Luật giang hồ là gì

Nguyễn Ngọc Bảo (SN 1974, ngụ quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) từng ảo tưởng về cái gọi là nghĩa khí giang hồ. Mù quáng về điều ấy, gã đã 3 lần chấp nhận đi tù thay cho đàn anh, chỉ đến khi gây ra vụ án cướp mạng 2 người, bộ mặt thật của những kẻ du đãng mới lộ rõ. Đàn anh và đàn em chối phắt mọi liên quan thậm chí còn đổ vấy tội cho nhau.

Bảo lớn lên cùng việc xách ma túy thuê. (Hình minh họa)

Tội phạm từ trong trứng nước

Bảo hoàn toàn bình thường về mặt thể chất, cái biệt danh “mù” của gã là cách đặt biệt hiệu xách mé. Bởi bố mẹ bảo đều là người tàn tật, bị bệnh thong manh, mắt nhìn rất kém.

Dùng khiếm khuyết của các bậc phụ huynh khoác lên tên đứa con dù rất phản cảm nhưng là việc thường gặp trong giới giang hồ.

Bảo gia nhập vào thế giới du đãng khi mới chỉ hơn chục tuổi đầu. Sớm như vậy, có lẽ bởi môi trường sống và hoàn cảnh gia đình. Nhà gã ở gần xóm liều Thanh Nhàn (khoảng cuối những năm 1990, xóm liều mới giải tỏa, xây dựng công viên Tuổi trẻ ngày nay).

Khu vực khét tiếng về tệ nạn buôn bán ma túy. Ở một nơi phức tạp đủ mọi dạng dân anh chị, lại lớn lên tự nhiên như cái cây ngọn cỏ, Bảo không hư mới là chuyện lạ.

Không phải bố mẹ Bảo không yêu thương con mà bởi họ không đủ sức để quan tâm đến con đúng cách. Bố mẹ Bảo đến với nhau không cần cưới hỏi, chỉ là đồng cảnh ngộ mà xích lại gần nhau. Khi sinh Bảo ra, họ cũng sung sướng như mọi đấng sinh thành khác.

Có điều nuôi dưỡng con không hề dễ dàng với họ. Bố mẹ Bảo chuyên làm tăm tre chỗ một cơ sở dành cho người tàn tật. Bố Bảo sản xuất tăm tre còn người mẹ, vì mắt tinh hơn nên nhận trách nhiệm đi bán dạo khắp phố phường.

Thời đó, làm tăm bằng phương pháp thủ công, hai người cặm cụi tù sáng đến tối, thu nhập vẫn chẳng đáng là bao. Lo miếng cơm manh áo còn khó khăn, mắt mũi thì kèm nhèm, bố mẹ Bảo sao có thể theo sát con từng bước.

Bảo bỏ học lúc nào bố mẹ không hề biết. Đến khi họ phát hiện ra qua thông báo từ nhà trường thì gã đã hư hỏng rồi. Trước đó, Bảo hay lang thang sang khu xóm liều chơi.

Thấy gã nhanh nhẹn lại lì lợm trước tuổi, đám buôn ma túy bèn dụ dỗ, lôi kéo. Đứa nhóc như Bảo, nhà nghèo, bố mẹ tàn tật, gần như không có ai kèm cặp, tránh sao nổi cạm bẫy kiểu “viên đạn bọc đường”.

Được cho ăn, cho chơi, thỉnh thoảng được cho tiền dằn túi, Bảo nhanh chóng sa ngã. Thời điểm bỏ học, gã đã thành kẻ vận chuyển ma túy. Đám buôn "hàng trắng" hẹn địa điểm với con nghiện xung quanh khu xóm liều, rồi sai Bảo đi giao hàng nhận tiền.

Chúng cực kì ranh ma khi lợi dụng những đứa nhóc như Bảo. Nếu có động, nhờ thông thạo địa bàn, đám nhóc sẽ dễ dàng tẩu thoát.

Nếu đen đủi bị bắt, ở lứa tuổi của Bảo cũng không bị xử lý hình sự. Buôn ma túy thu lợi nhuận khủng trong khi đám trùm chỉ phải trả cho kẻ vận chuyển chút tiền “còm” lợi cả đôi đường. Tuy nhiên với đứa nhóc nghèo khổ như Bảo, chút tiền đó là cả một sự thay đổi.

Bảo có thể ăn quà, hút thuốc, chơi điện tử hoặc mua quần áo mới. Sức hút vật chất thật không dễ để cưỡng lại được. Như thiêu thân, gã cứ thế lún sâu vào tội lỗi. Quãng thời gian làm “người vận chuyển”, Bảo may mắn không lần nào dính “nhốt”.

Mà không biết đó là may mắn hay đen đủi. Bởi nếu sớm bị bắt, sớm được giáo dục cải tạo, biết đâu gã còn có cơ hội quay đầu.

Ba lần đi tù hộ đàn anh

Có thể nói không ngoa, Bảo lớn lên cùng dân anh chị, những kẻ coi thường luật pháp. Là kẻ xách ma túy thuê, nhưng lần trả giá đầu tiên lại bởi tội cố ý gây thương tích. Vụ việc cũng không có gì đáng nói.

Chỉ là xích mích nhỏ nhặt nhưng với "máu" du đãng vốn có, Bảo đã vác dao chém đối thủ trọng thương. 20 tuổi, gã lĩnh bản án 4 năm tù. Suốt thời gian gã bóc lịch ở trại số 5 (tỉnh Thanh Hóa) người mẹ chỉ lên thăm một lần.

Không phải bà không muốn đi thăm mà chính Bảo đã ngăn cản mẹ. Gặp mẹ ở nhà thăm gặp của trại, gã lạnh lùng “nhà làm gì có tiền, mắt mẹ lại kèm nhèm thế, đi xa làm gì cho khổ. Con làm thì con chịu, bố mẹ không phải đi thăm con đâu”.

Nói xong, gã đứng dậy đi thẳng dù biết rằng nước mắt đã lăn dài từ khóe mắt mờ đục của mẹ gã. Sự lì lợm, bất cần đã khiến Bảo lọt vào “mắt xanh” của những tay anh chị số má Hà Thành đang thụ án trong trại giam.

Gã ngay lập tức được che chở, bảo bọc và ‘thăng cấp’ giang hồ ngay trong môi trường tù tội. Thực chất, dù đã vài năm lăn lộn cùng những kẻ buôn “cái chết trắng” nhưng đi tù lần đầu, Bảo chưa “đủ tuổi” vùng vẫy trong chốn này.

Tuy nhiên, có các đàn anh chống lưng, Bảo đã trở thành một ‘đại bàng nhỏ’, gây khiếp hãi cho không ít bạn tù. Kẻ đỡ đầu cho gã nhiệt thành nhất là Bin "đen", đại ca khét tiếng khu vực Mai Động (quận Hai Bà Trưng).

Khi còn ở ngoài xã hội, Bin đã biết hoàn cảnh của Bảo. Bin tin rằng Bảo vào thế không có gì để mất, thu nhận đàn em như vậy sẽ rất hữu dụng.

Sự tinh quái của kẻ lõi đời du đãng giúp Bin không nhìn nhầm. Bảo bất cần và bất chấp, gã sẵn sàng trả mọi giá để kiếm đồng tiền tội lỗi. Sau khi chấp hành xong án tù đầu tiên, Bảo trở thành đàn em thân tín của Bin.

Băng nhóm này chuyên hoạt động trong lĩnh vực tổ chức đánh bạc. Bảo thay mặt đàn anh làm mọi việc, từ tổ chức xới bạc, tín dụng cho vay trong sới và cả thu nợ khi có con nợ chây ì. Gã kiếm được tiền, số má cũng tăng vùn vụt.

Tuy nhiên cùng với đó, sự trả giá liên tiếp đến với gã. Thay mặt đàn anh làm việc nên cũng thay mặt đàn anh đi tù luôn. Trước cơ quan pháp luật, Bảo không bao giờ hé răng về Bin “đen”. Gã 3 lần nhận án nữa với đủ các loại tội danh: đánh bạc và tổ chức đánh bạc, cưỡng đoạt tài sản...

Sự trung thành đến mù quáng của Bảo cũng được đàn anh hậu đãi. Mỗi lần gã ra tù, Bin đều đón tiếp nồng nhiệt, dọn sẵn chỗ cho đàn em trong băng nhóm. Nhưng cái gọi là tình nghĩa giang hồ chỉ thể hiện khi chưa đến bước đường cùng. Lúc đối diện với sự trả giá đắt, mọi loại mặt nạ đều rơi xuống.

Đổ tội lẫn nhau trốn án tử

Ở lần trả án thứ tư, khi ra tù, Bảo đã 36 tuổi. Bin “đen” vẫn “tiền hô hậu ủng” đàn em. Thời điểm năm 2010, “tín dụng đen” là ngạch kiếm ăn chính của nhiều băng nhóm giang hồ. Bin mở cho đàn em một cửa hàng cầm đồ ở phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng).

Mác là cầm đồ nhưng thực chất Bảo được đàn anh giao tiền đổ cho vay nặng lãi. Khu vực này có nhiều dân cờ bạc nên Bảo làm ăn khấm khá. Số thu nợ của gã lúc nào cũng phải có cả trăm “con họ”.

Tiền đóng họ, tiền lãi thu về hàng ngày, gộp lại rồi tiếp tục rải cho vay, đủ hiểu “tiền bẩn” đổ vào túi Bảo và băng nhóm nhiều như thế nào.

Tuy nhiên, làm ăn ở khu vực này, Bảo đã giẫm vào địa bàn của một nhóm giang hồ khác. Băng nhóm đối địch thế lực khá mạnh, kẻ cầm đầu kém Bảo vài tuổi, cũng nhiều lần vào tù ra tội.

Dù biết phía sau Bảo là Bin “đen”, nhóm này vẫn không ngần ngại, thường xuyên quậy phá cửa hàng của Bảo. Vài cuộc điều đình đã diễn ra nhưng không có kết quả. Băng đối địch giữ nguyên yêu cầu hoặc Bảo phải bỏ cửa hàng hoặc phải chia chác lợi nhuận.

Đều là những tay anh chị số má, cả Bin "đen" và Bảo dĩ nhiên không thể chấp nhận sự ngang ngược này. Giữa năm 2012, Bảo cùng vài đàn em phục kích kẻ cầm đầu băng nhóm đối thủ ở một quán ăn trên phố Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng).

Trong lúc hỗn chiến, nhóm Bảo đã giết chết 2 người, làm trọng thương một người. Bị bắt sau đó không lâu, Bảo biết mình đã gây ra chuyện tày trời. Cướp mạng 2 người, án tử hình rất khó tránh khỏi. Lần đầu tiên, Bảo nhắc đến tên đàn anh.

Gã khai rằng Bin ‘đen’ đã ra lệnh cho mình. Tất nhiên, Bin chối phắt. Phiên sơ thẩm, Bảo bị tuyên án chung thân. Tuy nhiên, phiên phúc thẩm mở cuối năm 2017, xét tính phúc tạp của vụ án với nhiều lời khai không đồng nhất, Tòa đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại từ đầu.

Thời điểm này, Bảo vẫn đang bị biệt giam để điều tra. Bạn tù từng ở cùng gã cho biết Bảo đã rất mệt mỏi và vô cùng lo lắng cho số phận mình. Gã kể rằng tại cả hai phiên tòa, không còn gì là tình, là nghĩa khí giang hồ nữa.

Đàn anh gã chối bỏ mọi liên quan, còn những kẻ tham gia gây án thì đổ vấy tội cho nhau. Bị nhiều lời khai bất lợi nhất, Bảo sợ mình không thoát khỏi được án tử. Đến lúc này, gã mới nhận ra bộ mặt thật của đàn anh, có lẽ đã muộn rồi.

Trong thế giới ngầm của các băng nhóm tội phạm, việc tranh giành ngôi vị, lãnh địa hoạt động hay thị uy để “lấy” và “lên số”, từ dàn quân chém giết đẫm máu như thời trung cổ bằng dao tông, phóng lợ, kiếm, xiên tay bằng sung là chuyện không lạ. Ân-oán, tình-thù đều có mùi của máu và thuốc súng đã quá quen thuộc của lịch sử giang hồ. “Công nghệ” súng đã được áp dụng triệt để từ súng hoa cải đến thời “G8” bút bi ám sát của “Điệp viên 007”. Tất nhiên, thông dụng nhất vẫn là K54, K59, AK báng gập, AR15 cưa nòng…Song theo thời gian, giới giang hồ đã có nhiều biến thái đáng sợ…

“Bộ đội già” và “giang hồ trẻ”

Sơn “tịnh” nhà ở phố Lò Rèn, một phố cổ nổi tiếng Hà Thành, đã “rửa tay gác kiếm” kể về quá khứ: “Thời “bao cấp”, anh có thâm niên “bóc lịch” hơn chục năm. Thời của bọn anh, đại ca giang hồ là một cái gì đó khó khăn, huyền bí với mọi người lắm. Nó có tên tục là “bộ đội già”. Người Hà thành xưa mà nghe danh “bộ đội già” là phát khiếp. Song thời nào cũng vậy, “quân khu bộ đội già” sống với nhau khá đàng hoàng và phân chia khu vực sinh sống rất rõ ràng. Hà thành lúc đó có các quân khu như: “Quân khu Lý Nam Đế”, “quân khu hợp doanh ngoài bãi” (đều ở Ba Đình), “quân khu Nam Đồng” (Đống Đa), “quân khu nhà mả” (Hai Bà Trưng) và “quân khu bang cò ỉa” (phố Lò Đúc-Hoàn Kiếm)…giang hồ thời đó đâu có máu điên như bây giờ.

Trong “làm ăn”, mâu thuẫn giữa các “quân khu” là chuyện thường. Giang hồ có quy luật riêng, giải quyết ân hay oán đều mang đậm chất “anh chị” có chút nghĩa hiệp nhưng đều dựa trên quyền lợi của nhóm. Phần lớn những “ân oán” đều được giải quyết bằng “đàm phán” theo đường “ngoại giao” là bắn tin. Không thấy động tĩnh gì có nghĩa là đồng ý và cứ thế mà làm.Cực chẳng đã mới phải biến “đối thoại thành đối đầu” thôi. Mà ngày ấy, “chiến nhau” phần lớn là giàn trận giáp lá cà bằng “côn nhị khúc”, “con te”, dao tông, kiếm, dao găm, lưỡi lê…Dù là hung khí thô sơ nhưng cũng “oanh liệt” ra trò. Lúc dàn trận hai bên hú như đánh võ trên võ đường, chỉ khác chút là có thêm tiếng chửi, tiếng gầm và khuôn mặt đằng đằng sát khí. Kết thúc những cuộc dàn trận đó là thương tích, máu me nhưng ít khi mất mạng như bây giờ…”. Lắc đầu, lè lưỡi, cười rồi Sơn “tịnh” nói tiếp: “Nếu hành xử theo kiểu giang hồ bây giờ thì ngày đó chết cả lũ. Có súng đấy nhưng đố giám dùng. “súng Xã hội chủ nghĩa” (súng của các nước thuộc khối Xã hội chủ nghĩa) có số, có vạch, “cớm” (tức công an) giỏi lắm, tra ra ngay, cho vào khám cả lũ. Giang hồ thời nay khác lắm, hôm trước chỉ đi nhậu với chúng nó thôi mà “vỡ mật”. Chỉ mấy chén rượu đã “lời ra”, “căng thẳng” và rút súng…thị uy. Khiếp thế, có một cái khác nữa, ngày xưa giang hồi được gọi là “bộ đội già” cũng đúng: Áo mông-tơ ghi, quần ga, dép lốp, “ổi tàu” (tức mũ cối tàu)…đã là đỉnh lắm rồi. Giờ giang hồ ăn mặc còn “ngon” hơn cả chính khách”. D là đàn anh của Khánh Trắng, gật gù thừa nhận: “Dân giang hồ Hà thành rất “oai”, đi ô tô “sịn”, mặc hàng hiệu, ăn nói nhỏ nhẹ; trong công việc chỉ cần lắc, gật là giải quyết xong”. Sơn “tịnh “ thừa nhận: “Không rửa tay gác kiếm cũng không xong. Giang hồ trẻ bây giờ “khủng” lắm. Chúng chẳng coi tình nghĩa là gì. Cứ có chút thú oán là tình nghĩa trước đây cũng bằng không. Không thể theo kịp bọn giang hồ trẻ nữa rồi. Tình hay thù chúng cũng đem súng ra bắn, thế làm sao mà ổn được”. Tôi cười mà rằng: “Có nghĩa anh thừa nhận, mình hết thời?”. Sơn thẳng thắn nhìn nhận: “Không hết thời cũng chẳng được. Cần phải thấy mình hết thời thì mới biết sợ. Thời của tôi làm gì có chuyện chịu ơn vì tình cũng bắn mà thù cũng bắn như giang hồ bây giờ. Ngày ấy, bọn tôi sống bằng cái danh là nhiều, vẫn làm, vẫn có chuyện bảo kê nhưng không hề đâm chém mướn; không có chuyện chẳng biết người ta là ai, nhận tiền là chém người, chém giết…bao giờ”. “Thế cái tình – thù của giang hồ ngày xưa thế nào?”. Sơn phân trần: “Nó không nhuốm đen màu tiền như bây giờ. Đã có tình với nhau thì chịu chết chứ không làm người khác chết. Còn thù là “xin tí tiết”…nó rất rõ ràng ở chỗ, tôi phải biết lý do trả nợ tình là gì, đối tượng là ai, có đáng chém không thì mới chém (!). không hề có chuyện vì tình mà chém người không liên quan, ảnh hưởng tới mình”. Như vậy cái tình-thù của giang hồ cũng thay đổi theo thời gian sao?”. Theo Sơn, không hẳn là do thời gian mà do quan niệm, cách nghĩ của mỗi “thế hệ” giang hồ khác nhau thì có cách hành xử khác nhau. Rất khó hiểu! Sơn “tịnh” kể tiếp: “Thù là thù trực tiếp giữa đối tượng này với đối tượng khác chứ không thù bắc cầu theo kiểu “đại ca tao có thù với mày, tao chịu ơn cái tình của đại ca nên thù mày theo đại ca”. Mà đã thù tức thì kiểu gì cũng đánh nhau, chém trực diện chứ không như bây giờ im ỉm rồi bắn súng sau lưng. Nói tóm lại, ngày xưa cách hành xử của giang hồ với nhau không manh động như bây giờ.

“Dựng tóc gáy” vì giang hồ thời nay

Một ánh mắt soi mói, một cử chỉ được cho là thiếu thân thiện, một vụ va chạm giao thông, một dòng “chát” thách đố với nhau trên mạng thời @... tất cả đều có thể dẫn đến một vụ trọng án do súng gây ra. Vụ hỗn chiến đẫm máu giữa hai băng nhóm giang hồ tại ngõ 302 đường Láng (Đống Đa-Hà Nội) làm người ta kinh hoàng. Tuy nhiên, đây không phải là màn thanh toán nhuốm máu đầu tiên của các nhóm “anh chị” thời nay. Các đối tượng gồm Nguyễn Ngọc Hải (17 tuổi - trú tại xóm 13B- xã Nghi Kim - TP Vinh); Hoa Văn Nam (23 tuổi – trú Hưng Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An); Bùi Đình An (26 tuổi – trú ở Đức La, Đức Thọ, Hà Tĩnh) và Lê Văn Nhật (20 tuổi – trú xóm 8, xã Hưng Lộc, TP Vinh). Theo đó, nhóm của Nhật do mâu thuẫn từ nhiều ngày trước với một nhóm thanh niên khác tại quán Karaoke nên cả bọn mang theo súng (kèm 6 viên đạn, 1 viên đã bắn và một viên đã được lên nòng) và kiếm rủ nhau đi phục thù. Đến nơi, Nhật cầm khẩu súng bắn một phát xuống đất giương oai, sau đó hai bên lao vào hỗn chiến. Tại hiện trường, có hai nhóm thanh niên đang ẩu đả ở trước quán, trên tay cầm hai thanh kiếm dài 1m, một mác dài 1,5m; một khẩu súng. Trong bốn đối tượng bị bắt thì Nam và Nhật đã có tiền án về tội cưỡng đoạt tài sản và cố ý gây thương tích. Riêng đối với Lê Văn Nhật vừa bị tòa án TP Vinh xử 18 tháng tù, hiện đang tại ngoại chờ ngày thi hành án. Để giải quyết nợ nần cờ bạc, hai băng nhóm giang hồ tập trung, chuẩn bị vũ khí gồm kiếm Nhật, súng, roi điện để “giáp là cà”. Họ đã “lăn xả” vào chém giết lẫn nhau. Bị trọng thương, Nguyễn Văn Hoàng (tự Hoàng “Trắng”, 31 tuổi, ngụ tại Thanh Hóa) và Nghiêm Viết Hòa (23 tuổi ngụ tại Hải Phòng) đã dùng súng Rulo “nã đạn” về phía đối thủ, gây kinh hoàng cho người dân thành phố. Vụ “vãi đạn” của Đỗ Tiến Cường (tức Lượm, 38 tuổi, ngụ quận 4, TP HCM), một giang hồ có số cũng khiến nhiều người phải ớn lạnh. Cường mang trên người nhiều “chiến tích” vào tù ra tội nên rất được các tay “giang hồ” phải nể trọng. Ngay sau khi ra tù, Cường lập đường dây cho vay nặng lãi và nhiều hoạt động khác. Để “lấy số”, Cường mua súng K54 thường xuyên mang trong người. Cường đi ô tô, suýt đâm vào xe máy, đã không xin lỗi. Cường còn bảo đàn em cầm mã tấu chém người đi xe máy bị thương. Thấy mọi người đưa nạn nhân đi cấp cứu, Cường không buông tha, bắt đàn em đuổi theo, Cường thì rút súng bắn thị uy. Kể ra còn nhiều vụ thanh toán rùng rợn hơn nhưng với Sơn “tịnh”, đó là điều không thể chấp nhận được. Những mâu thuẫn nhỏ nhoi, không đáng có trong cuộc sống như va chạm giao thông, có thể hóa giải bằng một lời xin lỗi, giãi bày với nhau. Sơn “tịnh” cho rằng: Đã là giang hồ thực thụ, đừng mang cái mác chẳng mấy hay ho gì ra để dọa người. Ai cũng muốn mình tốt nhưng mình đã đi theo giang hồ thì cũng đừng làm biến thái nó đi. Sơn “tịnh” khẳng định: “Chính vì sự biến thái đó mà kẻ còn lại như tôi chưa bao giờ dám nhắc lại quá khứ…”.

Hoàng Vũ/Đời sống&Pháp luật

Video liên quan

Chủ đề