Muốn hủy trang, giữ bí mật tốt để chống trinh sát của địch phải làm gì

QPTD -Thứ Năm, 04/08/2011, 01:08 (GMT+7)

Bảo đảm ngụy trang, nghi trang trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tương lai (nếu xảy ra) có đặc điểm nổi bật là địch sử dụng vũ khí công nghệ cao (VKCNC), với phương tiện, khí tài trinh sát hiện đại, có khả năng trinh sát phát hiện mục tiêu trong điều kiện khí hậu, thời tiết phức tạp. Do đó, việc nghiên cứu và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác ngụy trang, nghi trang (NTNT) để giảm bớt thiệt hại về lực lượng, phương tiện, vũ khí, trang bị có ý nghĩa quan trọng, thiết thực.


Trong chiến tranh, nhất là trong hoạt động tác chiến, công tác ngụy trang che giấu mục tiêu, lực lượng và nghi trang đánh lừa đối phương là việc làm không thể thiếu. Nói cách khác, muốn nắm chắc địch phải tiến hành trinh sát; muốn che giấu mình phải ngụy trang và muốn lừa được địch phải nghi trang. Chiến tranh càng hiện đại, phương tiện, khí tài trinh sát càng phát triển thì yêu cầu NTNT càng cao, nhiệm vụ NTNT càng phức tạp. Có thể hiểu, NTNT là tổng thể các biện pháp che giấu lực lượng, mục tiêu quân sự để tránh đối phương phát hiện hoặc đánh lừa đối phương, góp phần giữ bí mật, bất ngờ về ý định và hành động tác chiến.

Muốn hủy trang, giữ bí mật tốt để chống trinh sát của địch phải làm gì

Xe tăng giả của quân đội Nga (Nguồn: Internet)

Trong chiến tranh BVTQ, đối tượng tác chiến của chúng ta có ưu thế về phương tiện, khí tài trinh sát và tác chiến điện tử, với nhiều thủ đoạn xảo quyệt. Theo đó, yêu cầu đặt ra đối với công tác tổ chức NTNT rất cao, phải tiến hành chuẩn bị ngay từ thời bình, thực hiện linh hoạt, sáng tạo trong chiến tranh. Nhiệm vụ bảo đảm NTNT phải toàn diện, trong đó tập trung vào các công trình trọng điểm quốc gia, hệ thống công trình chiến đấu, vũ khí, trang bị kỹ thuật và các lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu.

Từ lý luận và thực tiễn cho thấy, để nâng cao hiệu quả công tác NTNT trong chiến tranh BVTQ, các cơ quan, đơn vị cần chủ động nghiên cứu các giải pháp để vận dụng phù hợp trong thực tiễn. Dưới đây, chúng tôi xin nêu một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận về NTNT và tăng cường đầu tư sản xuất, mua sắm khí tài NTNT hiện đại có khả năng đối phó hiệu quả với các phương tiện trinh sát hiện đại của địch.

Công tác nghiên cứu về NTNT cần tập trung làm rõ các quy luật, xác định các nguyên tắc, yêu cầu, nội dung, phương pháp và biện pháp kỹ thuật, chiến thuật, bảo đảm NTNT phù hợp với điều kiện tác chiến mới của chiến tranh BVTQ trên đất nước ta. Trên cơ sở đó, đề ra các biện pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang ba thứ quân và nhân dân địa phương cùng tham gia NTNT.

Những năm vừa qua, thực hiện chủ trương từng bước hiện đại hóa quân đội, sẵn sàng đối phó với chiến tranh địch sử dụng VKCNC, ta đã chủ động nghiên cứu, sản xuất một số loại vật liệu ngụy trang có hàm lượng công nghệ cao; nghiên cứu chế tạo một số phương tiện, khí tài ngụy trang có tính năng kỹ thuật, chiến thuật phù hợp với điều kiện kinh tế và môi trường tác chiến của Việt Nam. Một số loại trang bị, khí tài, như: lưới ngụy trang tổng hợp, hộp khói ngụy trang… đã được đưa vào biên chế để huấn luyện, diễn tập đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, trước sự phát triển của khoa học-công nghệ, các phương tiện trinh sát tiếp tục được đổi mới, hiện đại hoá; do đó, cần đẩy mạnh đầu tư cho sản xuất và mua sắm phương tiện, khí tài NTNT. Việc sản xuất và mua sắm trang bị, phương tiện, khí tài NTNT phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ NTNT, đối tượng tác chiến và địa hình, thời tiết, khí hậu Việt Nam; bảo đảm đối phó có hiệu quả với các phương tiện, khí tài trinh sát hiện đại của địch. Công tác bảo đảm NTNT còn phải tận dụng và phát huy các loại vật liệu thô sơ tại chỗ; kết hợp các biện pháp hiện đại với truyền thống, tận dụng các đặc điểm, lợi thế của điều kiện tự nhiên... tạo ra khả năng đối phó, cũng như­ làm vô hiệu hoá các loại khí tài trinh sát, vũ khí thông minh của địch.

Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện và đào tạo về NTNT; đồng thời, xây dựng tổ chức biên chế các phân đội ngụy trang chuyên trách ở các cấp phù hợp.

Trong công tác huấn luyện và đào tạo về NTNT, trước hết cần tập trung bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao trình độ của người chỉ huy và cơ quan tham mưu trong việc tổ chức NTNT; biết vận dụng linh hoạt, khéo léo các hình thức, biện pháp kỹ thuật, chiến thuật, kể cả kinh nghiệm truyền thống và các phương pháp hiện đại để tổ chức tiến hành NTNT trong tác chiến. Nội dung huấn luyện NTNT toàn diện, từ việc làm chủ trang bị, khí tài đến tổ chức NTNT trong các hình thức tác chiến, NTNT đối với hệ thống công trình chiến đấu, lực lượng chiến đấu và vũ khí, phương tiện, trang bị. Về phương pháp huấn luyện, kết hợp chặt chẽ giữa kỹ thuật với chiến thuật; coi trọng huấn luyện thực hành, từng bước nâng cao trình độ, khả năng NTNT trong điều kiện chiến tranh ác liệt, địch sử dụng phương tiện, khí tài trinh sát hiện đại. Trong diễn tập, cần cụ thể hoá nhiệm vụ NTNT trong từng giai đoạn chiến đấu, từng tình huống, sát với môi trường, điều kiện chiến tranh địch sử dụng VKCNC. Đối với các khoa (bộ môn) công binh ở các học viện, nhà trường quân đội, cần xác định đúng vị trí, vai trò quan trọng của công tác bảo đảm NTNT; tập trung làm rõ đối tượng, âm mưu, thủ đoạn và khả năng sử dụng các phương tiện trinh sát của địch, làm cơ sở đổi mới nội dung, chương trình, thời gian học NTNT theo hướng tăng thêm cho phù hợp. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, biên soạn, bổ sung hoàn chỉnh hệ thống tài liệu huấn luyện, tài liệu dạy-học về NTNT, sát với đối tượng và nhiệm vụ NTNT trong tác chiến.

Việc tổ chức lực lượng bảo đảm NTNT được thực hiện bằng sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang 3 thứ quânvà nhân dân địa phương, trong đó các đơn vị công binh làm nòng cốt. Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới cho thấy, cùng với phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, cần xây dựng các đơn vị chuyên trách về NTNT ở cả 3 cấp: chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, làm nòng cốt trong việc tổ chức NTNT các công trình, mục tiêu có yêu cầu cao về kỹ thuật trong tác chiến. Đối với cấp chiến lược, cần tổ chức thêm các đại đội công binh ngụy trang chuyên trách trong các trung đoàn, lữ đoàn công binh dự bị chiến lược. Cấp chiến dịch, cần tổ chức thêm các trung đội công binh ngụy trang chuyên trách trong các trung, lữ đoàn công binh của các quân khu, quân đoàn, quân chủng. Cấp chiến thuật, tổ chức thêm các tiểu đội công binh ngụy trang chuyên trách của đại đội công binh trong tiểu đoàn công binh thuộc các sư đoàn bộ binh, sư đoàn phòng không-không quân, vùng hải quân và các tỉnh, thành phố.

Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của khu vực phòng thủ địa phương, tận dụng các yếu tố của địa hình, thời tiết, khí hậu, thuỷ văn để bảo đảm NTNT vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến.

Trong thời bình ta có điều kiện xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc để sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân khi chiến tranh xảy ra; đó là nền tảng cơ bản để phát huy sức mạnh tổng hợp cả lực lượng và cơ sở vật chất tham gia bảo đảm NTNT. Trong đó, cần chú trọng phát huy các tiềm lực (chính trị - tinh thần, kinh tế, văn hóa - xã hội, quân sự, khoa học - công nghệ) để tạo ra nền tảng cơ sở vật chất, môi trường thuận lợi cho việc tiến hành NTNT. Một vấn đề quan trọng khác cần quan tâm là xây dựng và phát huy “thế trận lòng dân” trong phòng gian bảo mật, góp phần giữ gìn bí mật quốc gia, bí mật quân sự trong thời bình cũng như trong thời chiến; nhất là, bảo đảm bí mật, an toàn các mục tiêu trọng điểm quốc gia, các công trình quân sự.

Trong thực tế, nghệ thuật NTNT bắt nguồn và hình thành từ việc tận dụng đặc tính che khuất của địa hình, rừng núi và tận dụng “màn ngụy trang thiên nhiên” rộng lớn để bảo toàn lực lượng, tạo nên sự bất ngờ với đối phương. Với đặc điểm địa hình nước ta, việc tận dụng, phát huy thế thiên hiểm của địa hình từng khu vực để xây dựng các căn cứ địa, nơi bố trí kho tàng, công xưởng càng có ý nghĩa quan trọng. Hơn nữa, trong điều kiện các trang bị, khí tài NTNT chế thức của ta chưa đủ khả năng đối phó hiệu quả với phương tiện trinh sát của địch, thì việc kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng để chuẩn bị cơ sở cho NTNT ngay từ thời bình, được coi là một giải pháp có tính khả thi cao. Ví dụ: khi xây dựng quy hoạch trồng rừng (thảm thực vật xanh) cần chú ý đến nhu cầu sơ tán, cất giấu lực lượng, phương tiện chiến đấu của lực lượng vũ trang.

Bốn là: kết hợp chặt chẽ các mặt bảo đảm tác chiến với vận dụng linh hoạt, sáng tạo các biện pháp tiến hành NTNT.

Trên cơ sở quyết tâm, kế hoạch tác chiến của người chỉ huy và các mặt bảo đảm liên quan để xây dựng kế hoạch NTNT phù hợp. Đối với công tác bảo đảm trinh sát, cần nắm chắc, làm rõ những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến công tác NTNT để có biện pháp tổ chức phù hợp; kết hợp chặt chẽ giữa NTNT với các biện pháp tiêu diệt và hạn chế hoạt động của các phương tiện trinh sát của địch, nhất là các biện pháp chế áp “mềm” bằng gây nhiễu hệ thống trinh sát điện tử của địch, kể cả việc hạn chế hoạt động của các phương tiện trinh sát mặt đất, như: máy gây nhiễu, “cây nhiệt đới”…

Trong điều kiện địch sử dụng VKCNC, việc nâng cao khả năng cơ động, “xê dịch” là vấn đề hết sức quan trọng, nhằm bảo toàn lực lượng, vũ khí, trang bị, phương tiện và nâng cao hiệu quả chiến đấu của bộ đội. Theo đó, công tác NTNT phải bám sát yêu cầu, nhiệm vụ cơ động, di chuyển, bảo đảm cho cơ động, “xê dịch” lực lượng, vũ khí, trang bị được tiến hành bí mật, nhanh chóng, kịp thời, đúng thời cơ. Trước khi cơ động, các đơn vị cần dự kiến các khu vực, có vị trí chính thức, vị trí dự bị; dự kiến trước các tình huống có thể xảy ra để chủ động đối phó; đồng thời, phải có hệ thống hỏa lực chi viện liên tục để bảo vệ lực lượng, phương tiện cơ động. Cùng với đó, cần chú trọng kết hợp bảo đảm NTNT với công tác bảo đảm chỉ huy, bảo đảm thông tin liên lạc, bảo đảm phòng hoá, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật… để nâng cao hiệu quả NTNT.

Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo đảm NTNT nhằm đối phó với các phương tiện, khí tài và thủ đoạn trinh sát của địch là một nội dung hết sức quan trọng, thiết thực hiện nay. Vì vậy, việc triển khai nghiên cứu, tổ chức thực hiện cần toàn diện, chuyên sâu, cả về biện pháp kỹ thuật và chiến thuật; tích cực chuẩn bị từ thời bình, tổ chức linh hoạt, sáng tạo trong chiến tranh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới.

Thiếu tướng, TS. PHẠM QUANG XUÂN

Tư lệnh Binh chủng Công binh