Diện tích hồ tây rộng bao nhiêu năm 2024

Hồ Tây từ lâu đã trở nên gần gũi, thân quen với nhiều thế hệ người Việt Nam và cả du khách nước ngoài (Ảnh: Haipn)

Các bạn thân mến, trong số trước của chương trình BXDV, chúng ta đã tìm hiểu một vài câu chuyện truyền thuyết liên quan đến những tên gọi đầu tiên của Hồ Tây. Qua một vài nét phác họa lịch sử đó, chúng ta dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt vời của hồ Tây theo thời gian. Dù đã trải qua hàng nghìn năm tồn tại, cho đến ngày nay, Hồ Tây vẫn luôn là nơi hội tụ sự linh thiêng, cổ kính và dệt nên phong cảnh hữu tình cho không gian thủ đô.

Trên hành trình khám phá lịch sử Hồ Tây hôm nay, chúng ta tiếp tục được thả hồn mình , cảm nhận vẻ đẹp của Hồ Tây qua những truyền thuyết, những huyền tích mà bao thế hệ người dân sống quanh đây vẫn kể lại cho nhau nghe. Và trước hết sẽ là câu chuyện truyền thuyết được gợi mở từ Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến – báo Hà Nội Mới – khách mời của chương trình:

Nội thường được mệnh danh là thành phố của những hồ nước, trong số hàng chục hồ lớn nhỏ thì Hồ Tây là lớn nhất, với diện tích trên 500 ha và đường ven hồ dài tới 18 km. Hồ Tây tựa như một sân khấu khổng lồ soi bóng mây trời và cảnh quan thành phố. Sân khấu này thay đổi một cách ngoạn mục theo thời tiết, lúc xanh lúc xám, lúc sáng lúc tối… và trở nên thăng hoa nhất vào những thời điểm cuối ngày khi ánh hoàng hôn trộn với ánh đèn đô thị tạo nên một khung cảnh cực kỳ huyển ảo, thơ mộng.

Nhìn qua con đường Thanh Niên, phía bên bờ kia, Hồ Trúc Bạch sóng nước êm đềm, hàng liễu rủ thướt tha, cây cối um tùm, tươi tốt, rợp bóng mát khi hè về. Lại thêm mấy gốc si già, gốc đa cổ kính rêu phong chứng kiến nhiều huyền thoại dệt nên truyền thuyết về kinh đô Thăng Long - Hà Nội.

Nhiều người lần đầu đến Hà Nội hoặc đi xa trở về đều tìm đến Hồ Tây để cảm nhận hơi thở cuộc sống ở mảnh đất ngàn năm văn hiến. Nếu có dịp đến Hồ Tây, bạn nên kết hợp đi tham quan một số di tích văn hóa, lịch sử như chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ… để có thêm nhiều trải nghiệm thú vị:

“Hồ Tây thì nói chung các cô cũng có thể đi bộ, thế và cũng có thể gửi xe để thong dong đi chơi. Hoặc là vào các quán cà phê ăn bánh tôm. Cuộc sống không gian ở đây nói chung cũng rất là tuyệt vời. Đây nó là một nơi thư giãn cho tất cả mọi lứa tuổi, gọi là đường thanh niên nhưng mà nó dành cho không phải chỉ riêng thanh niên mà tất cả mọi lứa tuổi vì ở cái khu này có rất nhiều địa điểm vui chơi ăn uống, nói chung nó cũng rất là vui cho mọi tầng lớp nữa. Thế nên cô thấy nơi này là nơi thư giãn khá là đẹp, về cảnh và về những cái mà để cho mình trong một ngày làm việc mệt nhọc mình có thể giải tỏa những cái mệt nhọc của mình.”

Diện tích hồ tây rộng bao nhiêu năm 2024

Nằm giữa hồ Tây và Trúc Bạch, đường Thanh Niên lâu nay trở thành điểm hẹn của nhiều người (Ảnh: Zing.vn)

Hồ Tây gần gũi và thân thuộc với con người Hà Nội là thế, để mỗi khi mệt mỏi, ai đó lại muốn tìm về như để tiếp thêm nguồn dưỡng khí trong lành. Tuổi thơ của rất nhiều người dân nơi đây đã được tắm mát bởi những truyền thuyết được dệt lên từ vùng nước mênh mông huyền ảo này.

Hay với những người cao tuổi, niềm vui sống của họ cũng như được nhân lên khi được kể cho những đứa cháu nhỏ với đôi mắt đen láy về câu chuyện ngày xưa của vùng đất này. Lịch sử cứ thế tiếp nối và được nâng niu, gìn giữ trong tâm hồn con người nơi đây bao thế hệ.

Hồ Tây là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có bề dày văn hóa lịch sử lâu đời với người Tràng An. Dẫu có nhiều sự đổi thay về tên gọi theo dòng lịch sử nhưng vẻ đẹp của Hồ Tây từ khoảng thời gian nửa cuối thế kỷ 20 trở về trước gần như không có sự thay đổi nào đáng kể. Khi đất nước đổi mới, đặc biệt là bước sang thế kỷ 21, Hồ Tây cũng nằm trong guồng quay chung của quá trình đô thị hóa với những sự biến đổi đến ngỡ ngàng.

Với một người dân như Bà Nguyễn Thị Phượng, nhà ở phố An Dương tuy không được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng nhật ký cuộc đời bà đã có ba phần tư số trang gắn với mảnh đất này thì sự đổi thay của Hồ Tây gợi lên nhiều sự nuối tiếc và xót xa. Càng soi vào những ký ức mà bà đã có với Hồ Tây, càng thấy vẻ đẹp Hồ Tây thực sự như trong truyền thuyết thuở nào.

\>>> Hồ Tây – Tâm thức của Hà Nội

Ngoài 50 tuổi, bà mang đồ nghề ra bán nước bên đường Thanh Niên. Ngần ấy thời gian gắn bó với nơi này, chứng kiến bộ mặt thay đổi của hồ như hiện nay, nhìn những đàn cá bất động trên mặt nước, oằn mình há mõm dưới vòng quay xe rác, nằm chồng lên nhau lớp lớp trắng xóa khổng lồ, bà cảm giác tim mình nhói đau, nhớ lại kí ức ngày bé. Bà Phượng nói:

“Cái lúc cô còn bé độ 13-14 tuổi là học ở nhà quê xong nghỉ hè thì ra đây với bố. Chị em ra ngoài này thì ối giời ơi hôm nào mà mưa rào thì khi hồ cả hai bên đều thoai thoải chưa kè như này đâu, nếu sáng sớm có trận mưa rào mà đi ra đây tập thể dục thì phải bao nhiêu cá rô từ trên hồ nó trèo lên. Mặc hai áo xong phải cởi quần áo ra bọc cá, rất nhiều cá. Lúc bấy giờ nước hồ sạch lắm, xuống hồ chơi chán xong chạy lên cho mồm xuống hồ uống nước, nước hồ sạch lắm.”

Hồ Tây chỉ hai ba chục năm trước thôi vẫn rộng mênh mông, sóng vỗ ào ào như biển, màu xanh cổ chai, thỉnh thoảng lén đứng gần mấy bậc thang bà còn trông thấy cả ốc bò trên đá. Nước hồ ngày xưa sạch mát, vục vào rửa tay chẳng thấy tanh, cũng không một cọng rác, cùng lắm thì thi thoảng mới thấy xác lá rữa, hoặc cành cây khô. Bà hồn hậu, hào hứng kể chuyện như vừa mới hôm qua, chẳng hiểu sao cá ở hồ Tây hồi đó ăn ngon lắm, thịt thơm lừng, chắc ngọt, vì thế nên người ta mới đổ xô đi câu. Vậy mà nhìn lại cảnh bây giờ, cả chục tấn cá Hồ Tây trước mắt không ai dám mổ, thật éo le, giọng bà cũng như chùng xuống:

“Bây giờ nước bẩn ô nhiễm nhiều. Cá thì người ta thả mới có, không có thì không có. Bây giờ có cá đâu mà leo, mới lại cách đây mười hai mươi năm thì cá trên hồ rất là nhiều để hớt tôm Hồ Tây, nhiều lắm. Có người hớt từ 4 đến 5 cân tôm kềnh ấy nhưng bây giờ nó không có. Bây giờ nó mất rồi, nếu người nào chịu khó cũng hớt được 3 lạng. Ô nhiễm môi trường làm nó không thể sinh sôi được”

Bà Phượng còn kể nghe đâu ở hồ còn có truyền thuyết cá trắm khủng nặng vài trăm cân làm bao người mất ăn mất ngủ nghĩ cách câu lên. Đủ thứ chuyện huyền ảo được thêu dệt về những bí ẩn dưới lòng hồ, gắn với cuộc sống mưu sinh và đời sống tinh thần của người dân Hà Nội, cùng với lịch sử tồn tại của Hồ Tây đủ khiến nó trở thành một phần hồn thiêng thủ đô, sống trong tiềm thức người dân Hà Nội với ý nghĩa tâm linh văn hoá không khác gì Hồ Gươm, tháp Rùa. Cách đây vài trăm năm, vua chúa còn đi thuyền vãn cảnh với truyền thuyết hồ sương mù được dân gian truyền tụng khắp chốn, chim bay quanh cả ngày không hết mặt hồ tây, bóng dáng sâm cầm tỏ mờ trong sương khói và những áng thi ca còn mãi với thời gian… Còn giờ đây, Hồ Tây dù vẫn rộng lớn, vẫn mờ sương nhưng hình ảnh hiện lên rõ nét lại là các tòa nhà cao tầng, nhà hàng, khách sạn sang trọng, những du thuyền, ca nô lao nhanh trên sóng nước.

Cuộc sống hiện đại và công nghệ, khoa học giúp con người làm chủ thiên nhiên tốt hơn, nhưng dường như vì thế mà cũng không còn nhiều chỗ cho tâm hồn con người cất cánh cùng với những truyền thuyết, những câu chuyện tưởng tượng đầy huyền bí và li kỳ nữa. Ai cũng có kỉ niệm về danh thắng này với những dấu ấn riêng. Mỗi tâm hồn lại tưởng nhớ về hồ Tây theo các cách khác nhau. Song, hy vọng, Hồ Tây dù có bị đổi thay thế nào thì nơi này vẫn mãi là nàng thơ dịu dàng tình tứ trong lòng Hà Nội cố kính và yêu thương.