Làm cách nào để đỡ nghén

Hầu hết chị em khi mang thai đều gặp tình trạng nghén, buồn nôn, mệt mỏi, chán ăn,... ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Nên ăn gì để giảm bớt khó chịu nhưng vẫn cung cấp đủ dinh dưỡng cho cả hai mẹ con?

Nghén là triệu chứng thường gặp ở hầu hết chị em phụ nữ khi mang thai, hay xảy ra nhất trong 3 tháng đầu thai kỳ. Đặc trưng của ốm nghén đó là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn, kèm theo đó là sự nhạy cảm quá mức với mùi và vị thực phẩm. Ốm nghén thường xảy ra vào buổi sáng, nhưng cũng có thể kéo dài cả ngày khiến cuộc sống mẹ bầu bị đảo lộn. Tuy nhiên, ốm nghén không phải bệnh lý vì vậy mẹ bầu không nên quá lo lắng. Trừ khi triệu chứng ốm nghén trở nên trầm trọng như nôn ói không ngừng, mất nước, sụt cân nghiêm trọng… thì mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.

Làm cách nào để đỡ nghén

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Ốm nghén cũng khiến hệ tiêu hóa của mẹ bầu ảnh hưởng rất nhiều. Do mức độ progesterone tăng đáng kể trong thời gian đầu mang thai, ngoài tác động lên tử cung để hỗ trợ phôi thai phát triển còn tác động lên dạ dày, ruột và thực quản,...khiến việc ăn uống trở nên khó khăn hơn, quá trình tiêu hóa diễn ra chậm, tích tụ thức ăn trong dạ dày dẫn đến khó chịu, buồn nôn và nôn. Khó khăn là vậy, nhưng lời khuyên cho những mẹ bầu bị ốm nghén lại là “Nên tích cực ăn uống”, bởi thực phẩm chính là phương thuốc hiệu quả nhất giúp mẹ bầu mau lấy lại sức khỏe cũng như bổ sung dinh dưỡng cho thai kỳ khỏe mạnh.

Mẹ bầu nên ăn gì để kiểm soát triệu chứng nghén?

1. Trái cây

1.1. Thanh long

Thanh long là một trong những loại trái cây mát lành và rất nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe của mẹ bầu cũng như sự phát triển thai nhi. Với lượng vitamin phong phú, thanh long giúp mẹ không bị thiếu hụt những chất vi lượng cần thiết cho thai kỳ, hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, ngăn ngừa triệu chứng khó chịu ốm nghén mang lại như đầy hơi, buồn nôn,...

1.2. Cam

Cam cung cấp lượng vitamin C và nước dồi dào, giúp cơ thể người mẹ phân giải và hấp thụ sắt từ thực phẩm tốt hơn. Hương thơm dễ chịu cùng vị chua chua ngọt ngọt của quả cam cũng góp phần giúp mẹ bầu đối phó tốt hơn với những cơn buồn nôn do nghén. Mỗi ngày mẹ có thể ăn trực tiếp hoặc uống từ 1 – 2 ly nước cam ép.

Làm cách nào để đỡ nghén

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

1.3. Nho

Nếu mẹ bầu thường có cảm giác nôn nao, khó chịu nơi cổ họng, một ít quả nho với vị chua ngọt sẽ giúp đẩy lùi khó chịu nhanh chóng. Đây cũng là một thực phẩm tốt cho bà bầu, cung cấp cho các mẹ vitamin C, đường glucose dễ tiêu hóa. Ăn nho không chỉ tốt cho sự phát triển của thai nhi, còn giúp mẹ bầu tăng đề kháng và loại bỏ những chất độc trong cơ thể. Nho cũng nhiều chất xơ nên giúp ổn định dạ dày và hệ tiêu hóa.

1.4. Chuối

Khi thai phụ nôn ói hay tiêu chảy, cơ thể sẽ hao hụt một lượng kali đáng kể. Đây là lý do khiến mẹ bầu mệt mỏi, buồn nôn. Ăn một quả chuối chín sẽ giúp bổ sung lượng lớn vitamin B6, vitamin C, kali và chất xơ giúp mẹ bầu tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa chứng buồn nôn, chán ăn, táo bón trong thai kỳ.

1.5. Dứa

Dứa cũng thuộc dòng trái cây chứa nhiều vitamin C cùng lượng mangan cần thiết cho cơ thể người mẹ, giúp tăng cường hệ miễn dịch, đồng thời góp phần phát triển xương và các mô liên kết ở thai nhi. Chất xơ trong dứa còn giúp mẹ bầu ngăn ngừa táo bón.

2. Các loại thực phẩm như

2.1. Bánh mặn

Vị mặn là một trong những vị cơ bản mà cơ quan vị giác của chúng ta có thể cảm nhận. Những món có vị mặn là “cứu tinh” của các mẹ đang chịu đựng cảm giác buồn nôn. Các mẹ bầu nên để một hộp bánh quy giòn và có chút vị mặn ngay gần mình để có thể sử dụng bất cứ khi nào cần thiết. Một lưu ý nhỏ cho các mẹ, đó là ăn quá mặn sẽ dễ gây tăng huyết áp, do đó, dù bánh mặn có thể giúp khắc phục tình trạng ốm nghén, mẹ vẫn cần bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm khác và không nên ăn quá nhiều.

2.2. Kem trái cây

Mẹo hay dành cho các mẹ bị ốm nghén là nên ăn một ít những món lạnh như kem trái cây. Thực tế đã chứng minh, các thực phẩm nóng, cay chỉ làm cho tình trạng càng tồi tệ mà thôi. Một chút kem lạnh tự làm từ nước ép trái cây hoặc trái cây vừa thơm ngon vừa giúp mẹ chống lại cơn nghén thai buồn nôn thường trực.

2.3. Ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt được khuyên nên nằm trong danh sách thực đơn hàng ngày của tất cả mọi người, trong đó có phụ nữ mang thai. Bột đường trong ngũ cốc sẽ giúp hệ tiêu hóa của thai phụ hoạt động tốt hơn, trung hòa acid dạ dày dư thừa hiệu quả, từ đó giảm cơn buồn nôn, ợ nóng, trào ngược dạ dày.

2.4. Một số món ăn như canh sấu, canh me, cháo ý dĩ, me&sấu ngâm gừng

Làm cách nào để đỡ nghén

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

3. Một số lưu ý trong xây dựng thực đơn cho mẹ bầu ốm nghén

- Chia bữa ăn thành các bữa nhỏ, tối thiểu 6 bữa / ngày.

- Không ăn quá nhiều hoặc quá ít

- Uống nhiều nước: nên uống 1 ly nước mỗi giừ

- Bổ sung vitamin, nhất là vitamin B6

- Xác định thực phẩm khiến tình trạng nghén trở nên nặng hơn >> Loại bỏ khỏi thực đơn hàng ngày.

- Kiêng thực phẩm cay nóng, rượu, mỡ động vật, các món nhiều gia vị đậm, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ

- Nghỉ ngơi và làm việc khoa học

- Nếu tình trạng ốm nghén trở nặng, mẹ bầu cần đến ngay bệnh viện để được kiểm tra, tư vấn.

Nhóm Admin ST