Trẻ em nhiễm covid bao lâu khỏi

Bé bị nhiễm Covid-19, nên chờ bao lâu để được tiêm vắc-xin?

Bé Nguyễn Ngọc H., 10 tuổi, học lớp 4 trường Mỹ Phong, Mỹ Tho, bị mắc Covid-19 đã khỏi được một tháng. Em chỉ sốt 2 ngày thì khỏi, sau 1 tuần thử test lại âm tính, nên bé H. được trở lại trường. Mẹ của H. được nhà trường hỏi ý kiến về việc chích ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Mẹ bé phân vân nên gặp bác sĩ để tư vấn khi nào thì được chích ngừa?

  • Sẵn sàng tiêm vắc-xin cho trẻ 5-11 tuổi

  • Tiêm vắc-xin cho trẻ 5-11 tuổi: Thận trọng từng bước

  • Những khu vực nào được ưu tiên tiêm vắc-xin cho trẻ em ở Hà Nội?

  • Hiểu thêm về việc tiêm vắc-xin cho trẻ

Về chuyên môn, tại hội nghị trực tuyến về triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người đã mắc Covid-19 vừa diễn ra đã thống nhất chủ trương tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đã mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh ít nhất 3 tháng, tiêm các liều cơ bản cùng loại vắc-xin cho trẻ.

Theo hướng dẫn sàng lọc trẻ em từ 5-11 tuổi trước tiêm chủng phòng Covid-19 của Bệnh viện Nhi Trung ương, các bé đã mắc Covid-19 có hai trường hợp: Thứ nhất là hoãn tiêm 2 tháng kể từ ngày khởi phát; thứ hai có thể tiêm sớm hơn ngay sau khi trẻ khỏi bệnh khi đã xem xét từng cá thể có cân nhắc giữa lợi ích tiêm ngừa và nguy cơ có thể xảy ra rủi ro. Nếu bé bị bệnh nặng khi mắc Covid-19 như hội chứng viêm đa cơ quan (MIS-C) thì nên hoãn tiêm cho đến khi bé hồi phục hoàn toàn, chuyển tiêm tại bệnh viện nếu đủ điều kiện được tiêm.

Trường hợp nào phải trì hoãn từ 2-3 tháng? Trường hợp nào phải tiêm ngay khi hết cách ly, tức sau 7 ngày khi có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính?

Trường hợp cần trì hoãn từ 2-3 tháng: Chúng ta biết trẻ em mắc Covid-19, sẽ có nguy cơ bị biến chứng hậu Covid, dù rất hiếm. Hậu Covid xảy ra từ 4-6 tuần sau khi khỏi bệnh Covid-19. Hậu Covid nặng nhất ở trẻ em thường gặp là hội chứng viêm đa cơ quan (MIS-C) hoặc viêm cơ tim. Vì vậy các nhà khoa học khuyên nên chờ cho bé đã khỏi bệnh Covid-19 qua được khoảng thời gian có nguy cơ biến chứng hậu Covid, mới thực sự an toàn cho bé. MIS-C chiếm tỉ lệ 1 trong 3.000 trẻ em, xảy ra từ 2-6 tuần sau khi nhiễm Covid-19, riêng chủng Omicron càng hiếm hơn nữa. Chờ đợi ít nhất 4 tuần giúp các bậc cha mẹ tự tin rằng con mình đã hồi phục hoàn toàn.

Trường hợp nên chích càng sớm càng tốt sau khi hết thời gian cách ly: Nếu bé đã bị Covid, bé được bảo vệ trong một thời gian, nhưng hiện tại chưa có nhiều nghiên cứu để biết bé sẽ được bảo vệ bao lâu sau khi khỏi bệnh, nhất là trong giai đoạn virus SARS-CoV-2 luôn biến đổi thành các biến thể khác xa với chủng virus ban đầu. Hơn nữa các bé đã khỏi bệnh vẫn có thể bị nhiễm lại SARS-CoV-2 do kháng thể sẽ bị suy giảm theo thời gian.

Một lý do quan trọng là khi nhiễm Covid-19, bé sẽ có "miễn dịch niêm mạc" trong mũi và cổ họng, đó là một miễn dịch tự nhiên khu trú ở đường hô hấp trên. Miễn dịch tự nhiên không đủ mạnh để bảo vệ cơ thể tốt nhất, mà bé cần bổ sung khả năng miễn dịch toàn thân, miễn dịch toàn thân do các tế bào nhớ kích thích tế bào miễn dịch của cơ thể sản xuất ra kháng thể từ mũi chích ngừa Covid-19. Sự kết hợp của miễn dịch do nhiễm Covid-19 tự nhiên và tiêm chủng mang lại sự bảo vệ lâu dài và mạnh mẽ hơn cho bé. Vì vậy nên chích ngừa sớm cho các bé mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc bệnh nhẹ, khi bé đã khỏe mạnh hoàn toàn. Tiêu chuẩn bé khỏi bệnh, khỏe mạnh là bé hết sốt trên 24 giờ mà không cần thuốc hạ sốt, hết ho, hết tiêu chảy và sinh hoạt chạy chơi, học hành bình thường, xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính.

Tóm lại, nên đưa các bé từ 5-11 tuổi đi chích ngừa Covid-19, dù bé đã từng mắc bệnh trước đó. Thời điểm nào sau mắc Covid-19 để quyết định chích ngừa là hết sức linh hoạt, tùy theo thể trạng của bé, kết hợp với bác sĩ khám sàng lọc trước khi chích ngừa, cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro của việc chích ngừa mà chúng ta quyết định. Lợi ích lớn nhất của vắc-xin là rất có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh chuyển nặng, lên tới 96% ngừa được bệnh nặng nếu mắc chủng Delta và 79% nếu mắc chủng Omicron.

Bác sĩ Nguyễn Thành Úc

Mức độ nghiêm trọng của chứng hậu Covid ở trẻ em

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Phần lớn trẻ em có triệu chứng Covid nhẹ, song không ít trẻ vốn khỏe mạnh lại có dấu hiệu di chứng hậu Covid kéo dài.

Trước khi nhiễm Covid, các bệnh nhi của bác sỹ Danilo Buonsenso tại Bệnh viện Đại học Gemeli, Rome, Ý đều khỏe mạnh và năng động. Đa số chơi thể thao và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Nhưng rồi các em bị nhiễm Covid-19.

Covid: Mức hiệu quả của liều vaccine thứ ba và ai cần mũi thứ tư?

Vaccine Covid-19 thế hệ hai có ưu điểm gì?

Quảng cáo

Virus tấn công bất thường vào trẻ nhỏ sau dịch Covid-19

Các triệu chứng

Nhiều tháng sau khi khỏi bệnh từ đợt nhiễm đầu tiên, các em vẫn tiếp tục vật lộn với một loạt các triệu chứng hậu Covid khiến khó có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.

"Hầu hết các em mà tôi từng thăm khám đều hoàn toàn khỏe mạnh trước khi nhiễm Covid, chúng chơi thể thao, hoạt động ngoại khóa," Buonsenso nói. "Và rồi chúng không thể trở về với hoạt động trường học bình thường vì chứng đau đầu và khó khăn trong việc duy trì sự tập trung sau khi ngồi học một vài giờ đồng hồ."

Là bác sỹ nhi khoa tại Bệnh viện Đại học Gemeli, Buonsenso là bác sỹ đầu tiên thực hiện khảo sát liệu trẻ em có dễ gặp Covid kéo dài hay không.

Giống nhiều bác sỹ nhi khác, ông đã gặp nhiều trẻ em với các triệu chứng dai dẳng về mệt mỏi, khó ngủ, đau khớp, có vấn đề về hô hấp, da bị nổi mẩn và rối loạn nhịp tim, là những triệu chứng có khi tồn tại nhiều tháng sau khi hết nhiễm Covid.

Buonsenso nói điều thiết yếu là trẻ em không bị bỏ qua trong các nghiên cứu về hậu Covid. Ông chỉ ra rằng giống như người lớn, kể cả các trẻ nhỏ không xuất hiện triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ khi nhiễm Covid cũng vẫn có thể phát triển các vấn đề dai dẳng sau khi khỏi.

Trẻ em vẫn thường được coi là ít khả năng bị tác động dai dẳng của chứng hậu Covid-19, trẻ càng nhỏ tuổi thì rủi ro càng giảm đi. Điều này được cho là bởi vì trẻ nhỏ không có nhiều thụ thể ACE2 bằng người lớn - các cửa ngõ nằm ở mũi và đường hô hấp của chúng ta mà virus nhắm đến để xâm nhập tế bào.

Nguồn hình ảnh, Reuters/Carlo Allegri

Chụp lại hình ảnh,

Nhiều trẻ em vốn khỏe mạnh trước khi nhiễm Covid-19 nhưng lại dính hậu Covid

Tuy nhiên, sự xuất hiện nhanh chóng của biến thể Omicron - gây lây nhiễm nhanh hơn các chủng Covid-19 trước đó - và biến thể phụ BA.2 của nó mới được phát hiện, khiến các ca nhiễm ở trẻ em tăng lên nhanh chóng.

Covid-19: Bệnh nhẹ vẫn có thể để di chứng nặng, kéo dài

Covid-19: Tác động của việc đeo khẩu trang đối với trẻ nhỏ

Đại dịch Covid-19 khiến thói hay quên trở nên trầm trọng hơn?

Theo một báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ, tỷ lệ nhập viện do nhiễm Covid-19 ở trẻ em và thiếu niên dưới 17 tuổi đã gia tăng nhanh chóng từ cuối tháng 12/2021, khi biến thể Omicron bắt đầu phát tác. Tỷ lệ này đặc biệt đáng chú ý với đối tượng trẻ em từ 0-4 tuổi do chưa đủ tuổi tiêm vaccine.

Các phát hiện tương tự cũng được ghi nhận ở Anh, với các báo cáo trong đầu tháng 2/2022 chỉ ra sự gia tăng tỷ lệ trẻ em nhập viện vì Covid-19 trong đợt lây nhiễm biến chủng Omicron, đặc biệt là các trẻ dưới 1 tuổi.

Trong khi phần lớn trẻ em hồi phục nhanh chóng, các chuyên gia vẫn lo lắng về các dấu hiệu ban đầu cho thấy tỷ lệ trẻ bị hậu Covid có thể sẽ tăng lên.

"Chúng ta đang chứng kiến có sự tăng nhẹ số lượng trẻ em bị chẩn đoán mắc các dấu hiệu hậu Covid," Carlos Oliveira, bác sỹ nhi thuộc chương trình chăm sóc hậu Covid tại Bệnh viện Yale New Haven Children, Connecticut, Hoa Kỳ, nói.

"Ví dụ như ở bệnh viện chúng tôi, số lượng trẻ nhỏ và thiếu niên được chẩn đoán mắc các dấu hiệu hậu Covid trong tháng Giêng này đã cao gấp ba lần các tháng mùa hè. Các quốc gia khác cũng đang chứng kiến xu hướng tương tự."

Điều này được củng cố bởi dữ liệu mới nhất từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh quốc, theo đó cho thấy số lượng trẻ dưới 16 tuổi tự báo cáo về việc mắc Covid kéo dài trong một khoảng thời gian bất kỳ đã tăng từ 77.000 vào tháng 10/2021 lên 119.000 trong tháng 1/2022.

Để đối phó với dòng bệnh nhân tăng lên đều đặn, Anh nay đã thiết lập 15 trung tâm nhi khoa chuyên chăm sóc hậu Covid, trong khi Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác cũng đang có kế hoạch tương tự.

Bệnh viện Nhi Los Angeles đã đóng góp 8,3 triệu đô (6,2 triệu bảng Anh) cho việc nghiên cứu chứng hậu Covid ở trẻ em và thanh thiếu niên, như một phần trong sáng kiến quốc gia mang tên Recover ("Hồi phục") nhằm giải mã bí ẩn xung quanh hậu quả mà Covid-19 có thể để lại trên cơ thể các bệnh nhân.

Nguy cơ mắc chứng hậu Covid tăng cao rõ rệt ở trẻ em cũng được nêu ra để tranh luận cho quan điểm cần tiêm vaccine cho trẻ.

Các nghiên cứu ở người trưởng thành cho thấy việc chích ngừa có liên quan tới việc giúp giảm rủi ro phát triển các triệu chứng hậu Covid. Tuy nhiên, Anh, Mỹ và nhiều quốc gia châu u như Pháp và Tây Ban Nha mới chỉ đang tiến hành tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi, còn vaccine cho trẻ dưới 5 tuổi vẫn đang chờ phê duyệt.

Mức phổ biến của chứng hậu Covid ở trẻ

Một trong những câu hỏi lớn vẫn đang chưa được giải đáp, đó là chứng hậu Covid ở trẻ em phổ biến tới mức nào.

Các nhà khoa học từ Đại học University College London (UCL) gần đây công bố định nghĩa chuẩn hóa đầu tiên về triệu chứng này - các triệu chứng ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần hoặc khả năng duy trì các mối quan hệ xã hội của trẻ, kéo dài trong ít nhất 12 tuần tính từ thời điểm đầu tiên xét nghiệm thấy mắc Covid-19. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho các nhà khoa học trong việc nghiên cứu lộ trình bệnh, các hậu quả khác nhau của nó, và tìm hiểu một cách chính xác có bao nhiêu trẻ bị ảnh hưởng.

Tháng 9/2021 vừa qua, các nhà nghiên cứu tại UCL và Cơ quan Y tế Công của xứ Anh (England) đã tìm ra những đáp án chắc chắn đầu tiên sau khi làm khảo sát trên 3.065 trẻ từ 11-17 tuổi dương tính với Covid từ tháng Giêng đến tháng Ba.

Khoảng từ 2% đến 14% các em thiếu niên vẫn còn gặp các triệu chứng mệt mỏi, thở gấp và đau đầu kéo dài trong 15 tuần sau khi khai báo kết quả xét nghiệm PCR dương tính, và tỷ lệ này cao hơn so với nhóm kiểm soát có xét nghiệm âm tính với virus.

Vào cùng khoảng thời gian này, Bộ Y tế Israel công bố khảo sát cho thấy 11,2% trẻ em nói có một vài triệu chứng Covid kéo dài trong quá trình hồi phục, và 1,8-4,6% các trẻ này tiếp tục gặp các triệu chứng trong sáu tháng sau đó.

Nguồn hình ảnh, Reuters/Hannah Beier

Chụp lại hình ảnh,

Omicron khiến tỷ lệ trẻ nhỏ và thiếu niên nhập viện tăng lên ở nhiều nơi trên thế giới

Bác sỹ nhi tại các phòng khám hậu Covid tin rằng mức độ ảnh hưởng phổ biến thực sự nằm trong khoảng 10%.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khác chỉ ra rằng dữ liệu bị lu mờ phần nào bởi thực tế là có hơn nửa số trẻ không nhiễm Covid cũng gặp các vấn đề đau đầu, mệt mỏi, khó ngủ và tập trung kém trong đại dịch.

Nhiều cuộc khảo sát về các triệu chứng dai dẳng hậu Covid ở trẻ em không so sánh trẻ nhiễm Covid-19 với trẻ không nhiễm, điều này có thể dẫn đến việc phóng đại tính phổ biến của triệu chứng.

Do vậy, nhiều nhà khoa học nhận thấy cần có các nghiên cứu bài bản hơn để xác định một cách chính xác nguy cơ thật sự của Covid kéo dài, đặc biệt trong bối cảnh Omicron đang hoành hoành. Và khả năng lớn là khi ngày càng có nhiều trẻ em được tiêm vaccine Covid-19, số liệu cũng sẽ thay đổi.

Đối với Buonsenso, bất kể mức độ phổ biến thực sự của chứng hậu Covid đối với trẻ nhỏ và thiếu niên diễn ra như thế nào, thì chỉ nội con số về trẻ em nhiễm virus thôi đã cho thấy rất nhiều trong số đó đang phải chịu đựng hậu quả kéo dài của căn bệnh.

"Kể cả khi mức độ phổ biến của Covid kéo dài chỉ khoảng 2% chẳng hạn, thì với số lượng hàng trăm ngàn trẻ nhiễm Covid, đó vẫn là một con số quá lớn," ông nói.

Lý do chính xác tại sao trẻ em lại phát triển các triệu chứng hậu Covid vẫn còn là một bí ẩn.

Oliveira nói với BBC rằng trong một vài trường hợp, trẻ em có thể bị tổn thương nội tạng từ virus gây ra bệnh Covid-19, là virus Sars-CoV-2. Virus này có thể xâm nhập vào tim hoặc tụy, gây ra những tình trạng như viêm màng ngoài tim hoặc viêm tụy - dẫn đến các vấn đề hô hấp và các biến chứng lâu dài khác, nhưng điều này tương đối hiếm.

Có một loạt các giả thuyết về lý do Covid kéo dài xảy ra ở người lớn, từ việc tái kích hoạt một virus còn đang ngủ yên, cho tới việc trong cơ thể còn sót lại những mẩu virus, cho tới phản ứng tự miễn dịch do cơ thể tạo ra thông qua thứ được gọi là kháng thể tự sinh liên kết với các tế bào ở các lớp mô khác nhau.

Hiện tượng giống như vậy có thể xảy ra ở trẻ em, nhưng có một quan điểm khác hiện đang được xem xét, đó là việc có vẻ như với chứng hậu Covid ở cả trẻ em lẫn người lớn, virus gây tổn hại đến hệ tuần hoàn.

"Giả thuyết thường được nhắc đến nhiều nhất hiện giờ là tác động viêm nhiễm lên các mạch máu nhỏ dẫn đến rối loạn chức năng nội tạng," Jakob Armann, bác sỹ nhi tại Đại học Công nghệ Dresden ở Đức, nói. Ông hiện đang thu thập mẫu máu từ học sinh cấp hai để xác định nguyên do khả dĩ của Covid kéo dài. "Nhưng dữ liệu từ trẻ em hiện giờ không đủ tin cậy để chứng minh điều này."

Nhưng Oliveira không bị thuyết phục rằng quá trình dẫn đến Covid kéo dài ở trẻ em lúc nào cũng giống như người lớn.

Có một điểm đó là hai kiểu triệu chứng này có những khác biệt tinh vi. Nhiều người lớn bị chứng 'sương mù não' và một số vấn đề thần kinh khác, các triệu chứng thường được coi là kết quả của kháng thể tự sinh, loại kháng thể tấn công chính lớp mô của cơ thể. Tuy nhiên, Oliveria nói rằng các triệu chứng Covid kéo dài chủ yếu ở trẻ em thường là mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, đau cơ và khớp.

"Nếu như các kháng thể tự sinh là nguyên nhân chính của căn bệnh, thì loại kháng thể này phải được sản xuất ra bất kể độ tuổi," ông nói. "Và như vậy thì sự phổ biến của chứng hậu Covid ở các nhóm tuổi phải như nhau. Nhưng chúng tôi không thấy điều đó, mức độ phổ biến của hậu Covid ở trẻ em là thấp hơn người lớn."

Nguồn hình ảnh, Aamir Qureshi/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Với việc trường học mở cửa trở lại ở nhiều nơi trên thế giới, sự lây lan của Covid-19 ở trẻ em cũng tăng theo

Thay vào đó, Oliveira đề cập đến một nghiên cứu trong đó chỉ ra trẻ nhỏ bị viêm hậu Covid thường có dấu vết hóa học trong máu có liên quan đến rò rỉ ruột - tức tình trạng do hệ tiêu hóa có vấn đề nên vi khuẩn từ ruột xâm nhập vào thẳng mạch máu.

Ông cho rằng tuy Covid-19 chủ yếu được coi là bệnh hô hấp ở người lớn, nhưng ở một số trẻ em quá mẫn cảm nó có thể trở thành vấn đề đường ruột, mà virus cư trú trong ruột sau đó tái thẩm thấu vào máu và gây chuyện.

"Chúng ta biết là cả trẻ em và người lớn có thể tống xuất DNA của virus thông đại tiện trong nhiều tháng, do đó khá là hợp lý khi cho rằng việc tái phơi nhiễm với virus đã chết do rò rỉ ruột sẽ kích hoạt quá trình viêm nhiễm đột ngột," ông nói.

"Nếu điều này là đúng, ta có thể kiểm tra trẻ nhiễm bệnh xem có bị rò rỉ ruột không và xem liệu ta có thể dự đoán trẻ nào sẽ có khả năng gặp vấn đề, và vấn đề đó sẽ là rất nghiêm trọng."

Nhưng cũng giống như ở người lớn, khả năng là có nhiều cách giải thích chứ không chỉ duy nhất có một.

Buonsenso hiện đang hợp tác với Viện Karolinska để xem liệu trẻ em mắc Covid kéo dài có bị rối loạn di truyền rõ rệt nào không. Daniel Munblit, chuyên gia nhi khoa tại Đại học Sechenov ở Moscow, Nga, đang nghiên cứu mối liên hệ giữa khả năng dễ bị dị ứng và khả năng mắc Covid kéo dài.

Trong suốt hai thập kỷ qua, một trong những lý thuyết chính đằng sau dị ứng là sự mất cân đối các loại bạch cầu trong cơ thể, thường được biết đến với tên gọi tế bào Th2 và Th2.

Tế bào Th2 có chức năng là hàng phòng thủ đầu tiên chống lại yếu tố ngoại nhập, và chịu trách nhiệm phát viêm để phản ứng lại mầm bệnh. Tế bào Th2 là hàng phòng thủ thứ cấp và sản sinh ra kháng thể.

Trong một hệ miễn dịch hoạt động bình thường, cả hai tế bào này phối hợp với nhau để giữ cho hệ thống cân bằng. Nhưng ở một vài cá thể mẫn cảm, khi một loại tế bào chiếm đa số, điều có thể dẫn đến phản ứng thái quá với virus hoặc tác nhân kích ứng bên ngoài, sẽ gây ra dị ứng và các bệnh tự miễn dịch khác. Munblit tin rằng đây có thể là một nguyên nhân của triệu chứng hậu Covid.

"Chúng tôi phát hiện trẻ em với tiền sử dị ứng dễ mắc phải chứng Covid kéo dài hơn," ông nói. "Nhưng tôi đang tiếp cận với phát hiện này một cách thận trọng trước khi chúng ta có thêm bằng chứng, vì thật không may là các bậc phụ huynh có xu hướng báo cáo thái quá bệnh dị ứng ở trẻ nhỏ, do đó điều này cần được nghiên cứu nhiều hơn."

Trong khi nhận thức về tác động của Covid kéo dài đến trẻ em khiến nhiều bậc phụ huynh khắp nơi trên thế giới hoảng sợ, Buonsenso nhanh chóng trấn an các gia đình rằng trong phần lớn các ca bệnh, trẻ em hồi phục chỉ trong vòng vài tháng, có nghĩa là không có tác động lâu dài đến quá trình học tập và phát triển của trẻ.

Tuy nhiên trong một số ca bệnh, trẻ em vẫn bị ốm sau hơn sáu tháng kể từ lần nhiễm Covid đầu tiên. Các chuyên gia tại Trung tâm Nhi khoa Schneider ở Israel gần đây công bố các ca trẻ em mắc Covid kéo dài tiếp tục phát triển các vấn đề mãn tính như hen suyễn và giảm thính lực, và trẻ nhỏ phát triển thụt lùi, đang biết đi bằng hai chân thì lại chuyển về động tác bò bằng tứ chi do đau cơ.

"Tính đến thời điểm này, tôi có thể nói rằng khoảng từ hai phần ba đến ba phần tư trẻ em mắc Covid kéo dài bình phục sau ba tháng, nhưng có một nhóm nhỏ, khoảng 10-20% không thể tự bình phục," Buonsenso nói. "Và chúng tôi vẫn chưa rõ liệu có bất cứ trẻ nào trong nhóm này sẽ tiếp tục chịu các di chứng như chúng ta đã chứng kiến ở bệnh sởi hoặc các bệnh lây nhiễm do virus khác hay không."

Viện Y tế Quốc gia đã khởi động một nghiên cứu nhằm theo dõi khoảng 1.000 trẻ em và thanh thiếu niên từng có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, và sẽ tiếp tục theo dõi các em trong tối đa ba năm để nghiên cứu các hậu quả lâu dài lên sức khỏe và chất lượng sống.

Các bác sỹ cũng đang nghiên cứu liệu việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em mắc Covid kéo dài có thể giúp làm giảm các triệu chứng hay không, như điều đã nhìn thấy ở người lớn. Oliveira cho biết điều này đã được kiểm chứng là cách điều trị thành công với một số trẻ em mà các mẩu virus vẫn còn vương lại trong cơ thể.

"Ý tưởng là nếu những phần mảnh virus còn sót lại trong cơ thể, vaccine có thể giúp loại bỏ chúng hoàn toàn," ông nói. "Tôi có một vài bệnh nhi có các triệu chứng dai dẳng, và không phải tất cả đều có chuyển biến tốt. Nhưng hầu hết đã khỏe hẳn hoặc bình phục một phần. Tôi cũng có một bệnh nhi bị đau vùng bụng nghiêm trọng trong nhiều tháng, và các triệu chứng khác như đau đầu và sốt. Sau khi được tiêm vaccine, tình trạng đau bụng và đau đầu hết hoàn toàn, nhưng sốt thì vẫn còn. Hai trong số ba triệu chứng biến mất, với tôi đó là thắng lợi."

Nguồn hình ảnh, Peter Kovalev/TASS/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Các nhà nghiên cứu ở Nga đang tìm hiểu liệu có mối liên hệ nào giữa dị ứng và Covid kéo dài hay không, dù vậy vẫn còn khá sớm để có thể đưa ra kết luận

Giảm thiểu tác hại

Ngoài ra, vẫn còn một vấn đề đó là làm sao để giảm thiểu bệnh tình một cách tốt nhất có thể.

Một số triệu chứng như chóng mặt có thể được điều trị bằng thuốc men để giảm nhịp tim, trong khi đó Oliveira chuyển các bệnh nhi với các cơn đau mãn tính tới các chuyên gia về hành vi nhận thức để giúp chúng tìm cách sống chung với nó.

Các chuyên gia khác hy vọng việc gia tăng nghiên cứu về Covid kéo dài ở trẻ em có thể làm sáng tỏ các biến chứng lâu dài từ những bệnh lây nhiễm do virus khác ở trẻ em. Ví dụ, RSV có thể dẫn đến hen suyễn, trong khi cúm mùa và virus Epstein-Barr có thể gây ra bệnh mãn tính ở một phần nhỏ trẻ em.

Henry Balfour, chuyên gia nhi khoa tại Trường Y thuộc Đại học Minnesota tin rằng tất cả tình trạng hậu virus có thể bắt nguồn từ một điểm yếu chung trong mã di truyền.

"Tôi cho rằng tất cả các vấn đề này đều liên quan đến một loạt rối loạn miễn dịch khác nhau, chúng có thể có chung nguồn gốc trong bộ gene chúng ta, và điều đó đáng để nghiên cứu," Balfour nói.

Nhưng với nhiều cha mẹ như Sammie McFarland, người sáng lập nhóm Long Covid Kids (Những đứa trẻ mắc chứng hậu Covid) sau khi cô con gái 15 tuổi Kitty phát triển các triệu chứng Covid kéo dài suốt một thời gian, họ cảm thấy an tâm hơn khi ngày càng có nhiều nhà hoạch định chính sách và bác sỹ tiếp cận vấn đề một cách nghiêm túc hơn trong những tháng gần đây.

Trong một cuộc phỏng vấn với BBC năm ngoái, McFarland nói khi mô tả căn bệnh của con gái cho một y tá, cô bị cho là chỉ muốn gây chú ý, và nhiều cha mẹ khác đã bị đánh giá rằng bệnh tình của con cái họ chỉ là vấn đề về tâm lý mà thôi.

"Đây đã là mối lo từ khi Trường Hoàng gia về Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em công bố bài báo về các gia đình đang báo cáo các triệu chứng cho nhân viên y tế với một cuộc thảo luận xoay quanh việc ngụy tạo bệnh tình," McFarland nói.

"Thế rồi tiếp đến là có cả một binh đoàn những người mang tư tưởng 'tích cực' theo chiều hướng độc hại, những người cho rằng tâm lý tích cực sẽ giúp chữa khỏi chứng hậu Covid. Mặc dù đúng là suy nghĩ tích cực đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ quá trình hồi phục nào, nhưng liệu pháp tinh thần không thể chữa lành được cho những nội tạng đang bị tổn thương."

Trong khi Covid kéo dài có thể chỉ ảnh hưởng đến một phần nhỏ trẻ em, Buonsenso cho rằng con số đó dẫu nhỏ nhưng vẫn đủ lớn để thế giới không được phép phớt lờ.

"Tôi biết rằng căn bệnh này ít gặp ở trẻ em hơn nhưng tôi nghĩ thật sự rất khó để nhắm mắt làm ngơ khi có quá nhiều bệnh nhi với các triệu chứng này," ông nói.

"Điều này đang bắt đầu trở thành vấn đề với hệ thống y tế quốc gia, vì việc chăm sóc trẻ em với nhiều bệnh đi kèm như vậy rất phức tạp và tốn kém. Chúng ta đã trải qua các vấn đề dai dẳng trong quá khứ vì Epstein-Barr và các bệnh lây nhiễm do virus khác, nhưng điểm khác biệt chính hiện nay là hàng ngàn bệnh nhân đang chiến đấu để đưa cuộc sống của họ trở về với quỹ đạo bình thường."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Video liên quan

Chủ đề