Kích sữa như thế nào là đúng cách năm 2024

Khi nuôi con bằng sữa mẹ, rất nhiều bà mẹ gặp tình trạng ít sữa hoặc mất sữa đột ngột dẫn đến mất đi nguồn dinh dưỡng chủ yếu cho trẻ. Thấu hiểu điều này, BS.CKI Huỳnh Ngọc Thu Trà, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ các cách tăng lượng sữa mẹ giúp sữa về nhiều sau sinh, mẹ có thể áp dụng ngay để không thiếu sữa cho trẻ.

Kích sữa như thế nào là đúng cách năm 2024
Những cách tăng lượng sữa mẹ an toàn

Những nguyên nhân làm cho mẹ bị ít sữa hoặc mất sữa

Sữa mẹ luôn được xem là thức ăn hoàn hảo và lý tưởng nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong những năm tháng đầu đời. Tuy nhiên, hành trình nuôi con bằng sữa mẹ không hề đơn giản và dễ dàng. Tâm lý chung của hầu hết các bà mẹ là sợ bị ít sữa, trong khi thực tế chỉ có một số ít bà mẹ thực sự không đủ sữa cho con bú do nhiều nguyên nhân. (1)

Bác sĩ Thu Trà cho biết có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến mẹ ít sữa, tắc sữa hoặc mất sữa sau sinh, trong đó phải kể đến một số nguyên nhân chính như sau:

  • Mẹ suy nghĩ quá nhiều dẫn đến căng thẳng, thiếu ngủ và mất ngủ sau sinh. Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể mẹ giảm tạo tiết sữa, bên cạnh đó còn dẫn đến trầm cảm sau sinh – một bệnh rất nguy hiểm có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ.
  • Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, không bổ sung đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của phụ nữ sau sinh và cho con bú. Nhiều bà mẹ áp dụng phương pháp dân gian là ăn móng giò, gà hầm… mà bỏ quan các món dinh dưỡng khác, khiến cơ thể không cung cấp đủ dinh dưỡng để tiết sữa.
  • Mẹ lạm dụng sữa công thức khiến trẻ quen hương vị, không muốn bú mẹ. Khi bầu sữa mẹ không được kích thích thường xuyên từ việc cho trẻ bú, sữa sẽ ít dần và có thể mất sữa.
  • Mẹ mắc phải các bệnh lý liên quan đến tuyến vú như áp xe, viêm tuyến vú hoặc phẫu thuật ngực gây ảnh hưởng đến hoạt động tiết sữa của tuyến vú.
  • Mẹ sinh non hoặc sinh mổ nên sữa về chậm và ít sữa hơn so với mẹ sinh thường và đủ tháng.
  • Mẹ bị thiếu máu hoặc các vấn đề sức khỏe khác như tuyến giáp.
  • Mẹ sử dụng máy hút sữa sai cách.

Có thể bạn quan tâm: Dấu hiệu mẹ ít sữa

Kích sữa như thế nào là đúng cách năm 2024
Tình trạng mất ngủ, căng thẳng, mệt mỏi… sau sinh là một trong những nguyên nhân khiến mẹ ít sữa

16 cách tăng lượng sữa mẹ sau sinh an toàn, nhanh chóng

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention – CDC), khoảng 75% các bà mẹ bắt đầu nuôi con bằng sữa mẹ nhưng ngừng một phần hoặc toàn toàn trong vài tháng đầu tiên. Nguyên nhân tìm hiểu được là do lo lắng cơ thể không sản xuất đủ sữa cho trẻ. (2)

Trên thực tế, nguồn sữa của mẹ là đủ để nuôi dưỡng một hoặc thậm chí là hai đứa trẻ. Cơ thể mẹ có thể tạo ra được lượng sữa nhiều hơn so với nhu cầu của trẻ, chỉ có một số ít trường hợp mẹ bị ít sữa. Tuy nhiên, nếu mẹ quá lo lắng, mẹ có thể chủ động tìm hiểu và áp dụng các cách tăng sữa mẹ để gọi sữa về nhiều sau khi sinh.

Dưới đây là các cách làm tăng lượng sữa mẹ sau sinh, mẹ có thể tham khảo. Nhưng cần lưu ý rằng, thời gian để tăng nguồn sữa phụ thuộc vào lượng sữa ban đầu của mẹ thấp đến mức nào và nguyên nhân khiến mẹ bị ít sữa. Hầu hết các cách tăng lượng sữa mẹ dưới đây sẽ có tác dụng trong vòng vài ngày.

1. Cho trẻ bú ngay sau sinh

Các chuyên gia khuyến nghị nên cho trẻ bú mẹ sớm nhất có thể, tốt nhất là trong vòng 1 giờ đầu tiên sau khi sinh để tận hưởng được dòng sữa non quý giá, chứa nhiều chất dinh dưỡng cho trẻ.

Bên cạnh đó, việc cho bé ti mẹ càng sớm càng tốt còn giúp kích thích bầu sữa tiết sữa. Động tác bú mút của trẻ sẽ kích thích tuyến vú, giúp sữa mẹ về nhiều hơn và ổn định hơn. Với trẻ sơ sinh, mẹ hãy cho trẻ bú theo nhu cầu của trẻ, đến khi no trẻ sẽ tự động nhả núm ti mẹ ra.

Trong trường hợp trẻ ngủ nhiều và không đòi bú, mẹ nên đánh thức trẻ dậy bú bằng cách vỗ nhẹ, vuốt ve, thay quần áo hoặc thay tã cho trẻ. (3)

Kích sữa như thế nào là đúng cách năm 2024

Kích sữa như thế nào là đúng cách năm 2024
Hệ thống BVĐK Tâm Anh ưu tiên thực hiện da kề da cho tất cả các ca sinh tại bệnh viện để trẻ cảm nhận được hơi ấm và đón nhận dòng sữa non quý giá từ mẹ

2. Cho trẻ bú thường xuyên

Bác sĩ Thu Trà chia sẻ, cơ chế tạo tiết sữa mẹ là cơ chế thần kinh thể dịch. Khi trẻ bú, cơ thể mẹ sẽ tiết ra hormone prolactin giúp tái tạo sữa và oxytocin làm xuống sữa. Mẹ càng cho trẻ bú nhiều, cơ thể mẹ sẽ càng tạo ra nhiều sữa. Mẹ nên cho trẻ bú 8-12 lần mỗi ngày để có thể thiết lập và duy trì việc sản xuất sữa.

3. Cho trẻ bú đều cả hai bên ngực

Mẹ nên cho trẻ bú trước một bên, đến khi chậm lại hoặc ngừng bú thì chuyển sang bên còn lại nhưng cố gắng bú cả hai bầu ngực trong mỗi cữ bú. Việc kích thích cả bên bầu ngực cũng giúp tăng sản xuất sữa.

4. Cho trẻ ngậm bắt ti mẹ đúng cách

Tập cho trẻ ngậm bắt ti mẹ đúng cũng là một cách tăng lượng sữa mẹ. Nếu trẻ ngậm ti không đúng có thể khiến mẹ đau đớn, ảnh hưởng đến lượng sữa dẫn vào miệng trẻ. Ngoài ra, ngậm ti đúng cách cũng giúp tăng gắn kết tình mẹ con.

Để tập cho trẻ ngậm bắt ti mẹ đúng, mẹ hãy để đầu ti chạm vào môi trên của trẻ. Khi đó, theo phản xạ tự nhiên trẻ sẽ tự há miệng và tìm đến núm ti của mẹ.

Tham khảo: Cho con bú đúng cách

5. Uống sữa ấm trước khi cho trẻ bú

Mẹ nên uống một cốc sữa ấm nóng như sữa tươi, sữa đậu, sữa đặc pha loãng… trước khi cho trẻ bú khoảng 20 phút vừa giúp bổ sung dinh dưỡng cho mẹ, vừa kích thích tạo tiết sữa. Việc làm này còn giúp sữa mẹ về nhanh, đều, đậm đặc và thơm ngon hơn.

6. Cho trẻ bú bao lâu tùy thích

Trong những tuần đầu tiên, hầu hết trẻ sơ sinh bú ít nhất 8-12 lần mỗi ngày, hoặc ít nhất 2-3 giờ một lần (tính từ thời điểm bắt đầu cữ bú này đến thời điểm bắt đầu cữ bú tiếp theo).

Nhiều trẻ sơ sinh bú mỗi bên vú từ 10-15 phút, nhưng cũng có trẻ bú trong thời gian dài hơn tới 1-2 giờ mỗi lần. Vì thế, mẹ hãy để trẻ bú bao lâu tùy thích tùy theo khả năng. Khi trẻ no sẽ tự động nhả núm ti ra. Trẻ được bú mẹ thỏa thích vừa đáp ứng đủ nhu cầu sữa của trẻ, vừa giúp bầu ngực của mẹ cạn sữa, kích thích tạo đợt sữa mới. (4)

Kích sữa như thế nào là đúng cách năm 2024
Mẹ nên để trẻ bú mẹ bao lâu tùy thích theo nhu cầu của trẻ

7. Làm trống bầu sữa sau khi cho trẻ bú

Thường xuyên vắt hoặc hút sữa, làm trống bầu sữa sau mỗi cữ bú cũng là một cách tăng lượng sữa mẹ hiệu quả. Mẹ có thể làm ấm ngực trước khi hút sữa để cảm thấy thoải mái và hút sữa dễ dàng hơn. Massage bầu ngực nhẹ nhàng bằng tay cũng giúp tạo sữa nhiều hơn.

8. Trò chuyện, âu yếm với trẻ trước khi bú

Nghe có vẻ hơi khó tin nhưng đây là sự thật. Làm mẹ là thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ, chỉ cần được gần gũi con là cơ thể mẹ đã có phản xạ tiết sữa tự nhiên. Vì thế, trước khi cho trẻ bú, mẹ hãy dành thời gian trò chuyện, âu yếm hoặc vui đùa cùng trẻ để kích thích dòng sữa.

9. Da kề da với trẻ

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất thích được mẹ ôm vào lòng, cảm nhận hơi ấm từ cơ thể mẹ. Ban đầu, da kề da là một phương pháp điều trị cho trẻ sinh non, nhưng tiếp xúc da kề da cũng mang lại nhiều lợi ích cho trẻ sơ sinh đủ tháng.

Da kề da cũng được khuyến khích để tăng sự gắn kết mẫu tử và rất tốt cho quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Các nghiên cứu cho thấy việc da kề da có thể khuyến khích trẻ bú lâu hơn và giúp mẹ tạo ra được nhiều sữa hơn.

10. Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc

Mẹ sau sinh thường xuyên thức khuya có nguy cơ mất sữa rất lớn. Thức khuya sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, gây mệt mỏi, căng thẳng và ảnh hưởng đến các loại hormone như prolactin và oxytocin có vai trò quan trọng trong việc tạo tiết sữa.

Do đó, mẹ nên sắp xếp thời gian ngủ nghỉ hợp lý, thực hiện nguyên tắc con ngủ – mẹ ngủ để đảm bảo được nghỉ ngơi đầy đủ. Mẹ có thể tắm nước ấm và ngâm chân để cơ thể được thoải mái, thư giãn, dễ chìm vào giấc ngủ hơn.

11. Hạn chế căng thẳng, lo lắng

Căng thẳng, mệt mỏi hay mất ngủ có thể khiến cơ thể mẹ không ổn định, ảnh hưởng đến các hormone quan trọng trong việc tạo tiết sữa là prolactin và oxytocin. Do đó, mẹ nên cố gắng duy trì tinh thần thoải mái, năng lượng để quá trình tạo tiết sữa được hiệu quả.

Mẹ nên trò chuyện, chia sẻ cùng chồng và gia đình để được thấu hiểu, động viên và đỡ dần trong việc chăm sóc trẻ.

12. Tránh xa rượu bia, các chất kích thích

Uống rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích như thuốc lá có thể giảm lượng sữa mẹ. Vì thế, mẹ cần thiết lập thói quen lành mạnh ngay từ trong thai kỳ và sau sinh để tạo nguồn sữa dồi dào cho trẻ.

13. Uống đủ nước

Khoảng 90% sữa mẹ là nước, do đó mẹ cần bổ sung đủ lượng nước hàng ngày cho cơ thể vào khoảng 2-2,5 lít. Mẹ có thể sử dụng đa dạng các loại nước như nước lọc, nước rau củ quả, thảo dược hoặc sữa bổ sung. Mỗi tối trước khi ngủ, mẹ nên uống một cốc sữa ấm để ngủ ngon giấc hơn.

14. Chế độ ăn uống khoa học và đủ dinh dưỡng

Chế độ ăn uống cho mẹ sau sinh và cho con bú cần đảm bảo đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng là đạm, đường, béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Mẹ cần tìm hiểu và thực hiện chế độ ăn đúng cách, bổ sung các loại thực phẩm lợi sữa, tránh sử dụng các loại thực phẩm gây mất sữa để giúp sữa mẹ dồi dào hơn.

15. Massage bầu ngực

Khi cho trẻ bú, mẹ nên cho bé nghỉ vài phút và vỗ ợ hơi để trẻ không bị nôn trớ, sặc sữa. Trong lúc đó, mẹ có thể tranh thủ thực hiện thêm vài động tác massage bầu ngực bằng cách dùng tay xoa nhẹ nhàng bầu ngực theo chuyển động tròn, từ trong hướng ra núm ti.

Việc làm này sẽ giúp làm tan những cục sữa bị đông ở trong bầu ngực mẹ, giúp thông thoáng đường dẫn các tia sữa để trẻ ti mẹ dễ dàng hơn. Nếu bị tắc tia sữa, mẹ nên kết hợp massage bầu ngực và chườm nóng để cải thiện tình trạng.

Kích sữa như thế nào là đúng cách năm 2024
Mẹ nên massage ngực nhẹ nhàng bằng tay để giúp dòng sữa lưu thông tốt hơn, tránh tình trạng tắc tia sữa

16. Sử dụng thực phẩm chức năng

Nếu như các cách tăng lượng sữa mẹ tự nhiên kể trên không thể khắc phục nhanh chóng tình trạng ít sữa, mẹ có thể sử dụng các sản phẩm chức năng hoặc thảo dược lợi sữa. Một số sản phẩm có thể kích thích sản sinh hormone prolactin và oxytocin giúp sữa mẹ về nhiều hơn. Tuy nhiên, mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo sản phẩm phù hợp và an toàn cho trẻ.

Mẹ bị ít sữa: Khi nào cần gặp bác sĩ?

Sau khi thử qua các cách tăng lượng sữa mẹ kể trên mà tình trạng ít sữa vẫn không cải thiện, mẹ hãy gặp ngay bác sĩ sơ sinh, bác sĩ nhi hoặc chuyên gia đinh dưỡng để được tư vấn giải pháp.

Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo và lý tưởng nhất, rất quan trọng đối với sự phát triển thể chất và trí não của trẻ nhỏ. Vì thế, cần nhanh chóng nhận biết các dấu hiệu mẹ ít sữa để có giải pháp khắc phục tình trạng này, đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ trong những năm tháng đầu đời.

Có thể bạn quan tâm: Sữa chảy ướt áo nhưng vẫn ít sữa

Kích sữa như thế nào là đúng cách năm 2024
Nếu mẹ ít sữa cho trẻ hoặc trẻ bú mẹ nhưng không tăng cân, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn giải pháp khắc phục kịp thời

Một số lưu ý chăm sóc sức khỏe mẹ sau sinh

Bác sĩ Thu Trà khuyến nghị, sau khi sinh người mẹ cần được nghỉ ngơi hợp lý, vận động nhẹ nhàng, uống đủ nước, ăn uống đầy đủ 4 nhóm chất là chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất cũng như bổ sung sắt, vitamin theo hướng dẫn của bác sĩ.

Những ngày đầu sau sinh rất dễ xảy ra biến chứng, vì thế mẹ cần được theo dõi và chăm sóc đặc biệt. Nên cho trẻ bú mẹ càng sớm càng tốt để kích thích tử cung co hồi, tránh chảy máu, tiết sữa sớm. Đồng thời, việc cho trẻ bú mẹ càng sớm còn có tác dụng giữ ấm cho trẻ, giúp trẻ không bị hạ thân nhiệt, giảm nguy cơ viêm đường hô hấp trên.

Mẹ nên theo dõi sản dịch để phát hiện sớm tình trạng chảy máu sau sinh. Nếu thấy ra máu đỏ tươi, máu vón cục hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy báo ngay cho bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời.

Không sinh hoạt tình dục trong 42 ngày đầu sau sinh. Khi quan hệ trở lại, mẹ cần áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp để tránh mang thai trở lại quá sớm. Người chồng và gia đình cần quan tâm, chăm sóc, động viên và san sẻ việc chăm sóc trẻ để mẹ có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe sau sinh và tạo tiết sữa cho con bú.

Người chồng và gia đình nên theo dõi, phát hiện sớm những thay đổi cảm xúc ở mẹ như mất ngủ, mệt mỏi, lo lắng, buồn chán… bởi đó có thể là những dấu hiệu của bệnh lý trầm cảm sau sinh rất nguy hiểm. Khi có những dấu hiệu này, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có những phương án can thiệp kịp thời.

Hy vọng qua bài viết này mẹ đã biết những cách tăng lượng sữa mẹ, đảm bảo nguồn sữa mẹ dồi dào và bổ dưỡng cho con yêu. Chúc mẹ có hành trình nuôi con bằng sữa mẹ hạnh phúc và thành công!