Vì sao người tiêu dùng phương tây bỏ sữa

Vì sao người tiêu dùng phương tây bỏ sữa

Năm ngoái, khi thực hiện một chuyên đề về hàng giả trên báo Quân đội nhân dân, tôi đã đến văn phòng Hội khi ông đang bận xử lý vụ một công ty sữa nổi tiếng đến kiện một doanh nghiệp khác làm giả sản phẩm sữa tươi của họ. Năm nay, lại thấy ông phải xử lý vụ sữa tươi ở Việt Nam chỉ là... sữa bột, mà nơi bị kiện có cả hãng sữa năm ngoái còn là... nạn nhân. Chỉ trong năm 2006, ông cùng các cộng sự đã phải giải quyết tới hơn 1.000 vụ khiếu nại về hàng hóa. Phía sau sự bận rộn của ông là ngổn ngang những vấn đề còn bỏ ngỏ xung quanh việc bảo vệ người tiêu dùng trước mặt trái của cơ chế thị trường...

Khi “thượng đế” mù mờ quyền lợi

P.V: Là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ông có nhận xét gì chung nhất về người tiêu dùng ở Việt Nam?

Ông Đỗ Gia Phan: Có lẽ điểm đáng chú ý nhất của người tiêu dùng Việt Nam là còn chưa hiểu đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình. Họ còn khá dễ dãi khi mua hàng hóa. Nhiều người ra chợ mua quần áo, chỉ thấy “đẹp đẹp hay hay” là mua về. Thậm chí nhiều người mua thực phẩm về đến nhà mới hay hàng đã hết hạn sử dụng nhưng vẫn tặc lưỡi dùng vì nó... chưa thiu thối gì. Thật ra trong nền kinh tế thị trường, quyền của người tiêu dùng rất lớn. Trên thế giới, lúc đầu, khi phong trào bảo vệ người tiêu dùng chưa được mở rộng, người ta mới nói đến 4 quyền của người tiêu dùng là: quyền được an toàn, được thông tin, được lựa chọn và được bày tỏ ý kiến. Hiện nay, có tới 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng đã được Liên hợp quốc và cộng đồng thế giới thừa nhận, thêm 4 quyền là: Quyền được thỏa mãn nhu cầu cơ bản, quyền được khiếu nại và bồi thường; quyền được giáo dục, đào tạo về tiêu dùng và quyền được có môi trường sống lành mạnh và bền vững. Hệ thống pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta hiện nay đã thừa nhận 8 quyền này nhưng đa số người dân chưa biết hết... Có quyền mà không biết sử dụng nhiều khi dẫn đến những thiệt thòi vì anh sẽ bị người ta xâm hại!

- Vậy theo ông, trong 8 quyền ấy, người tiêu dùng ở nước ta hiện nay đang bị xâm hại những quyền nào nhiều nhất?

- Người tiêu dùng đang bị thiệt thòi ở cả 8 quyền. Họ có quyền được có những hàng hóa, dịch vụ với giá hợp lý nhưng không ít hàng hóa dịch vụ người mua phải trả tiền ở mức “trên trời”, mức đắt nhất thế giới như giá ô tô con, giá đất. Quyền được an toàn đặt ra nhưng bạn thấy đấy, từ chuyện phở có phoóc-môn đến xăng có a-xê-tôn, bác sĩ chích ngừa nhầm vắc-xin… Người tiêu dùng bị “mất an toàn” nhiều lắm. Quyền được thông tin là việc người tiêu dùng được quyền cung cấp các thông tin trung thực, chính xác và đầy đủ về các hàng hóa dịch vụ để có thể lựa chọn một cách khách quan, chính xác. Quyền này còn bao gồm việc được bảo vệ chống lại các thủ đoạn dối trá, lừa đảo, các quảng cáo lừa dối, nhưng quả thực là người tiêu dùng hiện nay đang bị sống trong “trận đồ bát quái” về thông tin mà trong đó đầy rẫy thông tin thiếu trung thực, cường điệu, một chiều, khiến họ bị “nhiễu loạn”... Hiện nay, người tiêu dùng luôn đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm phạm quyền lợi khác như: không được lắng nghe, có nói cũng không được trả lời, bị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ như tệ hàng giả, hàng nhái, bị khuyến mại lừa... Việc độc quyền trong kinh doanh cũng gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Bảo vệ người tiêu dùng - 7 năm và một câu hỏi

P.V: Vì sao cả 8 quyền cơ bản của người tiêu dùng đã được thừa nhận trong pháp luật nước ta mà người tiêu dùng vẫn chưa được bảo vệ đầy đủ?

Ông Đỗ Gia Phan: Nhiều nước trên thế giới có Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Các hành vi xâm hại người tiêu dùng có thể bị kiện ra tòa và bị xử phạt. Đọc báo phương Tây, hẳn chúng ta rất ngạc nhiên khi thấy những “chuyện thật như đùa”: một người có thể nhận cả triệu đô-la từ một hãng sản xuất thuốc lá vì sản phẩm của họ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng mà không thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng biết trước. Hãng Nestlé năm ngoái đã bị các nhà chức trách ở châu Âu buộc phải thu hồi khoảng 30 triệu lít sữa dành cho trẻ em ở một số thị trường ở khu vực này vì mực in thấm vào sữa. Mới đây hãng Dell đã ra lệnh thu hồi khoảng 1,4 triệu chiếc pin trong máy tính xách tay trên toàn thế giới vì đã xảy ra những trường hợp nổ. Ở nhiều nước họ thiết lập “tòa án nhỏ” để chuyên giải quyết tranh chấp giữa người mua và người bán, không có luật sư, không án phí nhưng vẫn có quyền phán xét. Phán xét đó có hiệu lực pháp lý bình thường. Còn ở Việt Nam, hiện tại một số quy định pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng còn tản mạn ở các văn bản pháp luật khác nhau. Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng mặc dù được ban hành từ năm 1999, qua 7 năm nhưng vẫn chưa thể đi vào cuộc sống bởi nội dung của nó cũng như Nghị định hướng dẫn thi hành quá chung chung, mới chỉ mang tính nguyên tắc. Một vài quy định khác lại rải rác ở một số luật liên quan như Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh… nên trong nhiều vụ việc, xử lý không biết căn cứ theo luật nào. Theo chúng tôi thì Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng đã trở thành “chiếc áo quá chật” so với thực tiễn phát triển của thị trường. Cần phải nâng lên thành Luật Bảo vệ người tiêu dùng với những chế tài đủ mạnh chứ không phải là chỉ nêu nguyên tắc chung.

- Thêm Luật Bảo vệ người tiêu dùng có cần thiết không, khi Quốc hội vừa thông qua Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thưa ông?

- Gia nhập WTO, chúng ta không thể không có những tiêu chuẩn hàng hóa theo “chuẩn” quốc tế. Tiêu chuẩn và chất lượng không những là chìa khóa để mở cửa các thị trường khó tính mà tiêu chuẩn và chất lượng còn là cái khóa để khóa cửa thị trường nội địa và bảo vệ người tiêu dùng. Việc cho ra đời luật này là rất cần thiết. Song theo tôi, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa chưa thể giải quyết hết các vấn đề về bảo vệ người tiêu dùng. Ví dụ như vấn đề quảng cáo, khuyến mại sản phẩm thôi cũng đầy rẫy rắc rối cần sự chế tài của luật pháp. Ai dám khẳng định nhắn tin trúng thưởng có giải thưởng hay không. Thậm chí có giải thưởng đi chăng nữa thì giải thưởng ấy liệu có đến được tay người chơi hay không?

- Thưa ông, có phải tình trạng người tiêu dùng bị xâm hại phổ biến còn không biết kêu ai dù có khá nhiều cơ quan chức năng: Ban quản lý chợ hay Sở Thương mại, Cơ quan quản lý thị trường, Cơ quan quản lý cạnh tranh hay Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng?

- Trước đây chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giao cho Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường. Từ năm 2004, Chính phủ đã giao cho Bộ Thương mại mà trực tiếp phụ trách là Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Thương mại. Do vậy, cơ quan thực thi Luật Cạnh tranh cũng là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây cũng là mô hình được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới như Ô-xtrây-li-a, Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Ca-na-đa... Thế nhưng, khi gặp rắc rối về hàng hóa, người tiêu dùng vẫn chưa biết đến nơi nào cho “hiệu quả” nhất. Hiện nay, Văn phòng khiếu nại của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đang giúp người tiêu dùng giải quyết khiếu nại của họ bằng cách hòa giải chứ chưa có quyền quyết định về giải quyết thắc mắc, tranh chấp hay bồi thường cho họ. Hội bảo vệ người tiêu dùng theo cách chủ yếu là tác động đến đường lối chính sách của Nhà nước liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng đồng thời vận động và giúp đỡ người tiêu dùng đứng lên tự bảo vệ quyền lợi của mình. Trung bình mỗi năm, Hội cũng như các hội các địa phương nhận được khoảng 1.000 đơn khiếu nại các loại của người tiêu dùng. 85% số vụ việc đã được chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết.

- Làm gì để giải quyết tình trạng “nhiều gậy nhưng chưa mạnh tay” trong bảo vệ người tiêu dùng, thưa ông?

- Để bảo vệ được lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng thì sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật như đã nói ở trên thì vấn đề là có luật rồi chúng ta sẽ thực thi như thế nào và phải có bộ máy để quản lý hữu hiệu hàng hóa, thị trường. Phải xây dựng được phong trào bảo vệ người tiêu dùng trong mọi người, mọi cơ quan, đoàn thể, vì bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm của toàn xã hội. Phải xây dựng các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng đủ mạnh, được sự đầu tư, quan tâm hơn nữa của Nhà nước. Theo tôi, ngoài Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng ở Trung ương, cần tổ chức hệ thống các hội bảo vệ người tiêu dùng tới tất cả các tỉnh, thành phố, thậm chí phải có phân hội bảo vệ người tiêu dùng trong từng lĩnh vực, hàng hóa... Chúng ta cũng cần học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới. Như ở Pháp có Luật Bảo vệ người tiêu dùng và theo luật này tội làm hàng giả sẽ bị bỏ tù ít nhất 2 năm kèm theo mức phạt tới 2 triệu phơ-răng (trước đây). Hay như ở Trung Quốc, ngày 15-3 hằng năm là ngày Quyền Người tiêu dùng Thế giới, được chọn là ngày “Thượng đế phán xử”, đài truyền hình Trung ương và các phương tiện thông tin đại chúng đều đăng tải những thông tin về những cơ sở có hàng giả, hàng kém chất lượng, đối xử không tốt với người tiêu dùng để người tiêu dùng biết và “cạch mặt” những cơ sở này. Ở Ấn Độ có một hình thức tổ chức chống gian lận thương mại rất được dư luận hoan nghênh là “Tòa án người tiêu dùng” được lập ở các thành phố, thị xã, giúp xử lý tất cả các vụ kiện liên quan đến hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng rất hiệu quả. Ở Thái Lan, có chính sách khuyến khích người tố cáo làm hàng giả sẽ được hưởng 35% số tiền mà tòa án tuyên phạt các cơ sở làm hàng giả.

Văn hóa tiêu dùng hay chuyện từ bỏ câu “thật thà cũng thể lái buôn”

P.V: Giáo sư Trần Xuân Trường, một nhà nghiên cứu về kinh tế chính trị trong cuốn sách Thời đại và thích nghi in cách đây hàng chục năm đã từng cảnh báo về một xã hội tiêu dùng với nhiều thói hư tật xấu của nó. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Ông Đỗ Gia Phan: Tiêu dùng tự bản thân nó không có lỗi. Được tiêu dùng, được thỏa mãn nhu cầu là một trong những quyền cơ bản của con người. Điều đáng cảnh báo là một xã hội chạy theo tiêu dùng mà thiếu đi văn hóa tiêu dùng. Nước ta đi lên từ một nền văn minh nông nghiệp, lại qua bao thế kỷ gồng mình vì chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nên việc kinh doanh buôn bán chưa phát triển, vì thế mà văn hóa tiêu dùng cũng chưa được định hình rõ nét. Cho nên ngày nay, rất cần xây dựng văn hóa kinh doanh, mà trước hết là phải “kinh doanh phải có văn hóa” và “tiêu dùng có văn hóa”. Đã đến lúc cần có một số tiêu chí cho doanh nghiệp kinh doanh trung thực, vì lợi ích người tiêu dùng, ai thỏa mãn tiêu chí đó, qua kiểm tra đánh giá thì được cấp chứng nhận. Qua đó, quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ.

- Giả sử ông là chủ một doanh nghiệp, ông sẽ quan tâm đến vấn đề giải quyết mối quan hệ với người tiêu dùng như thế nào?

- Phải xây dựng cho được văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng. Ở những nước có nền kinh tế thị trường phát triển, đây là vấn đề rất được quan tâm. Tổng thống Mỹ J.Ken-nơ-đi trong bài phát biểu của mình trước thượng viện năm 1962, có nêu: “Người tiêu dùng là tất cả chúng ta. Họ là lớp người đông đảo nhất, có ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng của tất cả các quyết định về kinh tế, kể cả của Nhà nước và tư nhân…”. Chỉ khi có chính sách đúng với người tiêu dùng thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển lâu bền. Cách kinh doanh theo kiểu nhồi bánh đúc để tăng trọng trước khi bán vịt, tiêm hóa chất vào tôm, cân, đong thiếu, cửa quyền, coi thường người tiêu dùng... là phản văn hóa kinh doanh cần loại bỏ ngay.

- Còn nếu ông đi chợ, với tư cách người tiêu dùng thì sao, ông sẽ làm gì?

- Các chuyên gia về tiêu dùng thường khuyên làm sao mỗi người tiêu dùng đều là một người tiêu dùng thông thái. Anh có tiền nhưng cũng phải “học cách tiêu tiền”, nghĩa là mua cái gì, mua như thế nào, sử dụng ra sao một cách hợp lý, có văn hóa. Mua tràn lan, lãng phí, mua không xem xét kỹ lưỡng, không thực hiện đầy đủ “quyền” của mình thì nhiều trường hợp sẽ tiền mất tật mang. Chẳng riêng gì nước mình mà ngay cả nhiều nước phát triển vẫn đầy rẫy hàng giả, hàng nhái, kinh doanh lừa đảo, nên người tiêu dùng phải luôn biết tự bảo vệ mình!

- Chẳng hạn như đi mua hàng phải lấy phiếu bảo hành chẳng hạn, để khi hàng hoá có vấn đề, còn có cái “chuôi” mà nắm?

- Ồ, không! Đây là chuyện chỉ có ở Việt Nam thôi. Luật Bảo vệ người tiêu dùng ở một số nước quy định người cung ứng có trách nhiệm bảo hành sản phẩm của mình trong thời gian có giá trị sử dụng. Vì vậy, dù không có giấy bảo hành thì sản phẩm vẫn được bảo hành trong thời gian quy định. Cho nên, câu thường thấy: “Ra khỏi cửa hàng, chúng tôi không chịu trách nhiệm” là chưa thể hiện hết trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng. Quan niệm “Thật thà cũng thể lái buôn” lâu nay cần được thay thế bằng phương châm “khôn ngoan chẳng lọ thật thà”. Hiện nay đang có một số việc làm cho người tiêu dùng hết sức bức xúc, nhưng doanh nghiệp vẫn im lặng trước ý kiến của dư luận và người tiêu dùng. Việc đó là không nên. Họ sẽ xử sự ra sao nếu vì thế mà người tiêu dùng đồng loạt tẩy chay hàng hóa của họ. Trong thời gian tới, khi chúng ta hội nhập sâu hơn với thế giới, với việc gia nhập WTO, chúng ta sẽ không còn “một mình một chợ” như hiện nay. Người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Một thái độ coi thường, ban ơn cho người tiêu dùng sẽ không tránh khỏi bị người tiêu dùng quay lưng lại.

- Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN VĂN MINH thực hiện