Nhà nước nhật bản theo hình thức chính thể nào năm 2024

- Giai đoạn thành lập và xây dựng nhà nước phong kiến Nhật Bản (từ thế kỷ thứ VI đến nửa đầu thế kỷ XIX) được chia làm ba thời kỳ:

+ Từ thế kỷ thứ VI đến đầu thế kỷ thứ VIII: là giai đoạn thành lập nhà nước phong kiến tập quyền, đóng đô ở Asuka (gần thành phố Nara ngày nay). Tên nước từ Yamato đổi thành Nhật Bản(2). Thiên Hoàng Xiotocu công bố Luật 17 điều, trong đó đề cao tư tưởng trung quân. Chính tư tưởng trung quân, muốn xây dựng và củng cố một nhà nước trung ương tập quyền vững mạnh theo hình mẫu Trung Quốc là nguyên nhân dẫn đến cuộc cải cách Taica(3) - cuộc cải cách đầu tiên trong lịch sử hành chính Nhật Bản.

+ Từ thế kỷ thứ IX đến cuối thế kỷ XII: các dòng họ quý tộc hùng mạnh ở Heian thay nhau nắm sức mạnh chính trị của đất nước, lấn át quyền lực của Thiên Hoàng. Trong mô hình quản lý nhà nước thời kỳ này có chức danh Nhiếp chính. Đó là người giúp Thiên Hoàng trị vì đất nước và thâu tóm mọi quyền lực. Cuối thời kỳ này, tầng lớp võ sĩ samurai bắt đầu hình thành và tranh giành quyền lực với các dòng tộc quý tộc.

+ Từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIX: là thời kỳ phát triển cuối cùng và cao nhất của chế độ phong kiến Nhật Bản, thường được gọi là thời kỳ Bakufu - tức Mạc phủ(4). Thời kỳ Mạc phủ được chia làm 3 giai đoạn: Mạc phủ Kamakưra, Mạc phủ Muromachi và Mạc phủ Tokưgaoa(5). Thời kỳ này bắt đầu từ việc Minamoto Yoritomo được Thiên Hoàng phong cho danh hiệu Tướng quân - mở đầu cho việc thiết lập chính quyền quân sự của tầng lớp samurai ở Nhật Bản. Thực chất quyền lực nhà nước lúc này nằm trong tay chính quyền quân sự; từ đó chính quyền Mạc phủ tồn tại song song với chính quyền của Thiên Hoàng cho đến năm 1868.

- Giai đoạn xây dựng nhà nước quân chủ lập hiến Nhật Bản (từ nửa sau thế kỷ XIX đến nay). Nhà nước phong kiến Nhật Bản được thay thế bởi nhà nước quân chủ lập hiến thông qua cuộc cải cách của Thiên Hoàng Minh Trị. Mô hình chính quyền Nhật Bản được chuyển đổi theo hướng kết hợp giữa thể chế chính trị của phương Tây - phân chia quyền lực theo chế độ đại nghị (thành lập Chính phủ lập hiến) kết hợp với thể chế quan liêu truyền thống của Nhật Bản (vẫn duy trì chế độ Thiên Hoàng). Bằng cải cách Minh Trị, quyền lực của Thiên Hoàng được khôi phục đồng thời cũng là sự cáo chung của chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm tại Nhật Bản.

Nhật Bản là nước theo hệ thống quân chủ lập hiến, trong đó Thủ tướng là người nắm quyền cao nhất về các phương diện quản lý quốc gia và chịu sự giám sát của hai viện quốc hội cùng Tòa án Hiến pháp có thẩm quyền ngăn chặn các quyết định vi hiến của chính phủ. Thiên Hoàng về danh nghĩa là tối cao nhưng chỉ mang tính tượng trưng, không được tham gia vào chính trị.

Nhà nước nhật bản theo hình thức chính thể nào năm 2024
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe sau buổi hội đàm hôm 28/5/2016. Ảnh: Chinhphu.vn

2. Những đặc điểm nổi bật của lịch sử hành chính nhà nước Nhật Bản

Thứ nhất, Nhật Bản thay đổi tên gọi các thời kỳ lịch sử theo địa danh hành chính mà chính quyền trung ương đặt ở đó. Từ năm 710-794 Nhật Bản chọn Nara làm kinh đô nên thời kỳ này được gọi là thời đại Nara; từ năm 794-1192, Nhật Bản chọn kinh đô ở Heian (Kyoto) nên gọi thời kỳ này là thời đại Heian; thời kỳ Mạc phủ có Mạc phủ Kamakưra, Mạc phủ Muromachi, Mạc phủ Tokưgaoa. Điều này rất khác với các nước phương Đông khác như Trung Quốc, Việt Nam, bán đảo Triều Tiên…

Thứ hai, xây dựng nhà nước phong kiến Nhật Bản theo mô hình nhà nước phong kiến Trung Quốc đương thời nhưng vẫn giữ bản sắc riêng. Thiên Hoàng củng cố chính quyền trung ương tập quyền thông qua đề cao đạo Phật, tiếp thu tư tưởng chính trị Nho gia, lập hội đồng nhà nước tối cao và 8 bộ (nội chính, tư pháp, quân sự, kinh tế, tài chính,…), đặt ra 12 cấp quan lại và quy định chế độ không cha truyền con nối. Như vậy, việc xây dựng thể chế có mô phỏng thể chế Trung Quốc, song cái mới của triều đình Thiên Hoàng lúc này là đặt 12 cấp cao - thấp cho hệ thống quan lại (Trung Quốc có 9 bậc); chế độ quan lại cha truyền con nối ở Trung Quốc được thay đổi phù hợp với điều kiện của Nhật Bản; Trung Quốc có 6 bộ chịu sự quản lý của cơ quan Tam sảnh, ở Nhật Bản Thiên Hoàng thành lập hội đồng nhà nước tối cao quản lý các cơ quan chức năng này…

Thứ ba, sau khi tách khỏi ảnh hưởng của mô hình hành chính phong kiến Trung Quốc, lịch sử hành chính phong kiến Nhật Bản xuất hiện hai mô hình tổ chức bộ máy nhà nước song song tồn tại: bộ máy hành chính do Thiên Hoàng quản lý và bộ máy hành chính do Tướng quân quản lý.

Sau khi bộ máy chính quyền Mạc phủ của các Tướng quân được xác lập thì hệ thống quan chức do Thiên Hoàng cử đến các địa phương đã không có hiệu lực, xa rời triều đình và dần phục tùng Mạc phủ. Do quản lý một cách thực tế và hữu hiệu đối với mọi khu vực của đất nước nên người dân nước này dần dần coi Mạc phủ là chính quyền trung ương của Thiên Hoàng ở Kyoto. Các Tướng quân đã hình thành một bộ máy hoàn chỉnh gồm các cơ quan chính quyền với các chính sách được vạch ra để điều hành trong một thời gian rất dài. Tổ chức này không giống kiểu triều đình, các cơ quan được đặt tên theo thực tế công việc chứ không nặng về chức danh, phẩm tước. Mệnh lệnh của Tướng quân thông qua các quan lại địa phương trở thành mệnh lệnh của chính quyền nhà nước. Hơn nữa, bằng việc giữ địa vị thống trị về kinh tế (đất đai và thu thuế) và quân sự, Tướng quân có được địa vị cao nhất về chính trị, nắm quyền điều hành đất nước như người đứng đầu nhà nước. Trong khi đó, các nhà cầm quyền ở Kyoto không còn thực quyền ở các tỉnh. Khi quyết định chủ trương hoặc bổ nhiệm nhân sự trong triều Thiên Hoàng đều tham khảo ý kiến của chính quyền Mạc phủ, sự đồng tình từ quan Nhiếp chính và cơ quan chính quyền đại diện của Kamakưra ở Kyoto. Ngược lại, Mạc phủ luôn nhân danh lệnh của Thiên Hoàng để truyền đạt các chính sách, sắc lệnh, chỉ dụ nhằm giữ uy tín và tăng thêm quyền lực cho mình. Đặc biệt, mọi chỉ dụ đó đều do Hội đồng nhà nước của Mạc phủ soạn thảo.

Từ hai mô hình bộ máy hành chính trên cho thấy:

- Nhà nước Nhật Bản trong giai đoạn phát triển của chế độ phong kiến là chế độ chuyên chính quân phiệt, nhằm đàn áp phong trào khởi nghĩa của nông dân và thợ thủ công, bảo vệ những đặc quyền đặc lợi của giai cấp phong kiến, hạn chế khuynh hướng phân quyền cát cứ. Mặc dù có thâu tóm quyền lực vào chính quyền trung ương, củng cố chế độ độc tài chuyên chế nhưng nhà nước Nhật Bản vẫn không ngăn cản được khuynh hướng phân quyền cát cứ. Đây được coi là một nét đặc trưng trong quá trình phát triển của nhà nước phong kiến Nhật Bản.

- Quá trình tồn tại hai hệ thống chính quyền cùng mối quan hệ trên đã ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình lịch sử và tạo nên một đặc trưng riêng của Nhật Bản: các Nhiếp chính không bao giờ cướp ngôi của Thiên Hoàng; các Tướng quân dù thực quyền nhưng luôn giữ quan hệ thân thiện với Thiên Hoàng, luôn tỏ lòng kính trọng với Thiên Hoàng… Lòng trung thành với Thiên Hoàng là truyền thống vững chắc trong xã hội Nhật Bản. Thiên Hoàng luôn là biểu tượng thiêng liêng của dân tộc nên không vị Tướng quân nào dám công khai có hành vi chống đối hoặc tỏ ra không trung thành. Vì thế khuynh hướng phân quyền cát cứ ở Nhật Bản cũng mang đặc điểm riêng không giống các quốc gia khác.

Thứ tư, sau cuộc cải cách của Minh Trị, Nhật Bản là nước theo chính thể quân chủ lập hiến, quyền lực của Thiên Hoàng bị hạn chế rất nhiều. Với tư cách nguyên thủ quốc gia, Thiên Hoàng chỉ mang tính chất tượng trưng, đại diện cho truyền thống, sự thống nhất của quốc gia, không có nhiều quyền hành trong thực tế, “nhà vua trị vì nhưng không cai trị”.

Tuy nhiên, thời gian đầu Thiên Hoàng có quyền hạn rất lớn, được ghi trong Hiến pháp ban hành vào năm 1889. Theo đó, tổ chức bộ máy được quy định như sau:

- Thiên Hoàng có quyền hạn: triệu tập, giải tán Quốc hội, đình chỉ các đạo luật mà Quốc hội đã chấp thuận, quyết định chiến tranh hay hòa bình, tổng tư lệnh quân đội, bổ nhiệm và bãi nhiệm các bộ trưởng. Chính phủ chỉ chịu trách nhiệm trước Thiên Hoàng mà không chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

- Quốc hội có quyền lập pháp và thông qua ngân sách. Quốc hội có 2 viện: Viện quý tộc - tương đương thượng nghị viện. Thiên Hoàng chỉ định có 368 nghị viên được chọn trong số hoàng thân đứng tuổi, quý tộc tước công, hầu, bá, tử, nam và 66 người được chọn trong những người có công lao đặc biệt với nhà nước. Viện dân biểu - tương đương hạ nghị viện. 12 năm đầu có 300 nghị viên, năm 1925 tăng lên 464 nghị viên. Viện này do một số dân chúng có quyền bầu cử bầu ra theo hình thức công khai.

- Nội các là cơ quan hành pháp do Thiên Hoàng lập ra, nắm thực quyền chính trị. Đứng đầu nội các là Thủ tướng. Các thành viên của Nội các chịu trách nhiệm trước Thiên Hoàng mà không chịu trách nhiệm trước nghị viện. Như vậy, quyền lực của nghị viện rất hạn chế, chỉ là hình thức. Thiên Hoàng có cơ quan tư vấn là Viện cơ mật, đối lập với nghị viện mà khống chế Nội các.

Trong bộ máy nhà nước, Bộ binh và Bộ hải quân chỉ quản lý về hành chính đối với lục quân và hải quân, còn quyền chỉ huy hai lực lượng này thuộc về Bộ Tổng tham mưu hải - lục quân. Tham mưu trưởng có quyền báo cáo trực tiếp lên Thiên Hoàng, không cần thông qua Nội các. Do đó, quân đội có vị trí to lớn và độc lập nhất định với Chính phủ. Như vậy, quyền lực của Thiên Hoàng bao trùm lên cả quyền hành pháp, lập pháp và là người đứng đầu quân đội.

3. Những nét tương đồng với lịch sử hành chính nhà nước Việt Nam

Một là, sự ra đời quốc gia cổ đại Nhật Bản tương tự như lịch sử Việt Nam, cũng bắt nguồn từ một câu truyện truyền thuyết. Theo truyền thuyết, nước Nhật Bản được thành lập từ khoảng năm 660 trước công nguyên. Đó là thuở ban sơ, vũ trụ chưa có hình thù, có tới tám trăm vạn thần linh, sống ở trên Cánh Đồng Trời, từ đó nhìn xuống chỉ thấy bóng tối, sương mù và nước. Hai vị thần trong tuổi thanh xuân là chàng Izanagi và nàng Izanami nhận nhiệm vụ làm cho mặt đất đi theo đời sống mà sinh sôi nảy nở… Họ quên mình là thần linh, sống như con người, kết hôn với nhau và sinh "con" đầy đàn để tạo thành các bộ tộc người ở Nhật Bản… Câu truyện truyền thuyết trên khiến chúng ta liên tưởng đến cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ và cái bọc trăm trứng của người Bách Việt những năm 696-692 trước công nguyên.

Thứ hai, cơ sở ra đời của nhà nước Yamato (nhà nước cổ đại Nhật Bản) cũng dựa vào yếu tố kinh tế - xã hội; đó là quá trình tan rã của chế độ công xã nguyên thủy, phân hóa tài sản và xuất hiện giai cấp. Ngoài ra, cơ sở ra đời nhà nước Nhật Bản còn xuất phát từ việc giải quyết xung đột giữa các bộ lạc để có một thủ lĩnh hùng mạnh nhất trở thành thủ lĩnh liên minh các bộ lạc, trở thành Thiên Hoàng. Thiên Hoàng xây dựng nhà nước chuyên chế cổ đại với việc biến hệ thống các thủ lĩnh bộ lạc thành hệ thống quan lại đại diện chính quyền trung ương quản lý các địa phương.

Thứ ba, Nhật Bản cũng có một giai đoạn chịu ảnh hưởng từ mô hình hành chính của nhà nước phong kiến Trung Quốc. Từ thể chế đến xây dựng bộ máy quan lại đều ảnh hưởng của tư tưởng chính trị đạo Khổng. Từng bước Nhật Bản xây dựng một nhà nước trung ương tập quyền với việc Thiên Hoàng ban cho tập đoàn quan lại, quý tộc nhiều quyền lực, quyền lợi; trong đó có quyền sở hữu đất đai của tầng lớp võ sĩ samurai. Từ đó Nhật Bản nhanh chóng bứt ra khỏi sự ảnh hưởng của mô hình hành chính Trung Quốc, tạo cho mình một bộ máy hành chính mang màu sắc riêng.

Thứ tư, từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIX là thời kỳ nền hành chính Nhật Bản mang nét đặc trưng riêng biệt, không giống với các quốc gia khác. Sự phát triển của chế độ tư hữu ruộng đất làm xuất hiện các trang viên phong kiến rộng lớn ở Nhật Bản; đặc biệt, Nhật Bản đã cho phép các trang viên được xây dựng lực lượng quân đội riêng. Điều này giống mô hình quản lý ruộng đất, thực hiện chế độ ban cấp thái ấp, điền trang cho các quan lại, quý tộc; cho phép quan lại, quý tộc dòng họ được xây dựng lực lượng quân đội riêng của nhà Trần ở Đại Việt thế kỷ XII-XIII.

Thứ năm, cùng với việc Thiên Hoàng bổ nhiệm chức Tướng quân là việc thiết lập chính quyền quân sự của tầng lớp samurai và xây dựng thể chế chính trị kết hợp chặt chẽ giữa quân sự và hành chính ở Nhật Bản. Hệ thống chính quyền Mạc phủ tồn tại song song với chính quyền của Thiên Hoàng cho đến năm 1868. Thực chất quyền hành nằm trong tay của chính quyền Mạc phủ với bộ máy hành chính được tổ chức đơn giản nhưng hữu hiệu. Có nhiều ý kiến cho rằng đây là thể chế hai chính quyền song song tồn tại gần giống như chính quyền thời Lê - Trịnh ở Việt Nam từ năm 1593 đến 1786.

Như vậy, so với Việt Nam, nhà nước cổ đại Nhật Bản ra đời muộn hơn khoảng 5-6 thế kỷ; cũng có giai đoạn chịu ảnh hưởng của mô hình hành chính Trung Quốc và trải qua thời gian dài của chế độ phong kiến. Song quá trình phát triển của mỗi nước có sắc thái độc đáo và riêng biệt. Ngày nay, dù hai quốc gia lựa chọn hai lối đi riêng, song đều hướng đến sự đoàn kết, ổn định để phát triển thịnh vượng trong tương lai./.

ThS. Nguyễn Thị Thu Hòa - Học viện Hành chính quốc gia

------

Ghi chú:

(1) Phan Ngọc Liên, Lịch sử Nhật Bản, Nxb Văn hóa - Thông tin, H.1995, tr.45.

(2) Nhật = mặt trời; Bản = gốc hay còn gọi là “đất nước mặt trời mọc”.

(3) Thiên hoàng Hiếu Đức có hiệu là Tai ca nên cuộc cải cách này mang tên ông.

(4) Mạc là lều, phủ là chính phủ = nghĩa là đại bản doanh của chính quyền quân sự.

(5) Tên được đặt theo địa điểm đặt tại bản doanh của chính quyền Mạc phủ.

Tài liệu tham khảo:

1. Viện Kinh tế thế giới, Edwin O.Reischauer (sách dịch). Nhật Bản câu chuyện về một quốc gia, Nxb Thống kê, H. 1998.

2. Thích Thiện Ân. Lịch sử tư tưởng Nhật Bản, Nxb Đông phương, Sài Gòn, 1965.

3. Nguyễn Văn Hồng. Lịch sử giáo dục thời Minh Trị Duy Tân, Nxb Giáo dục, H. 1994.

4. Hisao Kanamori. Thành công của Nhật Bản - những bài học về phát triển kinh tế, Nxb Khoa học xã hội, H. 1994.