Khi nào dự án thực hiện giai phóng mặt bằng năm 2024

Ngày 18/1, tại phiên thứ 2 của Hội thảo khoa học phát triển hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội và TPHCM, các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế cùng nhau bàn và đưa ra các giải pháp giải phóng mặt bằng tối ưu nhất đối với các dự án lớn.

Giải phóng mặt bằng là khâu rất quan trọng

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết: "Phiên hội thảo thứ 2 tiếp tục được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế nhằm trao đổi, nghiên cứu kinh nghiệm về phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM".

Cùng với đó, tại phiên hội thảo này, các chuyên gia sẽ thảo luận các kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện thể chế có liên quan nhằm phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng, quy hoạch xây dựng chỉnh trang đô thị, đất đai, đầu tư, quản lý vận hành khai thác đường sắt đô thị.

Hội thảo sẽ chia sẻ kinh nghiệm để hoàn thiện đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM vào năm 2035 theo 5 mục trọng yếu bao gồm: Quy hoạch; thu hồi đất; giải phóng mặt bằng; huy động nguồn lực từ đất đai; tiêu chuẩn; giải pháp công nghệ; mô hình tổ chức quản lý dự án.

"Công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất là khâu quan trọng trong quá trình phát triển và triển khai dự án, để phát triển kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng. Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh, thu hút đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng. Bên cạnh đó, góp phần bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người bị thu hồi đất, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo của người có đất bị thu hồi", Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhận định, chuyên đề giải phóng mặt bằng, thu hồi đất là tiền đề quan trọng làm cơ sở thực hiện đối với các dự án đường sắt đô thị, cũng là khâu then chốt để hoàn thành dự án đúng tiến độ, tăng hiệu quả của dự án đầu tư.

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Đỗ Đình Phan cho biết, Vành đai 4 là vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.

Ông Đỗ Đình Phan, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội tham luận tại hội thảo. Ảnh: VGP/TL

Theo ông Đỗ Đình Phan, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, bao gồm 7 dự án thành phần do UBND TP. Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên và UBND tỉnh Bắc Ninh là cơ quan chủ quản - cơ quan có thẩm quyền, trong đó 3 dự án đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công, 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BOT.

Xác định khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư là khâu "trọng điểm của trọng điểm" phải được triển khai sớm, TP. Hà Nội đã đề xuất tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần độc lập để triển khai ngay sau khi chủ trương đầu tư được duyệt. Từ đó giải phóng mặt bằng không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật mang tính chất chuyên ngành của công trình, thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi có chỉ giới đường đỏ được phê duyệt và khi dự án thành phần xây lắp được duyệt hồ sơ cắm mốc giải phóng mặt bằng sẽ tiếp tục cập nhật, bổ sung cho phù hợp nhằm bảo đảm có mặt bằng thi công trước khi trao thầu…

Chuyển dịch đất đai để tổ chức lại các không gian đô thị

Đại diện Công ty Metro Thâm Quyến (Trung Quốc) cho biết, theo quy định của pháp luật, chính phủ chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng các dự án đường sắt đô thị, còn đơn vị xây dựng sẽ hợp tác chặt chẽ với chính phủ. Công ty cũng chia sẻ một số yếu tố giúp việc thu hồi đất và giải phóng mặt bằng ở Thâm Quyến diễn ra nhanh chóng gồm: Lợi ích công cộng và dựa trên pháp luật; công khai, minh bạch; sự hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp, hình thành lực lượng chung; dựa trên điều kiện địa phương...

Trao đổi về cơ chế chuyển dịch đất đai nâng cấp đô thị dựa vào hệ thống giao thông công cộng, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần đổi mới quá trình "chuyển dịch đất đai", một mặt cần tới việc phân tích lợi ích thật cụ thể để thực hiện tốt cơ chế "chia sẻ lợi ích", mặt khác cần tới việc thực hiện sự đồng thuận cộng đồng của những người mất đất. Phát triển kinh tế là quan trọng nhưng bền vững xã hội còn là yếu tố quan trọng hơn.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/TL

Trong mô hình TOD, chúng ta cần quan tâm tới 2 vấn đề chuyển dịch đất đai: Đất để phát triển các tuyến giao thông công cộng nối giữa các "đô thị mắt lưới"; sự chuyển dịch đất đai để tổ chức lại các không gian đô thị tại các "đô thị mắt lưới". Đối với đất để phát triển các tuyến giao thông công cộng, cơ chế Nhà nước thu hồi đất được áp dụng là hoàn toàn hợp lý vì đây là các dự án hạ tầng vì lợi ích công cộng không vì mục tiêu lợi nhuận.

Đối với các tuyến đường tàu điện trên cao, GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, có thể đặt thêm vấn đề khai thác không gian dưới các thuyến đường tàu trên cao như thế nào cho có khả năng sinh lợi. Đối với các tuyến đường tàu điện ngầm (Metro), việc thu hồi đất để xây dựng các ga tàu là cần thiết, ngoài ra còn phải xem xét việc bồi thường thiệt hại cho những thửa đất bên trên đường tàu điện ngầm khi không thể xây dựng nhà quá cao tầng.

"Pháp luật đất đai cần quy định cụ thể về phạm vi thực hiện quyền bề mặt của mỗi thửa đất để minh bạch phạm vi thực hiện quyền bề mặt và xác định rõ ràng mức bồi thường đối với không gian bên trên và bên dưới thửa đất. Đến nay, luật pháp chưa thống nhất cách tiếp cận cũng là một trở ngại pháp lý cho phát triển đô thị, nhất là các đô thị dạng nén", GS.TS Đặng Hùng Võ nêu quan điểm.

Đối với vấn đề đổi mới cách tổ chức không gian đô thị tại các "đô thị mắt lưới", GS.TS Đặng Hùng Võ nhận định, không thể áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất vì không thể thu hồi toàn bộ đất của một đô thị hiện hữu. Hơn nữa, cơ chế thu hồi đất làm tăng rất cao chi phí thực hiện, thậm chí không thể tìm chi phí đủ để thực hiện. Mặt khác, áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất là trái với nội dung Nghị quyết 18-NQ/TW đã giới thiệu ở trên.

Cơ chế "chuyển dịch đất đai" phù hợp nhất tại các "đô thị mắt lưới" chính là cơ chế "góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai" đã được triển khai thành công ở nhiều nước. Vấn đề còn lại là tìm ra lộ trình thực hiện sao cho phù hợp với hiện trạng "đô thị mắt lưới"…

Chủ đề