Kafka bên bờ biển đánh giá

Tôi chọn mua Kafka Bên Bờ Biển của nhà văn Haruki Murakami hai năm trước sau lần soạn tủ sách và vô tình chạm đến cuốn “Rừng Nauy” – tác phẩm đã ám ảnh cái tôi mười tám trong quãng thời gian dài. Đến thời điểm hiện tại khi hoàn thành việc đọc hiểu và cảm thụ Kafka Bên Bờ Biển, tôi chợt thầm cảm ơn cuộc sống bận rộn chỉ cho phép bản thân mở nó ra vào kỉ nghỉ đông vừa rồi, bởi một tác phẩm văn chương tầm vóc, một bữa tiệc nghệ thuật hoành tráng cỡ Kafka Bên Bờ Biển nên được đón nhận trọn vẹn bởi thứ tâm hồn rộng mở, tuyệt nhiên không vội vã. Hẳn đấy là phần nào lí do nhiều độc giả mang tâm trạng háo hức từ tuyệt tác Rừng Nauy, lao đến ngấu nghiến Kafka Bên Bờ Biển để rồi ngẩn ngơ chẳng thể liên kết tình huống truyện cũng như đăm chiêu trước nút thắt được khéo léo đẩy đến cao trào nhưng không được tháo gỡ trong thỏa mãn. Những ai đọc dù chỉ một lần đều thừa nhận quyển sách ẩn chứa kho tàng bài học giá trị, nhưng cần ít nhất gấp ba con số ấy để hoà hợp với tác phẩm được bàn luận rất sôi nổi trên Goodreads này, qua đó vạn lần thán phục công sức mà nhà văn Haruki gửi gắm trong từng trang giấy.

Kafka bên bờ biển đánh giá

Xét về nội dung, tôi chưa từng nghĩ Kafka Bên Bờ Biển có cốt truyện hấp dẫn, hợp thời so với Rừng Nauy hay Phía Nam Biên Giới Phía Tây Mặt Trời. Sơ lược câu chuyện được viết theo lối tự sự song song, một bên miêu tả hành trình thoát khỏi lời tiên tri, tìm lại số phận của cậu bé mười lăm tuổi Kafka Tamura được thể hiện qua số chương chẵn; song hành đều đặn ở chương lẻ là cuộc tìm kiếm “hòn đá cửa vào” (entrance stone) của lão già kì lạ Saoru Nakata vốn sống xa rời với nền công nghiệp hiện đại Nhật Bản, chủ yếu mưu sinh bằng nghề tìm mèo lạc. Đúng tinh thần “để thay đổi, con người chỉ có thể gặp nhau”, chặng du hành của hai bản ngã tưởng chừng chẳng liên quan được đẩy đưa, trợ giúp bởi cơ số kẻ bên đường (Oshima, Hoshino) để cuối cùng cắt nhau, giải quyết phần mắc xích bừa bộn bằng thứ logic rất “Murakami”. Chỉ mất một lần đọc sơ bộ cũng đủ tóm lấy xương sống – vốn là nội dung cơ bản, nhưng đòi hỏi trăn trở nghiêm túc để ôm trọn, thưởng thức tạo vật tuyệt mĩ Haruki dày công tạo ra: đó là thủ pháp nghệ thuật cùng hàng tá lí thuyết tuyển chọn từ đủ mọi lĩnh vực được chèn khéo léo, hợp lí vô cùng xuyên suốt bề dày tác phẩm.

Kafka bên bờ biển đánh giá

Đầu tiên phải thán phục Haruki Murakami đã bản lĩnh chọn văn học phi lí và kết cấu song hành để dệt nên lớp áo mê hoặc cho đứa con tinh thần yêu dấu. Có quá nhiều chi tiết phi logic, đi ngược tự nhiên trong Kafka Bên Bờ Biển, từ cơn mưa cá mòi và cá thu tại quận Nakano, trận mưa đĩa khi Nakata bung dù, thực thể tượng trưng (Johnny Walker và Colonel Sanders) đến “hòn đá cửa vào” mang đầy chất tâm linh hay khu rừng thăm thẳm tượng trưng cho phần tận cùng thế giới. Chịu ảnh hưởng từ nhà văn nổi tiếng Franz Kafka, Haruki xây dựng sự vô thực nhằm nổi bật vai trò của con người trong cuộc đấu tranh loại trừ chất phi lí, hướng đến cuộc sống hoàn chỉnh hơn, như chính Kafka đã đắm mình nơi khu rừng đủ lâu cốt nhận ra rũ bỏ trách nhiệm là lựa chọn cuối cùng trên con đường phấn đấu trở thành “Chàng trai 15 tuổi cứng cỏi nhất Thế giới”. Kết cấu song hành cùng hệ thống từ ngữ bậc thầy phát huy tối đa tác dụng quyến rũ người đọc. Tôi thừa nhận cuộc hành trình của cả hai, đặc biệt là ông lão Nakata, đều nhiều hơn ba lần đẩy người đọc vào trạng thái hoang mang chán nản, bởi ta không đoán nổi họ đang hướng đến điều gì khi mọi thứ dù vô lí nhất cũng có thể xảy ra trong thế giới của Haruki, chúng ta nôn nóng lật thật nhanh đến trang cuối để chấm dứt chuỗi lan man vô tận. May mắn thay, lối miêu tả, tự sự xuất sắc của tác giả đủ sức lấn át trí tò mò đơn thuần; đơn cử cánh rừng tĩnh lặng nơi có cabin của anh em nhà Oshima luôn giữ tâm trí tôi ở lại lâu hơn tốc độ đọc hiểu thông thường, gặm nhấm ánh nắng đan xen thứ im lặng thành lời mà Kafka luôn mê đắm, hay hàng loạt lí luận được Oshima đưa ra tựa vai trò dàn hợp xướng trong loại hình giải trí bi kịch Hi Lạp cổ xưa, hấp dẫn và mê hoặc tuyệt vời. Nghệ thuật dẫn dắt, trau chuốt câu từ luôn đóng vai trò then chốt ghi điểm với người đọc, kích thích họ nhẫn nại tìm hiểu giá trị cốt lõi ẩn mình và Haruki với lối viết đơn giản ảnh hưởng Tây phương, không quá đi sâu vào ngóc ngách như những nhà văn Nhật Bản đương thời, đã rất thành công. Tiếp đến là cơ sở thần học cổ xưa kì bí phối hợp nhịp nhàng cùng tâm lí và phân tâm học hiện đại nhằm giải thích toàn diện, đa chiều loạt tư tưởng của hai nhân vật chính là Kafka và Nakata. Sự kiện quý cô Saeki ngày còn trẻ tha thiết mở “hòn đá cửa vào” với khát vọng lưu giữ xúc cảm, kí ức về người bạn trai thiếu thời Kafka Komura khỏi hiện thực tàn khốc lẫn dòng chảy khắc nghiệt của thời gian đã vô tình đảo lộn thế giới của cậu bé tiểu học Nakata phía kia quần đảo. Nếu như quý cô Saeki xinh đẹp mãn nguyện giam giữ tâm hồn nơi cánh rừng sâu thẳm sau cái chết của bạn trai, can tâm sống phần đời còn lại để chờ chết (hollow man) thì cậu bé Nakata lại vô tình bỏ quên lí trí, trở thành sinh vật cận thuần khiết sau hai tuần bất tỉnh. “Hòn đá ra vào” trong văn hóa Nhật Bản ẩn dưới mọi hình dạng, khi là bản nhạc đầu tay da diết, quyến rũ đến kì lạ Kafka Bên Bờ Biển của người thiếu nữ Saeki, khi là ánh sáng kì lạ tại ngọn đồi năm 1944 đã khiến toàn bộ học sinh tiểu học bất tỉnh tạm thời, nhưng điểm chung là số phận những kẻ liên quan đều thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng phản chiếu tâm tư, nguyện vọng nơi họ. Ở quý cô Saeki không khó nhận ra là nỗi niềm mất mát lẫn xu thế thần thánh hóa tình yêu đầu đời dễ thấy ở phần đông người trẻ; còn về phía Nakata chính là hoàn cảnh thiếu thốn hậu chiến tranh với giọt nước tràn li là cái tát bất ngờ của giáo viên tiểu học đáng kính. Tất cả những cú sốc chan chứa uất ức, nghiệt ngã của cuộc đời đã vô tình tước đi tinh thần thép lẫn nguyện vọng sống của họ khi “hòn đá cửa vào” được mở ra. Trái ngược với nhân vật chính Kafka Tamura sáng suốt quyết định rời bỏ khu rừng bất tận để được sống đúng bản chất, cả quý cô Saeki lẫn lão già hiền lành Nakata năm xưa đều yếu đuối mà vĩnh viễn bỏ rơi nửa phần hồn, để rồi kẻ giam mình nơi bức tường quá khứ bụi bặm rêu phong, người mất cảm quan về tương lai tươi sáng. Kí ức trở nên vô nghĩa với hai cá thể khiếm khuyết, quý cô Saeki ngày đêm ghi lại hành trình cuộc sống như một nghĩa vụ, được chân phương bày tỏ trong đoạn hội thoại cuối cùng cả hai có với nhau:

-The only thing Nakata understand is present. (Điều duy nhất Nakata hiểu là hiện tại)

-I’m the exact opposite. (Ta thì hoàn toàn ngược lại đấy)

Đó là bi kịch tinh thần, một thiệt hại khó bù đắp mà chiến tranh cũng như quá trình hiện đại hóa gây ra cho thế hệ con người Nhật Bản. Haruki đã khéo léo ghi chép, truyền đạt phần lớn qua hai nhân vật với số phận song song dẫu cá tính trái ngược cùng hàng loạt tình tiết ẩn dụ mang tính thần thoại. Tuy nhiên, thành tựu ngọt ngào với dấu ấn rõ nét của phân tâm học được Haruki đầu tư mạnh nhất vào nhân vật chính Kafka Tamura. Hành trình bỏ nhà của cậu bé mười lăm tuổi với tư duy lẫn thể xác vượt tuổi này được châm ngòi, nung nấu bao năm bởi bản tính độc địa, thờ ơ cùng lời tiên tri ác miệng của người cha: “Mày rồi sẽ giết cha, ngủ cùng mẹ và chị gái” – trùng khớp khái niệm về phức cảm Oedipus nổi tiếng nhiều tranh cãi của triết học người Đức Freud Sigmund dựa trên một trong những bi kịch Hi Lạp bất hủ. Phần lớn sự kiện khó chấp nhận diễn ra xuyên suốt hành trình vứt bỏ số phận, tìm lại bản thân của Kafka đều khéo léo ôm theo học thuyết này, tạo nên thế dai dẳng, bế tắc tột cùng mà định mệnh đã “ưu ái” ban cho nhân vật chính cũng như để phác họa môi trường trui rèn Kafka trở thành “cậu bé mười lăm tuổi dũng cảm nhất thế gian”. Ngày Nakata đâm hai nhát, giết chết thực thể tượng trưng Johnny Walker tại ngôi biệt thự nhà Tamura, Kafka cũng tỉnh dậy nơi ngôi miếu xa xôi với vết đen ban đầu tựa bướm nhỏ trên áo, sau loang thành chất lỏng nhớp nháp mà cậu bàng hoàng nhận ra là máu tươi. Nói cách khác, lão già Nakata với nhận thức trống rỗng chính là đại diện cho hệ vô thức, phần bản năng của con người nói chung và Kafka Tamura nói riêng. Học thuyết của Freud chỉ rõ mối quan hệ giữa vô thức, tiềm thức và ý thức tương ứng với cái ấy, cái tôi và cái siêu tôi. Trong giai đoạn “cái ấy” (bản năng – id), Kafka đã ham muốn giết cha và ngủ cùng mẹ, ẩn dụ qua cách Nakata kết liễu gọn gàng Johnny Walker – vốn có nhiều điểm tương đồng với nhà điêu khắc Tamura (ở chương “The Boy Name Crow”, tác giả lần nữa khẳng định điều này) hay chính quý cô Saeki (được giả thiết là mẹ của Kafka) từng nói Nakata là cậu bé trong bức tranh Kafka Bên Bờ Biển. Haruki gửi gắm quan điểm về quan hệ giữa phần hồn và phần xác qua lời giải thích của cậu thủ thư, lấy ví dụ về “Truyện Kể Genji” nhằm gia tăng tính thuyết phục. Kết hợp truyền thuyết xưa cũ cùng chủ đề phân tâm học vốn hấp dẫn bất cứ ai vô tình nghiên cứu, tác giả tài tình móc nối hai số phận tưởng chừng không điểm cắt và hợp lí hóa chi tiết rất đỗi phi vật lý, phi khoa học. Cái siêu tôi (superego) trong nền tảng Cơ Chế Tự Vệ là quan điểm xã hội về loạn luân và cái tôi (ego) không gì khác ngoài tinh thần mạnh mẽ, nhận thức tỉnh táo của Kafka trước lời tiên tri của người cha. Phức cảm Oedipus chưa từng mang nghĩa bệnh hoạn, nó đơn giản là xung đột giữa ham muốn sâu thẳm và chuẩn mực xã hội mà chúng ta từng ngày đấu tranh loại bỏ, tạo nên cơ chế tự vệ, giúp con người phát triển mạnh mẽ, tách biệt lẫn ưu việt hơn hẳn trăm ngàn giống loài cùng chia sẻ hành tinh Trái Đất. Freud từng khẳng định cuộc sống không dễ dàng, cái tôi ngồi ở thế trung tâm, nắm quyền lực giảng giải và trung hòa nét hoang dã trong bản năng và tính nghiêm túc, chuẩn mực thuộc về nhận thức. Một trong những yếu tố chính yếu giúp đỡ cái tôi điều chỉnh hành vi là gia đình, một đứa trẻ với mặc cảm Oedipus sẽ dần thích nghi, lần át phần “con” với sự giúp đỡ dần dà từ tình yêu chân thành từ người mẹ. Dễ thấy ý đồ của nhà văn Haruki khi tước đoạt quý cô Saeki khỏi cuộc đời Kafka, ông lần nữa tô đậm bằng loại bút sáng màu nhất vai trò của gia đình trong cuộc đời mỗi con người, bằng chứng dẫu Kafka có cường tráng về thể chất lẫn quật cường nơi tinh thần vẫn không thể đánh chết định mệnh, giải thoát bản thân khỏi phần bản năng tối tăm. Mặc cho ngay từ những dòng đầu, Kafka ý thức rất rõ điều sai trái thể hiện qua cuộc chuyện trò nghiêm túc với chính bản ngã của mình (The Boy Name Crow), rằng cậu thà vứt bỏ cuộc sống vật chất đủ đầy, thà đối diện khó khăn tuổi mười lăm ở vùng đất xa lạ còn hơn dần tiệm cận lời tiên tri khủng khiếp mang tính hủy diệt lòng tự trọng. Thế nhưng qua bao khó khăn, Kafka vẫn phát triển thứ tình cảm sai trái, nhục dục với chính mẹ và chị gái của mình, thậm chí trong giấc mơ có Sakura cậu còn không muốn dứt cơn tình đầy thỏa mãn. Dẫu kết truyện cho Kafka đường lui cùng danh hiệu cậu bé mười lăm tuổi dũng cảm nhất quả đất, tôi vẫn giữ quan điểm chính sự kiện quý cô Saeki trở lại khu rừng tận cùng khi “hòn đá cửa vào” lần nữa được mở ra bởi Nakata và Oshino, chính tình cảm cao quý của người mẹ đã đem Kafka trở về với thế giới thật để lần nữa sống trọn vẹn, can trường với tâm hồn đủ đầy. Không ai có thể giải thoát đứa con trai tội nghiệp ấy ngoài mẹ của nó, nhất là khi người cha tàn nhẫn, bệnh hoạn của Kafka đã luôn được sắp đặt như phép trừng phạt quý cô Saeki cho hành động tự ý mở cánh cửa không gian, gây náo loạn cuộc sống kẻ khác.

Kafka bên bờ biển đánh giá

Để bàn luận về tính sâu sắc cũng như ý nghĩa ẩn dụ sau từng tình huống được khéo léo tạo dựng, tôi không nghĩ vài trang là đủ. Như đã khẳng định ở đầu bài, Kafka Bên Bờ Biển không dành cho người vội, bởi từng câu chữ lẫn chi tiết đều đong đầy ý đồ cốt truyện lẫn nghệ thuật, ví như cuối quyển sách, nơi cánh rừng tận cùng thế giới là hình ảnh quý cô Saeki dùng chiếc cài tóc đâm vào tay và Kafka đến uống trọn dòng máu ngọt ngào bằng tất cả tôn trọng lẫn vị tha, cậu sẵn sàng ru quá khứ ngủ yên cốt để mang lại thanh thản cho tâm hồn cả hai mẹ con, đặt dấu chấm hết cho toàn bộ bi kịch, nhập nhằng đủ sức làm chồn chân mỏi gối bất cứ kẻ mạnh mẽ nào. Phân cảnh này hài hòa, thống nhất với chi tiết Oedipus kết thúc chuỗi nghiệt ngã bằng hành động dùng cài tóc của mẹ – lúc này là vợ – chọc mù mắt để mãi mãi chìm trong màn đêm thăm thẳm. Tính nhân văn, lạc quan được tác giả phát huy với đoạn kết thỏa mãn, phần nào bù đắp cho những nặng nề được gánh vác xuyên suốt cuốn tiểu thuyết chưa đầy 500 trang. Với riêng tôi, đây mãi là quyển sách phi thường, bởi bên cạnh ngôn ngữ được trau truốt tựa tranh vẽ, bữa tiệc nghệ thuật thịnh soạn hay mức độ phản ảnh xã hội sắc nét, còn là đại dương bạt ngàn của những kiến thức tầm cao và mãn nguyện hơn nữa là tất cả được lồng ghép tinh tế tạo nên tổng thể rất logic và hòa hợp, nhuần nhuyễn đến tuyệt vời.

Vẫn nhớ Kafka từng nằm giữa khu rừng u tịch, môi trường lí tưởng để phần tối nắm quyền tự trị, cậu đã mở mắt nhìn về phía cửa sổ và suy nghĩ: Im lặng thật ra cũng có thể được nghe thấy (Silence is something you can actually hear). Đó chính xác là cảm giác của tôi khi chậm rãi nghiền ngẫm Kafka Bên Bờ Biển trong không gian tập trung tĩnh lặng, ngoài cửa sổ mưa buông bức màn phảng phất. Phải, tôi nghe được tiếng lòng nhân vật lẫn nỗ lực hoàn thành tác phẩm với phần nội dung truyền tải khổng lồ, và trên hết, tôi nghe chính mình thì thầm tiếng cảm ơn xuyên suốt hành trình, bởi giá trị mà cuốn sách đem lại cho tôi là khó thể đong đếm.

Kafka bên bờ biển nói về gì?

Tiểu thuyết kể về câu chuyện của cậu bé Kafka Tamura, một đứa trẻ mọt sách 15-tuổi bỏ nhà ra đi vì phức cảm Oedipus, và Satoru Nakata, một ông già khuyết tật biết nói chuyện với mèo. Cuốn sách thể hiện âm nhạc như một liên kết giao tiếp, một thực thể siêu hình, giấc mơ, số phận và tiềm thức.

Kafka bên bờ biển có bao nhiêu chương?

Ngoài ra tác phẩm còn mang lại cho nhà văn Haruki Murakami giải thưởng văn học Frank Kafka vào năm 2006. Bản dịch tiếng Việt được Dương Tường hoàn tất và đưa ra công chúng vào năm 2007 với tổng cộng 531 trang sách được gói gọn qua 51 chương truyện.