Sự phân hóa giàu nghèo ở việt nam năm 2024

Người dân mưu sinh giữa trưa nắng (ảnh chụp trên đường Tống Văn Trân, quận 11, TP.HCM) - Ảnh: HỮU HẠNH

Tuy nhiên, công cuộc giảm nghèo, bên cạnh đó là thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo vẫn là vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới.

Chênh lệch thu nhập khoảng cách giàu nghèo vẫn cao

Niên giám thống kê năm 2022 được Tổng cục Thống kê công bố hồi giữa năm ghi nhận mức chênh lệch về thu nhập giữa nhóm người có thu nhập cao nhất và nhóm người có thu nhập thấp nhất tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ là rất đáng lưu tâm.

Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội năm 2022 khoảng 6,42 triệu đồng/tháng, trong khi của TP.HCM khoảng 6,39 triệu đồng/tháng, Hải Phòng khoảng 5,89 triệu đồng/tháng, Đà Nẵng khoảng 5,8 triệu đồng/tháng, Cần Thơ khoảng 5,32 triệu đồng/tháng.

Thu nhập bình quân là vậy nhưng mức thu nhập này không được phân bố đều cho dân cư, chênh lệch thu nhập giữa nhóm thu nhập cao nhất với nhóm có thu nhập thấp nhất trong mỗi đô thị ngày càng lớn.

Tại Hà Nội, nhóm người có thu nhập bình quân cao nhất khoảng 13,38 triệu đồng/tháng, trong khi nhóm người có thu nhập bình quân thấp nhất khoảng 2,04 triệu đồng/tháng, mức chênh lệch là 6,5 lần.

Tại TP.HCM, nhóm người có thu nhập bình quân cao nhất khoảng 12,85 triệu đồng/tháng, trong khi nhóm người có thu nhập bình quân thấp nhất khoảng 2,88 triệu đồng/tháng, chênh lệch 4,5 lần.

Tương tự, mức độ chênh lệch thu nhập giữa hai nhóm người này tại các đô thị lớn khác như sau: Hải Phòng 5,2 lần, Đà Nẵng 5,3 lần, Cần Thơ 6 lần.

Điểm đáng lưu ý là chênh lệch thu nhập, giàu nghèo không chỉ xảy ra tại các đô thị lớn mà ngay tại các địa phương vùng khó khăn, miền núi, những tỉnh nghèo.

Con số thống kê năm 2022 cho thấy chính các tỉnh nghèo nhất cả nước lại là những tỉnh có mức độ chênh lệch thu nhập cao nhất nước.

Theo đó, những tỉnh dẫn đầu về chênh lệch thu nhập bình quân hằng tháng của cả nước trong năm 2022 là: Cao Bằng 12,2 lần, Bắc Kạn 11,7 lần, Lào Cai 8,8 lần, Sơn La 8,9 lần, Lai Châu 8,4 lần, Quảng Trị 9 lần, Đắk Nông 8,7 lần, Trà Vinh 9 lần.

Theo Tổng cục Thống kê, chênh lệch thu nhập của cả nước hiện nay khoảng 7,6 lần, trong năm 2022 nhóm người có thu nhập bình quân thấp nhất cả nước đạt 1,35 triệu đồng/tháng, trong khi nhóm người có thu nhập bình quân cao nhất cả nước đạt khoảng 10,23 triệu đồng/tháng.

Tại khu vực đô thị, chênh lệch thu nhập bình quân giữa hai nhóm người này là 6,1 lần, trong khi tại khu vực nông thôn khoảng 7,2 lần.

Sự phân hóa giàu nghèo ở việt nam năm 2024

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Làm gì để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng sự chênh lệch của khoảng cách về thu nhập, giàu nghèo là xu hướng tất yếu của các nền kinh tế. Bởi tốc độ tăng thu nhập của nhóm người có thu nhập thấp nhất tăng rất chậm do cơ hội kiếm tiền của nhóm này rất ít.

Còn nhóm người có thu nhập cao, nhóm người giàu thì họ biết kinh doanh, có nhiều cơ hội kiếm tiền, nhóm này lại có vốn đầu tư nên việc tăng thu nhập qua các năm đương nhiên sẽ nhanh hơn nhóm người nghèo.

Việc thu hẹp khoảng cách về thu nhập, giàu nghèo giữa các nhóm người phụ thuộc vào chính sách an sinh xã hội của mỗi nước, qua đó giúp cho nhóm thu nhập thấp có việc làm, cải thiện thu nhập - ông Lâm cho biết thêm.

Còn ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhận định khi nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, khoảng cách giàu nghèo trở nên rõ ràng hơn và trở thành xu hướng.

Do vậy, Nhà nước cần đầu tư thêm nguồn lực về cơ sở hạ tầng để người nghèo có tư liệu sản xuất, đồng thời dạy nghề, tạo việc làm để họ có thu nhập, tự nâng cao cuộc sống.

Hơn nữa, những chính sách phải hướng tới việc để người có thu nhập thấp chuyển sang khu vực chính thức để có thu nhập ổn định, tham gia lưới an sinh lâu dài, giảm ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng như dịch COVID-19.

Còn theo một chuyên gia kinh tế, muốn rút ngắn khoảng cách giàu nghèo thì việc đầu tư phải xác định mục tiêu, giải pháp phải cụ thể, sát với thực tế. Chẳng hạn, sau đại dịch COVID-19 các gói hỗ trợ kịp thời đã hỗ trợ người nghèo tạm vượt qua khó khăn. Song về lâu dài cơ quan chức năng phải chú trọng việc kết nối cung - cầu lao động, kịp thời hỗ trợ người lao động mất việc làm.

Bên cạnh đó, các chương trình giảm nghèo cần được quan tâm hơn nữa để dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số, vươn lên thoát nghèo, xây dựng quê hương.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ước tỉ lệ hộ nghèo chuẩn đa chiều năm 2023 còn gần 3%, giảm trên 1% so với cuối năm 2022. Riêng tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% và tỉ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 18%.

Sự phân hóa giàu nghèo ở việt nam năm 2024

Mảnh đời vô gia cư - Ảnh: T.T.D.

Khuyến nghị của World Bank để giảm khoảng cách giàu - nghèo ở Việt Nam

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về đói nghèo và bình đẳng với tựa đề "Từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp" công bố tháng 4-2022, tỉ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm đáng kể trong giai đoạn 2010 - 2020 trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng mạnh, giáo dục đạt nhiều thành quả, và có sự dịch chuyển khỏi nông nghiệp, dù bất bình đẳng có tăng nhẹ trong nửa sau của giai đoạn 10 năm vừa qua.

Cụ thể, trong thập niên qua, tỉ lệ nghèo theo chuẩn quốc gia thu nhập trung bình thấp của Ngân hàng Thế giới (3,20 USD/ngày ngang giá sức mua năm 2011) giảm từ 16,8% xuống còn 5%, với trên 10 triệu người được thoát nghèo. Nhưng đại dịch COVID-19 đã đẩy lùi tiến bộ đạt được trong giảm nghèo và bất bình đẳng được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng.

Việt Nam cần đảm bảo rằng có các đường hướng dịch chuyển kinh tế bền vững nhằm thực hiện khát vọng trở thành quốc gia có thu nhập cao trong vòng hai thập niên tới.

Các hộ gia đình cần có chiến lược mới để vươn lên mức sống của quốc gia thu nhập trung bình cao và quốc gia thu nhập cao. Hàng triệu người đã thoát nghèo trong thập niên qua vào lúc này cần tiếp tục leo lên nấc thang kinh tế tiếp theo.

Sự phân hóa giàu nghèo ở việt nam năm 2024

Đầu tư cho giáo dục và nâng cao năng suất lao động là những biện pháp giảm nghèo bền vững. Trong ảnh: một tiết học tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

* Đầu tư công bằng vào vốn nhân lực là điều kiện cần để giảm nghèo bao trùm và phá vỡ xu thế nghèo liên thế hệ. Nhu cầu đặt ra là tiếp tục cải thiện chất lượng và khả năng tiếp cận giáo dục bậc cao.

* Trở thành quốc gia thu nhập cao đòi hỏi năng suất lao động cũng cần được nâng cao. Môi trường kinh doanh và giáo dục bậc cao cần tiếp tục được cải thiện sao cho nhóm dân số trẻ được tận dụng đầy đủ và có thể giúp Việt Nam hiện thực hóa đầy đủ tiềm năng tăng trưởng của mình.

* Chính sách kinh tế nhằm duy trì tăng trưởng bền vững cần được bổ sung bằng những chiến lược phòng vệ để tránh các hộ gia đình bị tái nghèo.

* Trợ giúp xã hội cần được thực hiện hiệu quả hơn cho các hộ nghèo theo hướng mở rộng phạm vi bao phủ và tăng mức hỗ trợ nhằm đạt được kết quả giảm nghèo và bất bình đẳng lớn hơn, bên cạnh tăng tổng chi đồng thời hợp nhất các chương trình hiện còn manh mún nhằm đảm bảo hiệu suất cao hơn.

* Để huy động vốn cho nhu cầu đầu tư công để xóa nghèo đồng thời phát triển tầng lớp trung lưu được đảm bảo về an ninh kinh tế, Việt Nam có thể mở rộng cơ sở tính thu từ thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản), tìm hiểu việc áp dụng các sắc thuế mới để vừa tăng thu vừa xử lý những tác động ngoại ứng tiêu cực.