Tại sao trong lòng cứ buồn

Chương 13

Tại sao tôi cảm thấy buồn nản?

Mỹ Linh luôn là đứa con hoàn hảo trong tâm tưởng mẹ cô—cho đến ngày cô 17 tuổi. Sau đó cô học hành sa sút, từ chối tất cả các lời mời tiệc tùng, và cũng chẳng quan tâm gì khi thang điểm hạng A tụt xuống C. Khi bố mẹ ân cần thăm hỏi, cô giận dữ bỏ đi, chỉ nói: “Hãy để con yên! Chẳng có chuyện gì cả”.

Lúc 14 tuổi, Mạnh có tính khí rất bốc đồng và hung hăng. Ở trường, cậu không chịu ngồi yên và hay gây rối. Khi không hài lòng hoặc giận dữ, cậu phóng mô-tô như điên ở những vùng hoang vắng hoặc trượt ván lao xuống các đồi dốc.

MỸ LINH và Mạnh, cả hai đều mắc cùng một căn bệnh, đó là chứng buồn nản. Tiến sĩ Donald McKnew thuộc Viện Sức Khỏe Tâm Thần Quốc Gia (Hoa Kỳ) nói có khoảng 10 đến 15 phần trăm học sinh có tính khí thất thường. Một số ít hơn mắc phải chứng buồn nản nghiêm trọng.

Đôi khi căn nguyên của vấn đề là do yếu tố sinh học. Sự nhiễm trùng, hoặc rối loạn bên trong cơ thể, sự thay đổi hoóc-mon vào chu kỳ kinh nguyệt, bệnh thiếu đường trong máu, một vài loại thuốc nào đó, độc tính của kim loại hoặc hóa chất, dị ứng, chế độ ăn kiêng bất quân bình, thiếu hồng huyết cầu—tất cả những điều trên có thể gây nên sự buồn nản.

Áp lực là cội rễ của chứng buồn nản

Tuy nhiên, chính lứa tuổi thiếu niên thường là ­nguyên nhân của tâm trạng căng thẳng. Vì thiếu kinh nghiệm trưởng thành trong việc đối phó với những thăng trầm của cuộc sống, các bạn trẻ có thể nghĩ rằng chẳng ai quan tâm đến mình và đâm ra buồn nản tột độ về những điều tương đối thông thường.

Không đạt được kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô, bạn hữu là nguyên nhân khác gây nên phiền muộn. Thí dụ, Đồng nghĩ anh phải xuất sắc ở trường để làm hài lòng cha mẹ là những người có học thức cao. Vì không được toại ­nguyện, anh trở nên buồn nản và muốn tự tử. Đồng than thở: “Tôi chẳng làm được gì ra trò. Tôi luôn làm mọi người thất vọng”.

Ép-ba-phô-đích là trường hợp cụ thể cho thấy cảm giác thất bại có thể khơi dậy sự buồn nản. Vào thế kỷ thứ nhất, người tín đồ Đấng Christ trung thành này được đặc phái đi giúp đỡ sứ đồ Phao-lô đang bị giam. Nhưng khi vừa gặp được Phao-lô thì ông ngã bệnh, và vì thế, sứ đồ Phao-lô ngược lại đã phải chăm sóc ông! Thế nên, chắc bạn có thể hình dung được tại sao Ép-ba-phô-đích đã cảm thấy như mình thất bại và trở nên “âu lo”. Dường như ông đã quên đi tất cả những điều tốt ông đã làm được trước khi ngã bệnh.—Phi-líp 2:25-30, Nguyễn Thế Thuấn.

Cảm giác bị mất mát

Francine Klagsbrun viết trong quyển sách của bà mang tên Too Young to Die—Youth and Suicide (Quá trẻ để chết—Giới trẻ và sự tự tử) như sau: “Cốt lõi của những sự buồn nản do cảm xúc gây ra là cảm giác mất mát quá lớn, mất một người hay một cái gì đó vô cùng thân yêu”. Thế nên, việc cha mẹ mất hoặc ly dị, mất việc làm hoặc sự nghiệp, và ngay cả sức khỏe suy yếu cũng có thể là cội rễ của sự buồn nản.

Nhưng đối với một người trẻ, sự mất mát đau đớn nhất là mất tình thương, cảm giác bị ruồng rẫy và bỏ bê. Một phụ nữ trẻ tên Mai nói: “Khi mẹ bỏ chúng tôi, tôi cảm thấy bị phản bội và cô đơn lắm. Thế giới của tôi bỗng nhiên đảo lộn”.

Vậy hãy hình dung tâm trạng hoang mang và đau đớn mà một số bạn trẻ cảm nhận khi đứng trước những vấn đề gia đình như ly dị, nghiện ngập, loạn luân, đánh vợ, bạo hành trẻ con, hoặc đơn thuần bị bố mẹ ruồng bỏ vì chính họ cũng bị những vấn đề riêng ray rứt. Câu châm ngôn sau trong Kinh Thánh thật đúng: “Nếu con ngã lòng trong ngày hoạn-nạn, thì sức-lực con [bao hàm năng lực chống lại sự buồn nản] nhỏ-mọn thay”! (Châm-ngôn 24:10) Các bạn trẻ có thể nhầm lẫn tự trách mình về những rắc rối trong gia đình.

Nhận biết những triệu chứng

Có nhiều mức độ buồn nản khác nhau. Một bạn trẻ có thể tạm thời nản lòng vì một vài chuyện phiền muộn nào đó. Thường thì những nỗi buồn như thế sẽ chóng qua đi.

Tuy nhiên, nếu trạng thái buồn nản kéo dài và bạn trẻ đó có ý nghĩ tiêu cực, kèm theo cảm giác vô dụng, lo âu, và giận dữ, thì có thể đưa đến tình trạng mà các bác sĩ gọi là chứng buồn nản kinh niên nhẹ. Như kinh nghiệm của Mạnh và Mỹ Linh (được nói đến ở đầu chương) cho thấy, có nhiều triệu chứng rất khác nhau. Có người đâm ra hay lo âu, có người luôn cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon, ngủ không yên, sụt cân, hay gặp phải nhiều tai biến.

Một số bạn trẻ cố giấu nỗi buồn nản của mình bằng cách lao mình vào lạc thú: liên miên tham dự hội hè, quan hệ tình dục bừa bãi, phá hoại, say sưa và những điều tương tự. Một thiếu niên 14 tuổi thú nhận: “Thật sự tôi cũng không hiểu tại sao mình cứ rong chơi mãi. Chỉ biết rằng nếu ở một mình, cô độc, tôi cảm thấy rất khó chịu”. Đó đúng là điều Kinh Thánh mô tả: “Dầu trong lúc cười cợt lòng vẫn buồn-thảm; và cuối-cùng sự vui, ấy là điều sầu-não”.—Châm-ngôn 14:13.

Khi tình trạng không đơn thuần là buồn bã

Nếu không đối phó với chứng buồn nản kinh niên nhẹ, nó có thể tiến đến một trạng thái rối loạn nghiêm trọng hơn—trầm uất. (Xem trang 107). Mai, một nạn nhân của chứng trầm uất, giải thích: “Tôi luôn cảm thấy như mình đã ‘chết’ ở bên trong. Tôi hiện hữu nhưng vô cảm. Tôi luôn mang cảm giác khiếp sợ”. Khi bị trầm uất, trạng thái u uất thường kéo dài và có thể tiếp diễn trong nhiều tháng. Cuối cùng, nó chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc tự tử của lứa tuổi thiếu niên mà ngày nay được xem như “một bệnh dịch tiềm ẩn” ở nhiều quốc gia.

Cảm xúc dai dẳng và độc hại nhất liên quan tới chứng trầm uất là cảm giác tuyệt vọng. Giáo sư John E. Mack đã viết về một thiếu nữ 14 tuổi, tên Vivienne, mắc bệnh trầm uất. Bề ngoài, cô là một thiếu nữ hoàn hảo, được cha mẹ quan tâm chăm sóc. Thế nhưng, trong nỗi tuyệt vọng tột cùng cô đã tự treo cổ! Giáo sư Mack viết: “Một yếu tố quan trọng dẫn đến quyết định tự tử của Vivienne là cô không biết được khi nào nỗi buồn mới chấm dứt, và không có hy vọng sẽ được giải thoát khỏi sự đau khổ”.

Vì thế, những người bị chứng trầm uất thường cảm thấy như sẽ chẳng có gì khả quan hơn, chẳng có ngày mai. Theo các chuyên gia, sự tuyệt vọng như thế thường dẫn đến hành vi tự tử.

Tuy nhiên, tự tử không phải là giải pháp. Mai, cô gái từng có cuộc sống chẳng khác nào cơn ác mộng, thú thật: “Ý tưởng tự tử hiện ra trong trí tôi rất mãnh liệt. Nhưng tôi ý thức rằng chừng nào tôi chưa tự tử là luôn luôn còn hy vọng”. Thật ra, kết liễu cuộc đời không giải quyết được gì. Bất hạnh thay, khi đương đầu với nỗi ­tuyệt vọng, nhiều bạn trẻ không thể hình dung được một lối thoát nào khả quan hơn. Thế nên Mai đã che giấu tâm sự mình bằng cách chích hê-rô-in. Cô nói: “Tôi đầy tự tin—chỉ khi nào ma tuý còn tác dụng”.

Đối phó với những buồn phiền nhỏ

Có nhiều phương cách hợp lý để đương đầu với cảm giác buồn nản. Tiến sĩ Nathan S. Kline, một chuyên gia về chứng buồn nản ở New York, nhận xét: “Một số người bị buồn nản vì đói. Có thể một người không ăn sáng và vì nguyên cớ nào đó lại bỏ bữa ăn trưa. Rồi đến ba giờ chiều anh ta bắt đầu thắc mắc không hiểu tại sao mình không được khỏe”.

Các món ăn cũng có thể đóng một vai trò quan trọng. Diễm, một thiếu nữ luôn luôn bị cảm giác tuyệt vọng đeo đuổi, thừa nhận: “Tôi đã không ý thức được rằng việc ăn quà vặt lại làm hại cho tính tình của tôi đến thế. Trước kia, tôi ăn vặt rất nhiều. Giờ đây, tôi nhận ra rằng khi ít ăn đồ ngọt, tôi cảm thấy khỏe hơn”. Ngoài ra, một số hình thức tập thể dục hữu ích có thể nâng cao tinh thần bạn. Trong một vài trường hợp, kiểm tra sức khỏe là điều bắt buộc vì chứng buồn nản có thể là triệu chứng của những bệnh về thể chất.

Chiến thắng trong trận đấu tư tưởng

Thông thường, chứng buồn nản phát sinh hoặc trầm trọng hơn bởi những ý nghĩ tiêu cực về chính mình. Yến Loan, 18 tuổi, than vãn: “Khi bạn bị một số người soi mói, điều ấy khiến bạn cảm thấy mình chẳng ra gì”.

Hãy nghĩ xem: Không lẽ bạn lại để cho người khác đánh giá con người bạn sao? Phao-lô, sứ đồ của Đấng Christ, đã gặp phải sự châm chích tương tự. Một số người cho rằng ông là một người yếu đuối và một diễn giả kém. Điều đó có làm cho sứ đồ Phao-lô cảm thấy mình không xứng đáng không? Hoàn toàn không! Phao-lô biết rằng đạt được tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời mới là điều quan trọng. Ông có thể hãnh diện về những điều mình đã hoàn thành với sự trợ giúp của Đức Chúa Trời—bất chấp lời đàm tiếu của kẻ khác. Nếu bạn nhớ rằng chính bạn cũng có một vị thế trước mặt Đức Chúa Trời, tâm trạng u uất thường sẽ mất đi.—2 Cô-rinh-tô 10:7, 10, 17, 18.

Còn như bạn buồn nản vì sự yếu kém hoặc tội lỗi nào đó đã phạm thì sao? Đức Chúa Trời đã nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Dầu tội các ngươi như hồng-điều, sẽ trở nên trắng như tuyết”. (Ê-sai 1:18) Đừng bao giờ quên lòng thương xót và kiên nhẫn của Cha chúng ta ở trên trời. (Thi-thiên 103:8-14) Tuy nhiên, bạn có đang phấn đấu hết sức để khắc phục vấn đề của mình không? Bạn phải làm phần mình nếu muốn tự trấn an tâm trí về cảm giác tội lỗi. Châm-ngôn nói: “Ai xưng [tội lỗi mình] ra và lìa-bỏ nó sẽ được thương-xót”.—Châm-ngôn 28:13.

Một phương cách khác để chống lại nỗi buồn là tự đặt ra cho mình những mục tiêu thực tế. Bạn không nhất thiết phải đứng đầu lớp mới thành công. (Truyền-đạo 7:16-18) Hãy chấp nhận những sự thất vọng như là một phần của cuộc sống. Khi thất vọng, thay vì nghĩ rằng: ‘Chẳng ai quan tâm đến những chuyện xảy đến cho tôi và sẽ không bao giờ có ai màng quan tâm’, hãy tự nhủ: ‘Tôi sẽ vượt qua’. Và nếu bạn có khóc nức nở thì cũng chẳng có gì là sai cả.

Giá trị của sự thành tựu

Đang Phương, một người đã thành công vượt qua những lúc buồn nản, khuyên: “Nỗi thất vọng sẽ không tự nó biến đi. Bạn phải thay đổi lối suy nghĩ hoặc tham gia các hoạt động chân tay. Hãy bắt tay làm một công việc nào đó”. Hãy xem trường hợp của Liễu, trong khi đang vất vả chống chọi tâm trạng ủ rũ, cô nói: “Tôi ngồi vào bàn máy may, may quần áo cho tôi và quên dần đi những điều khiến mình bực bội. Công việc thật rất hữu ích”. Làm những công việc theo sở trường của bạn có thể tạo cho bạn sự tự tin—thường thấp tột cùng trong thời kỳ buồn nản.

Tham gia các hoạt động giải trí cũng là điều bổ ích. Hãy thử đi mua sắm cho vui, tham dự các trò chơi, nấu món ăn bạn thích, lượn một vòng hiệu sách, đi ăn tiệm, đọc sách, hay ngay cả giải các trò chơi đố, như trò chơi trong tạp chí Tỉnh Thức!

Diễm nhận thấy rằng nhờ hoạch định những chuyến đi chơi ngắn hoặc tự đề ra những mục tiêu nho nhỏ, cô đã có thể vượt qua được trạng thái chán nản. Tuy nhiên, một trong những trợ lực lớn nhất của cô là quan tâm giúp đỡ người khác. Diễm thổ lộ: “Tôi gặp một phụ nữ trẻ đang rất buồn chán, và tôi bắt đầu giúp cô học Kinh Thánh. Những buổi thảo luận hàng tuần đã cho tôi cơ hội để giải thích với cô những phương cách giúp vượt qua trạng thái buồn nản. Kinh Thánh đã mang đến hy vọng thật sự cho cô ấy đồng thời cũng đã giúp đỡ cho chính tôi nữa”. Quả thật, đúng như lời của Chúa Giê-su: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”.—Công-vụ 20:35.

Tâm sự với người khác

“Sự buồn-rầu ở nơi lòng người làm cho nao-sờn; nhưng một lời lành khiến lòng vui-vẻ”. (Châm-ngôn 12:25) Một “lời lành” từ người biết thông cảm có thể làm thay đổi tất cả vấn đề. Không ai có thể đọc được những gì bạn ấp ủ trong lòng, thế nên hãy tâm sự với người bạn tin cậy và có năng lực để giúp đỡ. Châm-ngôn 17:17 nói: “Bằng-hữu thương-mến nhau luôn luôn; và anh em sanh ra để giúp-đỡ trong lúc hoạn-nạn”. Vinh, một thanh niên 22 tuổi, nói: “Nếu bạn cứ ôm ấp tâm sự một mình chẳng khác gì tự mang gánh nặng, nhưng khi bạn chia sẻ vấn đề với một người có khả năng giúp đỡ, nó trở nên nhẹ nhàng hơn”.

Bạn có thể nói: ‘Nhưng tôi đã thử làm như thế rồi, và điều mà tôi nhận được chỉ là một bài diễn thuyết suông hướng về khía cạnh tươi sáng của cuộc sống’. Thế thì, bạn có thể tìm ở đâu một người vừa biết thông cảm lắng nghe vừa là một cố vấn khách quan?—Châm-ngôn 27:5, 6.

Tìm kiếm sự giúp đỡ

Hãy bắt đầu bằng cách ‘dâng lòng’ bạn cho cha mẹ. (Châm-ngôn 23:26) Họ hiểu bạn hơn bất cứ một ai khác, và thường có thể giúp đỡ bạn nếu bạn đồng ý. Nếu nhận thấy vấn đề thật sự nghiêm trọng, cha mẹ có thể thu xếp để bạn được sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý.*

Các thành viên của hội thánh tín đồ Đấng Christ cũng là một nguồn trợ lực khác. Mai tiết lộ: “Qua nhiều năm tôi đã sống ngụy tạo khiến chẳng ai thật sự hiểu được tôi bị buồn nản đến độ nào. Nhưng rồi tôi tâm sự với một chị lớn tuổi trong hội thánh. Chị thật là người đầy thông cảm! Chị cũng đã từng trải qua những kinh nghiệm như tôi. Thật khích lệ khi nhận thức được rằng có nhiều người khác, khi rơi vào hoàn cảnh tương tự như tôi, đã vượt qua một cách tốt đẹp”.

Không, chứng buồn nản của Mai đã không tan biến ngay. Nhưng dần dần, cô bắt đầu đối phó được với những cảm xúc của mình khi thắt chặt hơn mối liên hệ với Đức Chúa Trời. Cũng vậy, trong vòng những người thờ phượng thật của Đức Giê-hô-va, bạn cũng có thể tìm được những người bạn và “gia đình”, những người thành thật quan tâm đến lợi ích của bạn.—Mác 10:29, 30; Giăng 13:34, 35.

Quyền lực siêu vời

Tuy nhiên, sự giúp đỡ mạnh mẽ nhất để xua đuổi nỗi u sầu là điều mà sứ đồ Phao-lô gọi là “quyền lực siêu vời” đến từ Đức Chúa Trời. (2 Cô-rinh-tô 4:7, Nguyễn Thế Thuấn) Nếu nương tựa nơi Ngài, Ngài sẽ giúp bạn vượt qua nỗi buồn nản. (Thi-thiên 55:22) Bằng thánh linh, Ngài sẽ ban cho bạn quyền lực vượt quá sức bình thường.

Thật vậy, làm bạn với Đức Chúa Trời được nhiều sự bình an. Một phụ nữ trẻ tên Đoan nói: “Khi buồn, tôi cầu nguyện rất nhiều. Tôi biết rằng Đức Giê-hô-va sẽ tạo cho tôi một lối thoát dù vấn đề có khó khăn đến đâu”. Đang Phương đồng ý, và thêm rằng: “Bạn có thể thổ lộ với Đức Giê-hô-va tất cả mọi chuyện. Bạn chỉ cần mở lòng mình ra và rồi bạn biết không, ngay dù không ai có thể giúp bạn, sẽ có Ngài thật sự hiểu và chăm sóc bạn”.

Thế nên, nếu bạn buồn nản, hãy cầu nguyện Đức Chúa Trời và tìm đến một người khôn ngoan, biết thông cảm, một người mà bạn có thể trút hết nỗi lòng. Trong hội thánh tín đồ Đấng Christ, bạn sẽ có các “trưởng-lão” là những cố vấn khéo léo. (Gia-cơ 5:14, 15) Họ sẵn sàng giúp bạn giữ vững tình bạn với Đức Chúa Trời. Ngài hiểu và mời bạn trao nỗi lo âu cho Ngài “vì Ngài hay săn-sóc anh em”. (1 Phi-e-rơ 5:6, 7) Thật thế, Kinh Thánh hứa: “Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ”.—Phi-líp 4:7.

[Chú thích]

Trước hiểm họa tự tử, hầu hết các chuyên gia y học đều khuyên nạn nhân của chứng trầm uất nên nhận sự giúp đỡ của chuyên gia. Thí dụ, bệnh nhân có thể cần đến thuốc men mà chỉ bác sĩ chuyên khoa mới có quyền cấp phát.

Câu hỏi để thảo luận

◻ Một vài nguyên nhân nào có thể khiến một bạn trẻ trở nên buồn nản? Bạn có bao giờ cảm thấy như thế không?

◻ Bạn có thể nêu những triệu chứng của bệnh trầm uất không?

◻ Bạn có biết cách nhận ra chứng trầm uất không? Tại sao đây là một bệnh nghiêm trọng?

◻ Hãy liệt kê vài phương cách chống lại sự buồn bã. Trong các đề nghị này, có đề nghị nào đã có hiệu nghiệm đối với bạn chưa?

◻ Khi bạn bị trầm uất, tại sao việc thổ lộ những vấn đề của mình ra là điều quan trọng?

[Câu nổi bật nơi trang 106]

Trầm uất là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc tự tử của lứa tuổi thiếu niên

[Câu nổi bật nơi trang 112]

Một tình bạn cá nhân với Đức Chúa Trời có thể giúp bạn đương đầu với sự trầm uất

[Khung nơi trang 107]

Đó có thể là chứng trầm uất chăng?

Bất cứ ai cũng có thể tạm thời mắc phải một hoặc hai triệu chứng liệt kê sau đây dù chẳng có vấn đề gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu vài triệu chứng kéo dài hoặc bất cứ triệu chứng nào trầm trọng đến độ chi phối các hoạt động bình thường của bạn, bạn có thể mắc phải (1) một căn bệnh thuộc về thể chất và cần được bác sĩ khám kỹ, hoặc (2) một sự rối loạn tâm thần nghiêm trọng—chứng trầm uất.

Không có gì làm bạn vui thích. Bạn không còn thấy vui trong những hoạt động trước đây từng gây hứng thú cho bạn. Bạn cảm thấy hư ảo như trong sương mù và sinh hoạt cách máy móc, vô hồn.

Hoàn toàn vô giá trị. Bạn cảm thấy cuộc sống mình chẳng góp phần gì quan trọng và hoàn toàn vô dụng. Bạn có thể cảm thấy mình đầy tội lỗi.

Đổi tính hẳn. Nếu trước đây bạn là người cởi mở, nay trở nên lãnh đạm hoặc ngược lại. Bạn thường hay khóc.

Hoàn toàn tuyệt vọng. Bạn cảm thấy mọi việc thật tồi tệ, bạn không thể làm gì cả để thay đổi cục diện, và tình thế sẽ không bao giờ tốt hơn.

Ước gì được chết đi. Nỗi buồn rầu sâu đậm đến nỗi bạn thường cảm thấy chết đi là tốt hơn.

Không thể tập trung. Bạn nghĩ ngợi mông lung hoặc đọc mà không hiểu.

Thay đổi thói quen ăn uống và bài tiết thức ăn. Không còn thấy thèm ăn hoặc ăn quá mức. Táo bón hoặc tiêu chảy từng chặp.

Thói quen ngủ bị thay đổi. Bạn ngủ ít quá hoặc nhiều quá. Có thể thường gặp ác mộng.

Nhức nhối và đau đớn. Nhức đầu, quặn thắt, và đau ở bụng và ngực. Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi liên miên nhưng không có nguyên nhân chính đáng.

[Hình nơi trang 108]

Không đạt được kỳ vọng của cha mẹ có thể khiến một bạn trẻ cảm thấy buồn nản

[Hình nơi trang 109]

Tâm sự với người khác và trút nỗi lòng của bạn là một trong những phương cách tốt nhất để vượt qua

[Hình nơi trang 110]

Giúp đỡ người khác là một cách khác để xua đuổi sự buồn bã

Video liên quan

Chủ đề