Khoó dẹp hàng rong gia định vì sao

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Những ngày đầu năm Dương Lịch cuối năm Âm Lịch chừng như không mấy vui đối với những người buôn bán rong, nghĩa là những người kiếm sống trên đường phố ở Việt Nam. Lý do là vì chính phủ đề ra hai nghị định, một là cấm xe ba bánh tự chế lưu thông trên đường phố, hai là dẹp hết những xe ba gác hay những gánh hàng rong ở các thành phố lớn.

  • Bấm vào đây để nghe bài tường trình này
  • Download story audio

Khoó dẹp hàng rong gia định vì sao

Đa số người bán rong vệ đường là dân nhập cư, toàn bộ là những cuộc sống khó khăn cả. Photo AFP

Theo lẽ thì ngày đầu tiên của năm 2008, tức là Tết Tây, thì quyết định loại bỏ xe tự chế ba hay bốn bánh có hiệu lực. Thế rồi trước đó một ngày, đột nhiên Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh thông báo gia hạn thời gian cho người lao động sử dụng xe ba bánh đến hết tháng Sáu 2008. Một vài địa phương như Trà Vinh ở miền Nam và Gia Lai ở miền Trung cũng loan báo tạm hoãn lịnh cấm xe ba bánh tự chế.

Đối với người nghèo ở Việt Nam, chiếc xe ba bánh là khúc ruột, là cần câu cơm của người ít vốn ít tiền. Thay vì quang gánh với đôi thúng nặng trĩu, người bán rong có xe ba gác thì chẳng những thồ được nhiều hàng, tải được nhiều rác, thu mua được nhiều ve chai, rồi trên đường đi dù có đẩy tay cũng đỡ cực hơn quảy nặng, mà nhỡ có gặp trúng cảnh sát dẹp lòng lề đường thì chạy cũng lẹ hơn.

Đi bán hàng rong là một nghề vừa kiếm sống và nuôi gia đình đối với những dân quê bỏ ruộng vườn lên thành thị, một dạng kinh tế đường phố. Ông Hùng, cư ngụ tại quận Đống Đa, Hà Nội, cho rằng dẹp hàng rong là vô tình đập vỡ nồi cơm của không biết bao nhiêu người nghèo :

Những người bán hàng rong là người nghèo hay người ở quê ra. Cấm bán hàng rong vô hình chung là chính quyền đánh vào những người nghèo. Hiện tại thì chưa phải là cấm nhưng mà sẽ cấm bán ở những phố chính hay phố lớn thí dụ như là phố Hàng Ngang Hàng Đào, những phố mang tính chất là dân du lịch đi đông. Thế nhưng tới đây thì sẽ cấm hẳn.

Đúng là ngày 19 vừa qua, lệnh cấm bán hàng rong trên vĩa hè đã chính thức được áp dụng tại thủ đô Hà Nội. Tại thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 29 tháng Hai thì xe đẩy tay các loại không được phép lưu thông trên thành phố nữa, và hạn chót hoạt động của xe tự chế các loại là ngày 30 tháng Sáu 2008.

Giới lao động lo âu

Khỏi nói chắc quí vị cũng hiểu giới lao động xao xuyến lo âu như thế nào vào khi năm hết Tết đến. Chị Sen, từ Bến Tre lên thành phố Hồ Chí Minh đi bán trái cây dạo: Nhà thì ít đất phải đành đi buôn bán vậy đó, anh em thì đông ma hổng có ruộng, có chút đĩnh đất vườn, rồi thấy vậy thôi để mình đi buôn bán qua ngày đặng lo cho con với cho bà già nay tới tám mươi mấy tuổi.

Trung bình ngày kiếm vài chục thì đủ sống qua ngày. Giờ cuộc sống khó khăn thì mình bán chừng nào họ kêu dẹp thì mình dẹp chứ giờ biết làm sao.

Ở nông thôn thì làm ăn khó khăn cho nên phải từ Bắc vào tới trong Nam làm ăn kiếm thêm mà nuôi các cháu ăn học. Nếu nhà nước mà cấm thì cũng rất là khó khăn. Vì điều kiện kinh tế chúng em phải vào đây đấy. Chúng em gọt khoai mì với khoai lang và bắp, mỗi ngày chỉ được vài chục ngàn, có ngày nào may thì được năm sáu chục ngàn, không có thì chỉ được bốn năm chục ngàn, đó là trừ hết tiền nhà tiền ăn tiền điện nước.

Anh Tân, quê ở Hưng Yên, vào thành phố Hồ Chí Minh, đẩy xe bán khoai nướng bắp nướng:

Đa số người bán rong vệ đường là dân nhập cư, toàn bộ là những cuộc sống khó khăn cả. Nếu mà nhà nước dẹp thì dân phải chịu không có thể chống lại được, nhưng mà dẹp thì nhiều người sẽ thất nghiệp và sinh ra nhiều những cái tệ nạn xấu.

Trước mắt thì chắc là vẫn phải cứ bám trụ ở trong Nam, chứ về quê thì cũng phải đi nơi khác chứ không thể ở quê mà sống được. Vì ở quê chỉ có trồng lúa, trông chờ vào lúa thì ở ngoài Bắc ruộng không có mấy, ít lắm chứ không phải như ở trong Nam.

Và anh Toan, quê ở Hà Tây, bán bắp luộc tại chợ Tân Bình: Ở nông thôn thì làm ăn khó khăn cho nên phải từ Bắc vào tới trong Nam làm ăn kiếm thêm mà nuôi các cháu ăn học. Nếu nhà nước mà cấm thì cũng rất là khó khăn. Vì điều kiện kinh tế chúng em phải vào đây đấy.

Chúng em gọt khoai mì với khoai lang và bắp, mỗi ngày chỉ được vài chục ngàn, có ngày nào may thì được năm sáu chục ngàn, không có thì chỉ được bốn năm chục ngàn, đó là trừ hết tiền nhà tiền ăn tiền điện nước.

Đặc thù và độc đáo

Đó là phía những người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp nếu lệnh cấm bán hàng rong hàng dạo được áp dụng. Về phía những người trong giới kinh doanh thì sao? Một chuyên gia tài chính, ông Bùi Kiến Thành, nhìn vấn đề trong góc độ kinh tế. Từng nhiều năm làm việc ở nước ngoài, ông Bùi Kiến Thành hiện là cố vấn của tập đoàn AIG American International Group và Đại Á Corporation ở Hà Nội.

Theo ông, hàng rong hàng dạo cũng là một mảng kinh doanh quan trọng, một system of home delivery, tạm dịch là hệ thống giao hàng tại nhà, đặc thù và độc đáo, mà không phải nước Châu Á nào cũng có. Trao đổi với Thanh Trúc, ông đưa ra bài toán như sau:

Quanh Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có hàng trăm nghìn người đi bán hàng rong. Cả sáu mươi bốn tỉnh thành Việt Nam có không dưới hai triệu người đi bán hàng rong. Hai triệu người mà nhân lên cho một trăm nghìn, một trăm nghìn đồng thôi, doanh thu mỗi ngày, thì thấy rằng đấy là một lĩnh vực kinh tế cực kỳ lớn,không có một xí nghiệp nhà nước một cái công ty tập đoàn nhà nước nào hay tập đoàn kinh tế nào có thể bì kịp cái doanh thu của cộng đồng bán hàng rong của Việt Nam.

Đặc biệt hơn nữa là cái cộng đồng này, cái quay vòng tiền vốn là hàng ngày chứ không phải là hàng tháng không phải là hàng năm. Thì ta cứ nhân lên cái doanh thu của cộng đồng bán hàng từ một trăm nghìn nhân cho hai triệu nhân cho ba trăm sáu mươi lăm ngày, chúng ta thấy doanh thu của cộng đồng hàng rong này đứng hàng đầu trong nước, không có tổ chức kinh tế nào bì kịp. Nói về vấn đề kinh tế nó là như vậy.

Vẫn theo lời nhà tư vấn kinh tế tài chánh Bùi Kiến Thành, dẹp bỏ hàng rong đường phố là một quyết định hệ trọng cần phải cân nhắc:

Tại vì những người bán hàng rong là cái đầu ra của nông sản, thực phẩm. Chúng at là một quốc gia có nông sản rất là lớn, chung quanh các thành phố là hàng triệu người đang hoạt động trong ngành sản xúât nông sản thực phẩm. Họ đưa nông sản thực phẩm vào thành phố qua những người bán hàng rong cung cấp cho thành phố.

Nếu như ngày mai mà cấm hết những người bán hàng rong và không ai bán nữa, thì cái đầu ra nông sản thực phẩm của các vùng nông thôn quanh thành phố sẽ bị tác động mạnh. Và đây là cái hậu phương kinh tế lớn của Việt Nam, không phải là một hai triệu người bán hàng đang đi trong thành phố mà còn hàng triệu người sản xuất nông sản thức phẩm xung quanh các thành phố, để nuôi hàng chục triệu người trong các thành phố.

Như vậy chúng ta phải trân trọng cái đội quân kinh tế mà đi phát hành cái nông sản thực phẩm trong thành phố chứ không phải là cấm đoán người ta được. Đây là vấn đề công ăn việc làm của hàng triệu nông dân, không thể nào đá cái bát cơm của người nông dân hay những người đi phân phối thực phẩm như vậy được. Bên Mỹ họ bỏ ra hàng chục tỷ đô la chưa chắc gì đã tổ chức được một cái System Of Home Delivery như cách bán hàng rong của Việt Nam ta.

Tác động đến giá cả thị trường

Với câu hỏi nếu dẹp bỏ toàn bộ việc bán hàng rong đi thì giá cả đang tăng với tốc độ phi mã hiện giờ sẽ bị ảnh hưởng ra sao. Ông Bùi Kiến Thành giải thích:

Không chỉ hàng rong mà cả những quán cóc trên đường phố cũng là một hoạt động kinh tế để mà rút giá thành và giá sinh hoạt xuống. So sánh một bữa cơm lề đường và một bữa cơm trong quán thì chúng ta thấy có sự cách biệt ngay. Ta có thể ăn một bát phở trên lề đường năm bảy nghìn, nhưng ma vào các quán hàng thì có thể hai ba bốn năm chục nghìn ngay.

Vì vậy không nên làm những gì có tác động đưa giá thành và giá sinh hoạt lên, ít nhất về mặt đấy chúng ta phải hết sức thận trọng. Còn vấn đề mà tích cực muốn giảm thì hiện nay Việt Nam chưa có bộ phận để mà suy nghĩ và phân tích rõ ràng tất cả mọi khía cạnh của vấn đề giá cả.

Khoó dẹp hàng rong gia định vì sao

Đối với người nghèo ở Việt Nam, chiếc xe ba bánh là khúc ruột, là cần câu cơm của người ít vốn ít tiền. Photo AFP

Khi đưa ra quyết định dẹp hàng rong, làm sạch lòng lề đường, chính phủ Việt Nam hướng tới giải quyết nạn kẹt xe cũng như lập lại trật tự trên đường phố. Góp ý trong mục đích tìm biện pháp khả dĩ và khả thi, ông Bùi Kiến Thành nói:

Cái điểm mà các vị quan tâm nhất, gọi là đường thông hè thoáng, tức là vấn đề giao thông. Hiện nay ở Việt Nam có tình trạng đường thì hẹp mà xe thì đông, trong những năm vừa rồi là có rất nhiều xe ô tô chạy trong thành phố. Vì vậy nhiều khi có những ông ngồi trên ô tô mà bị kẹt đường kẹt xá đâm ra bực mình, cho rằng những người khác cản trở đường đi của mình.

Nhưng không nên vì một số những ô tô như vậy hay vì những ông lớn ngồi trên ô tô mà quên rằng đường sá là của một hệ thống kinh tế chứ không chỉ cho những người ngồi trên xe thấy bức xúc vì giao thông không tốt. Đương nhiên phải tổ chức giao thông cho tốt nhưng không vì vậy mà động chạm tới một mảng kinh tế rát là lớn đối với đất nước.

Thanh Trúc nêu câu hỏi tiếp với ông Bùi Kiến Thành là ông có thể góp thêm ý kiến gì nếu chính phủ thấy rằng việc dẹp bỏ xe tự chế và hàng rong là cần thiết cho tiến trình làm sạch đẹp đường phố và ổn định giao thông, chẳng khác trường hợp Singapore mấy chục năm trước, ai mà chẳng mong Việt Nam tiến đến mức sạch đẹp như Singapore ngày hôm nay?

Singapore không phải ngày một ngày hai mà thành Singapore hôm nay. Singapore trở thánh Singapore như hôm nay là bắt đầu từ những năm năm mươi, sáu mươi tức là bốn năm chục năm về trước. Vì vậy cho nên ta phải suy nghĩ rằng cuộc sống kinh tế là một cuộc sống thật sự chứ không phải cái mà chúng ta ta muốn bật lên bật xuống muốn làm thế nào cũng được.

Chúng ta phải có một chương trình theo lịch trình thời gian cho hợp lý và không động chạm tới đời sống của nhân dân. Dân là chính, dân an cư lập nghiệp đưa đất nước lên. Mà những người nào đưa đất nước lên trong những năm vừa rồi? Nông dân là chính. Chứ còn thật sự ra kinh tế công nghiệp chỉ mới phát đây thôi. Công nghiệp cũng phải dựa vào đời sống của đa số nông dân và người lao động. Đừng làm cái gì có thể lôi nền kinh tế xuống vì lý do đường thông hè thoáng.

Khi nào tới một cái mức độ mà những người lao động người đi bán hàng rong có thể tìm được công việc làm khác hợp lý và có thể đảm bảo được đời sống an toàn thì lần lần xã hội cũng tự điều chỉnh. Mọi vấn đề chính sách vĩ mô là phải nhìn hết thảy tất cả những thành phần kinh tế để mà đồng phát triển chứ không phải là dẹp cái gì cả.

Quí thính giả vừa theo dõi mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi với đề tài dẹp xe ba gác, dẹp gánh hàng rong cho phố sạch, cho đường thông hè thoáng.

Sắp Tết rồi, người mình có câu “Nghèo Khó Mấy Cũng Ba Ngày Tư Ngày Tết”. Năm nay Tết Mậu Tý rơi vào ngày 7 tháng Hai Dương Lịch. Chúng ta có nên cầu chúc những người buôn thúng bán bưng chạy hàng chạy chợ, những kẻ đi trong sương sớm và về lúc phố lên đèn, được một dịp Tết buôn may bán đắt cho gia đình bớt phần cơ cực?