Hình ảnh các di sản văn hóa bị phá hoại năm 2024

SKĐS - Dù đã là “chuyện thường ngày ở huyện” và nhiều lần dư luận lên án gay gắt, tuy nhiên, hành vi xâm phạm di sản bằng cách leo trèo, viết vẽ lên di tích lịch sử vẫn diễn ra như điều tất yếu ở nước ta. Gần đây, vấn đề này lại “nóng” khi trên các trang mạng xã hội xuất hiện những hình ảnh một số bạn trẻ trèo lên di tích quốc gia để chụp ảnh thỏa mãn nhu cầu “sống ảo”.

Muôn kiểu phá hoại

Di tích là di sản có giá trị cả về mặt tinh thần lẫn phát triển kinh tế, thế nên ở bất cứ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam, di tích cũng được trân quý và bảo tồn, gìn giữ. Tuy nhiên thực tế phản ánh, những năm gần đây, không ít di tích ở nước ta bị xâm hại đến mức đứng trước nguy cơ xóa sổ hoặc không thể phục hồi nguyên trạng. Đặc biệt, nhiều người trẻ vô tư xâm hại di tích chỉ để mục đích thỏa mãn nhu cầu cá nhân khiến dư luận dậy sóng nhiều phen, báo chí hao tốn giấy mực.

Mới đây, hình ảnh của các thành viên của nhóm “Đạp xe xuyên Việt” trèo lên di tích lịch sử quốc gia Hải Vân Quan (nằm giữa TP. Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế) để chụp ảnh bất chấp biển cấm xuất hiện trên mạng xã hội đã khiến nhiều người rất bức xúc. Theo đó, nhóm “Đạp xe xuyên Việt” dừng chân tại di tích lịch sử quốc gia Hải Vân Quan, 3 thành viên trong nhóm đã trèo lên di tích và chụp ảnh. Điều đáng nói, ngay tại di tích đã có biển cấm trèo nhưng 3 bạn trẻ này vẫn bất chấp tất cả để chụp ảnh “check in” theo trào lưu “sống ảo”. Thậm chí khi bị mọi người xung quanh nhắc nhở, một thành viên trèo lên di tích Hải Vân Quan còn bỏ ngoài tai, sau đó chụp ảnh và xả rác bừa bãi. Ngay khi hình ảnh, sự việc này lan truyền khắp diễn đàn mạng đã khiến cộng đồng dậy sóng vì hành động thiếu văn hóa của các bạn trẻ. Trước sự chỉ trích của dư luận, đại diện của nhóm “Đạp xe xuyên Việt” đã lên tiếng xin lỗi về hành vi một số bạn trẻ đã trèo lên di tích Hải Vân Quan để chụp ảnh tạo ra hình ảnh phản cảm.

Bất chấp biển cấm trèo bên cạnh, 3 bạn trẻ vẫn leo lên Di tích lịch sử quốc gia Hải Vân Quan để chụp ảnh “sống ảo” khiến dư luận bức xúc.

Trước đó không lâu, dư luận phẫn nộ với nhiều hình ảnh cho thấy một số cặp đôi trong trang phục áo cưới đã trèo lên nóc những ngôi nhà cổ ở Hội An (Quảng Nam) để chụp ảnh. Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Hội An ngay sau đó đã vào cuộc xác minh và cho biết, một số cặp đôi đã chọn những ngôi nhà ở đường Trần Phú để chụp ảnh làm kỷ niệm, nhưng đã leo lên mái nhà để bộ ảnh trở nên lãng mạn, lung linh và khác với mọi người. Tuy nhiên, hành động này đã trực tiếp phá hỏng không gian, kiến trúc phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới đã được UNESCO công nhận năm 1999. Theo đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Hội An, việc các bạn trẻ trèo lên mái những nhà cổ để chụp ảnh đã làm hư hỏng một số cấu kiện, mái ngói âm dương có tuổi đời hàng trăm năm.

Thực tế cho thấy, nhiều sự việc “phá” di tích, di sản đến từ sự vô ý thức của một bộ phận người trẻ, đặc biệt hành vi viết, vẽ bậy lên di tích từng trở thành vấn nạn. Tại bia đá Núi Bài Thơ (Quảng Ninh); các điểm thờ tự, vách của phiến đá chùa Bửu Phong (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai); tháp Hòa Phong, tháp Bút - đền Ngọc Sơn, nhà Thái Học Quốc Tử Giám (Hà Nội); nhà tù Côn Đảo (Vũng Tàu); Chùa Thiên Mụ, di tích Văn Miếu (Thừa Thiên Huế); bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng)...chi chít những dòng chữ được giới trẻ khắc nguệch ngoạc, hình vẽ bằng bút tẩy với những ký hiệu và hình thù quái dị.

Cần giáo dục từ trong nhà trường

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính đến năm 2014, Việt Nam có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Các chuyên gia đánh giá, di tích có ý nghĩa đặc biệt, là minh chứng về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thông qua hệ thống di tích giúp cho con người biết được cội nguồn của dân tộc mình, hiểu về truyền thống lịch sử, đặc trưng văn hóa của đất nước và do đó có tác động ngược trở lại tới việc hình thành nhân cách con người. Bên cạnh đó, trong đời sống xã hội ngày một phát triển, di tích có những giá trị kinh tế to lớn, đây là một nguồn lực sẵn có để phát triển du lịch. Nếu được khai thác, sử dụng tốt, di tích sẽ góp phần không nhỏ cho việc phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, từ “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” ở trên phản ánh, ý thức trong việc bảo tồn, gìn giữ các di tích, di sản văn hóa của một bộ phận bạn trẻ còn yếu kém. Theo TS. Phạm Quốc Quân - thành viên Hội đồng di sản Việt Nam, để xảy ra tình trạng này một phần thuộc về giáo dục. Chính sự thiếu hụt trong giáo dục làm cho những người trẻ ngày nay thiếu đi thái độ ứng xử văn minh với di sản. Vì thế, để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, chúng ta cần bắt đầu từ giáo dục, cần phải đưa vào giáo dục nhân cách, hành xử văn hóa, tôn trọng những giá trị di sản văn hóa ngay từ nhà trường để xây dựng nhân cách văn hóa cho người Việt Nam.

Chủ đề