Thế nào là hiện đại hóa hành chính nhà nước năm 2024

Hiện đại hóa nền hành chính (HĐHNHC) là xu hướng tất yếu trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng phát triển của thế giới, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay, HĐHNHC là nền tảng để xây dựng chính quyền điện tử, bảo đảm quyền con người (QCN), quyền công dân (QCD), đúng với quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thế nào là hiện đại hóa hành chính nhà nước năm 2024

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn hướng đến việc hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về QCN, QCD, được hình thành, đúc rút từ lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhận thức chung của cộng đồng quốc tế, thực tiễn và những yêu cầu đặt ra trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục được khẳng định, Đảng ta nhất quán cách tiếp cận trong bảo đảm, bảo vệ và thúc đẩy QCN ở Việt Nam trong giai đoạn mới là “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ QCN, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn QCD với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân với xã hội”. Quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân kết hợp hài hòa với quyền tập thể và không tách rời nghĩa vụ, trách nhiệm công dân; QCN, QCD được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật và trách nhiệm của Nhà nước, của tất cả các ngành, các địa phương, cơ sở là phải tích cực, chủ động thực hiện nhằm ngày càng hoàn thiện và nâng cao các QCN, QCD. Đây là mối quan hệ biện chứng về quyền và nghĩa vụ, giữa Nhà nước - chủ thể có trách nhiệm trao quyền với Nhân dân - chủ thể thụ hưởng quyền. Văn kiện Đại hội XIII cũng đã bổ sung một nội dung mới quan trọng và vô cùng ý nghĩa dưới góc độ QCN: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra định hướng phát triển đất nước đến năm 2030, đó là “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”. Cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 (Nghị quyết số 76/NQ-CP, ngày 15/7/2021), trong đó nêu rõ: CCHC là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong suốt công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, là một trong những giải pháp đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển; là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình CCHC ở nước ta được xác định là tiến hành cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) và HĐHNHC hướng tới nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hoạt động công vụ; tạo ra bước chuyển căn bản thủ tục giải quyết công việc giữa các cơ quan nhà nước (CQNN) với nhau, giữa CQNN với tổ chức xã hội và giữa CQNN với công dân.

Thực tiễn tại Nghệ An, ngày 14/12/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh CCHC trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết nhấn mạnh công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cơ chế chính sách tiếp tục được hoàn thiện; thủ tục hành chính được đơn giản hóa, công khai, minh bạch, giảm thời gian và chi phí thực hiện, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Tổ chức bộ máy từng bước được sắp xếp tinh gọn, giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được bố trí, sắp xếp hợp lý hơn; tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, kỷ cương, kỷ luật hành chính có chuyển biến tích cực. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, cung cấp dịch vụ công ngày càng cao và phát huy hiệu quả. Tính chủ động của nhiều đơn vị được nâng lên thông qua việc thực hiện tốt cơ chế tự chủ.

Thời gian qua, CCTTHC và HĐHNHC đã được triển khai ở mọi cấp, mọi ngành, trên một số lĩnh vực đã có những tác động đến việc bảo đảm các quyền cơ bản của công dân như: CCTTHC và HĐHNHC theo hướng “một cửa”, “một cửa liên thông”, nhiều loại giấy tờ không cần thiết đã được bãi bỏ; đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân; cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích… Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho cá nhân, tổ chức đã đạt được một số kết quả tích cực, số lượng dịch vụ công cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4 ngày càng cao; chất lượng cung cấp cũng từng bước được nâng lên mức độ 4.

Kết quả cụ thể: Năm 2021, hệ thống một cửa điện tử đã cung cấp 1.833 dịch vụ công trực tuyến bao gồm 673 dịch vụ công mức độ 2; 407 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 753 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Trong đó 20 sở, ngành cung cấp 291 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 461 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 21/21 huyện, thành phố, thị xã cung cấp 98 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 92 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Quý I/2022, tỉnh đã rà sớt, tích hợp lên Cổng dịch vụ công trực tuyến Quốc gia 1.917 dịch vụ công, bao gồm: 658 dịch vụ công mức độ 2; 386 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 873 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Trong đó 21 sở, ngành cung cấp 301 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 724 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 21/21 huyện, thành phố, thị xã cung cấp 85 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 149 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Việc cải cách đó nhằm bảo đảm, bảo vệ các quyền của công dân ngày một tốt hơn; hướng tới một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả. Kết quả của CCTTHC và HĐHNHC tạo ra bước chuyển căn bản trong thủ tục giải quyết công việc giữa các CQNN với nhau, giữa CQNN với tổ chức xã hội và giữa CQNN với công dân.

Tuy vậy, trên thực tế, khi cần đến cơ quan công quyền để giải quyết những công việc cụ thể, công dân lại thấy sự phức tạp của thủ tục và quy trình, không đầy đủ của các quy phạm pháp luật về thủ tục. Không ít trường hợp khi công dân đến cơ quan hành chính nhà nước yêu cầu, đề nghị, hay để thực hiện những quyền chủ thể của mình cũng rất khó khăn, phải qua nhiều cửa, nhiều cấp. Rõ ràng, ở đây TTHC đã không bảo đảm một cách đầy đủ được các quyền của con người, quyền của công dân; mặt khác, chính các quy phạm TTHC đôi khi làm phức tạp, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các quyền của họ đã được pháp luật ghi nhận.

Việc hình thành các hệ thống dữ liệu dùng chung chưa đầy đủ; việc kết nối, liên thông giữa các phần mềm quản lý chuyên ngành, dữ liệu dùng chung của các cơ quan, đơn vị còn khó khăn, gây cản trở cho công tác quản lý và giải quyết công việc cho người dân, tổ chức. Các dịch vụ công trực tuyến chủ yếu mới chỉ triển khai cung cấp đến cấp độ 3 là chủ yếu; tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, số lượng hồ sơ trực tuyến theo từng dịch vụ còn thấp, nhiều dịch vụ không phát sinh hồ sơ trực tuyến. Mức độ sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động công vụ tại nhiều cơ quan, đơn vị còn chưa đồng đều; các tương tác hai chiều và giao dịch hoàn chỉnh mới bước đầu được thực hiện…

Từ đây, nảy sinh vấn đề phải chăng chúng ta CCTTHC còn nặng về cải cách quy trình, trình tự, thời hạn, thời hiệu, cách thức, lề lối làm việc và sự minh bạch của các cơ quan hành chính nhà nước, mà chưa cải cách bộ máy hành chính nhà nước, chưa kịp thời thực hiện việc HĐHNHC, chưa phân cấp một cách đầy đủ, hữu hiệu; chưa thay đổi thẩm quyền của các CQNN ở mọi cấp, mọi ngành một cách hợp lý trong việc giải quyết các công việc của công dân, tổ chức.

Để tăng cường cải cách và HĐHNHC bảo đảm QCN, QCD trong thực hiện TTHC ở Nghệ An hiện nay, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hiện đại hóa và đồng bộ về cơ sở vật chất tại tất cả các cơ quan, đơn vị trong TTHC nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời các trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức, nhất là việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp ở mức độ 4 ngày càng nhiều hơn và có chất lượng (theo hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015).

Thứ hai, sự phối hợp, liên kết, liên thông về cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình giải quyết TTHC, nhất là tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh (cơ chế một cửa) nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp; phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC của các CQNN trong từng trường hợp, nội dung cụ thể đối với các cá nhân, tổ chức nhằm giải quyết dứt điểm ngay tại đơn vị, cơ sở…

Thứ ba, rà soát, kiểm soát TTHC ngay từ khâu soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật; bãi bỏ những văn bản, thủ tục còn chồng chéo, gây phiền hà cho người dân… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong qua trình giải quyết TTHC, bảo đảm QCN, QCD. Việc xây dựng được hệ thống các TTHC tốt (nhanh, gọn, đơn giản, chi phí thấp) sẽ góp phần rút ngắn quá trình giải quyết TTHC, đảm bảo quyền lợi của công dân, bảo đảm hiệu quả QCN ở một mức độ rộng lớn trong xã hội.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, công khai TTHC, giúp cán bộ trực tiếp giải quyết TTHC và người dân tham gia thực hiện TTHC được nắm rõ nhằm bảo đảm QCN, QCD.

Cần phải nhận thức rằng, Nhà nước không chỉ có nghĩa vụ ban hành văn bản, công khai văn bản trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà một nhiệm vụ quan trọng khác đó là sự cần thiết phải tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới mọi tầng lớp nhân dân. Tức hoạt động công khai thông tin về TTHC không chỉ giới hạn trong việc giới thiệu về nó mà còn bảo đảm rằng mọi người dân đều có khả năng tiếp cận các thông tin này. Chỉ có như thế, ý nghĩa và hiệu quả của việc CCTTHC, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mới được đảm bảo và bảo đảm được QCN, QCD.

Thứ năm, nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống các cơ quan hành chính. Một vấn đề không kém phần quan trọng trong bảo đảm QCN liên quan đến áp dụng các TTHC, đó là chất lượng phục vụ của hệ thống các cơ quan hành chính, mà cụ thể là thái độ phục vụ của cán bộ, công chức. Nên cần tăng cường và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, văn hóa ứng xử, đạo đức công vụ cho CB, CCVC… Tránh tình trạng nhũng nhiễu xảy ra trong việc chấp hành các TTHC.