Quy dinh dán nhãn hàng hóa tại kho ngoại quan

(HQ Online) - Thực hiện Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 9/12/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017, Tổng cục Hải quan tiếp tục hướng dẫn các cục hải quan tỉnh, thành phố về ghi nhãn hàng hóa trong một số trường hợp.

Quy dinh dán nhãn hàng hóa tại kho ngoại quan
Công chức Chi cục Hải quan Hòa Lạc (Cục Hải quan Hà Nội) kiểm tra hàng hóa XNK. Ảnh: T.Hương

Đối với hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước và hàng hóa là quà biếu, quà tặng, Tổng cục Hải quan cho biết, căn cứ khoản 1 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ thì hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước và hàng quà biếu, quà tặng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định.

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu nêu trên phải thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định tại Nghị định này.

Đối với hàng hóa nhập khẩu là linh kiện, trường hợp hàng hóa nhập khẩu là linh kiện, không thể hiện được các nội dung bắt buộc trên hàng hóa thì trên bao bì thương phẩm của hàng hóa nhập khẩu phải có nhãn và nhãn phải thể hiện các nội dung bắt buộc theo quy định tại mục 2 khoản 5 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 9/12/2021.

Cũng liên quan đến vấn đề ghi nhãn hàng hóa theo Nghị định mới, trước đó, Tổng cục Hải quan đã hướng dẫn một số nội dung.

Chẳng hạn, về việc ghi nhãn trên hàng hóa, bao bì của hàng hóa xuất khẩu, theo quy định khoản 3 Điều 10 Nghị định số 43/20217/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP thì nhãn hàng hóa xuất khẩu thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu.

Trường hợp hàng hóa xuất khẩu được sản xuất từ nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau, không xác định được xuất xứ, căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 111/2021/NĐ-CP thì trên hàng hóa, bao bì của hàng hóa xuất khẩu ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa, thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”, “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng lưu ý các đơn vị tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP có một số điểm mới như sau:

Nghị định này quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa xuất khẩu (khoản 1 Điều 1);

Nghị định này không áp dụng đối với hàng hóa nhập gửi kho ngoại quan để xuất khẩu sang nước thứ ba (điểm b khoản 2 Điều 1);

Những nội dung bắt buộc phải thể hiện bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt trên nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu khi làm thủ tục thông quan (khoản 2 Điều 10);

Ngày 09/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa (viết tắt là Nghị định).

Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điểm mới về quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa xuất khẩu (khoản 1 Điều 1); Nghị định không áp dụng đối với hàng hóa nhập gửi kho ngoại quan để xuất khẩu sang nước thứ ba (điểm b khoản 2 Điều 1); Những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa lưu thông tại thị trường Việt Nam phải ghi bằng tiếng Việt, trừ hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ trong nước (khoản 1 Điều 7); Những nội dung bắt buộc phải thể hiện bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt trên nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu khi làm thủ tục thông quan (khoản 2 Điều 10); Quy định về việc ghi xuất xứ hàng hóa (Điều 15).

Đối với quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về ghi nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Nghị định bổ sung hàng hóa xuất khẩu thuộc đối tượng quản lý nhà nước về nhãn hàng hóa. Theo đó, Nghị định sửa đổi quy định về xuất xứ hàng hóa: Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

Ngoài ra, hàng hóa là trang thiết bị y tế được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của chủ sở hữu số lưu hành. Trường hợp trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân trên giấy phép nhập khẩu.