Mùa hè chiều thẳng đứng review

Đây là phim Việt Nam thứ hai gây ấn tượng sâu sắc đối với mình sau “Mùi đu đủ xanh”. Cảnh phim, diễn viên và lời thoại đều dịu dàng, nhịp nhàng như lời bài hát của Trịnh.

Bộ phim là cảm hứng của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng, trong những ngày ông cùng vợ, diễn viên Trần Nữ Yên Khê. Có người nói, Trần Anh Hùng, đối với riêng người Việt, có thể coi như một Thạch Lam của điện ảnh. Những câu chuyện trong phim của ông thường không đầu không cuối, lãng đãng tựa áng thơ bay. Ngay cả tên phim ông biên kịch và đạo diễn, cũng đầy những mơ hồ không thể giải nghĩa. Người xem đôi khi như đang tản bước trong một bảo tàng mỹ thuật; dừng lại, ngắm nghía cho đã mắt những tuyệt phẩm kì công trau truốt, đẹp đến mê hồn.

Trong bộ ba tác phẩm của ông, bước qua nét bạo lực nhuốm máu của Xích Lô (1995), cuộc sống đầy chất thơ Mùi Đu Đủ Xanh (1993) của Sài Gòn những năm 50, Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng (2000) hiện lên trong một cuộc sống thanh bình, những thói quen sinh hoạt giản dị, nền nã cùng cái tình người của một gia đình Hà Nội.

Nhân vật chính trong bộ phim là ba chị em sống trong khu phố cổ, nơi vốn được coi là cái nôi văn hóa người Tràng An. Cô Sương (diễn viên Như Quỳnh), chị cả, có một cuộc sống tưởng như hạnh phúc với chồng là nhà thực vật học. Cả hai đều chơi vơi với mối tình không tên của riêng mình. Khanh (NSUT Lê Khanh) có vẻ hạnh phúc nhất, lúc nào cũng quấn quít bên anh chồng nhà văn hào hoa lịch lãm nhưng luôn trăn trở với cảm xúc và ý tưởng cho cuốn tiểu thuyết đầu tay. Còn Liên, cô em gái út ngây thơ trong trắng, mang trong mình mơ ước và khát khao tìm được tình yêu của cuộc đời. Tất cả những câu chuyện về cuộc đời các nhân vật trong phim đều rất đời, bình dị, tình tiết phim không cao trào, không kết thúc.

Ngày giỗ Mẹ, cả bốn chị em quấn quýt làm mâm cơm, đàn ông uống trà, đàm đạo, phụ nữ lúi húi nấu ăn, tắm giặt. Khách đến chật cứng nhà, nói chuyện vui vẻ. Rồi ba chị em gái ngồi bên nhau, kể về chuyện tình đã qua của mẹ. Những góc khuất, tâm sự thầm kín về mối tình xưa cũ cũng như chính nỗi lòng của từng nhân vật được lột tả đầy chân thực thông qua ánh mắt, cử chỉ và nụ cười của họ.

Hà Nội hiện lên trong phim mang một nét đẹp nền nã qua hình ảnh ba chị em gái. Kết hợp với khung cảnh sắp xếp khéo léo, nét đẹp Hà Nội dường như thu lại trong vẻ đẹp của ba người con gái ấy.

Liên trong ngày giỗ mẹ

Liên và anh trai, Hải
Khanh, dõi mắt theo bóng chồng từ xa.
Sương và Quốc

Hình ảnh những người đàn ông trong phim dường như bị lu mờ trước nét đẹp của người phụ nữ. Hà Nội lúc này như một cô nàng đỏng đảnh mà đáng yêu, lúc lại như người phụ nữ dịu dàng, nở một nụ cười duyên dáng, giấu đi những tâm sự vào sâu trong lòng mình. Cả đoạn phim như một bức tranh nghệ thuật ca ngợi vẻ đẹp khó tìm ấy.

Con mắt nghệ thuật cùng tâm hồn của một người con Việt mang dòng máu Pháp đã giúp Trần Anh Hùng nhìn ra những cái đẹp dung dị, mà đôi khi chính ta đã bỏ qua. Là con gà vàng luộc vàng ươm trên đĩa mà ba chị em ngắm mãi không thôi. Là những khóm hoa dập dìu bên dưới ban công nhà. Là lọ hoa sen trắng trong quán ăn, trong phòng khách nhà Sương, trên bàn thờ mẹ. Là một căn hộ nhỏ bé nào đó trong những không gian phố cổ chật hẹp. Là ba chị em gái thả suối tóc đen tuyền gội đầu trong sân, ngắm đàn cá vàng đớp mồi trong bể nước có hoa. Và mưa, rơi tí tách qua hàng hiên nhà. Tất cả đẹp như một bức tranh, dịu dàng như một bài thơ và phảng phất nỗi buồn như những bài hát của Trịnh.

Màu sắc trong phim cũng được Trần Anh Hùng đầu tư kĩ lưỡng. Gam màu xanh được phủ lên toàn bộ khung hình khiến cho mọi thứ thật nhẹ nhàng, bình yên. Gam màu đỏ khi Sương gặp tình nhân tạo cảm giác đam mê, bộc lộ những khao khát cháy bỏng. Gam màu trắng tinh khôi dành cho Liên, cô gái trong sáng và mơ mộng.

Phim sẽ thật sự hoàn hảo nếu đạo diễn đầu tư nhiều vào lời thoại. So với Sương và Khanh, giọng Liên không mang được hơi thở và tâm hồn chính cô, đôi chỗ gượng gạo. Người xem đôi khi thấy ngượng người khi nghe những lời thoại của nhân vật.

Bỏ qua những chi tiết nhỏ, trên tất cả, “Mùa hè chiều thẳng đứng” vẫn là bộ phim đáng để xem, cho một buổi trưa ngái ngủ, một tâm hồn yêu nhạc Trịnh, về mùa hè, tiếng chim hót, tiếng mưa trên mái nhà và những tiếng người vọng lại từ một thời xưa cũ.

Một đoạn trong phim mình rất thích, khi mọi người ngồi lại cùng hát bài “Cuối cùng cho một tình yêu”, nhẹ nhàng, giản dị mà sâu lắng: //www.youtube.com/watch?v=crSBD3kezwM

Chủ đề