giá 180.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi trên 20 triệu đồng. Anh Lê Văn Chín cho biết theo kinh nghiệm của bản thân, để cua nuôi phát triển tốt thì trong ao phải đặt 2 tầng bộng. Tầng bộng đầu tiên, đặt sát đáy ao để khi thu hoạch xong, cải tạo ao xổ nước được cạn. Tầng bộng thứ hai, anh đặt lửng ở trên để khi xổ nước thì nước vẫn còn trong ao không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cua. Bộng này phải được bọc sắt để cua không cắn. Nhờ giữ được nước trong ao từ bộng lửng này nên anh thường xuyên xổ nước. Sống trong môi trường nước sạch, thường xuyên thay đổi nên cua nuôi phát triển tốt và ít bị bệnh. Bên cạnh đó, để bảo quản cua, anh chắn rào lưới xung quanh ao. Khi rào lưới phải rào xiên, để cua khó trèo lên và không thể thoát ra bên ngoài.

Trong mùa vụ năm nay, nông dân ở An Bình thả nuôi cua biển trong vuông tôm chiếm 90% diện tích. Bình quân mỗi công đất nuôi tôm, nông dân thu nhập thêm từ 10 – 15 triệu đồng từ nuôi cua.

Không dừng lại ở đó, từ hiệu quả này, trong năm tới, nông dân ở An Bình sẽ nuôi thử nghiệm cua trong vuông tôm biển công nghiệp trong thời gian ngưng vụ để tăng thêm thu nhập.

Ông Võ Hoài Phúc, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã An Hiệp cho biết, thời gian gần đây, bà con nông dân ở ấp An Bình đã mạnh dạn nuôi cua xen trong vuông tôm quảng canh và đã mang lại hiệu quả. Sắp tới, Hội sẽ tuyên truyền cho nông dân ở An Bình biết về hiệu quả của mô hình này để nhân rộng, đầu tư nuôi để tăng thêm thu nhập, đặc biệt là vận động các hộ nuôi tôm công nghiệp tận dụng thời gian trong lúc ngưng vụ thả nuôi cua.

Có thể nói, nuôi cua biển trong vuông tôm ở An Bình, xã An Hiệp đã thật sự mang lại hiệu quả. Tin rằng trong thời gian tới, mô hình này tiếp tục phát triển, qua đó tăng thêm thu nhập cho nông dân trên cùng vuông nuôi, góp phần đưa nghề nuôi trồng ở địa phương phát triển bền vững.

Trần Xiện

09/12/2021 06:51

Du ngoạn miền sông nước

Hơn 20 năm trước, cha tôi có miếng vuông ở ấp Láng Tròn (nay là ấp Cây Phước), xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển, nhờ đó tôi có khoảng trời tuổi thơ thật đẹp gắn liền với cuộc sống mưu sinh miền sông nước và ngôi nhà sàn không cửa. Nhà ở cách vuông tôm khoảng 100 km đường thuỷ nên cha tôi sắm ghe lớn làm phương tiện đi xổ vuông tôm, tận dụng chuyên chở hàng hoá như dây thuốc cá, cá khô, cá biển… bán lại mỗi lượt đi, về.

Tôi còn nhớ hình ảnh chiếc máy Koler 4 đuôi tôm, gắn trên chiếc ghe 5 lá, có mui chằm bằng lá dừa nước hình vòng cung đặt khoảng giữa thân ghe để tiện che mưa nắng khi chạy quãng đường dài. Hàng năm, tôi cứ trông cho mùa hè đến sớm, nghỉ học, để được cùng cha mẹ du ngoạn miền sông nước trên chiếc ghe này. Cứ đến con nước rằm và 30 âm lịch hàng tháng, khi gà vừa gáy sáng là ghe xuất phát.

Từ con sông nhỏ chạy đến cống Bờ Ðập (xã Trần Phán ngày nay), ghe chúng tôi phải leo lên cầu kéo để được đưa ra sông lớn Gành Hào, tiếp tục chạy về hướng Năm Căn ra sông Cửa Lớn, men theo hàng trăm con kênh, rạch lớn, nhỏ và mất cả ngày mới đến nơi. Vì khá xa, qua nhiều sông rạch gắn với nhiều địa danh khác nhau tôi không tài nào nhớ hết, nên ấn định trong đầu hễ nhìn thấy chợ Nhưng Miên, hay địa danh Xẻo Lá, Rạch Tàu là biết sắp đến vuông nhà mình.

Nhớ có hôm trên đường đi thì tới bữa cơm trưa, cha tôi tấp ghe bên hàng mắm ven sông, cắm sào cột dây ghe để nghỉ trưa, trú mát. Cha tranh thủ sửa cái chân vịt vì quấn rác, bên trong mui ghe mẹ vo gạo nấu cơm trên chiếc lò than, tôi ra trước mũi ghe ngắm sông nước, mây trời, đếm xuồng ghe xuôi ngược. Bất chợt, có chiếc tàu thiệt lớn chạy ngang qua thật nhanh, để lại con sóng to đánh tràn thành ghe, ập vào ngập gần nửa khoan ghe. Người tôi cũng ướt sũng, hoảng hốt chạy đến ôm mẹ. Cha nhanh tay tát nước, nồi cơm trên bếp than chưa kịp chín đã bị hất văng xuống sàn ghe. Nhìn cảnh này trong lòng giận lắm, tôi chạy đến bên cha thỏ thẻ: "Sau này mình mua ghe lớn, máy lớn chạy nhanh hơn họ hén cha…", cha cười, gật gật đầu.

Bắt đầu từ sáng sớm, đến khi trời gần chiều, chiếc ghe của cha cũng tới nơi, cập bến vuông nhà. Từ thân cây đước cắt khúc tầm 1,2 m chắp đều phăng thành chiếc cầu thang, dài hơn 15 m nối từ căn nhà sàn bắc xuống sông đón cả gia đình chúng tôi. Ðang con nước lớn, mực nước gần chạm sàn cầu thang, cha tôi bước qua bên hông nhà, tay nắm thanh quay 3 chia làm bằng thân cây đước bắc ngang qua 2 thành cống, quay miệng cống lên, lấy nước vào vuông tôm, chuẩn bị cho đêm xổ vuông.

Ðổ đụt đêm

7 giờ tối, khi nước ngoài sông ròng sát, tôi theo cha ra cống vuông. Cha đặt miệng lú xuống cống, cột chặt đuôi lú 3 nuột, rồi quay bửng cống lên, xả nước từ vuông ra sông. Xong, hai cha con vô nhà tránh muỗi, chờ đến giờ thăm lú.

Theo dòng nước chảy, cá, tôm từ vuông lũ lượt kéo về miệng cống rồi sa xuống lú, chỉ khoảng 30 phút, cha tôi dùng đèn pin rọi xuống đuôi lú kiểm tra, mắt tôm đỏ lừ ánh lên gần nửa đuôi lú, cha kéo lên đổ gần đầy cần xé, nào tôm, cua, mực, đẻn, cá kèo búng lách tách, nhảy loạn xạ...

Vuông tôm là gì
Ðổ đụt ban đêm là hình ảnh quen thuộc của người dân miền sông nước Cà Mau, nhưng sẽ rất lạ và hấp dẫn đối với du khách khi đến tìm hiểu, trải nghiệm du lịch cộng đồng ở Ðất Mũi.

Chú Bảy, người giúp gia đình tôi trông coi vuông tôm, đến phụ cha rinh cần xé tôm vô sàn nhà để mọi người lựa tiếp. Phía sàn nhà, dưới ánh đèn măng-sông, mẹ tôi trải sẵn miếng đệm. Một thứ quan trọng không thể thiếu ở xứ rừng thời điểm ấy là bếp un khói bằng gốc củi mục, có khi thì bằng xơ dừa khô, mẹ lấy quạt, quạt cho khói toả để xua đám muỗi.

Nhớ hồi đó, tôm cá nơi đây nhiều lắm, muỗi ở xứ rừng này cũng lừng danh. Mải mê lựa tôm, không có tay đập thì chúng chén no nê, ai có vuông lớn, tôm cá nhiều phải giăng mùng lựa tôm. Chủ vuông chỉ lấy tôm, cá lớn bán, còn tôm cá nhỏ cho bà con, trẻ em trong xóm khi họ đến lựa phụ…

Trời dần khuya, cha đóng cống vuông, ướp đá tôm cá để hẳn ngoài sàn nhà phía sau, rồi vào nhà ngủ. Mà ngộ, ngày xưa nhà sàn nơi đây không ai làm cửa, tôm cá xổ nhiều, tiền cũng có nhưng năm này qua tháng nọ không nghe ai nói mất trộm.

Ðêm về, cả gia đình chúng tôi chui vào chiếc mùng vải, trải chiếu đệm trên sàn ván. Mẹ rọi đèn pin tìm bắt muỗi, rệp ém theo góc, đường may mùng vải. Nhà không cửa, gió lồng lộng từ dưới chân sàn ùa lên, ngoài cửa tạt vào mát lạnh, đúng với cảm giác “gió lộng tứ bề”. Bên tai tôi, tiếng nước chảy rót từ miệng cống xuống con rạch, tạo nên âm thanh róc rách trong trẻo, văng vẳng giữa không gian yên bình ở chốn miệt rừng - tựa như tiếng suối reo, ru tôi vào giấc ngủ ngon lành…

Thấm thoát hơn 20 năm, gần đây, tôi có dịp trở lại Ðất Mũi. Ðêm đó tôi nghỉ lại tại khu du lịch cộng đồng của ông Tư Ngãi, tại ấp Cồn Mũi. Tuy không ngay con nước xổ vuông, nhưng rất may do đêm đó mưa nhiều, cá tôm ra cống nên tôi có dịp ôn lại kỷ niệm của những ngày cùng cha đặt lú, xổ vuông, lựa tôm. Tuy nhiên, có điểm khác là nay ánh đèn điện thay đèn măng-sông, muỗi cũng đỡ hơn nhiều, không cần un bếp khói, thay vào đó là nhang, thuốc xịt muỗi kiến chúng không dám bén mảng tới.

Vuông tôm là gì
Tôm được đổ ngay sàn nước để tiện lựa, phân cỡ.

Bà Lê Thị Gương (vợ ông Tư Ngãi) kể, xưa bà cũng dân ở chợ, bán quán nước, thức ăn ngang bến xe Phường 6. Chiều theo ý ông Tư, bán nhà trên đó gom về đây mua 15 công đất vuông sinh sống. Ở chợ quen ánh đèn điện, về đây thắp đèn dầu, đêm muỗi ra dữ lắm, hơi lạ nên chúng cắn rát da thịt. Khi đó chưa có lộ làng gì, nhà ai nấy ở, buồn thấu ruột gan, đêm nhớ các con (gửi nhà ngoại ở Cà Mau) khóc hết nước mắt.

“Nay thì khác rồi, nơi đây giờ vui lắm. Tại dịch bệnh chứ không là khách du lịch về đây nghỉ dưỡng, trải nghiệm, có khi ở lại mấy ngày mới về. Họ bảo, về đây cảm giác thư thái, không gian lý tưởng, tình cảm gia đình khắng khít hơn nên chúng tôi vui lắm”, bà Gương tâm tình.

Gió trời, cùng hơi nước giữa chốn rừng xanh hoà lại thành luồng không khí mát lạnh, làm tôi nhớ mùi khói, hơi ấm của bếp un muỗi, mọi người xúm xít lựa tôm, tiếng nói cười sảng khoái, vang cả bầu trời đêm… Tôi mơ màng chìm vào giấc ngủ. Bỗng có tiếng con chim bói cá hoà cùng tiếng bìm bịp báo hiệu nước lớn ròng, xua tan không gian yên bình, tôi vươn dậy mở cánh cửa đón ánh bình minh, mặt trời vừa vươn lên khỏi dãy, ngọn đước phía xa hậu vuông, tôi hít thở không khí trong lành giữa chốn rừng xanh, tâm hồn bỗng nhẹ tênh.

Chia tay Ðất Mũi, chia tay một phần ký ức tuổi thơ, hẹn một ngày gần nhất chúng tôi trở lại…

Loan Phương