Mác lê nin là ai

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của V.I.Lênin là vô cùng vĩ đại, những đóng góp của Người cho giai cấp công nhân và những người lao động bị áp bức trên toàn thế giới là đặc biệt to lớn, mang ý nghĩa thời đại sâu sắc. V.I.Lênin sinh ngày 22/4/1870 ở Simbirsk (nay là Ulianovsk).

Từ nhỏ V.I.Lênin đã bộc lộ là Người có trí tuệ uyên bác, giàu nghị lực, có ý thức tự giác học hỏi, là Người sớm đón nhận học thuyết chủ nghĩa xã hội, sớm tiếp cận chủ nghĩa Mác và phương pháp cách mạng Nhân dân.

Mùa thu 1895, Người thành lập Hội liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân, tập hợp các nhóm cách mạng ở Saint Petersburg. Năm 1900, Lênin đã tập hợp những người Mácxít cách mạng để thành lập đảng, đồng thời cùng với Plekhanov lập ra tờ báo “Tia lửa”.

Đại hội lần thứ III Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga diễn ra vào tháng 4/1905, tại London Người được bầu là Chủ tịch Đại hội. Tháng 11/1905, V.I.Lênin trở về Saint Petersburg để lãnh đạo cách mạng Nga. Tháng 01/1912 V.I.Lênin lãnh đạo Hội nghị lần thứ VI (Praha) toàn Nga Đảng Công nhân xã hội dân chủ. Tháng 6/1912 từ Paris chuyển về Krakov lãnh đạo tờ Pravda (Sự thật). Thời kỳ này, V.I.Lênin soạn thảo xong Đề cương Mácxít về vấn đề dân tộc. Cuối tháng 7/1914, bị cảnh sát Áo bắt nhưng sau đó ít lâu được trả lại tự do và đi Thụy Sĩ. Trong thời gian Đại chiến thế giới lần thứ I, V.I.Lênin đưa ra khẩu hiệu biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng.

Ngày 16/4/1917, V.I.Lênin đến Petrograd để trình bày Luận cương Tháng Tư, thực chất đây là một văn kiện mang tính cương lĩnh đề ra đường lối giành chiến thắng cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa với khẩu hiệu: “Toàn bộ chính quyền về tay các Xô Viết!”. Hội nghị lần thứ VII toàn Nga (tháng 4/1917) của Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga đã nhất trí thông qua đường lối do V.I.Lênin đề ra.

Đầu tháng 8/1917, Đại hội lần thứ VI Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga họp bán công khai ở Petrograd, V.I.Lênin tuy không tham dự nhưng vẫn lãnh đạo Đại hội tiến hành và thông qua đường lối khởi nghĩa vũ trang giành lấy chính quyền. Đầu tháng 10/1917, V.I.Lênin từ Phần Lan bí mật trở về Petrograd. Ngày 23/10/1917, kế hoạch khởi nghĩa vũ trang của V.I.Lênin đề ra được Hội nghị Uỷ ban Trung ương Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga thông qua. 

Tối ngày 6/11/1917, V.I.Lênin đến Cung điện Smolnưi trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa. Đến rạng sáng ngày 7/11/1917, toàn thành phố Saint Petersburg nằm trong tay những người khởi nghĩa, và đến đêm ngày 7/11/1917, Cách mạng Tháng Mười Nga đã toàn thắng. Chính quyền đã về tay nhân dân. Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo đã ra đời. Tại Đại hội các Xô Viết toàn Nga lần thứ II, V.I.Lênin được bầu là Chủ tịch Hội đồng các Uỷ viên nhân dân (Hội đồng Dân uỷ).

Ngày 11/3/1918, V.I.Lênin cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ Xô viết trở về Moskva lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân lao động nước Nga Xô viết chống sự can thiệp quân sự của nước ngoài và lực lượng phản cách mạng trong nước trong việc lãnh đạo quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nước Nga. V.I.Lênin thi hành chính sách đối ngoại Xô Viết, đề ra những nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình giữa các quốc gia có chế độ xã hội khác nhau. Tháng 3/1919, Đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Nga đã thông qua Cương lĩnh mới của Đảng, V.I.Lênin được bầu là Chủ tịch Uỷ ban soạn thảo Cương lĩnh mùa xuân năm 1920. Thời gian này, V.I.Lênin soạn thảo xong kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội (công nghiệp hóa đất nước, hợp tác hóa giai cấp nông dân, cách mạng văn hóa) là người sáng lập ra Kế hoạch điện khí hóa toàn Nga (GOELRO), người đề ra chính sách kinh tế mới (NEP). Năm 1921, chính sách NEP của V.I.Lênin được thông qua tại Đại hội lần thứ X Đảng Cộng sản Nga.

Ngày 21/4/1924, V.I.Lênin qua đời ở làng Gorki, gần Thủ đô Moskva. 
Sự ra đi của V.I.Lênin để lại niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân Xô viết và giai cấp vô sản trên thế giới. 54 tuổi đời, gần 30 hoạt động vì sự nghiệp cao cả,  V.I.Lênin đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng vô sản thế giới, đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do của các dân tộc, vì hạnh phúc của con người.

Một trong những cống hiến vĩ đại của V.I.Lênin đối với sự nghiệp phát triển của học thuyết Mác, cũng như đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân là lý luận về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. V.I.Lênin cho rằng “Đảng tức là đội tiên phong của giai cấp công nhân”, là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp công nhân, là một bộ phận ưu tú nhất, giác ngộ cách mạng nhất, mang bản chất của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho mục tiêu, lý tưởng, lập trường, lợi ích của giai cấp công nhân, gánh vác sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng là cách mạng vô sản, lật đổ chủ nghĩa tư bản, thiết lập chuyên chính vô sản. V.I.Lênin nêu ra những nguyên tắc cơ bản về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân gồm: lấy chủ nghĩa Mác làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động; là người lãnh đạo quảng đại quần chúng giai cấp công nhân; là “trí tuệ, danh dự và lương tâm đối với quần chúng; tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản trong xây dựng tổ chức của Đảng, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, đoàn kết thống nhất là quy luật trong xây dựng và phát triển của Đảng; tích cực kết nạp những đại biểu ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vào Đảng và phải thường xuyên đưa những người không đủ tiêu chuẩn và những phần tử cơ hội ra khỏi Đảng; chủ nghĩa Quốc tế Vô sản là một trong những nguyên tắc quan trọng của việc xây dựng tổ chức, hoạt động của Đảng.

Những luận điểm của V.I.Lênin về Đảng kiểu mới là sự khẳng định, phát triển và hoàn chỉnh học thuyết Mác-Ăngghen về Đảng Cộng sản, đặt cơ sở cho sự ra đời và hoạt động của Đảng Bônsêvích Nga và hàng loạt các Đảng Cộng sản sau này, đồng thời là tiêu chuẩn khoa học để phân biệt chính Đảng Mác xít của giai cấp công nhân với các đảng phái khác.

Đặc biệt V.I.Lênin còn là Tổng công trình sư đầu tiên của những phương hướng, kế hoạch xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô viết, đặc biệt là chính sách kinh tế mới (NEP). Với “Chính sách kinh tế mới” V.I.Lênin không chỉ thuần túy đem chính sách thuế lương thực thay thế cho chính sách cộng sản thời chiến, dùng lợi ích kinh tế, vật chất như một đòn bẩy, tạo động lực làm nảy sinh tính tích cực lao động của công nhân, nông dân và mọi người lao động nói chung trong buổi đầu xây dựng nhà nước. Nhờ đó đã đưa nước Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng sau Cách mạng Tháng Mười, làm cho chính quyền Xô viết non trẻ đứng vững và nước Nga xã hội chủ nghĩa nhanh chóng hồi sinh. Song sâu xa hơn, đó còn là khởi đầu kiến tạo mô hình phát triển mới của chủ nghĩa xã hội, giải phóng lực lượng sản xuất, giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xã hội để thúc đẩy phát triển; đồng thời gợi mở lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội đó là phải dựa trên cơ sở khoa học, tuân thủ quy luật khách quan và đáp ứng nhu cầu lợi ích của người lao động.

Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thời cơ, thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức đan xen, song tư tưởng, lý luận quý báu của Người đã, đang được Đảng và Nhân dân ta vận dụng sáng tạo, phát triển phù hợp vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; Đảng và Nhân dân ta luôn kiên định con đường cách mạng: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở luôn quán triệt và thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng: phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; là biểu hiện sinh động nhất của sự kiên định vận dụng sáng tạo quan điểm thống nhất trong nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng vô sản. 

Nhân dịp Kỷ niệm 151 năm Ngày sinh V.I. Lênin năm nay, trong mỗi chúng ta có thêm niềm tự hào về Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại, về Nhân dân ta anh hùng. Trung thành, kiên định vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhất định Đảng và Nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.                                                            

                                                              Võ Đức 

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

NCS.Trần Thiên Tú
Phó Trưởng khoa Lý luận cơ sở

   ​Trong giai đoạn hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang hết sức nỗ lực đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn đã và đang tìm mọi cách chống phá thành quả cách mạng, mà trước hết là chống phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng hòng gây hoang mang, dao động về hệ tư tưởng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Hiểu đúng về nền tảng tư tưởng, trước hết, đó là cách chúng ta nhận thức rõ hơn về cơ sở lý luận để nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, về con đường cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn; cũng từ đó, chúng ta có căn cứ để nhìn nhận và có phương pháp chống lại các luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch.
   ​Hiện nay, không ít người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên còn mơ hồ về nền tảng tư tưởng, về diễn biến hòa bình. Trong bản tự nhận xét, đánh giá của cá nhân hàng năm, ai cũng có thể viết một cách máy móc là: lập trường chính trị vững vàng, kiên định con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, … nhưng đôi khi, họ không biết rõ mình đang đứng trên lập trường chính trị nào, đâu là cơ sở lý luận để chúng ta đi theo con đường chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó, một số thuật ngữ liên quan đến hệ tư tưởng nền tảng như: chủ nghĩa Mác – Lênin, mác xít, Lê nin nít, … vẫn chưa được hiểu rõ và hiểu đúng. Bài viết sẽ bước đầu tìm hiểu những quan niệm cơ bản về các khái niệm này.
   ​Chủ nghĩa Mác – Lênin cùng với Tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng ta xác định là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng; Trên cơ sở nhu cầu và mục đích nghiên cứu, đã có nhiều cách tiếp cận về Chủ nghĩa Mác – Lênin trên những phương diện (góc độ) khác nhau, theo đó, có năm cách tiếp cận cơ bản sau đây:

      -Xét từ góc độ đối tượng (nó nghiên cứu cái gì, phục vụ cho ai): là hệ thống quan điểm và học thuyết khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi chế độ áp bức, bóc lột, tiến tới thực hiện sự nghiệp giải phóng con người.
      -Xét từ góc độ chủ thể sáng tạo và phát triển (ai làm nên nó): là hệ thống quan điểm và học thuyết đó được sáng lập bởi C. Mác, Ph. Ăngghen và sự phát triển, vận dụng vào thực tiễn của V.I. Lênin.
      -Xét từ góc độ mối quan hệ (giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với lịch sử phát triển tư tưởng nhân loại và với thực tiễn): là hệ thống quan điểm và học thuyết được hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa những giá trị tư tưởng tiến bộ của nhân loại và tổng kết thực tiễn thời đại.
      -Xét từ góc độ vai trò, chức năng: là hệ thống quan điểm và học thuyết đó đóng vai trò là thế giới quan, phương pháp luận phổ biến cho sự sáng tạo trong nhận thức khoa học (nghiên cứu phát hiện và sáng tạo ra cái mới) và thực tiễn cách mạng (thực tiễn cải biến cái cũ, sáng tạo cái mới),
      -Xét từ góc độ cấu tạo (nó gồm có những cái gì): Chủ nghĩa Mác - Lênin có ba bộ phận lý luận cơ bản hợp thành, đó là:
            +Triết học Mác - Lênin;
            +Kinh tế chính trị học Mác - Lênin;
            +Chủ nghĩa xã hội khoa học.

   Qua năm cách tiếp cận trên, chúng ta có một cái nhìn khá toàn diện về Chủ nghĩa Mác – Lênin, trong đó, cách tiếp cận theo các góc độ đối tượng, chủ thể sáng tạo và cấu tạo được sử dụng phổ biến, thông dụng nhất – được nhiều người biết đến nhất. Theo cách đó, có thể hiểu:
   Chủ nghĩa Mác – Lênin là hệ thống quan điểm và học thuyết khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi chế độ áp bức, bóc lột, tiến tới thực hiện sự nghiệp giải phóng con người; học thuyết này được sáng lập bởi C. Mác, Ph. Ăngghen và được V.I. Lênin vận dụng và phát triển trong thực tiễn. Chủ nghĩa Mác – Lênin được cấu thành từ ba bộ phận lý luận cơ bản, đó là: Triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị học Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học.    ​Chủ nghĩa Mác – Lênin được cấu thành từ ba bộ phận cơ bản, có mối quan hệ biện chứng, không tách rời nhau, mà thống nhất thành một hệ thống.

   ​Triết học là bộ phận lý luận nghiên cứu những quy luật vận động, phát triển chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy; xây dựng thế giới quan và phương pháp luận chung nhất của nhận thức khoa học và thực tiễn cách mạng.


   ​Kinh tế chính trị nghiên cứu những quy luật kinh tế của xã hội, đặc biệt là những quy luật kinh tế của quá trình ra đời, phát triển, suy tàn của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và sự ra đời, phát triển của phương thức sản xuất mới - phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa.
   ​Chủ nghĩa xã hội khoa học là kết quả tất nhiên của sự vận dụng thế giới quan, phương pháp luận triết học và kinh tế chính trị Mác - Lênin vào việc nghiên cứu làm sáng tỏ những quy luật khách quan của quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa - bước chuyển biến lịch sử từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và tiến tới chủ nghĩa cộng sản.
   ​Ba bộ phận lý luận cấu thành chủ nghĩa Mác - Lênin có đối tượng nghiên cứu cụ thể khác nhau nhưng đều nằm trong một hệ thống lý luận khoa học thống nhất - đó là khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi chế độ áp bức, bóc lột và tiến tới giải phóng con người (tức là xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản).
   ​Như vậy, từ những vấn đề được nêu trên, chúng ta có thể thấy ở chủ nghĩa Mác – Lênin là sự thống nhất của ba thuộc tính: tính khoa học, tính cách mạng và tính nhân văn cao cả. Tính khoa học thể hiện ở học thuyết là sự kế thừa của các thành tựu khoa học; bản thân học thuyết cũng đã thể hiện đó là một hệ thống lý luận mang tính logic,  khoa học và nội dung chứa đầy những dự báo khoa học về tương lai. Tính cách mạng thể hiện trong việc học thuyết đã chỉ ra con đường đấu tranh, chống lại bảo thủ lạc hậu, chống lại chế độ áp bức bóc lột để hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn. Tính nhân văn thể hiện ở trong quan điểm về con người, về cuộc sống con người và việc xây dựng một chế độ mới trên cơ sở giải phóng con người khỏi khổ đau, áp bức.
   ​Khi đề cập đến Chủ nghĩa Mác – Lênin, chúng ta thường bắt gặp các thuật ngữ liên quan, đó là Mác - xít, Lê - nin - nít,…  những thuật ngữ này cũng cần được hiểu một cách thấu đáo, tránh nhầm lẫn chúng với nhau cũng như hiểu sai nghĩa của chúng.
Marxist (mác xít) và Marxism:
   ​Thuật ngữ Marxist ( phiên âm cũng như diễn đạt bằng tiếng Việt: Mác – xít) có thể hiểu trên hai nghĩa dựa trên từ loại của nó. Xét từ góc độ là tính từ, nó có nghĩa là liên quan đến hoặc hỗ trợ một lý thuyết xã hội, chính trị và kinh tế trên cơ sở các tác phẩm của    ​Karl Marx (dịch từ tiếng Anh: Adj: relating to or supporting a social, political, and economic theory that is based on the writings of Karl Marx). Ví dụ: Anh ấy có tư tưởng mác xít, nghĩa là: Tư tưởng anh ấy có những điểm giống Mác, tư tưởng đó có xu hướng theo và ủng hộ Mác (tư tưởng ấy có thể về lĩnh vực xã hội, chính trị hoặc kinh tế).
   ​Xét từ góc độ là danh từ, Mác – xít có nghĩa là người ủng hộ một lý thuyết xã hội, chính trị và kinh tế dựa trên các tác phẩm của Karl Marx (dịch từ tiếng Anh: Noun: a supporter of a social, political, and economic theory based on the writings of Karl Marx). Ví dụ: Những người mác xít, nghĩa là những người đi theo, ủng hộ, bảo vệ học thuyết của Mác.
   ​Thuật ngữ Marxism là một danh từ, có nghĩa là một lý thuyết xã hội, chính trị và kinh tế dựa trên ý tưởng và các tác phẩm của Karl Marx (dịch từ tiếng Anh: Noun: a social, political, and economic theory based on the ideas and  on the writings of Karl Marx).    ​Như vậy, có thể hiểu, Marxism là học thuyết của Mác hay chủ nghĩa Mác.
   ​Các cách hiểu đối với thuật ngữ: Leninist (Lê nin nít) và Leninism cũng tương tự như cách hiểu của Marxist và Marxism.
   ​Trên cơ sở trình bày một cách ngắn gọn, đơn giản nhất về một số khái niệm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin, hi vọng bài viết sẽ giúp độc giả có cái nhìn rõ hơn về học thuyết lý luận này, góp phần vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, chống lại sự chống phá của các thế lực thù địch trong giai đoạn hiện nay.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Video liên quan

Chủ đề