Đánh giá chât lượng hoạt động củahội đồng nhân dân năm 2024

Nâng cao năng lực của từng đại biểu HĐND là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nói chung và năng lực thực hiện chức năng quyết định của HĐND nói riêng. Do đó, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai xác định, cần có sự tác động để mỗi đại biểu phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, trong đó, tác động quan trọng là đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu. Việc đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu và tổ chức HĐND đã được triển khai thực hiện từ nhiệm kỳ 2006 - 2011.

Nhiệm kỳ 2011 - 2016, việc đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu và tổ chức HĐND tỉnh Đồng Nai tiếp tục được duy trì. Đây vừa là cơ sở xem xét, đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ; vừa là cơ sở để HĐND bình xét khen thưởng, Hội đồng xem xét, quyết định mức độ hoàn thành nhiệm vụ, các hình thức khen thưởng cho đại biểu, tổ chức HĐND hàng năm và cả nhiệm kỳ. Trong nhiệm kỳ này, các tiêu chí hướng dẫn đánh giá tiếp tục được hoàn chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế. Để thực hiện việc đánh giá, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai đã xây dựng Bản hướng dẫn đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu và các tổ chức HĐND tỉnh (Thường trực, các ban, các tổ đại biểu HĐND tỉnh). Nội dung, các tiêu chí đánh giá được gửi đến các đại biểu đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh.

Bản hướng dẫn đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu và tổ chức HĐND chi tiết đến từng hoạt động cụ thể của đại biểu và của Thường trực, các ban, tổ đại biểu. Tùy tính chất, mức độ quan trọng của mỗi hoạt động hoặc điều kiện hoạt động của đại biểu là chuyên trách hay không chuyên trách, sẽ được định lượng bằng một số tiêu chí khác nhau với số điểm tương ứng.

Việc chấm điểm chi tiết từng hoạt động đã thể hiện khá rõ nét các ưu điểm trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND. Trước hết, bảng chấm điểm là một hình thức nhắc việc hiệu quả đối với Thường trực, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh về trách nhiệm phải thực hiện những công việc gì; mức độ quan trọng của công việc đó xét trong tổng thể hoạt động HĐND như thế nào; cần ưu tiêu cho những hoạt động nào. Hình thức nhắc việc này bảo đảm ngắn gọn, cô đọng, dễ nhớ, dễ theo dõi, dễ đối chiếu và đánh giá.

Thứ hai: xác định rõ hoạt động HĐND không thể mang tính hình thức; nếu đại biểu hoặc tổ chức nào hoạt động hình thức sẽ có đánh giá tương xứng, từ đó buộc đại biểu phải hoạt động và hoạt động hiệu quả. Điều này thể hiện qua các tiêu chí chấm điểm. Cụ thể, đối với đại biểu là: việc tham gia đầy đủ các kỳ họp; tham gia phát biểu, chất vấn tại kỳ họp hoặc tổ thảo luận; tham gia giám sát của tổ đại biểu 4 lần/năm và các cuộc giám sát do Thường trực, các ban HĐND tổ chức; tham gia TXCT, trong đó TXCT nơi cư trú ít nhất 1 lần/năm; tiếp công dân theo lịch tiếp của Thường trực và của tổ đại biểu; trách nhiệm tham dự các kỳ họp của HĐND cấp huyện nơi đại biểu ứng cử; việc tham gia các hội thảo, họp chuyên đề, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật theo kế hoạch của Thường trực HĐND tỉnh… Đối với tổ chức HĐND: việc xây dựng chương trình, kế hoạch; thực hiện chế độ thông tin báo cáo; duy trì sinh hoạt định kỳ; thực hiện giám sát theo chương trình, kế hoạch; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát; chất lượng, tiến độ công tác thẩm tra báo cáo, đề án, tờ trình; việc cho ý kiến giữa 2 kỳ họp HĐND; xây dựng lịch và bố trí cho đại biểu tiếp công dân; tổ chức TXCT…

Thứ ba: tạo động lực thi đua phấn đấu giữa các tổ chức HĐND và đại biểu HĐND. Căn cứ bảng chấm điểm và thực tế hoạt động của đại biểu, các tổ chức của HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND theo dõi và kịp thời nhắc nhở để cá nhân, tổ chức không được lơ là với hoạt động HĐND và phải kịp thời tăng cường hoạt động của mình để không tạo sự cách biệt lớn so với các đối tượng khác.

Thứ tư: bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, khách quan, chính xác trong đánh giá hoạt động của HĐND.

Để đánh giá hoạt động HĐND, Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai thành lập Hội đồng đánh giá chất lượng hoạt động của HĐND, các ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh. Việc tổ chức đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu và các tổ chức HĐND tỉnh thực hiện mỗi năm một lần. Thời điểm tổ chức đánh giá trước ngày 10.11 hàng năm. Mốc thời gian đánh giá được tính từ ngày 31.10 năm trước đến 31.10 năm sau. Hàng năm, Hội đồng đánh giá chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh tổ chức họp đánh giá trước ngày 20.11; Chủ tịch HĐND tỉnh ban hành Quyết định công nhận trước ngày 30.11 để có kết quả đánh giá thông báo tại kỳ họp cuối năm của HĐND.

Về quy trình đánh giá, từng đại biểu HĐND tỉnh tự chấm điểm và phân loại chất lượng hoạt động của mình theo phiếu đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND được quy định. Tập thể tổ đại biểu HĐND tỉnh họp để chấm điểm và phân loại chất lượng hoạt động của từng đại biểu HĐND thuộc tổ theo phiếu đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND; đồng thời tập thể đánh giá và thống nhất chấm điểm, phân loại chất lượng tập thể. Đối với các tổ chức HĐND, bao gồm: Thường trực, các ban và tổ đại biểu, căn cứ bảng điểm sẽ tự đánh giá kết quả hoạt động của tổ chức mình. Kết quả đánh giá của tổ chức và cá nhân trình Hội đồng đánh giá xem xét.

Căn cứ kết quả đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu và các tổ chức HĐND tỉnh do Hội đồng đánh giá chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh đề xuất, Chủ tịch HĐND tỉnh ban hành Quyết định công nhận chất lượng hoạt động của đại biểu và các tổ chức HĐND tỉnh trong năm. Kết quả hàng năm sẽ phục vụ cho việc đánh giá cả nhiệm kỳ.

Để công tác khen thưởng thực sự ý nghĩa, kịp thời động viên, khích lệ những cá nhân và tập thể có thành tích nổi trội, tạo động lực thi đua, phấn đấu, HĐND tỉnh Đồng Nai quy định tỷ lệ xét khen thưởng, do đó tránh được tình trạng khen đại trà và tính hình thức; bảo đảm chỉ khen thưởng đối với đại biểu và các tổ chức có thành tích xuất sắc trong hoạt động HĐND. Việc đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu và các tổ chức HĐND tỉnh Đồng Nai luôn bảo đảm tính công khai, dân chủ quyền tự đánh giá của mỗi đại biểu, mỗi tổ chức, thông qua Hội đồng đánh giá chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Chính vì vậy, kết quả đánh giá hàng năm luôn nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các tổ chức và cá nhân đại biểu HĐND tỉnh.

Ngoài triển khai ở cấp tỉnh, HĐND cấp huyện cũng vận dụng cách làm trên trong việc đánh giá chất lượng hoạt động của HĐND cấp mình. Qua đó, tác động tích cực đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử địa phương.