Vì sao lại gọi là kháng chiến kiến quốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính xác định “cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”.

Sau một năm chống dịch thành công, giữa năm 2021, chủng Delta xuất hiện và chọc thủng phòng tuyến của Việt Nam. Chúng ta đang ở cao điểm của một cuộc chiến cam go mới. Chính vì thế, hơn lúc nào hết, chúng ta phải vừa kháng chiến và kiến quốc.

Kháng chiến - Kiến quốc

Sau ngày 2/9/1945 lịch sử, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã gặp phải muôn vàn khó khăn chồng chất. Chính phủ mới thành lập được “thừa hưởng” một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Nạn đói năm 1945 làm 2 triệu người chết, tiếp đó là lũ lụt, hạn hán kéo dài làm 50% ruộng đất bị bỏ hoang. Sản xuất nông nghiệp đình đốn. Tài chính khô kiệt, kho bạc trống rỗng, ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp. Đất nước “tứ bề thọ địch”.

Trước tình hình đó, ngày 25-11-1945, Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị “Kháng chiến Kiến quốc”, định hướng chiến lược cho đất nước vượt qua khó khăn. Chiến lược này xác định đất nước phải đi “cả hai chân”, vừa chiến đấu nhưng cũng vừa phải xây dựng kinh tế. Hai nhiệm vụ quan trọng ngang nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi”.

Nói đi đôi với làm. Chính phủ lâm thời lập tức thực hiện nhiều giải pháp một cách ráo riết, phát huy tinh thần đoàn kết của cả dân tộc. Để kháng chiến, hàng triệu người đã tòng quân nhập ngũ, đi dân quân để tham gia kháng chiến.

Để kiến quốc, Chính phủ lâm thời tổ chức “tuần lễ vàng” huy động sức dân. Mặc dù cả nước trong tình trạng kiệt quệ nhưng 370 kg vàng và 60 triệu tiền Đông Dương đã được người dân chung sức đóng góp với niềm tin vào Chính phủ. Phong trào tăng gia sản xuất được chính phủ ráo riết thực hiện. Chỉ một năm sau, 1946, nạn đói đã được đẩy lùi. Đến đầu năm 1949, diện tích trồng trọt ở các vùng tự do đã tăng gấp ba, bốn lần so với trước kháng chiến. Đồng thời, nhiều chính sách mới về kinh tế và tài chính được Chính phủ lâm thời ban hành như thuế nông nghiệp, thành lập hệ thống mậu dịch quốc doanh, xây dựng Ngân hàng quốc gia Việt Nam...

Chiến lược “Kháng chiến kiến quốc” đúng đắn cùng tinh thần đoàn kết của cả dân tộc đã làm nên một trận Điện Biên Phủ, toàn thắng cuộc kháng chiến với thực dân Pháp.

Mục tiêu kép chống dịch

Quay trở lại “trận chiến COVID-19”, sau hơn 1 tháng công bố dịch và phương châm “chống dịch như chống giặc”, tháng 5 năm 2020, Chính phủ Việt Nam đề ra mục tiêu kép: “Đẩy lùi dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội”. Ở một nghĩa nào đó, có thể coi đây là một phiên bản mới của chiến lược “kháng chiến kiến quốc” ngày nào.

Trên mặt trận đẩy lùi dịch bệnh, chỉ sau một thời gian ngắn kêu gọi, quỹ vắc-xin đã được toàn dân ủng hộ lên tới hơn 8 nghìn tỷ đồng. Các tập đoàn như Vingroup, BKAV đã nhanh chóng bắt tay nghiên cứu và sản xuất máy thở. Công ty ô tô THACO chế tạo xe tiêm chủng lưu động. Kiều bào tại Mỹ gom thiết bị y tế trị giá 1 triệu USD hỗ trợ Việt Nam... Tất cả chung tay cùng Chính phủ chống dịch.

Trên mặt trận kinh tế, đã có những sáng kiến đề ra để vừa duy trì sản xuất, vừa đảm bảo an toàn như giải pháp 3T (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, ở tại chỗ). Tuy nhiên tình hình kinh tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn rất cao, dòng vốn FDI ngấp nghé rời sang nước khác.

Ngày 29/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính xác định “cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”. Với bài học kinh nghiệm thành công của chiến lược “Kháng chiến kiến quốc”, có lẽ đã đến lúc phải cân bằng hơn giữa 2 mục tiêu kép để sẵn sàng cho cuộc chiến chống dịch trường kỳ.

Đánh giá của bạn:

CNQP&KT - Trong quá trình cùng với toàn Đảng lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tư tưởng: “Kháng chiến đi đôi với kiến quốc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công. Kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi”1. Đây là biểu hiện cụ thể của quy luật xây dựng đi đôi với bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện đất nước có chiến tranh; là sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội đi đôi với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Kháng chiến là công việc hệ trọng, được đặt lên hàng đầu khi đất nước bị thực dân, đế quốc xâm lược. Nhưng, cùng với kháng chiến phải tích cực thực hiện công cuộc kiến thiết đất nước, củng cố chính quyền cách mạng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng chế độ mới. Để đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở đồng bào và chiến sĩ ta phải ra sức lao động sản xuất, thực hiện “thực túc binh cường”. Người kêu gọi: “Tăng gia sản xuất. Tăng gia sản xuất ngay. Tăng gia sản xuất nữa… Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”2. Người nêu rõ mối quan hệ khăng khít giữa kháng chiến và kiến quốc: “Vì cứu quốc, các chiến sĩ tranh đấu ở ngoài mặt trận, vì kiến quốc, nhà nông phấn đấu ngoài đồng ruộng. Chiến sĩ ra sức giữ gìn nước non. Nhà nông ra sức giúp đỡ chiến sĩ. Hai bên công việc khác nhau, nhưng thật ra là hợp tác. Cho nên hai bên đều có công với dân tộc, đều là anh hùng”3.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trình đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải. Ảnh: TL

Tư tưởng Hồ Chí Minh về kháng chiến đi đôi với kiến quốc trở thành quan điểm chỉ đạo chiến lược của Đảng ta là: vừa tích cực đánh giặc ngoài mặt trận, vừa tích cực tăng gia sản xuất, xây dựng chế độ mới ở hậu phương - căn cứ địa vững chắc, tạo cơ sở cho kháng chiến lâu dài giành thắng lợi. Có kháng chiến làm thất bại từng bước, tiến tới đánh bại hoàn toàn bọn thực dân xâm lược và tay sai của chúng, thì chúng ta mới bảo vệ được thành quả cách mạng, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Mối quan hệ giữa kháng chiến và kiến quốc được biểu hiện sinh động trong quan hệ giữa hoạt động ở tiền tuyến và hậu phương trong chiến tranh. Hồ Chí Minh viết: “Muốn thắng quân địch, chỉ trông vào sức chiến đấu ở hậu phương chưa đủ. Tại sao? Vì ngày nay, một khi chiến tranh đã bùng nổ ở nơi nào, ảnh hưởng của nó sẽ lan tràn khắp các nơi khác. Chẳng những thế, nó còn ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa của toàn xứ. Có thể nói tóm tắt là chiến tranh không những chỉ phát động cả trong địa hạt quân sự mà còn phát động cả trong các địa hạt khác ở hậu phương. Vì vậy, muốn kháng chiến lâu dài để tới thắng lợi cuối cùng, cần phải động viên hết thảy mọi lực lượng mới mong đi tới thắng lợi cuối cùng… Nói tóm lại, muốn thực hiện toàn dân kháng chiến, ngoài việc động viên quân sự, chính trị, ngoại giao, còn phải động viên cả tinh thần lẫn kinh tế”4.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về kháng chiến đi đôi với kiến quốc không ngừng được bổ sung, hoàn thiện cùng với mỗi bước phát triển của công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới và kháng chiến chống xâm lược. Khi Tổ quốc bị lâm nguy, nhiệm vụ kháng chiến mặc nhiên là được đặt ở vị trí hàng đầu, nhưng đồng thời với nó và liền sau đó vẫn phải tích cực xây dựng đất nước, xây dựng chế độ xã hội mới về mọi mặt, tạo ra những tiền đề vật chất và tinh thần để tiến hành kháng chiến thắng lợi. Trong Bản chỉ thị “Công việc khẩn cấp bây giờ”, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tính chất và nội dung của chủ trương kháng chiến đi đôi với kiến quốc là “Kháng chiến và kiến quốc, một mặt phá hoại, một mặt kiến thiết. Phá để ngăn địch. Kiến thiết để đánh địch”5.

Thực hiện chủ trương vừa kháng chiến vừa kiến quốc, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã giải quyết được các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, không ngừng củng cố và tăng cường hệ thống chính trị nhằm thúc đẩy cả hai mặt xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vùng tự do được bảo vệ, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, vùng tạm chiếm bị thu hẹp; từng bước xây dựng và bảo vệ vững chắc chế độ mới trong vùng ta kiểm soát, thực hiện được “thực túc binh cường” và giải quyết vấn đề vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang.

Để chuẩn bị về tư tưởng và lý luận cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ giành thắng lợi, Hồ Chí Minh đã viết bài “Động viên kinh tế”. Trong đó, chỉ rõ vai trò đặc biệt quan trọng của kinh tế: “Kháng chiến lâu dài để giữ vững chính quyền của đất nước. Vì thế, chúng ta không thể không chú ý đến vấn đề động viên kinh tế. Chúng ta phải thu góp tất cả lực lượng của toàn quốc, khiến cho người có sức giúp đỡ, có tiền giúp tiền, có của giúp của, chúng ta phải hết sức tăng gia sản xuất. Những việc tiêu xài vô ích, chúng ta phải cố gắng tinh giảm. Tóm lại, chúng ta phải tập trung hết nhân lực, vật lực, tài lực vào công cuộc kháng chiến thì thực lực kháng chiến mới được đầy đủ, mạnh mẽ để đạt tới thắng lợi cuối cùng”6. Hồ Chí Minh còn chỉ ra các loại hình động viên kinh tế, như: động viên lao động, động viên giao thông, động viên công nghiệp, động viên nông nghiệp, động viên tài chính và tiết kiệm. Người khẳng định: “Chúng ta động viên kinh tế được thành công, vì chúng ta biết động viên kinh tế một cách khôn khéo, thực lực của chúng ta mới được đầy đủ và bền bỉ. Rất mong toàn thể quốc dân gắng gỏi trong công việc này”7.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào và chiến sĩ thực hiện khẩu hiệu: “Thực túc binh cường” và hằng ngày Người dành thời gian tăng gia sản xuất.             Ảnh: TL

Ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, nhiệm vụ kiến quốc trở nên rất cấp thiết, khẩn trương. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: Cần, kiệm, liêm, chính”8. Nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, thực hành đời sống mới làm cho đời sống tinh thần của nhân dân ta trở nên lành mạnh, xứng đáng là người làm chủ xã hội mới.

Đi đôi với kiến quốc, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của kháng chiến chống thực dân xâm lược, thực hiện tốt vai trò là công cụ bạo lực vũ trang cách mạng, Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh. Người đã ra nhiều sắc lệnh về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, Người đã có nhiều bài viết, bài nói đăng trên Báo Cứu quốc về chiến lược, chiến thuật, khoa học, nghệ thuật quân sự để huấn luyện cho lực lượng vũ trang nhân dân, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của công cuộc kháng chiến, đảm bảo cho lực lượng vũ trang là công cụ bạo lực vũ trang sắc bén trong cuộc đấu tranh giữ vững nền độc lập dân tộc, giải phóng đất nước.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo xây dựng quân đội nhân dân thành một quân đội anh hùng, bách chiến bách thắng; đảm bảo cho quân đội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Người quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội nhân dân, đặc biệt là xây dựng và phát huy sức mạnh chính trị - tinh thần của quân đội.

Vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về kháng chiến đi đôi với kiến quốc, trong quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng, Quân đội ta luôn quán triệt và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, đã cùng với toàn dân khắc phục mọi khó khăn để xây dựng và kiến thiết đất nước. Trên các địa bàn mà đơn vị quân đội đóng quân, ở đâu và lúc nào có điều kiện là cán bộ, chiến sĩ tích cực tăng gia sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt…

Trong thời kỳ mới, để góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, Quân đội còn tích cực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đội quân lao động sản xuất. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, yêu cầu của mỗi đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ đội quân lao động sản xuất cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi loại hình đơn vị.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về kháng chiến đi đôi với kiến quốc không những có giá trị lý luận chỉ đạo công cuộc xây dựng, kiến thiết đất nước, mà còn có giá trị lý luận to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Đối với Quân đội ta, phải luôn quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Thiếu tướng, PGS, TS. NGUYỄN VĨNH THẮNG

 Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Nhân văn quân sự

_________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 4, tr.99.

2. Sđd, tr. 115.

3. Sđd, tr.114.

4. Sđd, tr.84.

5. Sđd, tr.432.

6. Sđd, tr.477.

7. Sđd, tr.479.

8. Sđd, tr.8, 9.

Video liên quan

Chủ đề