Ngày 25 tháng 04 là ngày gì

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử là sự kiện đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình mở rộng và củng cố chính quyền nhà nước. Nhân dân ta tự mình nắm lấy vận mệnh để xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

45 năm trước, ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất đã diễn ra sôi nổi, thành công tốt đẹp, trở thành ngày hội lớn của nhân dân cả nước. Kết quả của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước là một thắng lợi chính trị to lớn của nhân dân ta trên con đường đấu tranh để hoàn thành thống nhất nước nhà.

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trong cả nước diễn ra trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của nhân dân Việt Nam. Sau 30 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ và anh dũng chống xâm lược của chủ nghĩa thực dân, với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Nhân dân ta được sống trong hòa bình, được làm chủ vận mệnh của mình, hết sức phấn khởi, tự hào và tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, với nguyện vọng tha thiết đất nước được độc lập, thống nhất, nhân dân càng quyết tâm thực hiện thống nhất đất nước về mặt Nhà nước.

Trước tình hình đó, nhằm tạo ra những điều kiện cần thiết, thuận lợi để phát triển toàn diện đất nước. Tháng 9/1975, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Hội nghị đề ra phương hướng của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới là: “Hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, và nhấn mạnh: “Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng tha thiết bậc nhất của đồng bào cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam”(1). “Thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước cũng tức là chính thức hóa việc thống nhất Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện thống nhất nước nhà về các mặt khác.”(2)

Tiếp đó, từ ngày 15 đến ngày 21/11/1975, Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc đã được tổ chức tại Sài Gòn. Hội nghị đánh giá tình hình và đi đến quyết định “quyết tâm phấn đấu để cuộc Tổng tuyển cử tới đây đạt kết quả tốt và thật sự là một ngày hội lớn của đồng bào cả nước”.

Trên cơ sở Hội nghị Hiệp thương, công tác chuẩn bị Tổng tuyển cử được triển khai ở các địa phương trên cả nước, góp phần phát huy tinh thần làm chủ và nâng cao trình độ giác ngộ chính trị của nhân dân cũng như ý thức của nhân dân trong công cuộc xây dựng và củng cố chính quyền. Để tuyên truyền về ngày bầu cử, hầu hết các thị xã đều có mít tinh, biểu tình của quần chúng hoan nghênh Tổng tuyển cử. “Ở thành phố Hồ Chí Minh, hàng chục vạn nhân dân lao động, hàng nghìn trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh đã xuống đường tuần hành. Tất cả các địa phương, các cơ quan, đơn vị bộ đội, trường học, bệnh viện, phường, ấp…đã lập bàn thờ Tổ quốc, dựng cổng chào, treo cờ, kết hoa. Những cuộc biểu diễn văn nghệ, biểu diễn thể dục, thể thao được tổ chức rầm rộ để chào mừng ngày Tổng tuyển cử”.

Mít tinh tại Nhà Hát lớn Hà Nội hoan nghênh các vị ra ứng cử Quốc hội ở Hà Nội ngày 25/4/1976.

Trên đoàn Chủ tịch gồm có: cụ Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và các vị lãnh đạo ở Hà Nội.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Tài liệu ảnh Phông Quốc hội SLT 1661.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp bỏ phiếu bầu cử Quốc hội tại Khu vực bỏ phiếu số 53 - Khu vực bầu cử 1 - Hà Nội, năm 1976.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Tài liệu ảnh Phông Quốc hội SLT 1663.

Quang cảnh bầu cử Quốc hội khóa VI ở hòm phiếu số 4, khu Thuận Thành, Thành phố Huế, tháng 4/1976.

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, Khối tài liệu Văn phòng Quốc hội 2020.

Ngày 25/4/1976 đã thực sự là ngày hội lớn của nhân dân cả nước. Khắp nơi, nhân dân đều vui mừng, phấn khởi, tích cực tham gia Tổng tuyển cử. Ngoài việc nô nức kéo nhau đi bỏ phiếu, nhân dân còn có nhiều hình thức phong phú làm cho ngày hội thống nhất non sông thật vui vẻ, tưng bừng. “Trên 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ tập thể, người chiến thắng, những con em của dân tộc Việt Nam anh hùng, đã nô nức đi làm nghĩa vụ công dân của mình, cử những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.”(3)

Cuộc bầu cử đã tiến hành nhanh, gọn, tốt. Tất cả các phòng bỏ phiếu đều khai mạc và kết thúc đúng giờ như luật định. Ở miền Bắc đến 11 giờ, ở miền Nam đến 12-13 giờ về căn bản đã bỏ phiếu xong.

Kết quả cuộc bầu cử:

“Tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao. Tỷ lệ chung trong cả nước là 98,77%. Miền Bắc tỷ lệ đi bầu là 99,36%, hầu hết các tỉnh đều đạt trên 99% (trừ Bắc Thái 98,55%, Cao - Lạng 98,48% và Hà Tuyên (98,44%). Tỉnh đạt cao nhất là Thái Bình 99,93%, rồi đến Hà Nam Ninh 99,87% và Hà Nội 99,82%.

Ở miền Nam, tỷ lệ cử tri đi bầu là 98,17%. Nơi đạt tỷ lệ cao nhất là Trị Thiên với 99,56%, Minh Hải đạt 98,20%. Thành phố Hồ Chí Minh đạt 98,24%. Tỉnh có tỷ lệ đi bầu thấp nhất là Đồng Tháp cũng đạt 96,13%.

Ở cả hai miền đều có nhiều huyện, xã, khi bỏ phiếu đạt 100% cử tri đi bỏ phiếu. Trong cả nước, số đại biểu quy định là 492: miền Bắc 249, miền Nam 243. Số người ra ứng cử là 605: miền Bắc 308, miền Nam 297.

Kết quả, cả nước đã bầu đủ 492 đại biểu. Không có đơn vị bầu cử hoặc khu vực bầu cử nào phải bầu lại hoặc bầu thêm.”(4)

“Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước là một thắng lợi chính trị to lớn của nhân dân ta trên con đường đấu tranh thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

Cuộc Tổng tuyển cử đã là một cuộc biểu dương lực lượng rộng lớn của nhân dân Việt Nam giàu lòng yêu nước, đoàn kết triệu người như một đi theo đường lối cách mạng của Đảng, kiên quyết phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì thống nhất Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì đời sống ấm no hạnh phúc cho mọi người dân, kiên quyết chống lại bọn đế quốc và bè lũ tay sai, chống lại những hành động phá hoại và những luận điệu xuyên tạc của chúng.”(5)

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử có ý nghĩa rất quan trọng, làm nức lòng nhân dân cả nước và có tiếng vang lớn trên thế giới, là sự kiện đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình mở rộng và củng cố chính quyền nhà nước, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Nhân dân ta tự mình nắm lấy vận mệnh để xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Cuộc Tổng tuyển cử thắng lợi do nhiều nguyên nhân: Trước hết, là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng với đường lối chủ trương chính xác, sắc bén, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và nhiệt liệt hưởng ứng; nhân dân ta rất yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, thiết tha mong muốn Tổ quốc thống nhất, nắm vững và sử dụng tốt quyền làm chủ của mình; Cùng với đó, công tác chuẩn bị bầu cử được chuẩn bị một cách công phu, chu đáo, đặc biệt việc động viên, giáo dục quần chúng nhân dân của các cơ quan của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân đến các tổ chức bầu cử và cán bộ bầu cử, các cơ quan thông tin truyền đã đóng vai trò quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của Cuộc Tổng tuyển cử.

Với kết quả đạt được, ngày 24/6/1976, kỳ họp đầu tiên Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội, có 482/492 đại biểu về dự. Quốc hội khóa VI - Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, là sự kế thừa và phát triển liên tục từ Quốc hội khóa I năm 1946, góp phần vào sự trưởng thành, vững mạnh của Quốc hội Việt Nam. Kết quả của Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI đã hoàn thành việc thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của quần chúng nhân dân và yêu cầu tất yếu khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, tạo nên những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy sức mạnh toàn diện của đất nước, tập trung cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thống nhất, mở ra khả năng to lớn để phát triển quan hệ với các nước trên thế giới. Kỷ niệm 45 năm Ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước (25/4/1976 - 25/4/2021), hướng tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp Nhiệm kỳ 2021 - 2026 là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại ngày lịch sử trọng đại của dân tộc và của Quốc hội Việt Nam từ đó tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí và trách nhiệm của cử tri trong kỳ bầu cử sắp tới./.

Chú thích:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t. 36, tr. 395.

2. Báo cáo của đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng bầu cử toàn quốc, về cuộc Tổng tuyển cử ngày 25/4/1976 tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội chung cả nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, hồ sơ 2250, tờ 87.

3. Báo cáo của đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng bầu cử toàn quốc, về cuộc Tổng tuyển cử ngày 25/4/1976 tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội chung cả nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, hồ sơ 2250, tờ 94.

Chủ đề