Thời kỳ ủ bệnh trung bình của dại năm 2024

Virus dại không chỉ lây nhiễm cho những vật nuôi trong gia đình như chó, mèo... Nước bọt của bất kỳ loài thú có vú nào nhiễm virus dại đều có thể chứa virus dại và lây nhiễm cho con người. Ở Việt Nam, nguồn truyền bệnh dại là động vật có vú hoang dã và động vật sống gần người, nhiều nhất là chó chiếm 96-97%, sau đó là mèo 3- 4%, những động vật khác (thỏ, chuột, sóc...) chưa phát hiện được.

Thời kỳ ủ bệnh

Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, virus dại phát triển ở lớp mô trong cùng bên dưới da người (được gọi là mô dưới da), hoặc từ cơ bắp, vào các dây thần kinh ngoại biên (tức là các dây thần kinh trong cơ thể nằm ngoài não hoặc tủy sống). Virus di chuyển dọc theo dây thần kinh đến tủy sống và não với tốc độ ước tính 12 - 24 mm mỗi ngày.

Sau khi bị động vật nhiễm virus dại cắn, người bệnh sẽ rơi vào thời kỳ ủ bệnh. Tức là giai đoạn cơ thể không có triệu chứng sau khi tiếp xúc với virus. Thời gian này trung bình từ 20 – 60 ngày, tuy nhiên đã có ghi nhận trường hợp có thời gian ủ bệnh kéo dài nhiều năm.

Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh ngắn.

Giai đoạn bùng phát

Biểu hiện khi mắc bệnh dại có 2 loại: thể hung dữ và thể bại liệt

- Thể hung dữ

Triệu chứng rầm rộ và tử vong nhanh chóng:

+ Sợ nước, sợ âm thanh, dễ bị kích động.

+ Co thắt cơ, co thắt hầu họng, co giật toàn thân.

+ Ảo giác, mất định hướng…

+ Cuối cùng sẽ dẫn đến hôn mê, ngưng tim ngưng thở và tử vong.

- Thể liệt

+ Bệnh nhân liệt tiến triển, dần ra toàn thân.

+ Bí tiểu tiện, đại tiện…

+ Liệt các cơ hô hấp, cuối cùng cũng dẫn đến tử vong. Thể bại liệt có thời gian tiến triển tới tử vong chậm hơn thể hung dữ.

Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỉ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy, bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vaccine đúng và đầy đủ.

Có nên tiêm vắc xin phòng bệnh Dại?

Tiêm vắc xin phòng bệnh dại là bắt buộc, nếu bị động vật (đặc biệt là chó, mèo) nghi nhiễm virus dại cắn. Tuy nhiên, tình trạng vết cắn cần được đánh giá bởi bác sĩ để có chỉ định phù hợp. Dựa vào tính chất, đặc điểm và vị trí của vết thương là rất quan trọng để chọn lựa phương pháp can thiệp.

Một yếu tố khác quan trọng không kém là theo dõi con vật đã cắn người. Thông thường là theo dõi con vật khỏe mạnh trong vòng10 ngày. Nếu trong thời gian theo dõi, con vật chết, biến mất hoặc có hành vi bất thường (dễ bịch kích động, tiết nhiều nước bọt/sùi bọt mép, cắn khi không bị trêu chọc, chạy mà không có lí do rõ ràng,…) cần báo ngay cho cơ sở y tế để được hướng dẫn.

Bệnh dại sẽ khởi phát nhanh, có thời gian ủ bệnh ngắn 10-15 ngày khi bị động vật tấn công vào đầu, mặt, cổ hoặc khu vực nhiều dây thần kinh.

Bộ Y tế ghi nhận từ đầu năm 2024 đến 15/3, toàn quốc có 22 ca tử vong do chó mèo cắn, cào, gấp đôi so với cùng kỳ 2023. Các tỉnh có số ca tử vong cao gồm Gia Lai 14 ca, Nghệ An 7, Bình Phước 7, Điện Biên 6, Bến Tre 5, Đắk Lắk và Bình Thuận 4.

Trong đó, nhiều trường hợp dưới 5 tuổi, bị cắn ở vùng đầu, mặt, gần khu vực thần kinh trung ương. Thời gian ủ bệnh ngắn hơn, từ 10-15 ngày, trong khi thông thường thời gian ủ bệnh ở người kéo dài từ 2-8 tuần.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết bệnh dại có thời gian ủ bệnh phức tạp, phụ thuộc vào tình trạng, vị trí vết cắn, lượng virus đưa vào cơ thể. Thời gian ủ bệnh ngắn hơn khi nạn nhân bị thương ở vùng chi trên, đầu, mặt, cổ hoặc khu vực chứa nhiều đầu mút thần kinh như đầu ngón tay, chân, bộ phận sinh dục...

Sau khi vào cơ thể, virus dại sẽ di chuyển dọc theo dây thần kinh, mỗi ngày từ 12-24mm để lên não bộ. Vị trí vết cắn càng gần não bộ, virus sẽ đến đích nhanh hơn. Đây là lý do chính khiến thời gian ủ bệnh rút ngắn còn 10-15 ngày.

Y văn thế giới từng ghi nhận các ca bệnh tử vong do dại có thời gian ủ bệnh dưới một tuần với vết cắn gần hệ thần kinh trung ương. TP Trùng Khánh (Trung Quốc), năm 2007-2016 ghi nhận 809 ca tử vong do dại, trong đó có 6 ca với thời gian ủ bệnh dưới một tuần, nạn nhân chịu nhiều vết cắn xuyên da ở đầu và cổ.

Philippines từ năm 1987 đến năm 2006 ghi nhận 7 trường hợp tử vong trong vòng một tuần kể từ khi phơi nhiễm. Nạn nhân cũng có các vết cắn ở mặt, đầu và cổ, thời gian ủ bệnh ngắn hơn so với vết cắn ở tứ chi. Vết cắn ở chi trên có xu hướng thời gian ủ bệnh ngắn hơn so với vết cắn ở chi dưới. Theo Sở Y tế Los Angeles (Mỹ), ca phát bệnh dại ngắn nhất từng được ghi nhận là 4 ngày sau khi bị cắn.

Từ các thông tin nói trên, bác sĩ Chính khuyến cáo người dân chú trọng phòng bệnh dại hơn nữa với hai điểm chính gồm sơ cứu vết thương đúng cách và phải tiêm chủng.

Vết thương do chó cắn ở vùng đầu, mặt, cổ, đầu mút thần kinh sẽ khiến thời gian ủ bệnh dại ngắn hơn. Ảnh: Pixabay

Khi có vết thương do động vật cắn cào, mọi người cần rửa vết thương dưới vòi nước sạch trong 15 phút với xà phòng, rửa với nước sạch nếu không có xà phòng. Sau đó, mọi người rửa lại vết thương bằng cồn 45-70 độ hoặc cồn iốt, không thực hiện các hành động: băng kín, không đắp lá, nặn máu, chà xát vết thương nghi nhiễm dại do khiến virus đi vào cơ thể nhanh hơn. Cuối cùng, mọi người cần đến trung tâm tiêm chủng gần nhất để được tư vấn chủng ngừa.

Số liều vaccine, có cần tiêm huyết thanh hay không phụ thuộc vào tình trạng vết thương và lịch sử chủng ngừa. Nếu chưa chủng ngừa dại, vết thương nghiêm trọng, người bị cắn sẽ tiêm huyết thanh để sinh kháng thể nhanh trong vòng 24 giờ, ngăn virus tại chỗ trong lúc chờ vaccine tạo kháng thể. Tiếp theo, người bị thương cần tiêm 5 mũi ngừa dại, các lần phơi nhiễm sau cần tiêm hai mũi.

Bác sĩ Chính cho biết thêm, vaccine dại có thể tiêm dự phòng trước khi bị cắn, cào. Đây là biện pháp dự phòng cần thiết cho người thường xuyên tiếp xúc với động vật, ở xa các cơ sở y tế khi bị cắn, cào hoặc làm ngành nghề có khả năng phơi nhiễm cao với dại như thú ý, kiểm lâm, nhân viên chăm sóc vườn thú. Phác đồ gồm 3 mũi, sau đó dùng thêm hai mũi vaccine, không cần tiêm huyết thanh khi bị động vật tấn công.

Ngoài ra, gia đình tránh để trẻ chơi với động vật khi không có sự giám sát của người lớn. Thú cưng cần được chủng ngừa dại đều đặn, không thả rông hoặc đeo rọ mõm, được quản lý tốt khi xuất hiện ở khu vực công cộng.

Chủ đề