Giáo trình tập luyện nunchaku okinawa

Nunchaku là thuật ngữ võ học Nhật Bản, chỉ loại vũ khí đơn giản và gọn nhẹ nhưng vô cùng lợi hại trong tay kẻ thiện nghệ lúc cần phòng vệ hay tấn công. Lâu nay, loại khí giới ấy vẫn thường xuất hiện trên phim ảnh lẫn giữa đời thực với dạng hai thanh gỗ dài bằng nhau được nối liền bởi đoạn xích sắt, nên nhiều người quen gọi “đoản côn nhị khúc”, vắn gọn hơn là “nhị khúc”. Gọi vậy chính xác chưa? Liệu võ cổ truyền Việt Nam có binh khí gì tương tự?

Giáo trình tập luyện nunchaku okinawa

1

Trong võ đường Karate-dō, tập luyện kỹ thuật chiến đấu bằng tay chân trần thật nhuần nhuyễn là vô cùng quan trọng, đúng y ý nghĩa từ nguyên tiếng Nhật của tên môn phái: からてどう / 空手道 / Không Thủ Đạo. Tuy nhiên, tùy trình độ đai đẳng thấp cao mà võ sinh Karate còn được rèn giũa thêm cách sử dụng lẫn hóa giải một số món binh khí truyền thống. Chẳng hạn ken – kiếm dài, sai – kiếm ngắn với hai mấu gần chuôi, bo – trường côn, nibo – đoản côn rời, nunchaku – đoản côn gồm nhiều đoạn liên kết.

Nhiều người thường gọi nunchaku là “đoản côn nhị khúc”, “côn nhị khúc”, gọn hoá thành “nhị khúc”. Cũng có tài liệu ghi “lưỡng tiết côn” và “song tiết côn”. Gọi vậy bởi thấy phổ biến nhất là nunchaku gồm đôi thanh gỗ dài bằng nhau và được nối liền bởi một đoạn xích sắt hoặc dây nilon. Thực tế, nếu gọi chung, cách chuyển ngữ như thế hoàn toàn thiếu chuẩn xác, bởi nunchaku tồn tại rất nhiều dạng khác biệt. Không chỉ nunchaku hai (nhị / song / lưỡng) khúc, mà còn có nunchaku ba khúc: san-setsu-kon nunchaku. Lại có cả nunchaku bốn khúc: yon-setsu-kon nunchaku.

Giáo trình tập luyện nunchaku okinawa

Nunchaku 3 khúc / San-setsu-kon nunchaku

Ngay nunchaku hai khúc cũng lắm hình thái. Có dạng hai khúc đều tiện tròn: maru-gata nunchaku. Có dạng hai khúc hình bát giác: hakakukei nunchaku. Dạng phối hợp là một thanh tròn với một thanh bát giác. Có loại thoạt nhìn ngỡ “đoản côn nhất khúc”, nhưng kỳ thực là hai thanh gỗ bán nguyệt áp vào nhau: han-kei nunchaku. Tạm gọi đây là “âm dương côn” hoặc “uyên ương côn”. Bốn dạng nunchaku vừa nêu đều gồm đôi thanh gỗ bằng nhau chằn chặn, mỗi thanh thường dài tương ứng số đo từ cùi chỏ đến lòng bàn tay chủ nhân. Ngoài ra, còn có cả loại nunchaku hai khúc không bằng nhau, mà thanh dài với thanh ngắn: so-setsu-kon nunchaku. Tạm gọi đây là “mẫu tử côn” hoặc “phụ tử côn”.

Tại sao vũ khí này mang tên nunchaku? Mở đầu sách Kỹ thuật nunchaku (NXB Linh Trường, Sài Gòn, 1974), Nguyễn Văn Quang – võ sư huyền đai đệ tứ đẳng Karate – cho rằng đấy là sự kết hợp 8 mẫu tự đầu tiên của 8 từ. N là viết tắt từ nunchaku. U do từ unrelengting (cứng rắn). N do từ nation (quốc gia). C do từ care (cẩn thận). H do từ holocaust (sự phá hủy / sự tàn sát). A do từ adherance (sự kết chặt). K do từ Karate do (Không Thủ Đạo). U do từ uniformity (sự đồng nhất). Dễ thấy rằng cách giải thích đó quá khiên cưỡng và hình thành muộn mằn về sau. Vì chẳng lẽ một danh từ tiếng Nhật xa xưa lại được cấu trúc bởi loạt từ tiếng Anh viết tắt?

Giáo trình tập luyện nunchaku okinawa

Tập luyện nunchaku

Hầu hết sách báo đề cập về vũ khí đặc sắc này, như cuốn Nunchaku – entrainement dynamique (Nunchaku – động thái rèn luyện) do võ sư Nhật Bản huyền đai đệ bát đẳng Karate là Hirokazu Kazuzawa biên soạn bằng tiếng Pháp và ấn hành tại Paris năm 1985, thì nunchaku là một khí giới cổ truyền xuất xứ từ hải đảo Okinawa. Khoảng ba thế kỷ rưỡi trước đây, Okinawa – còn gọi là Xung Thằng – bị các lãnh chúa Nhật chiếm đóng. Họ cấm dân địa phương cất giữ và sử dụng những loại vũ khí như súng, gươm, giáo, mác. Để tự vệ, người dân quay sang tập chiến đấu bằng tay chân trần theo môn võ bí truyền gọi là Kempo, tức nguồn gốc của Karate hiện đại. Người dân còn linh hoạt biến các nông cụ thành vũ khí phòng thân. Cái chĩa ba hóa ra đoản kiếm. Cặp chày giã hạt, hóa ra cặp đoản côn gọn gàng, xinh xắn, ngỡ như món đồ chơi, song lâm sự lại trở nên lợi hại cực kỳ, đó là nunchaku, chữ Nhật ghi ヌンチャク.

Hai thanh gỗ thoạt tiên được nối với nhau bằng mẫu dây thừng bện bởi lông đuôi ngựa, sau được thay bằng dây da hoặc xích sắt, đủ khả năng tung lắm chiêu thức vừa uy mãnh vừa ngoạn mục, thừa sức khống chế đối phương. Theo đà phát triển, nunchaku được nghiên cứu biến cải, tạo nên cả “xêri” gồm nhiều dạng khác nhau. Dĩ nhiên, mỗi dạng nunchaku đòi hỏi kỹ năng, kỹ pháp sử dụng tương ứng.

Giáo trình tập luyện nunchaku okinawa

Tập luyện nunchaku

Kinh nghiệm cho thấy nên chọn loại gỗ vừa cứng vừa dẻo mới làm nunchaku đạt yêu cầu. Sồi, mun, lim, cẩm lai, v.v., khá phù hợp. Còn kiền kiền hoặc gỏ / gụ tuy rắn nhưng dễ gãy. Thau lau chỉ dùng được thời gian đầu, sau sẽ khô và nhẹ. Nhằm tăng mức đả thương, có tay bịt kim loại phần mút (kotai) các thanh gỗ nữa! Muốn bảo quản đúng phương pháp, mỗi tháng đôi lần cần lau chùi kỹ nunchaku bằng dầu ôliu.